Việt Nam, Nga và trật tự thế giới mới?
Trong bối cảnh sự kiện Ukraine đang làm thế giới rối ren, không mấy ai chú ý tới xung đột đang leo thang ở Biển Đông. Câu hỏi là liệu Nga có sự ảnh hưởng nào trong khu vực này hay không?
Có thể giả định rằng, trong thiên niên kỷ này, tâm điểm thế giới sẽ là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APR). Vai trò ngày càng tăng của APR đã được nhắc tới trong “Khái niệm Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga” như sau: "Khả năng thống trị nền kinh tế và chính trị thế giới của phương Tây đang tiếp tục co lại. Xuất hiện sự phân tán tiềm năng toàn cầu về quyền lực và phát triển, với sự chuyển dịch về phương Đông, chủ yếu vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Hạm đội Thái Bình Dương - Biểu trưng sức mạnh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
Cuộc xung đột quyền lợi cơ bản trong APR xảy ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời, Nga cũng sẽ tăng vị thế của mình trong khu vực này. Trong đó, sự gia tăng vị thế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ trực tiếp phụ thuộc vào khả năng mở rộng ảnh hưởng tới một số quốc gia xung yếu, trong đó có Việt Nam.
Trên thực tế, hiện có một vành đai các quốc gia thân Mỹ nhằm mục đích ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. Các quốc gia nằm ngoài vành đai này đã cố gắng cân bằng quyền lợi giữa Mỹ và Trung Quốc cùng các yếu tố trong và ngoài khu vực khác. Họ có được những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, các nước nằm trong vòng xung đột quyền lợi của các siêu cường, trong thời gian gần đây, ngày càng phải cố gắng từ bỏ tính trung lập và chấp nhận chịu ảnh hưởng của một trong các bên tranh chấp.
Trong điều kiện đó, quốc gia nào lôi kéo được các nước trung lập vào quỹ đạo của mình sẽ có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là ảnh hưởng đối với những nước nắm giữ vị trí địa chiến lược quan trọng.
Trung Quốc lấn tới - Nga im lặng
Trong bối cảnh sự kiện Ukraine, dường như không mấy ai chú ý tới cuộc xung đột đang leo thang giữa Việt Nam - Trung Quốc tại biển Biển Đông. Vào đầu tháng Năm, khoảng 80 tàu Trung Quốc hộ tống giàn khoan nổi HD981 xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tấn công bằng vòi rồng, húc và làm hư hại các tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Giàn khoan dầu HD-981 của Trung Quốc trên Biển Đông |
Phía nước Nga hầu như im lặng, trong khi đó, Mỹ là quốc gia lên tiếng nhiều nhất.
Là một trong số ít các chuyên gia Nga có nhận xét về sự kiện đang xảy ra ở Biển Đông, ông Anton Tsvetov - Giám đốc truyền thông của Hội đồng Nga, chuyên gia bình luận về các chính sách đối ngoại ở châu Á - Thái Bình Dương - nói rằng vị thế của Nga (tại APR) là khá mơ hồ.
Ông Tsvetov nhận định: "Vị thế trung lập của Matxcơva về vấn đề Biển Đông, tất nhiên, là đúng đắn. Tuy nhiên, tính trung lập này là hoàn toàn có thể mở rộng và cụ thể hóa. Trong trường hợp này mối quan tâm của Nga là quá rõ ràng - nếu công ty trong nước quyết định bắt đầu khai thác dầu chính trong khu vực này, họ sẽ phải đàm phán với ai - Trung Quốc hay Việt Nam? Nói thẳng rằng, hoạt động của các công ty Nga, dù trong bất kỳ mức độ nào, không nên phụ thuộc vào các vấn đề riêng của quan hệ chính trị giữa hai quốc gia khác. Cả hai đều là đối tác chiến lược của chúng ta, bất luận điều đó có nghĩa gì".
Mỹ đã có phản ứng ngay lập tức. Và phản ứng này rõ ràng là đứng về phía Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát biểu: "Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành động nguy hiểm của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Hoa Kỳ phản đối các hành động khiêu khích và đơn phương đe dọa hòa bình và an ninh ở Biển Đông".
Làm thế nào để bán khí đốt mà không bị mất đồng minh?
Tổng thống Nga Putin (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mátxơva ngày 22/3/2013.
Tính trung lập của Nga có thể được hiểu một phần, vì trong bối cảnh mối quan hệ phương Tây - Nga xấu đi, mối quan hệ Nga - Trung Quốc đã trở nên đặc biệt. Vào tháng Năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Trung Quốc. Một vấn đề quan trọng trong chuyến thăm này là khả năng ký kết hợp đồng cấp khí đốt của Nga sang Trung Quốc với thời hạn ba mươi năm. Hợp đồng này đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, vì các sự kiện liên quan đến Ukraine có thể phá vỡ việc thực hiện dự án Ukraine - Trung Quốc về sản xuất khí tổng hợp, với giá thành thấp hơn giá của Gazprom chào bán.
Đối với Trung Quốc, với lời thề nguyện trang trọng rằng "Nga và Trung Quốc là anh em mãi mãi", Nga, rất có thể, được cần đến như một nhà cung cấp vũ khí và năng lượng, chứ không phải là một đối thủ cạnh tranh trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Nga vẫn có cơ hội. Cơ hội để thể hiện bản thân trên đấu trường thế giới, đánh bật Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Vai trò của Việt Nam
Phần lớn thế kỷ trước được đánh dấu bằng cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng tới Việt Nam. Tại thời điểm hiện tại, với nhận thức rằng Việt Nam có một vị trí địa chiến lược quan trọng trong kiến trúc của APR, hoàn toàn có thể dự đoán sự tăng cường các hoạt động của Mỹ trong việc tìm cách lôi kéo Việt Nam tham gia vành đai ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Dịch giả Nguyễn Anh Tuấn là một Việt kiều hiện đang sống tại Ukraine. Bài viết được tác giả dịch lại từ trang của Hội đồng Nga.
Infonet xin được trích dẫn bài viết với hy vọng độc giả sẽ có thêm nhận định đa chiều về mối quan hệ giữa quốc tế với hành động xâm phạm khu vực thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam của Trung Quốc trong mấy ngày qua.
Một số điều kiện tiên quyết cho việc này đã có từ trước, nhưng cơ hội này sẽ nhân lên kể từ sau cuộc khủng hoảng Crimea. Thật vậy, bởi Crimea có thể là một tiền lệ mà Trung Quốc có thể sử dụng.
Trong bối cảnh lịch sử, Việt Nam đã từng chiến đấu chống Mỹ trong khoảng 10 năm (Giai đoạn Mỹ trực tiếp tham chiến từ 1964 – 1973), nhưng chiến tranh với nước láng giềng phương bắc thì kéo dài hàng ngàn năm. Thời gian trước, Liên Xô đã dành cho Việt Nam sự trợ giúp vô giá để đối đầu với Mỹ và Trung Quốc. Nhưng giờ đây làm sao có thể đánh giá triển vọng sự giúp đỡ của Nga cho Hà Nội, khi Trung Quốc đang hỗ trợ Nga về vấn đề Crimea và xứng đáng được mong đợi từ Nga điều tương tự. Mở đầu cho sự giúp đỡ đó là Nga có ý định cung cấp cho Trung Quốc tổ hợp tên lửa S-400.
Bình luận về sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhà chính trị học người Nga Gregory Lokshin lưu ý rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hành động tương tự của Trung Quốc và bằng động thái này Trung Quốc muốn kiểm tra xem Washington có sẵn sàng bảo vệ các đồng minh và các nước khác ở Đông Nam Á hay không.
Đồng ý với ông Gregory Lokshin rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã tạo ra một tiền lệ và môi trường thuận lợi cho các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng tôi không cho rằng, bằng cách đó Trung Quốc lại muốn kiểm tra sự sẵn sàng của Washington bảo vệ các nước Đông Nam Á. Bởi vì hành động như vậy, Trung Quốc đang buộc tất cả các nước Đông Nam Á phải suy nghĩ hơn về hợp tác quân sự với Mỹ - gián tiếp tiếp tay cho Mỹ.
Một suy nghĩ khác, hành động này có thể là một tín thư gửi tới giới chính khách Trung Quốc rằng Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thể hiện mình như một chính trị gia mạnh mẽ, giống như ông Putin. Trong giới trẻ Trung Quốc ngày nay, rất nhiều người không giấu sự ngưỡng mộ đối với các chính sách của Putin liên quan đến Crimea.
Sẽ có thế chiến III?
Rõ ràng Trung Quốc sẽ không ngồi yên nhìn vành đai các quốc gia thù địch bao quanh mình. Với những quyết định thiếu khôn khéo, liệu APR có thể trở thành tâm điểm cho chiến tranh thế giới thứ III?
Có thể có, hoặc có thể không.
Sự leo thang xung đột có thể khắc phục bởi một “lực lượng thứ ba", mà Liên bang Nga thích hợp nhất để đóng vai trò chính. Nhiệm vụ văn minh nhất của Nga hiện nay là duy trì hòa bình ở châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu, để cứu nhân loại khỏi sự đe dọa của chiến tranh, sự bắt đầu của nó có thể đồng nghĩa với sự tận cùng của nhân loại...
Trong khi các nước trong khu vực còn giữ quan điểm trung lập, sẽ vẫn có các ép buộc phải tham gia vào khối thân Trung Quốc hay thân Mỹ. Khi quá trình này hoàn tất, "cửa sổ cơ hội" để cho Nga trở thành "lực lượng thứ ba" sẽ khép lại. Có lẽ việc lôi kéo Nga vào cuộc khủng hoảng Ukraine là một phần của các kế hoạch ngăn cản Nga được nắm bắt cơ hội này?
Câu hỏi vĩnh cửu: Phải làm gì?
Đồng thời duy trì quan hệ với Trung Quốc, Nga cũng cần phải tăng cường ảnh hưởng của mình ở các quốc gia trọng yếu trong khu vực, nhất là Việt Nam. Để làm được, Nga cần phải đóng vai trò trung gian hòa giải cho bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp.
Tăng cường vai trò của Nga trong trường hợp này cũng sẽ giúp đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Ngoài ra, tăng cường vị thế của mình với các nước láng giềng của Trung Quốc, Nga sẽ tăng áp lực đáng kể lên Trung Quốc, điều đặc biệt quan trọng trong điều kiện Trung Quốc đang phục hồi ở Trung Á.
Nhưng cơ hội này chỉ có thể thực thi với điều kiện Nga sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại của mình, có tính đến quyền lợi lâu dài của đất nước nói chung, chứ không chỉ chiều theo ý muốn của các tài phiệt dầu khí.