APK là gì?
Nếu bạn đang sử dụng smartphone Android, chắc hẳn bạn đã nghe nói tới thuật ngữ "APK". Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn đọc khái niệm APK là gì, đồng thời giải đáp một số thắc mắc liên quan tới APK.
APK là gì?
APK viết tắt từ cụm từ tiếng Anh "Android application package" có nghĩa là bộ cài đặt ứng dụng trên hệ điều hành Android. File APK thực chất là file nén ZIP dựa trên định dạng JAR sử dụng phần mở rộng là *.apk. Hiểu một cách đơn giản các file APK là các file bộ cài đặt phần mềm ứng dụng dành cho thiết bị Android.
Cách tải file APK để cài đặt phần mềm
Google cung cấp sẵn cho người dùng thiết bị Android kho ứng dụng Google Play để dễ dàng tải về và cài đặt các ứng dụng cần thiết. Tuy nhiên đối với Google Play, sau khi cài xong ứng dụng, người dùng cũng không có cách nào lưu lại file APK để cài đặt lần sau vì thế mỗi lần muốn cài ứng dụng bạn đều phải truy cập vào Google Play để tải về.
Để tải các file APK trực tiếp từ Google Play về máy tính, bạn có thể sử dụng phần mềm Real APK Leecher. Bạn làm theo hướng dẫn sau đây:
1. Tải về máy tính phần mềm Real APK Leecher tại đây.
2. Real APK Leecher là phần mềm chạy trên nền JAVA, nếu máy tính của bạn chưa cài Java Runtime Environment(JRE) hoặc JDK có thể tải về tại đây và cài đặt.
3. Sau khi cài đặt xong JAVA, tiến hành cấu hình cho Real APK Leecher theo từng bước như sau:
Nhập tài khoản Gmail chính đang sử dụng trên máy Android và Device ID của thiết bị
+ Bạn cần cung cấp một số thông tin để phần mềm có thể hoạt động được, các thông tin cần thiết bao gồm: tài khoản Gmail đang dùng làm tài khoản chính trên thiết bị Android và Device ID của máy đó. Để xác định số Device ID của thiết bị Android, bạn bấm *#*#8255#*#* trên bàn phím điện thoại, sau đó xuất hiện cửa sổ GTalk Service Monitor và sẽ thấy Device ID (xem ảnh chụp màn hình).
Xác định số Device ID của thiết bị Android
Lưu ý, Device ID là chuỗi ký tự tính từ sau dòng "android-". Trong trường hợp không thể xác định Device ID bằng cách này, bạn truy cập vào Google Play và tải về phần mềm miễn phí Device ID giúp xác định số Device ID của máy.
+ Ngoài ra trong cửa sổ cấu hình còn có một vài thông số khác như số App hiển thị sau mỗi lần tìm kiếm (Number of record to show), thư mục mặc định cần quét và chứa các file APK tải về... cũng cần phải thiết lập.
+ Một số ứng dụng Android bị phụ thuộc vào nhà mạng bạn đang sử dụng (Network carrier) nên bạn cần fake carrier (giả lập nhà mạng khác) để tìm thấy và tải được ứng dụng về máy. Thông số cần lưu ý ở đây là SIM Operator Numberic (SON), SON được tính theo công thức: SON = MCC ghép với MNC. Bạn có thể tham khảo các thông số MCC và MNC của các nhà mạng trên toàn cầu tại đây.
4. Tải các ứng dụng từ Google Play về máy tính:
Giao diện chính của phần mềm Real APK Leecher
Cách làm rất đơn giản, chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm rồi nhấn Enter và kết quả tìm kiếm các ứng dụng liên quan sẽ hiển thị bên dưới. Chọn ứng dụng cần tải, nhấn chuột phải chọn "Download this app" để tải ứng dụng về máy và lưu vào thư mục mặc định bạn đã chọn ở bước trên.
Ngoài tính năng tải ứng dụng, Real APK Leecher còn có thêm tính năng quét thư mục chứa các file APK để kiểm tra xem có bản cập nhật mới hơn hay chưa. Để kiểm tra cập nhật, bạn nhấn chuột phải chọn Scan Existing Folder, chọn folder bạn muốn scan và chờ kết quả.
Ngoài cách tải file APK từ Google Play về máy tính như trên, người dùng Android cũng có thể dễ dàng tìm kiếm bộ cài APK của các ứng dụng thông qua search Google với từ khóa dạng "tên ứng dụng apk".
Các cách cài đặt file APK trên thiết bị Android
Có nhiều cách khác nhau để cài đặt file APK trên thiết bị Android. Một số cách cài đặt file APK như sau: truy cập Google Play để tải và cài ứng dụng APK, tải file APK thông qua trình duyệt web của điện thoại và lưu file vào bộ nhớ trong/thẻ nhớ, tải file APK từ Google Play xuống máy tính sau đó chép file APK vào bộ nhớ trong/thẻ nhớ rồi cài đặt... Do có nhiều cách cài đặt APK khác nhau nên tùy từng tình huống và kinh nghiệm, người dùng có thể lựa chọn cách phù hợp nhất.
1. Truy cập Google Play để tải ứng dụng:
Giao diện kho ứng dụng Google Play
Đây là cách cơ bản nhất, nhanh nhất và dễ dàng nhất nên ai cũng có thể thực hiện được. Bạn chỉ cần bấm vào biểu tượng Google Play (hoặc CH Play), đăng nhập tài khoản Gmail (nếu chưa đăng nhập trước đó) sẽ nhìn thấy giao diện kho ứng dụng Google. Tiếp theo bạn nhập từ khóa cần tìm kiếm vào ô Search và nhấn nút Search bên cạnh để tìm kiếm các ứng dụng có từ khóa liên quan.
Chọn ứng dụng cần cài đặt, nhấn nút "Cài đặt" và đồng ý tải xuống, quá trình tải về sẽ bắt đầu và sau đó hoàn tất. Để chạy ứng dụng, bạn mở menu ứng dụng rồi tìm tới ứng dụng mới cài đặt để chạy. Cách tải này rất đơn giản và tiện lợi nhưng có hạn chế là không lưu lại được các file APK cho lần cài đặt sau nếu máy chưa Root (máy đã Root có thể lưu lại file APK với sự trợ giúp từ các phần mềm quản lý file như File Expert).
2. Tải file APK qua trình duyệt web điện thoại
Cách này cũng khá đơn giản nhưng cần phải thao tác nhiều bước hơn so với cách đầu tiên. Bạn kết nối internet, mở trình duyệt web và vào Google search với từ khóa "tên ứng dụng apk" để tìm ra link tải về các file APK được chia sẻ trên mạng. Các file APK sau khi tải về sẽ được lưu vào bộ nhớ trong/thẻ nhớ của máy, bạn dùng một trình quản lý file chạy trên Android như File Expert, Astro File Manager hay OI File Manager để mở thư mục chứa file APK đã tải về rồi cài đặt bình thường.
3. Tải file APK từ máy tính
Bạn có thể tải file APK từ Google Play về máy tính theo hướng dẫn bên trên hoặc tải qua trình duyệt web. Sau khi tải xong, bạn kết nối thiết bị Android với máy tính qua USB cable, bật chế độ USB Mass Storage trên điện thoại, mở My Computer và chép các file APK vào bộ nhớ trong/thẻ nhớ của máy. Tiếp theo bạn dùng trình quản lý file trên Android như Astro để cài đặt.
Nếu không muốn copy file APK từ máy tính sang bộ nhớ trong/thẻ nhớ, bạn vẫn có thể cài đặt trực tiếp file APK từ máy tính. Cách làm như sau:
+ Cách 1: Dùng chế độ cài đặt file APK qua dòng lệnh ADB trong CMD. Cách này nhìn chung phức tạp, phải thao tác nhiều với dòng lệnh trong CMD nên không tiện lợi đối với người dùng bình thường nên có thể bỏ qua.
+ Cách 2: Cài file APK từ máy tính với sự hỗ trợ của ứng dụng bên thứ ba như iAPK Suite. Bạn tải về công cụ này và chạy lên, trên thiết bị Android bạn truy cập theo đường dẫn: Menu -> Cài đặt -> Các tùy chọn của nhà phát triển -> tick vào ô "Gỡ rối USB" (USB Debugging) và đồng ý. Tiếp theo bạn cắm cáp kết nối điện thoại với máy tính. Trên cửa sổ iAPK Suite chọn mục đầu tiên "Install APKs" sau đó kéo thả các file APK muốn cài vào đây, ứng dụng sẽ được cài lên điện thoại của bạn.
Kéo thả file APK vào iAPK Suite để cài đặt
+ Cách 3: Chép các file APK từ máy tính sang điện thoại và cài đặt.
Trong số ba cách trên, thuận tiện và dễ dàng nhất vẫn là cách cài bằng iAPK Suite, bạn có thể kéo thả nhiều file APK để cài đặt cùng lúc.
4. Tải file APK từ các phần mềm "chợ đen":
Ngoài các cách tải và cài đặt file APK nêu trên, người dùng Android còn có thể tải về các file APK từ một nguồn khác đó là các "chợ đen" như Blackmart, AppStore.vn... Về cơ bản, cơ chế hoạt động của các "chợ đen" này giống với Google Play nhưng bổ sung thêm một số chức năng như người dùng có thể lưu lại các file APK tải về để cài đặt sau này. Lưu ý rằng trên các "chợ đen" này thường chia sẻ nhiều phần mềm lậu, phần mềm bẻ khóa và chứa đựng rủi ro bị lây nhiễm mã độc nên các bạn cần cân nhắc khi sử dụng.
Cài APK có cần Root máy hay không?
Một số bạn đọc có câu hỏi muốn cài APK có cần Root máy hay không, câu trả lời là không. Điện thoại và máy tính bảng Android có thể cài các file APK mà không cần phải Root máy. Trong trường hợp bạn muốn cài file APK ngoài kho ứng dụng Google Play, bạn cần bật tính năng cho phép cài ứng dụng từ các nguồn bên ngoài. Cách làm như sau:
+ Truy cập menu ứng dụng, chọn "Cài đặt", chọn tiếp "Bảo mật" và tick vào ô "Nguồn không xác định" và bấm OK để xác nhận.
Chí Thành