Nói KHÔNG với những trường hợp này để tránh rơi vào cảnh tiền tiết kiệm "bốc hơi"
Có lẽ chưa có lúc nào, “nghề buôn tiền” lại đối mặt với nhiều rủi ro về đạo đức đến như vậy. Những năm gần đây, tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đã liên tiếp nổi lên các vụ việc rất nghiêm trọng để lại nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều góc độ suy ngẫm cho các ngân hàng và hơn hết là những người gửi tiền.
Nhiều trường hợp tiền trong tài khoản bốc hơi gần đây do chủ tài khoản tạo điều kiện cho kẻ gian lấy tiền như gửi sổ tiết kiệm cho giao dịch viên, ký sẵn giấy tờ, cho nợ chứng từ, không kiểm tra cẩn thận sổ tiết kiệm sau khi gửi tiền...
Ham lãi ngoài
Những vụ đại án thời gian qua như Huyền Như, Phạm Công Danh,..., liên quan đến hàng chục cá nhân, tổ chức, liên quan đến khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều góc độ suy ngẫm cho các ngân hàng và hơn hết là những người có tiền gửi.
Thời điểm cách đây 5-6 năm, Ngân hàng Nhà nước có quy định về trần lãi suất tiết kiệm không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản (9%/năm). Khi đó, việc các ngân hàng tìm cách lách quy định này bằng các chương trình khuyến mãi, lãi suất thưởng khá phổ biến. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng khó khăn về vốn huy động nhưng cũng có ngân hàng thừa tiền đã lựa chọn việc gửi vốn vào ngân hàng bạn để tranh thủ lấy lãi chênh. Đây là nguyên do dẫn đến việc hàng nghìn tỷ đồng đã bị Huyền Như, cán bộ ngân hàng VietinBank chiếm đoạt thông qua lãi suất cao.
Nhóm bà Trần Ngọc Bích (nhóm Tân Hiệp Phát) cũng rơi vào cảnh tương tự vì liên quan tới Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây dựng. Tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh gần đây, bà Bích đã nói rằng vì lúc đó VNCB có lãi suất công bố cao (10%) hơn các ngân hàng khác nên nhóm của bà mới gửi tiền vào đây.
Nói thế nhưng nhóm Trần Ngọc Bích (với 17 cá nhân, sở hữu số tiền gần 6.000 tỷ đồng) không chỉ gửi tiền tại VNCB, mà còn cho vay chính lãnh đạo cao nhất của nhà băng này là ông chủ tịch HĐQT để hưởng tiền chênh lệch lãi suất. Bà Bích đã gửi tiền vào VNCB và nhận sổ tiết kiệm, sau đó cầm cố chính các sổ tiết kiệm này vay lại tiền từ VNCB và tiếp tục cho vay lại. Chỉ trong vòng có hơn 7 tháng, đã có hơn 17 nghìn tỷ đồng được giao dịch giữa đôi bên cùng với khoản lãi ngoài lên đến hơn 2.500 tỷ đồng.
Mối quan hệ vay mượn giữa bà Bích và ông Danh diễn ra nhiều lần đến mức Phạm Công Danh "mượn tự nhiên" bằng cách chuyển tiền khỏi tài khoản của bà Bích mà không có chữ ký của bà tới 5.190 tỷ đồng. Đến nay khoản tiền vẫn còn đó, trong khi bà Bích phải dùng 124 sổ tiết kiệm ở NH Xây dựng để tất toán chính khoản 5.190 tỷ đã vay từ ngân hàng.
Hai ví dụ điển hình như vậy đã cho thấy vì ham lãi cao, nhiều ngân hàng, nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã dính "mồi câu lãi suất" và phải trả giá đắt.
Ký sẵn chứng từ
Một trường hợp khác nữa cũng rủi ro không kém đó là liên quan chứng từ. Có nhiều tình huống có thực, vì tin tưởng lãnh đạo ngân hàng, nhân viên ngân hàng sau nhiều lần hợp tác nên khách hàng VIP sẵn sàng ký vào các tờ giấy trắng nhằm thuận tiện, đỡ mất thời gian cho các giao dịch nộp, rút tiền lần sau. Kết quả là việc ký sẵn giấy tờ này vô hình chung tiếp tay cho các cán bộ ngân hàng không có đạo đức nghề nghiệp dễ bề lợi dụng.
Trên thực tế, nhiều giao dịch viên ngân hàng cho biết số khách hàng đồng ý ký sẵn một tập chứng từ dạng này không ít. Đôi khi họ đi công tác, lại đến dịp đáo hạn hoặc đảo sổ tiết kiệm nên muốn làm vậy cho tiện. Tuy nhiên, cách làm này lại tiềm ẩn vô cùng nhiều rủi ro cho khách gửi tiền.
Không mở sổ tiết kiệm tại quầy hoặc không trực tiếp giao dịch
Nhiều khách hàng quen hoặc trường hợp khách VIP thường được ngân hàng dành cho chế độ chăm sóc đặc biệt như nhân viên ngân hàng ưu ái đến tận nhà, nơi làm việc, hoặc bất cứ chỗ nào để làm sổ tiết kiệm.
Trường hợp này, rủi ro có thể phát sinh khi nhân viên ngân hàng giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống.
Mặc dù, trên thực tế, hầu hết các giao dịch đều an toàn vì nhân viên ngân hàng muốn lấy chữ tín song đây cũng là cách làm tiềm ẩn rủi ro.
Mới đây là sự vụ một khách hàng phản ánh, họ có gửi 4 tỷ đồng vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng SCB. Nhưng khi đến ngân hàng để rút tiền mua nhà vị khách kia mới được nhân viên của ngân hàng thông báo toàn bộ số tiền đã bị rút từ hơn một tháng trước đó. Vị khách cho rằng bà hoàn toàn không rút tiền, cũng không nhận được tin nhắn về thay đổi số dư tài khoản.
Lật lại câu chuyện thì được biết vì nhân viên ngân hàng quá nể khách VIP mà chấp nhận cho khách giao dịch qua điện thoại thay vì đến tại quầy hoặc có giấy ủy quyền. Nhưng lãnh đạo ngân hàng khẳng định vị khách đã ủy quyền cho người khác bằng chính chữ ký của bà đó, và nếu cơ quan điều tra xác minh chữ ký trong uỷ nhiệm chi không phải của khách hàng, ngân hàng sẽ bồi thường đầy đủ cả gốc và lãi phát sinh.
Sự việc diễn ra đã lâu nhưng đến nay cũng chưa có kết quả. Chỉ có điều trước mắt là vị khách hàng rơi vào cảnh không biết tiền của mình ở đâu còn ngân hàng thì bị ảnh hưởng uy tín phần nào.
Không làm đúng thủ tục, quy trình tất toán sổ
Cũng là trường hợp khách quen hoặc khách doanh nghiệp, khách VIP, hiện nay có vô vàn trường hợp mà ngân hàng mở tài khoản cho khách khi không chứng kiến, không xác thực trực tiếp chữ ký mẫu của chủ tài khoản, của lãnh đạo doanh nghiệp, thay vào đó họ mở tài khoản theo hồ sơ nhân viên mang đến và lấy đó làm mẫu, bản gốc để đối chiếu cho các giao dịch về sau.
Mới đây, một khách hàng lên tiếng bị mất 26 tỷ đồng tại ngân hàng VPBank là một điển hình. Theo nữ giám đốc này, kế toán của bà đã làm hồ sơ giả mạo để mở tài khoản ngân hàng bằng chữ ký của chính người này thay vì của bà - giám đốc, người chịu trách nhiệm trước pháp luật của công ty. Sau đó, số tiền hàng chục tỷ đồng lần lượt được rút qua séc với đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định của ngân hàng, còn chủ doanh nghiệp thì không hề hay biết gì. Vị khách này cho rằng nhân viên ngân hàng và nhân viên kế toán của công ty bà đã cấu kết nhằm rút trộm tiền.
Trong khi đó, phía ngân hàng khẳng định rằng ngân hàng đã làm đúng quy trình, nhân viên ngân hàng chỉ đứng tên nhận hộ séc theo chỉ định của công ty mà thôi. Việc nhân viên ngân hàng ký nhận hộ quyển séc cho khách là sai quy định song lãnh đạo ngân hàng khẳng định đây không thể là mấu chốt của sự việc bởi ngay sau đó, nhân viên ngân hàng đã giao lại đầy đủ cho khách, cô cũng ký tên mình trên giấy nhận quyển séc...
Vụ việc cho đến nay cũng chưa rõ ràng vì còn chờ cơ quan điều tra kết luận vụ việc, nhưng hậu quả nhãn tiền thì cũng giống các vụ việc khác đó là ngân hàng bị ảnh hưởng uy tín phần nào, còn khách hàng cũng không khỏi hoang mang.
Trong bối cảnh các ngân hàng ngày càng cạnh tranh mạnh về dịch vụ, trong đó ưu tiên khách hàng được đặt lên hàng đầu thì người gửi tiền cũng chớ vội chấp nhận tất cả mà hãy biết nói KHÔNG với các trường hợp như trên để tránh rơi vào cảnh tiền gửi, tiền trong tài khoản "bốc hơi" và là một người tiêu dùng thông thái. Về phía các ngân hàng cũng cần xem xét lại những kẽ hở trong quy trình phục vụ khách hàng để tránh tình trạng ảnh hưởng uy tín và giảm sút lòng tin nơi khách hàng.
Theo Trí thức trẻ