Sau đây là danh sách 10 máy bay trực thăng lớn nhất trong lịch sử, những
quái vật của bầu trời với tải trọng lên tới hơn 10 tấn. Chúng ta sẽ đi
từ máy bay có tải trọng từ thấp đến cao nhất.
10. Boeing Vertol CH–46 Sea Knight
CH-46 Sea Kight là mẫu trực thăng vận tải – chiến đấu hạng trung được
lựa chọn trong cuộc thi thiết kế của hải quân Mỹ từ năm 1961. Tới năm
1964, chiếc Sea Knight đầu tiên được trang bị cho hải quân Mỹ và sau đó
được sử dụng nhiều trong chiến tranh Việt Nam.
Dựa vào thiết kế hai động cơ, Sea Knight có điểm mạnh là khả năng điều
khiển và sự bền bỉ khi hoạt động trong điều kiện gió bão lớn. Được trang
bị hai động cơ General Electric T–58–GE–16, với công suất là 1.400 kW
(tương đương 1870 mã lực), đường kính cánh quạt là 16 m, Boeing Vertol
CH–46 Sea Knight có trọng lượng cất cánh tối đa là 11.00 kg, chiếm vị
trí thứ 10 trong danh sách.
9. Aerospatiale SA 321 Super Frelon
Đây là chiếc trực thăng của Pháp duy nhất nằm trong bảng xếp hạng. SA
321 Super Frelon có ba động cơ phản lực Turbomeca Turmo IIIC với công
suất 3 x 1.171 kW (3 x 1.570 sức ngựa), trọng lượng cất cánh tối đa là
13.000 kg. Chiều dài của Super Frelon là 23,03 m và đường kính cánh quạt
là 18,9 m.
8. Sikorsky CH–54 Tarhe
Được đặt theo tên một tù trưởng Anh-điêng cao lớn, Sikorsky CH-54 Tarhe
có chuyến bay đầu tiên vào năm 1962, và sau đó được chế tạo cho quân đội
Mỹ. CH–54 được thiết kế để thay thế cho CH–47 Chinook có tải trọng thấp
hơn.
Chiếc lồng gắn ở thân của CH–54 rất đa năng, được sử dụng như phòng chỉ
huy di động, xưởng sửa chữa và bảo trì khí tài quân sự hoặc bệnh viện
quân sự di động. Ngoài ra, CH–54 còn được sử dụng cho các mục đích dân
sự.
CH–54 Tarhe có 2 động cơ phản lực Pratt&Whitney T73–P–700, với công
suất 2 x 3.580 kW (tương đương 2 x 4.800 mã lực (chiều dài là 26,97 m và
đường kính cánh là 21,95 m), chiếc trực thăng đứng thứ 8 trong bảng xếp
hạng có trọng lượng cất cánh tối đa là 21.000 kg.
7. Boeing CH–47D Chinook
Là một trong những trực thăng phổ biến nhất, Chinook có thể thực hiện
rất nhiều nhiệm vụ từ vận chuyển binh lính, pháo, đạn dược, nhiên liệu,
khí tài quân sự trên chiến trường tới cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, chữa
cháy, chuyên chở hàng hóa cũng như xây dựng dân sự.
Tháng 8/1962, CH–47A được đưa vào phục vụ trong quân đội Mỹ, mẫu đầu
tiên có trọng lượng cất cánh là 14.969 kg. Được đánh giá là trực thăng
vận tải hiệu quả và đáng tin cậy nhất, mẫu Chinook cải tiến có trọng
lượng cất cánh là 22.680 kg.
Nhờ vào hệ thống móc néo ba chạc đặc biệt, Chinook có thể vận chuyển
nhiều thiết bị cồng kềnh và nặng nề cùng một lúc. Ví dụ: Chinook có thể
vận chuyển pháo 155mm ở vận tốc 260 km/h một cách dễ dàng.
Dài 30,1 m, đường kính cánh quạt 18,3 m, trọng lượng không tải của
CH–47D là 10.183 kg, nó có khả năng vận chuyển tải nặng 12.700 kg hoặc
33 – 55 binh lính (không kể phi công, phụ lái và kỹ sư máy). CH–47D có
hai động cơ Lycoming T55–GA–712 với công suất 2 x 2.796 kW (tương đương 2
x 3.750 mã lực).
6. Bell – Boeing V–22 Osprey
Không phải là một chiếc trực thăng thông thường, Osprey cất và hạ cánh
như một máy bay lên thẳng, nhưng di chuyển giống như máy bay thông
thường. Vỏ động cơ đặc biệt giúp Osprey có khả năng di chuyển với tốc độ
và độ cao lớn.
Theo hãng Bell – Boeing, V–22 Osprey có thể chuyên chở 24 binh lính,
hoặc 9.072 kg cùng với 6.804 kg ở khoang chứa ngoài, di chuyển với tốc
độ gấp hơn hai lần so với các trực thăng thông thường. Hệ thống lái liên
động có thê điều khiển một động cơ quay cả hai cánh quạt, khi động cơ
còn lại gặp sự cố.
V–22 Osprey có hai động cơ phản lực Rolls – Royce Allison T406/AE
1107C–Liberty, mỗi chiếc có công suất 4.590 kW (tương đương 6.150 mã
lực), đường kính cánh quạt là 11,6 m và tổng chiều dài 17,5 m. Tải trọng
của thùng chứa trong và ngoài lần lượt là 9.070 kg và 6.800 kg cho phép
máy bay có trọng lượng cất cánh là 27.400 kg.
5. Sikorsky CH–53E Super Stallion
Dựa vào mẫu thiết kế của CH–53 Sea Stallion, phiên bản Super Stallion
hiện đang là máy bay trực thăng lớn nhất của quân đội Mỹ, với tải trọng
khoang chứa trong và ngoài là 13.600 kg và 14.500 kg.
Super Stallion là máy bay lên thẳng duy nhất có khả năng mang cả tiểu đội pháo 155mm (bao gồm pháo, đạn dược cùng binh lính).
Được trang bị ba động cơ phản lực General Electric T64–GE–416/416A với
công suất 3 x 3.270 kW (tương đương với 3 x 4.380 mã lực), Super
Stallion dài 30,2 m, đường kính cánh quạt là 24 m, có trọng lượng cất
cánh tối đa là 33.300 kg.
4. Mil Mi – 6
Mặc dù có tuổi đời hơn 50 năm, trực thăng vận tải Mi–6 vẫn dễ dàng chiếm vị trí thứ tư trong danh sách.
Được NATO gọi với tên “Hook”, Mi–6 được đưa vào sản xuất từ năm 1960,
khoảng 860 chiếc đã được chế tạo tính tới năm 1981. Mi–6 là trực thăng
lớn nhất thế giới lúc đó, và là trực thăng sử dụng động cơ phản lực đầu
tiên của Liên Xô.
Năm 1961, Mi–6 giành giải thưởng Sikorsky và là trực thăng đầu tiên bay với tốc độ hơn 300 km/h.
Mi-6 có thể chở tới 90 người.
Với 2 động cơ phản lực Soloviev D-25V có công suất 8.200 kW (tương đương
11.000 mã lực), đường kính cánh quạt là 35 m, tổng chiều dài 33.18 m,
Mi–6 có trọng lượng cất cánh tối đa là 42.500 kg và có khả năng chuyên
trở 70 lính dù hoặc 90 hành khách.
3. Mil Mi–10
Được phát triển từ năm 1962 dựa trên mẫu Mi–6, Mi–10 có trọng lượng cất
cánh tối đa là 43.700 kg. Sử dụng cùng động cơ, hệ thống truyền động và
thủy lực, cánh quạt với Mi–6, nhưng thiết kế của Mi–10 đã loại bỏ thân
máy bay vốn chủ yếu sử dụng để chuyên chở binh lính và hành khách, có
thêm thùng xăng phụ, bốn bánh trải rộng và các đường rãnh lớn để chuyên
chở được các thùng hàng cồng kềnh và nặng nề hơn. Mil–10 được khối quân
sự NATO đặt biệt danh “Harke”.
2. Mil Mi–26
Mặc dù không là trực thăng lớn nhất trong lịch sử, Mi–26 (tên gọi do
NATO đặt là “Halo”) chiếm vị trí trực thăng sử dụng động cơ phản lực
trục to nhất và tải trọng lớn nhất đã từng được đưa vào sản xuất.
Được giới thiệu vào năm 1983 và vẫn được chế tạo, Mi–26 sử dụng hai động
cơ Lotarev D–136 với tổng công suất là 16.760 kW (tương đương 22.840
sức ngựa) và có trọng lượng cất cánh tối đa là 56.000 kg. Ngoài ra, nó
có thể vận chuyển khối lượng hàng hóa nặng 20.000 kg trong phạm vi 800
km.
Phi đội lái của Mi–26 gồm có 4 phi công: lái chính, phụ lái, hoa tiêu và
kỹ sư máy. Kính của buồng lái được làm lồi ra để tăng tầm nhìn. Buồng
lái được điều áp. Ngoài ra, có 3 camera chuyên dụng được lắp đặt để quan
sát các thùng hàng hóa.
1. Mil Mi–12
Chiếm vị trí quán quân trong bảng xếp hạng những máy bay trực thăng vận
tải lớn nhất chính là Mi–12 do Nga (trước đây là Liên Xô) chế tạo.
Mặc dù chưa bao giờ được đưa vào sản xuất nhưng 2 nguyên mẫu Mi–12 đã
được chế tạo và được bay thử vào năm 1968. Mi–12 có lần ra mắt đầu tiên
tại triển lãm hàng không Paris năm 1971.
Được đặt biệt danh “Homer”, Mi-12 sử dụng hai cánh quạt, 4 động cơ
Soloviev D–25 VF với tổng công suất là 16.500 kW (hoặc 22.000 mã lực).
Mi-12 không được đưa vào sản xuất mà chỉ có mẫu thử nghiệm.
Với chiều dài là 37 m, đường kính cánh quạt 35 m, Mi–12 có trọng lượng cất cánh tối đa là 105.000 kg và tải trọng 44.205 kg.