(
Văn hóa) -
Elon Musk tinh thông trong nhiều lĩnh vực từ khoa học tên lửa, kỹ thuật, vật lý, trí thông minh nhân tạo và năng lượng mặt trời.
Elon Musk – tỷ phú được mệnh danh là “Iron Man” của đời thực đã xây dựng được tới 4 công ty trị giá hàng tỉ USD ở độ tuổi hơn 40 – trong 4 lĩnh vực khác nhau gồm phần mềm, năng lượng, phương tiện giao thông và không gian.
Để lý giải cho thành công của Elon Musk, nhiều người chỉ ra những đặc điểm như sức làm việc phi thường của anh (thường xuyên làm việc 85 giờ mỗi tuần), khả năng thiết lập những tầm nhìn siêu thực cho tương lai và khả năng phục hồi đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó dường như là chưa đủ. Rất nhiều người cũng sở hữu những yếu tố này nhưng đâu có làm được như Elon Musk. Vậy điểm tạo nên sự khác biệt của Elon Musk là gì?
Sau khi đọc nhiều bài báo, xem video và sách về Musk, tôi đã nhận ra có một yếu tố vô cùng quan trọng bị bỏ lỡ. Thông thường mọi người nói rằng để đạt được đẳng cấp như Elon Musk, chúng ta chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực duy nhất. Nhưng Musk đã phá vỡ quy tắc này. Anh tinh thông trong nhiều lĩnh vực từ khoa học tên lửa, kỹ thuật, vật lý, trí thông minh nhân tạo và năng lượng mặt trời.
Trong một bài báo trước đây, tôi gọi những người như Elon Musk là “expert-generalist” (thuật ngữ lần đầu tiên được tạo ra bởi Orit Gadiesh – chủ tịch Bain & Company) chỉ những người nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nắm vững sâu sắc những quy tắc kết nối các lĩnh vực này và sau đó ứng dụng những quy tắc đó vào chuyên môn chính của họ.
Dựa trên những nhận định về cuộc sống của Musk và những tài liệu học thuật liên quan đến học tập và chuyên môn, tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta đều cần phải học tập trong nhiều lĩnh vực từ đó mới tăng khả năng đạt được những thành công mang tính đột phá.
“Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”
Nếu là một người ham học hỏi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn có thể đã quá quen với những lời khuyên rất có thiện chí kiểu: “Lớn lên, chỉ nên tập trung vào 1 lĩnh vực thôi. Đừng kiểu cái gì cũng biết nhưng cuối cùng chả cái gì thuần thục cả”.
Lời khuyên này có ý nói nếu cố học trong nhiều lĩnh vực, bạn sẽ chỉ nắm được bề nổi và không bao giờ đạt đến cấp độ thành thạo được.
Tuy nhiên, thành công của những expert-generalist cho thấy lời khuyên kể trên là hoàn toàn sai. Học và nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực đa dạng mang lại cho bạn những lợi thế về thông tin mà hầu hết những người chỉ tập trung vào 1 lĩnh vực duy nhất không thể có được.
Ví dụ, nếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và mọi người chỉ quan tâm tới những công bố về công nghệ nhưng riêng bạn lại có thêm hiểu biết về lĩnh vực sinh vật học, như vậy, bạn có khả năng nảy ra những ý tưởng mà hầu như không ai có được.
Trên thực tế có rất ít người nỗ lực học hỏi thêm ngoài lĩnh vực chuyên môn chính của mình. Trong khi đó, mỗi lĩnh vực mới lại mang đến cho ta khả năng kết hợp mà những người khác không thể có được. Đây chính là lợi thế của những expert-generalist.
Khả năng “Learning transfer” siêu việt của Elon Musk
Theo lời kể của người anh trai Kimbal Musk, ngay từ những năm tháng còn tuổi teen, Musk đã đọc 2 cuốn sách trong nhiều lĩnh vực khác nhau mỗi ngày. Như vậy, giả sử bạn đọc 1 cuốn sách mỗi tháng thì Musk đã đọc được số lượng sách gấp 60 lần so với bạn.
Ban đầu, nội dung các cuốn sách Musk đọc trải rộng trong nhiều lĩnh vực từ tiểu thuyết, triết học, tôn giáo, lập trình, sinh học, kỹ thuật và doanh nhân. Lớn hơn một chút, những cuốn sách Musk đọc có xu hướng hướng tới lĩnh vực vật lý, kỹ thuật, thiết kế sản phẩm, doanh nghiệp, công nghệ và năng lượng.
Chính khát khao được học tập, hiểu biết nhiều hơn nữa đã cho Musk tiếp xúc với nhiều lĩnh vực khác mà thậm chí không bao giờ cần học ở trường.
“Learning transfer”
“Learning transfer” nói về cách chúng ta sử dụng những gì học được trong 1 lĩnh vực và ứng dụng nó vào lĩnh vực khác. Đây có thể là kết quả của những gì chúng ta học tại trường hay từ một cuốn sách và ứng dụng nó vào “thế giới thực”. Thuật ngữ này cũng có thể được mở rộng để nói về những hiểu biết của chúng ta trong 1 ngành công nghiệp và ứng dụng nó vào một ngành công nghiệp khác.
Và Elon Musk có thể được xem là thiên tài trong việc sử dụng “learning transfer”. Thông qua nhiều bài phỏng vấn, anh đã tiết lộ về quy trình 2 bước độc đáo của mình để tiến hành “learning transfer” một cách hiệu quả nhất.
Bước 1: Xây dựng kiến thức thành những nguyên tắc cơ bản.
Trả lời một câu hỏi trên Reddit, Musk nói: “Việc xem kiến thức như sắp xếp cây cú pháp là rất quan trọng – nó đảm bảo bạn hiểu những quy tắc cơ bản, tức là các thân cây và chi nhánh chính trước khi tiến hành nghiên cứu đến lá hay những chi tiết nhỏ khác”.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc biến kiến thức của bạn trở nên chuyên sâu hơn, rút ra những quy tắc có thể giúp đơn giản hoá quá trình “learning transfer”. Nghiên cứu cũng cho thấy một kỹ năng đặc biệt quyền lực giúp mọi người rút ra được những quy tắc cơ bản gọi là “contrasting cases” – “những trường hợp tương phản”.
Ví dụ khi muốn tìm hiểu về cách thiết lập chữ cái A, có 2 cách tiếp cận như sau: Một là tìm hiểu thông qua nhiều kiểu viết khác nhau và hai là chỉ nhìn vào một trường hợp duy nhất.
Theo bạn thì cách nào tốt hơn?
Theo cách 1 mỗi cách viết khác nhau cho cách nhìn sâu hơn về những gì giống và khác giữa mỗi chữ A. Trong khi đó, mỗi chữ A theo cách 2 thì không cho cái nhìn sâu sắc như vậy.
Bằng việc có cái nhìn đa chiều khi học bất cứ thứ gì, chúng ta bắt đầu thấy thứ gì là cần thiết và thậm chí phác thảo ra luôn được những kết hợp độc đáo của riêng mình.
Trong cuộc sống hàng ngày điều này có nghĩa là gì? Khi nhảy vào một lĩnh vực mới, bạn không nên chỉ chọn 1 cách tiếp cận hay làm theo cách tốt nhất. Thay vào đó nên thử nhiều hướng khác nhau và sau đó, so sánh chúng. Điều này sẽ cho phép chúng ta khám phá ra những quy tắc cơ bản.
Bước 2: Musk tái thiết những quy tắc cơ bản trong lĩnh vực mới.
Bước hai trong quá trình “learning transfer” của Musk liên quan đến việc tái thiết những quy tắc cơ bản mà anh học được về trí tuệ nhân tạo, công nghệ, vật lý, kỹ thuật vào những lĩnh vực riêng biệt:
Trong lĩnh vực không gian để tạo thành SpaceX.
Trong lĩnh vực xe tự lái để tạo thành Tesla.
Trong lĩnh vực xe lửa để tạo thành Hyperloop.
Trong lĩnh vực hàng không để tham vọng chế tạo máy bay điện.
Trong lĩnh vực công nghệ để giúp xây dựng nên PayPal.
Trong lĩnh vực công nghệ để đồng sáng lập nên OpenAI.
Keith Holyoak – một giáo sư tâm lý học tại đại học UCLA và là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu thế giới về “analogical reasoning” – Kỹ thuật về Lập luận tương tự khuyến cáo mọi người nên tự hỏi mình những câu hỏi sau để trau dồi thêm kỹ năng: “Điều này nhắc tôi nhớ đến cái gì?”; “Tại sao nó lại gợi nhắc tôi nhớ tới điều đó?”
Bằng cách liên tục nhìn vào các đối tượng trong môi trường sống và những thứ bạn được đọc, việc hỏi chính mình những câu hỏi này sẽ tạo dựng nên một sức lực vô song cho bộ não, giúp bạn thực hiện các kết nối vượt qua ranh giới truyền thống.
Đây không phải phép màu, chỉ đơn giản là quá trình học đúng đắn
Tóm lại, Elon Musk trở nên phi thường như vậy là bởi:
1. Anh ấy dành vô số năm để đọc lượng sách nhiều hơn 60 lần so với người bình thường.
2. Anh ấy đọc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
3. Anh ấy liên tục ứng dụng những gì mình học được bằng việc thiết lập ý tưởng thành các quy tắc cơ bản và tái thiết chúng theo một cách mới mẻ.
Điều quan trọng nhất chúng ta có thể học được từ câu chuyện của Elon Musk là không nên chấp nhận tư duy cũ rích về việc chỉ nên tinh thông trong một lĩnh vực mình giỏi nhất hay chỉ nên đi theo 1 con đường duy nhất nếu muốn đạt được thành công trong sự nghiệp.
Huyền thoại expert-generalist Buckmister Fuller đã tóm tắt như sau: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà giả định rằng các xu hướng thu hẹp về chuyên môn để trở nên hợp lý, tự nhiên và đúng mong muốn… Trong khi đó, nhân loại lại luôn khao khát có những hiểu biết toàn diện. Sự chuyên biệt hoá giống cảm giác bị cô lập, vô ích và sự nhầm lẫn trong mỗi cá nhân. Nó cũng dẫn đến trách nhiệm của mỗi cá nhân về việc nghĩ và hành động cho người khác. Chuyên biệt hoá giống như một thành kiến mà cuối cùng tập hợp lại thành những bất hoà về tư tưởng mang tầm quốc tế và dẫn tới chiến tranh”.
Nếu dành thời gian học những khái niệm cốt lõi trong nhiều lĩnh vực và luôn liên kết chúng với cuộc sống và thế giới, việc trao đổi giữa các lĩnh vực sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Khi xây dựng được “các quy tắc đầu tiên” và kết hợp chúng với những lĩnh vực khác nhau, chúng ta đột nhiên sẽ có năng lực siêu việt trong việc bước vào những lĩnh vực mới chưa từng học trước đó và nhanh chóng tạo ra những đóng góp đáng kể.
Việc hiểu cách học của Elon Musk giúp chúng ta có những cái nhìn sâu sắc về việc làm thế nào anh ấy có thể bước vào ngành công nghiệp có tuổi đời cả 100 năm và sau đó thay đổi toàn bộ cách thức cạnh tranh giữa các lĩnh vực khác nhau.
Elon Musk có thể là “Iron Man” là người phi thường, nhưng những khả năng mà anh có được hoàn toàn không phải bởi phép màu nhiệm nào cả, tất cả là do nỗ lực mà có.
(Theo CafeBiz)