Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Hai điểm yếu của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông

Hai điểm yếu của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông

Trung Quốc, với lực lượng mạnh hơn, đang tăng sức ép ở Hoàng Sa nhằm thử quyết tâm của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh cũng có hai điểm yếu mà Hà Nội nên tận dụng, một chuyên gia an ninh châu Á Thái Bình Dương nhận xét.
Tiến sĩ Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, người có nhiều nghiên cứu về Đông Nam Á và các nước Đông Dương, trao đổi với VnExpress về chiến thuật của các bên trong tranh chấp Biển Đông gần đây.
vv-3293-1403929732.jpg
Ông Alexander Vuving là chuyên gia nghiên cứu về Đông Á, Đông Nam Á.
- Trung Quốc mới đây dùng đến 4 tàu để bao vây một tàu của Việt Nam, đâm mạnh khiến tàu kiểm ngư bị hư hỏng nặng. Tại sao Trung Quốc gia tăng hành động kiểu này?
- Lối hành xử hung hãn của các tàu Trung Quốc ở vùng đặt giàn khoan 981 là một phần trong chiến dịch nhắm vào hai mục đích, chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc trong bảo vệ các yêu sách của họ và phá hỏng quyết tâm không hề suy giảm cũng như sự kiềm chế của Việt Nam.
Trung Quốc chỉ dừng hoặc giảm hành động kiểu này nếu Việt Nam nhượng bộ, bởi Trung Quốc làm vậy là để hăm dọa Việt Nam. Nhưng việc dừng cũng chỉ là tạm thời, bởi nếu Việt Nam thoái lui, Trung Quốc càng tin chắc hiệu quả của hành động hung hăng của họ.
Trung Quốc cũng có thể ngừng hành động khiêu khích nếu họ nhận ra làm như vậy sẽ khiến các nước trong khu vực xa lánh. Tuy nhiên cho đến nay hầu hết các nước vẫn cố dàn xếp với Trung Quốc, vì thế những tổn hại mà Trung Quốc cảm nhận được vẫn quá ít để nước này phải nghĩ lại về chiến lược của mình.
- Tại sao Trung Quốc tuyên bố đưa 4 giàn khoan dầu ở Biển Đông lúc này, bất chấp chỉ trích từ cộng đồng quốc tế với giàn khoan 981?
- Trung Quốc sẽ đặt thêm một số giàn khoan ở những vùng mà chỉ có Trung Quốc tuyên bố sở hữu, một số khác ở vùng các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền. Làm vậy Trung Quốc muốn tạo ấn tượng là các giàn khoan của họ được triển khai không phải để khiêu khích láng giềng mà là thực hiện những hoạt động bình thường ở vùng mà họ nói có chủ quyền của Trung Quốc.
Một lý do khác là Trung Quốc muốn căng mỏng lực lượng tuần duyên và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam. Chiến thuật là lấn át đội tàu nhỏ thực thi pháp luật của Việt Nam, kéo tàu của Việt Nam tới nhiều địa điểm khác nhau, cho tới khi lực lượng của Việt Nam trở nên quá mỏng để có thể bảo vệ quyền lợi của mình được nữa.
- Khi thời hạn của kế hoạch triển khai giàn khoan 981 gần Hoàng Sa kết thúc vào 15/8, ông cho rằng Trung Quốc sẽ làm gì?
- Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ rút giàn khoan đúng hạn. Thực hiện theo đúng kế hoạch giúp Trung Quốc có cơ sở để tranh luận rằng việc đặt giàn khoan là một hoạt động bình thường chứ không nhằm khiêu khích. Việc rút giàn khoan về cũng không có nghĩa là rút lui do áp lực từ phía Việt Nam. Đưa ra một hạn chót cho hoạt động của giàn khoan là một cách mà Trung Quốc tránh cả mùa bão và nguy cơ mất mặt nếu mức độ phản kháng từ Việt Nam không suy giảm.
Sau đó, giàn khoan 981 sẽ được đưa tới một nơi khác ở Biển Đông. Trung Quốc có thể đưa vào gần bờ hơn, để không cần huy động hơn một trăm tàu bảo vệ, nhưng cũng có thể đưa đến vùng mà nước khác tuyên bố chủ quyền, hoặc của Việt Nam hoặc của Philippines.
Việc tiếp tục đưa giàn khoan 981 vào biển của Việt Nam hoặc của Philippines ít có khả năng xảy ra lúc này, nhưng có thể xảy ra trong tương lai. Bởi Trung Quốc có thể thử năng lực của các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam hoặc Philippines trong mùa mưa bão.
- Trước các hoạt động khai hoang của Trung Quốc ở Trường Sa, các bên liên quan nên làm gì?
- Mục đích chính của các hành động này là chuyển các đá mà Trung Quốc đang chiếm giữ ở Biển Đông thành các đảo có thể duy trì đời sống kinh tế. Như vậy, Trung Quốc mưu toan về sau biến các yêu sách trở thành nằm trong vùng đặc quyền kinh tế phạm vi 200 hải lý bao quanh các đảo này.
Bắc Kinh cũng muốn xây dựng mạng lưới căn cứ quân sự trên các đảo, điều này sẽ khiến thế cân bằng quân sự và pháp lý ở biển nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc, khiến Biển Đông là một cái ao thực sự của nước này.
Nếu nắm được quyền kiểm soát ở Biển Đông, Trung Quốc có thể khước từ tất cả, kể cả Mỹ và Nhật Bản, tiếp cận tuyến đường giao thương quan trọng đi qua khu vực. Với khả năng kiểm soát tuyến huyết mạch đó, Trung Quốc sẽ có lợi thế lớn với hầu hết các nước trong khu vực và sẽ trở thành bá chủ khu vực ở Đông Á.
Điều này sẽ chấm dứt địa vị thống trị của hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, là một trụ cột chính trong tầm lãnh đạo của Mỹ và trật tự thế giới do Mỹ chi phối ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Điều Việt Nam nên làm là mở ra con đường đem lại nhiều lựa chọn cho mình. Chẳng hạn, nếu Việt Nam, Nhật và Mỹ cùng tuần tra chung ở Biển Đông, sẽ làm giảm đáng kể cơn khát khiêu khích và hung hăng của Trung Quốc.
- Ông từng phát biểu rằng Việt Nam nên tận dụng điểm yếu của Trung Quốc để giải quyết tình hình ở Biển Đông. Đó là những điểm gì?
- Trung Quốc có hai điểm yếu lớn. Thứ nhất là đường chín đoạn, cơ sở của nhiều yêu sách lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông, là lố bịch và không phù hợp với luật biển.
Tuy nhiên, đừng lẫn lộn đường 9 đoạn với các yêu sách của Trung Quốc ở các quần đảo ở Biển Đông và vùng đặc quyền kinh tế bao quanh. Như tôi đã nói, việc đưa ra phán quyết phủ nhận đường lưỡi bò không quá khó với tòa án quốc tế, nhưng câu hỏi về vấn đề sở hữu đối với Hoàng Sa và Trường Sa, các đảo này có tạo nên vùng đặc quyền kinh tế không, thì lại khó trả lời hơn, và tòa án có thể từ chối đưa ra quyết định liên quan.
Để tòa án quốc tế phán quyết về tính hợp pháp của đường chín đoạn là điều Việt Nam nên làm, bởi vì tòa án quốc tế nhiều khả năng sẽ phủ nhận nó, và điều này sẽ gây bất lợi cho quan điểm pháp lý của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau này Trung Quốc có thể chuyển cơ sở yêu sách của họ ở Biển Đông từ đường 9 đoạn sang vùng đặc quyền kinh tế của những đảo mà họ đang khai hoang ở Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc xây dựng trường học và căn cứ quân sự, thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội khác hải ở hai quần đảo là nhằm dựng nên cuộc sống của thường dân và nền kinh tế ở những nơi này, tiến đến hiện thực hóa tham vọng đòi vùng đặc quyền kinh tế bao quanh đó.
Điểm yếu lớn hơn của Trung Quốc là có tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với những nước chủ chốt trong khu vực, gồm cả Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines và Malaysia.
Điều này có nghĩa khi có xung đột về lợi ích cốt lõi giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì cũng có sự hội tụ lợi ích cốt lõi giữa Việt Nam và các nước lớn khác trong khu vực. Nói cách khác, trong khi Trung Quốc cô độc trong tham vọng bá chủ ở Biển Đông, Việt Nam lại có nhiều đồng minh tiềm năng trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn nếu những nước này hợp sức cùng nhau.
Việt Anh (thực hiện)

Trung quốc âm mưu chiếm Siberia của Nga

(Quốc tế) - Trong bài xã luận đăng hôm 3.7, tờ New York Times (Mỹ) nhận định rằng Trung Quốc đang lăm le chiếm lấy vùng Siberia thưa dân nhưng giàu tài nguyên của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự tại một sự kiện ở Thượng Hải hồi tháng 5.2014- Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự tại một sự kiện ở Thượng Hải hồi tháng 5.2014- Ảnh: Reuters
Siberia, phần lãnh thổ châu Á của Nga, là một vùng rất rộng lớn, chiếm đến 3/4 tổng diện tích nước Nga, tương đương với diện tích của cả Mỹ và Ấn Độ gộp lại.
“Thật khó mà tưởng tượng được rằng một vùng đất bao la như vậy lại đổi chủ. Nhưng cũng giống như tình yêu, biên giới chỉ tồn tại khi cả 2 phía đều tin vào nó. Và tại vùng biên giới Nga-Trung này, niềm tin đó rất mong manh”, New York Times bình luận.
Trung Quốc với khoảng 1,35 tỉ người hoàn toàn vượt trội so với tổng dân số 144 triệu của Nga, tức tương đương tỉ lệ cứ 1 người Nga thì có 10 người Trung Quốc.
Khác biệt này thậm chí còn rõ ràng hơn nếu so dân số 2 nước tại vùng Siberia, đặc biệt là tại vùng biên giới, nơi 6 triệu người Nga đối mặt với khoảng 90 triệu người Trung Quốc.
Tờ báo hàng đầu của Mỹ cho biết trong bối cảnh đang có giao thương, đầu tư và kết hôn giữa 2 sắc dân tại vùng biên giới, người dân sống tại Siberia nhận thấy rằng dù tốt hay xấu thì Bắc Kinh vẫn gần hơn rất nhiều so với Moscow.
Việc mở rộng sang Siberia không chỉ cung cấp cho quốc gia đông dân như Trung Quốc thêm đất đai sinh sống.
Phần đất thuộc Siberia của Trung Quốc hiện đang cung cấp cho cường quốc được mệnh danh là “nhà máy của thế giới” này nhiều tài nguyên khoáng sản, chẳng hạn như dầu mỏ, khí đốt và gỗ, New York Times bình luận.
Ngoài ra, các nhà máy Trung Quốc tại Siberia đang ngày càng có khả năng sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh với số lượng lớn; cho thấy vùng này đã thực sự trở thành một phần trong nền kinh tế Trung Quốc.
“Trên thực tế, Bắc Kinh có thể dùng chính chiến thuật của Nga (ở Ukraine) – đó là cấp hộ chiếu cho người dân thân Trung Quốc tại các vùng đang có tranh chấp với Nga, rồi sau đó đem quân sang ‘bảo vệ công dân của mình’”, tờ báo Mỹ viết trong bài xã luận.
“Và nếu Bắc Kinh chọn cách chiếm Siberia bằng vũ lực, Moscow chỉ có một cách để ngăn chặn, đó là dùng vũ khí hạt nhân”.

Lý do Trung Quốc bơm tiền xối xả dự án nhiệt điện Việt Nam

(Kinh tế) - Nhiều chuyên gia đang bày tỏ mối quan ngại khi Trung Quốc không ngừng “bơm” tiền cho các doanh nghiệp “nhảy” vào lĩnh vực nhiệt điện ở Việt Nam.

Thực tế đã thấy, các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc triển khai đang vấp phải nhiều vấn đề bất cập. Liệu cơ quan đang nắm trong tay chiến lược của ngành điện – EVN, đã lường trước sự cố hay còn chờ… nước đến chân mới nhảy?
Ưu ái cho nhiệt điện
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đã viện trợ hầu khắp các ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam. Vốn vay ưu đãi lãi suất thấp từ Trung Quốc chủ yếu là từ đầu mối Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Chẳng hạn, ở ngành điện, đa số các dự án nhiệt điện đều vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc, mỗi dự án có tổng vốn đầu tư ít nhất cũng hơn 3.500 tỉ đồng…
Con số trên đưa ra không khỏi giật mình khi thực tế tính đến năm 2014, chính sách ưu ái của Trung Quốc cho lĩnh vực nhiệt điện ở Việt Nam còn tăng gấp đôi cả về quy mô và số lượng. Chỉ tính riêng EVN hiện tại cũng có tới 10 dự án do Trung Quốc làm chủ thầu bằng chính nguồn vốn vay từ Trung Quốc có tổng giá trị hơn 5 tỉ USD (trong đó đã giải ngân được 50%).
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc hợp tác đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là chủ trương được chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương và chủ thể đầu tư. Các nhà đầu tư của Trung Quốc luôn nhận được những hỗ trợ điều kiện cần thiết từ các cấp và các cơ quan chức năng của mình để đạt được mục tiêu đầu tư vào Việt Nam nhằm giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu nhập cho người dân và đóng góp cho nền kinh tế của đất nước Trung Quốc.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, việc các nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc trúng thầu gần như toàn bộ các dự án xây dựng, cung cấp trang thiết bị của các nhà máy nhiệt điện của EVN đã thể hiện sự quan tâm lớn của Trung Quốc về chiến lược năng lượng trong hiện tại và tương lai. Sau này toàn bộ các nhà máy điện được đưa vào vận hành khai thác sử dụng thì sự chi phối về cung cấp bảo trì, tu bổ, sửa chữa trang thiết bị là tất yếu (bởi độ tin cậy của thiết bị, công nghệ của Trung Quốc so với các nước thuộc khối châu âu, G7 thường thấp hơn – PV).
Một chuyên gia trong lĩnh vực nhiệt điện (đề nghị giấu danh tính) cho PV báo Đời sống và Pháp luật thông tin: Bằng nhiều giải pháp để thực hiện việc hầu hết trang thiết bị, máy móc và trình độ công nghệ đầu tư sang Việt Nam và các dự án do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu EPC đều có xuất xứ từ Trung Quốc, có trình độ trung bình và thấp so với các nước tiên tiến trong khu vực châu á, châu âu và thế giới,… đã thể hiện Trung Quốc đang tích cực triển khai chính sách bán máy móc thiết bị rẻ, bán phụ tùng thay thế đắt và từng bước chuyển giao công nghệ lạc hậu, ô nhiễm ra khỏi nội địa và đang thực hiện tại Việt Nam. “Trong thời gian tương lai không xa Việt Nam còn phụ thuộc vào phía Trung Quốc để duy trì hoạt động các nhà máy nhiệt điện… đó là dã tâm đã hiện rõ của Trung Quốc khi quá quan tâm và ưu ái tới ngành điện Việt Nam”, vị này nhấn mạnh.
Trung Quốc đang thực hiện chiến lược thâu tóm ngành nhiệt điện Việt Nam.
“Sân tập” hay… “chuột bạch”?
Thông tin được phát đi từ EVN cho thấy, nếu Trung Quốc rút nhà thầu và ngừng cung cấp tín dụng thì sẽ phải đặt ra bài toán tìm nguồn vốn hơn hai 24 tỉ USD để tiếp tục thực hiện các gói thầu EPC của đơn vị này. Việc ngừng hoặc có những trục trặc ngoài mong muốn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ phát điện chung cả nước trong các tháng tiếp theo của năm 2014 và mùa khô 2015.
Theo các chuyên gia về năng lượng, nước ta có nhiều than, nếu kể cả trữ lượng ở vùng châu thổ sông Hồng thì rất lớn (hàng trăm tỉ tấn), sản lượng khai thác than hiện nay và trong tương lai gần còn nhỏ bé so với trữ lượng. Trong khi đó trữ năng kinh tế của thuỷ điện Việt Nam chỉ có giới hạn, các nguồn thuỷ năng kinh tế ngày càng ít nhưng nhu cầu sử dụng lại ngày càng tăng nên trong tương lai ngành nhiệt điện, nhất là nhiệt điện đốt than đang ngày chiếm ưu thế. Nắm bắt được vấn đề này, Trung Quốc đã ưu tiên cho các doanh nghiệp của mình nhảy vào Việt Nam thâu tóm thị trường, công nghệ và quan trọng hơn là làm cho ngành nhiệt điện phải phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trao đổi với PV, PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng: “Có lẽ ai cũng biết, các nhà thầu Trung Quốc chưa hề làm tổng thầu EPC ở bất cứ dự án nhiệt điện nào. Họ chỉ có duy nhất một nhà máy điện ở Pakistan (nhưng đây là thỏa ước mang tính chính trị giữa hai nước này)”. Vì thế, theo ông Nghĩa, vô hình trung chúng ta đang trở thành một “sân tập” hay cũng có thể hiểu là “chuột bạch” cho các nhà thầu Trung Quốc hoàn thiện tay nghề trong lĩnh vực nhiệt điện.
“Khi tay nghề đã có, các nhà thầu Trung Quốc sẽ đủ lớn để vươn ra các thị trường khác. Nhưng sự thật là để có tay nghề vững đương nhiên những sản phẩm đi đầu luôn mắc lỗi. Mắc lỗi có thể khắc phục, xong ai dám chắc họ sẽ khắc phục miễn phí khi thời gian bảo hành đã hết. Lúc đó, chúng ta chỉ có khóc dở, mếu dở bởi nếu sửa chữa thay thế thiết bị sẽ rất đắt, còn nếu không ắt nó chỉ còn là một đống sắt vô giá trị”, ông Nghĩa nói.
Điều này hoàn toàn trùng hợp với nhận định được phát đi từ Bộ KH&ĐT khi cho rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc ít có khả năng nghiên cứu và phát triển hoặc chuyển giao công nghệ, ít có tác động trong nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ. Trang thiết bị máy móc của các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, trình độ công nghệ đạt mức trung bình, thậm chí có trường hợp đưa máy móc đã qua sử dụng sang Việt Nam, hoặc một số dây chuyền thiết bị từ nhiều nguồn, lai ghép nhiều thế hệ, các nước khác nhau nên không đồng bộ. Công nghệ sử dụng trong các dự án nhiệt điện đều thuộc loại trung bình, có thiết bị đã qua sử dụng được cải tạo, nâng cấp về kỹ thuật với mức giá rẻ không ngờ.
Những rủi ro được báo trước
Việc sử dụng ODA của Trung Quốc có nhiều rủi ro vì chủ đầu tư không kiểm soát được tỷ giá của đồng nhân dân tệ so với USD, không kiểm soát được việc thanh toán theo tiến độ (thường phía Trung Quốc yêu cầu ngân hàng Trung Quốc thanh toán ngay khi đưa thiết bị sang, bất chấp thiết bị đó có được chủ đầu tư chấp nhận hay không), không phạt được nhà thầu nếu nhà thầu vi phạm (về chất lượng và về tiến độ), và cuối cùng, do sử dụng ODA của Trung Quốc nên nhà thầu thường đưa ra yêu sách là phải làm theo cách của Trung Quốc (bất chấp hồ sơ mời thầu và thiết kế của chủ đầu tư). Điều này khiến Việt Nam đang lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc cả về kỹ thuật và tài chính trong các dự án nhiệt điện.
(Ông Chương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam)
Trao đổi với PV bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII về những tiềm ẩn khó lường của các nhà thầu Trung Quốc trong việc thực hiện các dự án nhiệt điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Không đấu thầu nữa thì thôi, người khác làm. Điều này không ảnh hưởng gì cả. Về nguyên tắc, hợp đồng mới phía Trung Quốc nói là không tham gia nữa thì không sao, chúng ta lại đi tìm đối tác khác, nguồn tín dụng khác. Còn các hợp đồng người ta đang thực hiện với mình thì về nguyên tắc hợp đồng người ta phải thực hiện theo đúng Luật. Nếu không thực hiện đúng thì đã vi phạm hợp đồng. Vi phạm thì xử lý theo Luật Thương mại Quốc tế Incoterm người ta quy định hết rồi. Chúng ta cứ theo đúng quy định để xử lý. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu gì cho thấy người ta không thực hiện các hợp đồng ấy. Một số dự án lao động Trung Quốc bỏ về thì bây giờ họ đã quay lại, việc đó mình phải xử lý bình tĩnh trên cơ sở lợi ích hai bên và luật pháp. Luật pháp quốc tế là Incoterm, hai nước đều là thành viên WTO nên mình cứ theo Luật mà xử, không có gì phải lo lắng cả”.
(Theo Đầu Tư)

Hậu quả làm ăn với Trung Quốc

Làm ăn với Trung Quốc tạo thói quen cẩu thả cho kinh tế Việt Nam

Công trình xây dựng có nhà thầu Trung Quốc thường luộm thuộm, mất an toàn. Người dân buôn bán với thương lái Trung Quốc quen dần với thói gian dối, làm hàng chất lượng kém...
Câu chuyện quan hệ thương mại - đầu tư Việt Nam - Trung Quốc được nhìn dưới một góc độ khác trong hội thảo "Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3/7.
Trong tổng số 62 dự án xi măng triển khai theo hình thức BOT, có 49 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu. Tương tự, tại 27 dự án nhiệt điện diện BOT, có 16 do Trung Quốc làm tổng thầu. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam - Nguyễn Văn Thụ, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều... 
nha-thau-TQ-6140-1404378727.jpg
Nhiều dự án của Việt Nam do Trung Quốc làm nhà thầu thi công. Ảnh: Petrotimes
Theo vị này, khi các nước phát triển làm tổng thầu tại Việt Nam, thầu phụ cơ khí trong nước sẽ được giao khoảng 15-20% giá trị công trình, qua đó có điều kiện đầu tư thêm công nghệ, rèn luyện tay nghề. Ngược lại, tổng thầu Trung Quốc sẽ nhận hết, trong khi việc quản lý công trình của bản thân họ cũng còn nhiều luộm thuộm. "Năm 2002, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc chỉ một tỷ USD, 10 năm sau, con số này đã lên trên 20 tỷ USD, trong đó một nửa là nhập siêu nhóm thiết bị", ông này thông tin.
Cũng theo chuyên gia, bên cạnh mối quan hệ giúp các hãng Trung Quốc "loại" nhiều đối thủ từ trước khi đầu thầu, vấn đề giá chính là yếu tố quyết định giúp họ giành được nhiều dự án tại Việt Nam. "Cả thế giới phải thua Trung Quốc nếu xét về giá", ông Thụ bày tỏ trong bối cảnh Luật đầu thấu của Việt Nam còn ưu tiên các nhà thầu bỏ giá thấp, chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ về chất lượng thiết bị.
Không chỉ có đấu thầu, trong mối quan hệ thương mại, lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng phản ánh thời gian dài vừa qua người nông dân Việt Nam bị đối xử không công bằng.
Đối với xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sống dở chết dở do nguồn nguyên liệu bị Trung Quốc thao túng. Thương nhân nước này tập cho người nông dân và thương lái Việt Nam cách làm ăn cẩu thả, gian dối, đi vào chất lượng thấp, sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Khi Trung Quốc không mua nữa thì với chất lượng hàng hóa đó cũng không thể bán vào thị trường khác.
Còn đối với nhập khẩu, nông sản từ Trung Quốc có dư lượng chất hóa học rất cao, trong đó có những hóa chất cấm, gây tổn hại sức khỏe của người dân. Việc nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc đã gây áp lực lớn nên nông sản Việt do giá thấp, dù chất lượng kém và không an toàn.
Trước vấn đề này, chuyên gia Lê Đăng Doanh kiến nghị cần phải có sự giám sát mạnh mẽ từ phía cơ quan quản lý và có hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn hàng Trung Quốc độc hại tràn vào Việt Nam hay những dự án có chất lượng thấp. "Mở cửa thị trường không phải mở thông thống ra mà phải có rào cản kỹ thuật, chặn các tác động độc hại", ông Doanh nói.
Hiệp hội Cơ khí cũng kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp giám sát, kiểm tra, chế tài việc nhiều dự án trọng điểm quốc gia như nhiệt điện, khai khoáng, xi măng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện mà không tạo điều kiện cho thầu phụ Việt Nam. Theo ông Thụ, trước biến động ở Biển Đông, Hiệp hội đã gửi báo cáo lên Chủ tịch nước và Thủ tướng đề nghị cho chủ trương kiểm tra lại toàn bộ các dự án công nghiệp do Trung Quốc đang thi công dở dang để huy động lực lượng trong nước kết hợp với các nhà thầu nước ngoài khác hoàn chỉnh các dự án này.
"Đây là một thách thức lớn song cũng là cơ hội để các nhà thiết kế và xây lắp trong nước vượt lên chính mình", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, việc Việt Nam vẫn là nước nhỏ và chưa quyết định nhiều về giá, các chuyên gia cho rằng phải có chính sách để tự bảo vệ mình. Cụ thể, theo ông Doanh, đa dạng hóa thị trường là yếu tố tiên quyết. Vị này lấy dẫn chứng các quốc gia trên thế giới đa số không để nhập khẩu từ một thị trường vượt quá 8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang nhập 40-50% nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc.
Với nông sản, Hiệp hội Rau quả cho rằng cần xúc tiến và quảng bá những thế mạnh của trái cây Việt Nam nhiều hơn nữa và tập trung chuyên canh những vùng trái cây ngon có chất lượng để xuất khẩu số lượng lớn.
Cụ thể, hiện nay việc tiêu thụ thanh long rất khó khăn vì Trung Quốc chiếm 90% tổng lượng thanh long xuất khẩu. Dù các thị trường Ấn Độ, Bangladesh rất có tiềm năng để thay thế thị trường Trung Quốc, nhưng họ không biết thanh long là trái gì, do vậy cần Hiệp hội, Nhà nước, Đại sứ quán tiến hành tổ chức những ngày thanh long để quảng bá. Tương tự, mặt hàng vải của Việt Nam còn khá mới lạ với một số nước châu Âu, thậm chí một số nước lân cận như Singapore, Malaysia, Indonesia đều bán vải của Trung Quốc với giá rẻ hơn.
"Trong một thế giới phụ thuộc, Việt Nam có các quyết định tự bảo vệ mình, chủ động, tích cực hội nhập và chấp nhận luật chơi", chuyên gia Lê Đăng Doanh thẳng thắn.
Phương Linh

Tầu kiểm ngư hiện đại nhất Việt Nam

Bàn giao tàu kiểm ngư hiện đại nhất Việt Nam

theo Lao động | 30/06/2014 16:58

Sáng nay 30.6, tại TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Cty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long đã bàn giao tàu kiểm ngư KN-781 – tàu kiểm ngư hiện đại nhất Việt Nam – cho lực lượng kiểm ngư VN.

Trước đó, các đơn vị liên quan đã có 4 ngày chạy thử nghiệm tàu KN-781 trên vịnh Hạ Long.
Lễ bàn giao tàu kiểm ngư hiện đại nhất Việt Nam
Tàu KN-781 được đóng mới theo thiết kế và chuyển giao kỹ thuật của Damen (Hà Lan) theo tiêu chuẩn Châu Âu.
Tàu có chiều dài 90,5 mét, rộng 14 mét, cao 7m, được trang bị 4 máy công suất lớn 12.016 mã lực, lượng giãn nước 2.500 tấn
Tàu có chiều dài 90,5 mét, rộng 14 mét, cao 7m, được trang bị 4 máy công suất lớn 12.016 mã lực, lượng giãn nước 2.500 tấn
Về lý thuyết, tàu đạt tốc độ hơn 21 hải lý/giờ, có thể hoạt động liên tục trong điều kiện bình thường 5.000 hải lý cho một hành trình và chịu đựng được các cấp độ sóng lớn.
KN-781 là loại tàu hoạt động xa bờ dài ngày và được trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; trên có sàn đáp và nhà chứa trực thăng.
Ngoài ra, trên tàu còn có vũ khí âm thanh LRAD do Mỹ chế tạo và 2 vòi rồng công suất lớn với khả năng phun nước xa 150m.
Sàn đáp cho máy bay trực thăng phía đuôi tàu.
Sàn đáp cho máy bay trực thăng phía đuôi tàu.
Súng máy 12 ly 7 và vũ khí âm thanh LRAD trang bị trên tàu.
Súng máy 12 ly 7 và vũ khí âm thanh LRAD trang bị trên tàu.
Một trong 2 súng phun nước có thể vươn tới 150 mét.
Cabin điều khiển tàu.
Phần đuôi tàu KN-781.

Việt Nam có hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E

Báo Nga: Việt Nam có hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E

theo Báo Đất Việt | 26/05/2014 13:30

Theo báo Kommersant, Việt Nam là quốc gia thứ hai sau Nga đang sở hữu các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển tiên tiến Bal-E.

Báo Kommersant ngày 26/5 trích dẫn nguồn tin thân cận từ Tổng Công ty Tên lửa chiến thuật (KTRV) của Nga cho biết, Việt Nam chính là quốc gia thứ hai sau Nga đưa vào trang bị các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển tiên tiến Bal-E.
Trong khí đó, báo cáo tài chính của KTRV cũng cho biết rằng, tháng 12/2012 họ đã hoàn thành một hợp đồng cung cấp các tên lửa chống hạm 3M24 Uran phiên bản đặt trên đất liền cho Hải quân Việt Nam. Các thông tin chi tiết về hợp đồng chưa được nêu rõ.
Bal-E là phiên bản xuất khẩu của tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bal, được Quân đội Nga thông qua vào năm 2008. Tổ hợp vũ khí này được phát triển bởi Công ty Cổ phần KBM, một công ty con của KTRV ở thủ đô Moscow.
Theo báo Kommersant thì Hải quân Việt Nam đã sở hữu tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển tiên tiến Bal-E của Nga.
Theo báo Kommersant thì Hải quân Việt Nam đã sở hữu tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển tiên tiến Bal-E của Nga.
Cấu trúc của một tổ hợp Bal-E bao gồm xe chỉ huy và liên lạc cơ động, xe tự hành mang bệ phóng tên lửa chống hạm Kh-35E và các xe chở, tiếp đạn cho các loạt bắn tiếp theo. Bal-E được thiết kế để kiểm soát các vùng biển và các khu vực eo biển; bảo vệ căn cứ hải quân, bảo vệ các mục tiêu khác và hạ tầng trên bờ; bảo vệ bờ biển trên những hướng đối phương có thể đổ bộ các tàu chiến của đối phương trong phạm vi tấn công 120 km với tổng số đạn tên lửa được trang bị cho một tổ hợp lên đến 64 quả.
Cần nhấn mạnh rằng, tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E sử dụng loại đạn 3M24 Uran quen thuộc trong Hải quân Việt Nam. Đạn tên lửa Uran cũng chính là loại vũ khí tiêu chuẩn trang bị trên các tàu tên lửa lớp Gepard 3.9 và lớpMolniya hay BPS-500 của Hải quân Việt Nam.
Tên lửa 3M-24E hay còn gọi là Kh-35 Uran-E (NATO định danh là SS-N-25 Switchblade) là loại tên lửa chống tàu tốc độ cận âm, đa năng, có thể phóng từ nhiều phương tiện khác nhau (tàu chiến, máy bay cánh bằng, trực thăng, bệ phóng di động).
Kh-35 dài 3,75 m, sải cánh 0,93 m, đường kính 0,42 m, trọng lượng phóng 630 kg (với động cơ tăng cường). Trên thân quả đạn có 4 cánh vây ổn định ở giữa thân (có thể gập gọn) cùng 4 cánh lái ở đuôi.
Tên lửa chống tàu Kh-35E
Tên lửa chống tàu Kh-35E
Với trọng lượng đầu đạn nặng 145 kg (biến thể xuất khẩu Uran-E), Kh-35 được cho là có khả năng đánh chìm tàu chiến lượng giãn nước đến 5.000 tấn.
Tuy không có sức mạnh về tầm xa và tốc độ như đạn tên lửa hành trình Yakhont của hệ thống Bastion-P, nhưng Bal-E lại có khả năng tấn công bất ngờ và ồ ạt vào các tàu địch, thay đổi trận địa trong khoảng thời gian ngắn, rồi lại sẵn sàng thực hiện cuộc tấn công mạnh mẽ tiếp theo. Vì vậy, nếu có thêm Bal-E, Hải quân Việt Nam sẽ tạo ra một mạng lưới tên lửa bờ tích hợp, hỗ trợ đắc lực cho nhau trong nhiệm vụ tấn công phá hủy các tàu chiến đối phương và bảo vệ bờ biển.