Pháo tự hành Nga: Những "loài hoa" thần chết trên tuyến lửa
Theo Dân Việt | 26/04/2013 11:30Thường được đặt tên theo các loài hoa nhưng pháo tự hành của Liên Xô trước kia và Nga hiện tại, thực sự là những cỗ pháo đầy uy lực trên chiến trường. Đó là những "loài hoa" mà đối phương không bao giờ muốn gặp.
“Trăm hoa đua nở”
Pháo tự hành ASU-85A.
Một số hạn chế không thể khắc phục của pháo phản lực trong điều kiện tác chiến hiện đại chính là khoảng trống để những cỗ pháo tự hành lấp đầy.
Đã có lúc, giới quân sự đánh giá pháo phản lực (pháo đa nòng) hoàn toàn thay thế pháo binh truyền thống. Tuy nhiên, thực tế chiến trường chưa bao giờ loại bỏ được loại vũ khí này bởi ưu điểm về hỏa lực mạnh, độ chính xác cao, việc sử dụng và bảo quản đơn giản, thích hợp với nhiều yêu cầu chiến thuật…
Do đó, từ những năm 1960, vị trí của những cỗ pháo một nòng được phục hồi và chú trọng phát triển, đặc biệt là pháo tự hành, được coi là những khẩu đại bác được đặt trên bánh xích.
Trong xu thế này, Liên Xô, vốn có nhiều viện thiết kế thiết kế tăng – thiết giáp trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng, đã cho ra đời nhiều mẫu pháo tự hành. Gần như, loại khung gầm xe tăng, thiết giáp nào của Liên Xô cũng được các nhà thiết kế tìm cách đặt lên đó những khẩu pháo với kích cỡ phù hợp.
Vậy nên, có thể nói, Liên Xô và Nga ngày nay có nhiều mẫu pháo tự hành nhất thế giới, trong đó có loại đặc chủng như ASU-85 có thể thả từ máy bay, dành cho các nhiệm vụ đổ bộ đường không hay pháo tự hành Koalitsiya-SV với thiết kế 2 nòng rất ấn tượng.
Pháo tự hành Koalitsiya-SV với thiết kế 2 nòng rất ấn tượng.
Thường được đặt tên theo các loài hoa nhưng pháo tự hành của Liên Xô thực sự là những cỗ pháo đầy uy lực. Điển hình là mẫu Kondensator 2P, được phát triển vào cuối những năm 1950, là sự kết hợp giữa khung gầm của xe tăng T-10 với nòng pháo cỡ 408mm, ngang ngửa với pháo hạm thời thế chiến. Kondensator 2P là câu trả lời của Liên Xô với pháo bắn đạn hạt nhân cỡ nòng 280mm của Mỹ.
Điểm nhấn trong các cuộc duyệt binh
Tuy nhiên, cỡ nòng lớn không phải là hướng phát triển chính của pháo tự hành. Với loại vũ khí này, các nhà sản xuất chú trọng tới khả năng cơ động, tính linh hoạt khi tác xạ… Những ưu điểm này có thể nhận thấy ở 2S19 Msta-S, loại pháo tự hành thường xuất hiện và gây ấn tượng mạnh bởi kích thước đồ sộ trong các buổi duyệt binh trên quảng trường Đỏ.
Các cỗ đại bác trên bánh xích 2S19 Msta-S trong lễ duyệt binh.
Msta-S sử dụng khung gầm xe tăng T-80 và động cơ của xe T-72, có thể hoạt động bằng 6 loại nhiên liệu, trong đó có cả xăng, xăng máy bay và nhiên liệu dẫn xuất từ cồn… Pháo trang bị cho Msta-S là loại có cỡ nòng 152mm, có thể được nạp đạn ở chế độ tự động hoặc thủ công, ở mọi góc nâng.
Tùy vào nhiệm vụ, pháo này có thể bắn nhiều loại đạn với tốc độ bắn tối đa 8 phát/phút, tầm bắn tối đa đạt 50 km (tùy thuộc vào đạn). Msta-S được trang bị hệ thống ngắm bắn đồng bộ gồm các thiết bị hiển thị biểu tượng số hóa, bộ thiết bị thu tín hiệu định vị, dẫn đường vệ tinh.., cho phép phản pháo với các tham số tự động hiệu chỉnh.
Nhiệm vụ của Msta-S rất phong phú, từ chế áp tiêu diệt các mục tiêu đối phương tới tiêu diệt các phương tiện hạt nhân chiến thuật, các đại đội pháo, cối, cũng như phương tiện phòng không...
Nhiệm vụ của Msta-S rất phong phú.
Không những thế, các tổ hợp này còn sử dụng hỏa lực để củng cố trận địa hay chốt phòng ngự, hoặc bắn kiềm chế hướng vận động của bộ binh cơ giới và tăng thiết giáp đối phương trên chiến trường.
Pháo tự hành 2 nòng
Dựa vào thiết kế của Msta-S, các nhà sản xuất cố gắng lắp thêm 1 nòng nữa vào tháp pháo, để cho ra pháo tự hành Koalitsiya-SV. Mục đích của thiết kế này nhằm ắn hai mục tiêu ở khoảng cách khác nhau cùng một lúc (dựa trên thay đổi liều phóng của đạn). Ngoài ra, với 2 nòng pháo có hệ thống nạp đạn tự động hoạt động độc lập, nếu một nòng pháo gặp trục trặc thì nòng còn lại vẫn có khả năng hoạt động bình thường.
Pháo tự hành 2 nòng Koalitsiya SV trong xưởng chế tạo.
Do thời gian sử dụng mỗi nòng pháo được chia đôi, độ bền của chúng cũng tăng gấp đôi và ít yêu cầu bảo dưỡng, thay thế khi thực chiến. Điều này giúp giảm kíp vận hành của Koalitsiya-SV xuống chỉ có 2 người.
Hệ thống nạp đạn tự động thông minh của khẩu pháo này cho phép chọn loại đạn (đạn trái phá, đạn cháy hay đạn khói) trong thời gian cực ngắn.
Ngoài ra, hệ thống này có thể nạp đạn ở bất kỳ góc bắn nào và giúp khẩu pháo có tốc độ bắn duy trì lên đến 16 phát/ phút, nhanh hơn rất nhiều so với pháo tiêu chuẩn như MSTA-S (6-8 phát/phút), M-109A6 của Mỹ (4 phát/phút), AS-90 của Anh (6 phát/phút) hay Pzh-2000 của Đức (10 - 13 phát/ phút).
Thậm chí, nếu sử dụng loại đạn dẫn đường Krasnopol, khẩu pháo này có thể tiêu diệt hai mục tiêu cùng lúc ở hai phía khác nhau.
Thời vang bóng
Tuy hiện đại nhưng Msta-S chưa trải qua thực chiến nhiều. Nếu nói đến chiến tích của pháo tự hành Nga, phải kể tới những loại pháo tự hành đời trước như 2S1 Gvodzika (“Hoa cẩm chướng”), 2S3 Akatsiya (“Hoa keo”) hay 2S4 Tyulpan (“Hoa uất kim hương”, hay "Hoa Tuy líp").
Các mẫu pháo này đều được giới quân sự Liên Xô đánh giá cao trên chiến trường Afghanistan những năm 1980, nhờ khả năng bắn phá hiệu quả các mục tiêu ẩn nấp trên cao hoặc trú ẩn trong hang động, một chiến thuật điển hình của du kích Mujahideen.
Pháo tự hành 2S3 Akatsiya hành quân.
Lịch sử cuộc chiến Afghanistan ghi nhận, vào tháng 6.1985, ở thung lũng Pandshir, dưới sự chỉ huy của thượng úy A. Beletskyi, một chiếc 2S4 đã nã liền 12 phát đạn, diệt gọn 1 đồn trú ẩn của lực lượng Mujahideen dưới quyền Ahmed Shah Masood-người sau này là lãnh đạo lĩnh liên minh phương Bắc trong cuộc nội chiến với Taliban.
Còn 2S1 Gvodzika, với khả năng định sẵn 2 tầm bắn rất linh hoạt, có thể nhanh chóng bắn đuổi các mục tiêu ở khoảng cách xa nhau, thích hợp trong các cuộc truy quét phiến quân.