13:20 | 26/04/2014 0 Ý kiến phản hồi
(PetroTimes) - Mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, 17h
ngày 13/3/1954, pháo binh của QĐNDVN đã khai hỏa, bắn dữ dội trong suốt 1
giờ. Ngay 15 phút đầu, hoả lực pháo binh ta đã gây cho quân Pháp tổn
thất nặng nề. Liền sau đó pháo binh Pháp cũng bắn trả mãnh liệt.
Niềm tin của sĩ quan pháo binh Pháp
Trung tá Charles Piroth là sĩ quan chỉ huy pháo binh nổi tiếng từ các
chiến dịch trong chiến tranh thế giới thứ hai. Piroth đã để lại trên
chiến trường Italy cánh tay phải. Viên chỉ huy pháo binh tại Tập đoàn cứ
điểm Điện Biên Phủ này từng tinh thông lý thuyết xạ kích, trải qua kinh
nghiệm tác chiến pháo binh.
Phản pháo là một nghệ thuật quân sự hình thành từ chiến tranh thế giới
thứ nhất 1914-1918 và được hiện đại hoá trong cuộc chiến tranh
1940-1945. Cụ thể Piroth nói, với một khẩu 155mm chỉ cần ngắm bắn chính
xác là có thể tiêu diệt cả một cụm pháo 105mm.
Khi Tổng tư lệnh, Tướng Navarre hỏi:
- Với cỗ pháo 155 mm, ông nghĩ có thể phản kích hiệu quả pháo Việt Minh?
Piroth bình thản trả lời:
- Thưa đại tướng, sẽ không để cho một khẩu pháo Việt nào bắn quá ba
phút mà tôi không ngắm bắn và tiêu diệt nó. Chỉ cần bốn khẩu 155 mm đã
bố trí sẵn tại các vị trí Pháp có thể dễ dàng phản pháo lại.
Piroth tin hỏa lực phản pháo của ông ta có hiệu quả còn vì bố trí các
đài quan sát tốt và khi cần có tới 6 máy bay trinh thám đang chờ trên
đường băng.
Mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, 17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, pháo
binh của QĐNDVN đã khai hỏa, bắn dữ dội trong suốt 1 giờ. Ngay 15 phút
đầu, hoả lực pháo binh ta đã gây cho quân Pháp tổn thất nặng nề. Liền
sau đó pháo binh Pháp cũng bắn trả mãnh liệt.
Pháo binh nổ súng vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào chiều 13/3/1954. Ảnh: T.L
Tại Điện Biên Phủ, Piroth đã sớm có 25 khẩu đại bác 105 mm, 4 khẩu
155mm, 24 khẩu cối 120mm+81mm cùng gần trăm ngàn viên đạn pháo các
loại... 10 xe tăng tại đây cũng gắn 10 pháo lớn. Các hầm pháo để ngỏ cao
tới ngang vai. Khu trung tâm tập đoàn cứ điểm chỉ rộng khoảng 2,5 km
vuông đã có tới 12 khẩu 105mm, 4 khẩu 155mm, 24 khẩu cối 120 và 81mm và
một số dự trữ đạn dược đồ sộ (tương đương từ 6 đến 9 cơ số đạn trước
trận đánh, hơn 10 vạn viên). Hỏa lực như vậy là quá mạnh.
Các tài liệu cho thấy, sau trận Him Lam, đến ngày 15/3, quân Pháp tại
các trận địa đã bắn trả lại hơn 10.000 quả đạn nhưng không gây được chút
tổn thương nào cho các khẩu pháo của đối thủ. Cho dù Béatrice (Him Lam)
cách phân khu trung tâm chưa đầy 3000 mét.
Sĩ quan Pháp Jean Pouget viết trong hồi ký: “ Trung tá Piroth đã giành
trọn một đêm (13/3) quan sát các trận địa hỏa lực dần dần bị đối phương
phản pháo chính xác một cách kinh khủng vào. Hai khẩu 105 ly bị quét
sạch cùng pháo thủ, một khẩu 155 ly bị loại khỏi vòng chiến đấu …”
Piroth bắt đầu hốt hoảng khi đã giở hết cách mà vẫn không tài nào bắt
được pháo của Việt Minh “câm họng”, không tài nào biết được các khẩu
pháo ấy nằm ở đâu để bắn trả chính xác đến vậy.
Pháo Việt cấu trúc công sự trận địa tốt.
Về trang bị, phía QĐNDVN, pháo binh tại mặt trận Điện Biên Phủ có 1
trung đoàn lựu pháo 105mm gồm 2 tiểu đoàn với 24 khẩu; 1 trung đoàn sơn
pháo+ súng cối gồm (5 tiểu đoàn và 10 đại đội) với 94 khẩu, cùng 12 dàn
hỏa tiễn (cachiusa) H6 (6 nòng) tổng cộng 72 nòng. Súng cối của các đại
đoàn bộ binh là 140 khẩu.
Trước đó có một sĩ quan gốc Đức trong đội quân Lê dương ở Điện Biên Phủ
bị quân báo bắt, y khá tin tưởng vào khả năng tồn tại của cứ điểm
Béatrice (Him Lam) và cho rằng QĐNDVN không có pháo hạng nặng để phá hủy
hệ thống phòng ngự liên hoàn, kiên cố của Pháp và Béatrice được kiến
trúc công sự để đối phó hiệu quả với ưa thích của người Việt thường tiến
công vào buổi tối. Các binh sĩ trấn giữ Béatrice đã nhận được đầy đủ
kính hồng ngoại để có thể nhìn trong đêm tối, súng phun lửa để phát
quang bụi rậm, áo nịt chống đạn, súng phóng lựu đạn loại hiện đại
nhất...
Đại tướng P.Henri Navarre (1898-1983), Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông
Dương 1953-1954 đã trả lời phỏng vấn báo Nouveau Candide ngày
17/10/1963. Navarre nói: Các mỏm núi đều cách xa trận địa 10km, quân
Việt không thể đặt ụ pháo trên sườn núi cao hơn cứ điểm vì sẽ lộ vị trí
và ngay sau khi đạn pháo đầu tiên bắn đi thì lập tức bị chặn họng bởi
phản pháo của ta.
Như vậy, họ phải đặt ở phía đồi dốc thấp, điều này giảm đáng kể hiệu
lực của pháo khi bắn ra. Hai phái đoàn của Mỹ gồm các sĩ quan đã chiến
đấu ở Triều Tiên, đến đây tham khảo khả năng của pháo và súng phòng
không của quân Việt. Họ cũng đồng ý nhận định như vậy.
Trên thực tế, cấu trúc công sự trận địa pháo của Việt Nam, rất tốt. Có
thể nói đây là kết quả của việc "kéo pháo ra", để công binh chuẩn bị
công sự kỹ càng hơn. Nóc hầm pháo ta được ghép bằng các thân cây gỗ có
đường kính từ 20 cm trở lên, được đắp đất đá lên trên, đảm bảo chống
được sức công phá của bom, pháo địch. Bên ngoài trận địa được ngụy trang
kỹ lưỡng, không để lộ một dấu vết.
Việc "giấu pháo” tại Điện Biên Phủ được thực hiện trong các hầm dạng
hàm ếch, khoét sâu trong núi, đào sau từng trận khẩu pháo. Dứt đợt bắn,
pháo lập tức được kéo lùi lại để "ẩn" trong những hầm kín này, tránh
phản pháo hoặc không kích từ máy bay. Một nhà báo Nga sau này nhận xét:
"Tôi gần như chưa gặp cách bố trí pháo độc đáo như vậy trong bất kỳ trận
đánh nào của chiến tranh hiện đại."
Bên cạnh đó, ta cũng nghi binh, cùng lúc pháo bắn, tại các trận địa
giả, quân ta cho nổ bộc phá tạo ra các ánh chớp khiến quân địch lầm
tưởng là chớp lửa đầu nòng của pháo.
Báo Pravda (Nga) sau này viết về trận mở màn chiến dịch: Trong vòng nửa
giờ 40 khẩu pháo các loại cỡ từ 75 đến 120 ly đồng loạt nã đạn vào các
khu đồi. Quân Pháp phản pháo nhưng không thành công. người Việt cấu trúc
công sự khá tốt, giấu pháo trong các hầm kiên cố, sâu trong lòng núi.
Trình độ bắn pháo thiện xạ của QDNDVN làm cho đối phương phải bất ngờ.
18 đến 20 phát bắn đầu tiên trong chiến dịch đã nã trúng đích.
Cũng báo Nga, dẫn lời sĩ quan Pháp: Có cảm giác là cứ điểm
Béatrice ( Him Lam) đã biến mất. Đạn pháo trút xuống như mưa, hoàn toàn
chôn vùi các tuyến công sự, hầm hào, súng đạn...Việt Nam lấy đâu ra
từng đấy pháo để tạo ra sức mạnh của địa ngục như vậy.
Bố trí đội hình hiểm hóc
Có thể khẳng định, pháo binh ta đánh hiệu quả còn do bố trí đội hình
pháo binh hiểm hóc, liên hoàn, vững chắc, hình thành thế vây hãm quân
địch trong suốt chiến dịch.
Các trận địa tuy phân tán, khoảng cách giữa các đại đội khoảng từ 3 đến
5km, nhưng vẫn tập trung được hỏa lực cho hướng chủ yếu, mục tiêu chủ
yếu ở mức cao.
Tuy pháo đặt phân tán nhưng pháo binh ta lại đo đạc các phần tử bắn rất
cẩn thận cho từng khẩu để đảm bảo mỗi khi khai hỏa vào một mục tiêu, dù
các khẩu pháo đặt ở vị trí khác nhau đều có thể cùng bắn trúng mục tiêu
đó. Lối đánh này được nêu thành phương châm “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”.
Đơn cử trung đoàn pháo lựu 105mm bố trí từ Đông Bắc Hồng Cúm đến Tây
Bắc Bản Kéo, đã tạo thành một vòng cung hơn 30km; quá trình tổ chức, bố
trí trận địa ta đã kiên quyết khắc phục khó khăn, vượt mọi trở ngại, kéo
những khẩu trọng pháo nặng hàng tấn lên bố trí trên các sườn núi cao
bao quanh tập đoàn cứ điểm. Các đơn vị súng cối bố trí tập trung ở hướng
Đông và Đông Bắc Điện Biên Phủ, cự ly bắn của súng cối từ 600 đến 800m.
Các tài liệu của chỉ huy pháo binh Việt Nam sau này đánh giá, trận địa
sơn pháo thọc sâu bố trí trên Đồi E, cự ly bắn từ 300 đến 500m tạo nên
thế rất hiểm đối với địch, mặc dù chúng tập trung mọi cố gắng nhưng
không thể diệt được trận địa pháo lợi hại này của quân ta. Sự xuất hiện
của hỏa lực pháo binh ta từ các dãy núi cao xung quanh tập đoàn cứ điểm
là đòn bất ngờ nhất đối với địch. Đó cũng thể hiện nét sáng tạo, độc đáo
trong nghệ thuật tổ chức, sử dụng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên
Phủ.
Nói theo thuật ngữ nghệ thuật chiến dịch, thì việc bố trí trận địa pháo
binh phân tán, hiểm hóc, vững chắc đã tạo ra một thế trận vững mạnh và
ổn định, sử dụng pháo binh theo yêu cầu chiến dịch để pháo binh chi viện
hiệu quả cho các đại đoàn bộ binh.
Tập trung hỏa lực bắn hiệu quả
Có thể khẳng định, pháo binh ta bắn hiệu quả còn vì các sĩ quan chỉ huy
bắn pháo đã sử dụng pháo binh tập trung hỏa lực mạnh, mật độ đạn lớn,
thời gian ngắn, vì vậy mà đã nhanh chóng sát thương lớn quân địch bộc lộ
ngoài công sự.
Cũng theo cách nói của nghệ thuật quân sự, pháo binh ta đã tạo ưu thế
tuyệt đối về binh hỏa lực trên từng không gian, thời gian nhất định, bảo
đảm chắc thắng cho từng trận chiến đấu, từng đợt chiến dịch, do đó, bảo
đảm chắc thắng cho toàn chiến dịch.
Nhờ đánh chắc từng bước ta có điều kiện tập trung pháo binh để kiềm chế
hỏa lực pháo binh và binh lực cơ động của địch để tiêu diệt từng trung
tâm đề kháng trong một đợt tiến công.
Trong chiến dịch này, pháo binh ta tạo được thế trận hiểm hóc, liên
hoàn, sử dụng lực lượng phù hợp nên trong từng trận, đã tập trung ưu thế
hơn địch từ 3 đến 5 lần để chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu, tập
trung được hoả lực vào phần lớn các mục tiêu trong những trận đánh then
chốt quyết định ở khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm, bảo đảm bắn được
hầu hết các mục tiêu ở cự ly bắn có lợi nhất.
Mở màn chiến dịch, ngày 13 tháng 3 năm 1954, Pháo binh của ta đã khai
hỏa, gây cho quân Pháp tổn thất nặng nề. Đến khi pháo binh chi viện cho
bộ binh tiến công tiêu diệt quân địch trong công sự kiên cố, vững chắc,
pháo binh ta đều có hỏa lực chuẩn bị và hỏa lực chi viện phát triển tiến
công.
Để chi viện cho bộ binh vây lấn, chúng ta đã bố trí hỏa lực pháo binh
trên nhiều hướng, sơn pháo và cối 82mm đi cùng trực tiếp chi viện khi
vây lấn . Khi thời cơ đến dùng thêm lựu pháo trực tiếp bắn phá hoại. Với
lối đánh này vừa chế áp, tiêu diệt được địch, vừa bảo đảm an toàn cho
quân ta.
Những trận sau này, ta sử dụng 12 dàn hỏa tiễn H6 của Tiểu đoàn 224
được lệnh bắn vào các mục tiêu đã định ở khu trung tâm Mường Thanh. Lần
đầu tiên xuất trận, H6 đã phát huy uy lực với tiếng gió rít ầm ầm và
chuỗi đạn bắn dồn dập, liên tục dường như không dứt vào các mục tiêu
khiến quân địch vô cùng sợ hãi và hoảng loạn. Các trận địa pháo địch câm
bặt. Nếu có khẩu pháo địch nào còn ngoan cố bắn ra, H6 lại dập vào đó
một vài loạt hỏa tiễn, buộc chúng phải câm họng. Từ 19h30 phút ngày 6/5
đến 0h30 ngày 7/5/1954, tiểu đoàn này đã tiến hành bắn 3 đợt với tổng
cộng 618 viên đạn vào các mục tiêu đã được xác định, góp phần nhanh
chóng làm cho quân địch suy sụp về tinh thần, tê liệt ý chí chiến đấu.
Đoạn kết
Lại nói đêm sau 13/3/1954, tại một cứ điểm người ta bất ngờ thấy thi
hài của viên trung tá chỉ huy pháo binh Piroth trên một chiếc giường nhỏ
trong hầm. Rõ ràng viên chỉ huy pháo binh đã dùng răng kéo chốt lựu
đạn, ôm chặt nó vào người và thả chốt ra. Như vậy, sau hai đêm đầu tiên
không thực hiện được lời hứa bịt miệng các họng pháo của Việt Minh,
Piroth đã tự sát.
Còn chiến sĩ pháo binh Việt Nam, phải kể đến khẩu đội trưởng Phùng Văn
Khầu. Ngày đầu làm quen với khẩu pháo thật khó khăn. Không biết chữ,
không biết sử dụng máy ngắm, anh chỉ còn cách ngắm bắn qua nòng bằng mắt
thường. Trong một trận bắn pháo, có 22 quả đạn pháo thì khẩu đội của
anh bắn 21 quả trúng mục tiêu quân Pháp.
Trước trận địa đồi E, đồng đội của anh lần lượt hi sinh. 9 người còn 3,
rồi 3 người còn 1. Chỉ còn lại một mình, anh quyết tâm làm thay công
việc của 8 người. Anh đánh vật thao tác với khẩu pháo gần nửa tấn. Ý chí
chiến đấu của anh tập trung vào nòng pháo. Lần thứ nhất, khoảng cách
150m, ông bắn trượt. Lần thứ hai, được chỉnh lại, quả pháo "chui tọt vào
lỗ châu mai". Những quả sau đó "đã bắn là trúng". Trận đánh ấy, Phùng
Văn Khầu một mình xoay trở với khẩu pháo 75ly. Anh đã tiêu diệt được 5
khẩu pháo 105ly của Trung tá Piroth, cùng 6 khẩu đại liên, 4 lô cốt, 1
kho đạn của địch.
May cho trung tá pháo binh Piroth đã không biết chuyện này ở lòng chảo Điện Biên Phủ.
Thật tiếc, khuôn khổ bài viết chưa cho phép nói về những hy sinh gian
khổ của chiến sĩ pháo binh Điện Biên Phủ, từ khi huấn luyện, tháo pháo
mang vác nặng, kéo pháo vào, kéo pháo ra, củng cố công sự, cơ động đánh
địch, xứng đáng lời ngợi khen “chân đồng vai sắt”.
Pháo binh Việt Nam tự hào vì đã có những đóng góp rất quan trọng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Pháo binh ta tuy nhỏ nhưng đã có một tác dụng lớn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Trần Danh Bảng