Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Tổng giám đốc Viettel: Xóa bỏ thành công để khởi tạo thành công
“Cách tốt nhất để thành công tiếp là xóa đi thành công của mình, khởi tạo những chân trời mới, những thách thức mới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel nói về con đường mà Viettel đã chọn để tiếp tục phát triển thành một công ty toàn cầu.

Gia nhập thị trường di động năm 2004, chỉ 4 năm sau, Viettel Mobile đã đứng đầu thị trường về số lượng thuê bao và giữ vững vị trí này đến tận hôm nay. Viettel sẽ làm gì tiếp theo để duy trì ngôi vương sau bước phát triển thần kỳ đó? Mang băn khoăn này hỏi ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, dù không hề lạ lẫm với binh pháp “nghĩ khác, làm khác” của người Viettel, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ với câu trả lời của ông: “Xóa đi và khởi tạo một việc khác!”.
 Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel 
 Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định "Cách tốt nhất để thành công tiếp là xóa đi thành công của mình" 
Mỉm cười trước vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, ông Hùng phân tích, quy luật của thời đại này là tốc độ và sáng tạo, lợi nhuận lớn chỉ được sinh ra từ lợi thế của người dẫn đầu xu hướng, khi xu hướng mới trở thành bình thường mà ai cũng có thể làm được, thì lợi thế đó biến mất. Vì vậy, một sản phẩm tốt nhất cũng chỉ tồn tại không quá 10 năm.
“Điều đó có nghĩa là, tất cả những gì đang giúp Viettel thành công, thì 10 năm nữa sẽ biến mất. Nếu Viettel không liên tục sáng tạo, đổi mới, không có tầm nhìn xa, thì không những không còn là một công ty thành công, mà sẽ biến mất trên thị trường”, ông Hùng nhắc lại điều mà ông đã nhiều lần nói với hơn 25.000 nhân viên của mình và cho biết, người Viettel đã “nghĩ khác” cho tương lai 10 - 20 năm sau của mình.
Nghĩ đến những thứ… ngoài alo
Theo ông Hùng, doanh thu từ thoại vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của Viettel Mobile, nhưng trong cuộc đua mới, nếu không làm khác, Viettel sẽ chết. Điều này xuất hiện trong suy nghĩ của Viettel khi Viber cung cấp dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí, khiến doanh thu ngành viễn thông giảm mạnh.
“Lúc đầu, Viettel cũng thấy lo, nhưng sau nhận thấy đây là cú đánh mạnh làm mình tỉnh ngủ. Lâu nay mình sống bằng alo (thoại), nhưng giờ doanh thu từ đây bằng không tức là mình phải đổi nghề. Mà đổi nghề thì mới thực sự chuyển mình và trở thành người khác”, ông Hùng nói.
Nhưng thay đổi như thế nào khi doanh thu của Công ty vẫn phụ thuộc lớn vào thoại? Câu trả lời của Viettel là đưa viễn thông, công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, để bù đắp doanh thu từ thoại. Rồi ông Hùng say sưa nói về hàng loạt giải pháp đã được Viettel đưa ra nhằm tăng độ phủ của viễn thông, công nghệ thông tin.
Chẳng hạn, dịch vụ gắn sim 3G vào đồng hồ để đo nhịp tim, các thông số sức khỏe của người dùng. Kết quả thu được sẽ được truyền về trung tâm và được so sánh với kết quả tháng trước, năm trước, sau đó tính toán theo công thức của bác sĩ để giúp người dùng điều chỉnh chế độ thuốc men.
Trong tương lai, dịch vụ viễn thông sẽ không chỉ dừng lại ở đó, mà sẽ bao gồm cả việc gắn sim 3G vào xe ô tô để bật trước máy lạnh lúc trời nóng, theo dõi lịch trình của con cái... Từ nay đến năm 2020, qua hệ thống cáp quang siêu băng rộng, Viettel sẽ cung cấp đến hàng triệu hộ gia đình dịch vụ truyền hình trả tiền theo yêu cầu, với những chương trình phổ cập kiến thức nông nghiệp, dạy học cho trẻ em được đóng gói lại và có thể xem lại trên hệ thống...
“Nếu làm được như thế, thì doanh thu của ngành viễn thông sẽ không chỉ chiếm 3 - 4% GDP nữa, mà là 10 - 15% GDP”, ông Hùng khẳng định.
Một sáng thức dậy sẽ trở thành Microsoft
Để thực hiện kế hoạch đưa viễn thông, công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, Viettel phải đặt chân vào lĩnh vực mới là công nghệ - thông tin. Ông Hùng thừa nhận, ông cũng như người Viettel rất băn khoăn khi nhảy vào lĩnh vực này và không biết bao giờ Viettel mới bằng được FPT, chứ chưa nói đến Microsoft. Nhưng nếu không bằng Microsoft, thì chẳng nên nhảy vào làm gì.
Theo phân tích của ông Hùng, Microsoft rất giỏi, rất chuyên nghiệp. Họ viết ra các phần mềm mà khi sử dụng thì một năm chỉ lỗi một lần vì họ làm sản phẩm rất kỹ. Khi phần mềm bị hỏng, họ đưa vào quy trình nghiên cứu chuyên nghiệp, qua nhiều công đoạn và 3-6 tháng sau trả lại cho khách hàng một bản vá.
Khi tham gia viết phần mềm, tất nhiên Viettel sẽ không chuyên nghiệp bằng Microsoft, phần mềm viết ra lỗi 5 lần trong năm đầu tiên. Nhưng khi phần mềm của Viettel hỏng, khách hàng chỉ cần gọi điện là cả bộ máy lập trình viên, dù lúc nửa đêm, vào dịp cuối tuần hay đang đi nghỉ, đều lập tức xử lý và đưa ra bản vá ngay hôm sau. Tình huống này sẽ khiến khách hàng ngạc nhiên lắm, vì nó nhanh hơn, thân thiện hơn và vì vậy Viettel sẽ… giỏi hơn Microsoft.
Sau ngạc nhiên ấy, khách hàng có thể sẽ yêu cầu các tính năng mới và hôm sau, nhân viên Viettel sẽ mang đến đúng thứ đó, khiến họ càng thấy quý sản phẩm của Viettel. “Sau một đêm thức dậy, chỉ cần thay đổi cách làm, mà dùng đúng cách làm phù hợp với người Việt, thì Viettel đã hơn Microsoft rồi. Hơn Microsoft ở chỗ, Viettel đã làm khác Microsoft, không tắt điện thoại vào 5h chiều, cuối tuần và kỳ nghỉ. Bằng sự khác biệt đó, Viettel có thể tự tin sánh vai với ông lớn”, ông Hùng nói.
Với FPT, ông Hùng không phải là Trương Gia Bình, người Viettel 20 năm trước cũng chưa viết phần mềm như lính FPT. Nếu săn đầu người của FPT, thì họ cũng sẽ không về Viettel. Vậy phải làm thế nào? Câu trả lời chỉ xuất hiện khi ông Hùng và Viettel cùng nghiên cứu và phân tích cách làm của FPT.
Theo đó, FPT cơ bản làm các dự án công nghệ thông tin cho khách hàng là nhà đầu tư. Các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp phải mua máy tính, phần mềm, hệ điều hành để chạy và phải có một đội ngũ vận hành. Trong khi đó, công nghệ thông tin thay đổi rất nhanh, 3-5 năm phải thay mới một lần. Viettel nghĩ ra cách bỏ tiền đầu tư hệ thống đó, phát triển phần mềm, đặt tại Viettel, biến công nghệ thông tin trở thành dịch vụ như dịch vụ viễn thông và thu tiền dịch vụ của khách hàng. Chỉ khi nhìn ra “cửa sống” ấy, Viettel mới thành lập mảng công nghệ thông tin.
Ngoài ra, FPT chủ yếu cung cấp các dịch vụ cho hàng loạt doanh nghiệp. Viettel không có “cửa sống” nếu cũng làm vậy. Viettel nghĩ rằng, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp chính là cách mà ông giám đốc điều hành doanh nghiệp đó. Vì thế, Viettel “may đo” các phần mềm đúng theo cách điều hành của từng vị giám đốc. Cách làm này phù hợp với triết lý “mỗi khách hàng là một cá thể” của Viettel.
Ông Hùng cho biết, điểm khác biệt thứ ba của Viettel là có mạng viễn thông và rất hiểu viễn thông, nên có thể phát triển những phần mềm trên mobile rất tốt. Vì vậy, dù nhảy vào công nghệ thông tin muộn, nhưng Viettel vẫn tự tin như lúc nhảy vào thị trường di động 10 năm trước để cạnh tranh với VNPT.
Không mắc kẹt trong bất ổn
Chuyện “nghĩ khác, làm khác” của Viettel trong đầu tư ra nước ngoài của Viettel cũng được ông Hùng kể lại qua câu chuyện chuẩn bị đầu tư vào Haiti năm 2010. Khi hợp đồng giữa hai bên chưa được ký kết thì động đất xảy ra và có ý kiến cho rằng, đầu tư vào đây rất rủi ro. Nhưng lãnh đạo Viettel lại cho rằng, sau thảm họa, sự hồi sinh rất mạnh mẽ. Hiện nay, Viettel được người dân Haiti rất trân trọng, vì cho rằng, “trong khi động đất, dịch tả hoành hành, ai cũng chạy đi, thì Viettel lại đến”. Viettel đã thành công trong đầu tư ra nước ngoài từ suy nghĩ “khác người” đó.
Thời điểm này, Viettel bắt đầu bước sang tuổi 26, Viettel Telecom sang tuổi 11, vị thuyền trưởng của Viettel luôn nhắc mỗi người Viettel rằng, khi đã thành công, ai cũng có xu thế tìm kiếm sự an toàn. Nhưng để phát triển lên một tầm cao mới, phải đương đầu với thử thách, dám mơ ước xa hơn hiện thực, đặt mục tiêu cao hơn mức tiêu chuẩn, nhìn ra những thứ chưa ai thấy, dám làm những việc chưa ai làm...
“Viettel từng không bị mắc kẹt trong nghèo nàn, khó khăn và thất bại để trở thành một công ty lớn nhất Việt Nam, thì cũng sẽ không để bị mắc kẹt trong thành công để trở thành một công ty hàng đầu thế giới. Cách tốt nhất để thành công tiếp là xóa đi thành công của mình và khởi tạo những thách thức mới. Hãy nhìn thế giới, nhìn viễn thông khác đi và hành động khác để Viettel tiếp tục phát triển thành một công ty toàn cầu, một công ty hàng đầu trên thế giới về viễn thông và công nghệ thông tin”, ông Hùng khẳng định con đường mà Viettel đã chọn.
Tổng giám đốc Viettel: Không chấp nhận sự trung bình
 Chiều 11/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel). Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
TIN LIÊN QUAN
Kế hoạch lớn năm 2015 của các đại gia viễn thông
Phần mềm trừ khử trò mạo danh "ông chú Viettel"
Đại dương xanh của “con nhà nghèo”
Viettel chuyển sang mô hình doanh nghiệp nghiên cứu - sản xuất
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thăm các cơ sở nghiên cứu - phát triển và sản xuất thiết bị viễn thông; phần mềm Viettel và Trung tâm điều hành Mạng toàn cầu Viettel tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: VGP News
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Viettel cho biết, năm 2014, doanh nghiệp đã đạt doanh thu trên 197.000 tỷ đồng (tăng trưởng trên 20%), đứng thứ 2 trong số gần 500.000 doanh nghiệp Việt Nam và chiếm trên 10% trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước; lợi nhuận trước thuế đạt 42.000 tỷ đồng (tăng trưởng 15%), chiếm gần 1/4 tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; nộp ngân sách Nhà nước trên 15.000 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho gần 90.000 lao động (trong đó, tại Việt Nam là 75.000 người và nước ngoài là 15.000 người).
Hiện tại, Viettel đã đầu tư tại 9 quốc gia (với tổng dân số 175 triệu dân) với tổng doanh thu từ thị trường ngoài nước đạt 1,2 tỷ USD (tăng trưởng 25%), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 156 triệu USD (tăng 32 %). Hết năm 2015, 80% trong tổng số trên 600 triệu USD đầu tư ra nước ngoài sẽ được thu hồi. Năm 2015, tập đoàn sẽ khai trương dịch vụ viễn thông tại các thị trường Công Gô (75 triệu dân), Colombia (40 triệu dân) và Myanmar (55 triệu dân).
Ngoài 2 trụ cột viễn thông và đầu tư ra nước ngoài, Viettel đang chuyển hướng đầu tư mạnh cho trụ cột thứ 3 là nghiên cứu - sản xuất các thiết bị công nghệ cao và thiết bị thông minh với việc thành lập 3 viện nghiên cứu - sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông, thiết bị điện tử thông minh… Viettel đã và đang tập trung xây dựng và phát triển theo mô hình doanh nghiệp sáng tạo với việc phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đã lên đến 4.500 nhân sự, trong đó có 3.000 tiến sỹ, kỹ sư, lập trình viên làm việc tại 3 viện nghiên cứu, 2 công ty phần mềm. Doanh thu bước đầu trong lĩnh vực này năm 2014 đã đạt 5.500 tỷ đồng.
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2015, Viettel phấn đấu tăng trưởng 20%, doanh thu đạt 230.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 15%, năng suất lao động tăng 15%. Định hướng của Viettel là duy trì mức tăng trưởng này liên tục đến năm 2020 để có thể đạt tới doanh thu gấp đôi hiện nay, khoảng trên 400.000 tỷ đồng; đầu tư ra 30 đến 35 nước; hàng năm chi 200 đến 400 triệu USD cho nghiên cứu - phát triển, sáng tạo công nghệ; phấn đấu vào Top 10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới và trở thành một doanh nghiệp toàn cầu.
“Mục tiêu của Viettel là chuyển mô hình từ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sang mô hình doanh nghiệp nghiên cứu - sản xuất. Phải nhanh hơn, thông minh hơn, hiệu quả hơn, phải xuất sắc, luôn khác biệt và không chấp nhận sự trung bình” - Ông Hùng nói.
Viettel ‘quăng chài’ khắp thế giới
() Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đang đẩy mạnh đầu tư sang nhiều nước ở châu Phi, Đông Âu, Mỹ La tinh, cho dù ở thời điểm hiện tại, hoạt động đầu tư ra nước ngoài  đang gặp không ít thách thức.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rất cao nỗ lực cũng như những kết quả ấn tượng mà Viettel đạt được trong thời gian qua. Thành tựu của Viettel vừa là niềm tự hào của đất nước, của quân đội mà còn chứng minh chủ trương xây dựng, phát triển các doanh nghiệp quân đội của Đảng và Nhà nước là đúng đắn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng Viettel không thỏa mãn với thành tựu, không chủ quan trên con đường hiện thực hóa khát vọng, không chần chừ để bị tụt hậu, bị vượt qua mà cần nỗ lực quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu trở thành tập đoàn viễn thông hàng đầu của khu vực và thế giới, cạnh tranh thành công trên thị trường quốc tế và phát triển bền vững.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Viettel tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh; áp dụng các cơ chế, chính sách hiệu quả để tạo động lực, đồng thời thu hút và xây dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục nâng cao năng suất lao động, năng suất, chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, đồng thời thực hiện có hiệu quả, thành công các nhiệm vụ chính trị được quân đội giao.
Thủ tướng cũng mong muốn Viettel tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được quân đội giao cũng như góp phần thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng; phát triển các dịch vụ tiện ích trên Internet và tham gia xây dựng Chính phủ điện tử của quốc gia.  
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của Viettel. Thủ tướng đồng ý chủ trương tăng vốn điều lệ cho Tập đoàn; cho phép Viettel tiếp tục thực hiện cơ chế khoán quỹ lương, tự chủ về tiền lương nhằm thu hút và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng cũng đánh giá cao định hướng mô hình nghiên cứu - sản xuất của Tập đoàn và đồng ý chủ trương Tập đoàn có cơ sở đào tạo gắn với nghiên cứu và tạo nguồn nhân lực trong Tập đoàn. Đồng ý xem xét cấp khoảng 100 ha đất trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để Viettel có mặt bằng xây dựng và triển khai các cơ sở nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
“Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Viettel tiếp tục phát triển và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định và bày tỏ tin tưởng Viettel sẽ tiếp tục thành công và những thành tựu mới, đột phá trên con đường phát triển của mình.
Trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm các cơ sở nghiên cứu - phát triển và sản xuất thiết bị viễn thông; phần mềm Viettel và Trung tâm điều hành Mạng toàn cầu Viettel tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Những đại gia nào đang nhăm nhe rót vốn vào Sân bay Cam Ranh?
Khả năng sinh lời được đánh giá là tốt trong khi quy mô đầu tư vừa phải, Dự án Nhà ga hành khách, Cảng Hàng không Cam Ranh đang tạo sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư đông kỷ lục
Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long là cái tên mới nhất gia nhập cuộc đua giành quyền đầu tư Dự án Nhà ga hành khách, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh. Nhà đầu này sẽ không tham gia độc lập, mà tham gia cùng với Công ty cổ phần Đầu tư khai thác Cảng (Import Corp) để cùng theo đuổi Dự án.
Cần phải nói thêm rằng, Phú Long không phải là cái tên “đáng gờm” duy nhất mong muốn được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chấm để góp vốn vào đầu tư vào cảng hàng không quốc tế này.
Cam Ranh là một trong những cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Anh Minh
Cam Ranh là một trong những cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Anh Minh

Theo thông tin của Báo Đầu tư, tính đến đầu tháng 8/2015, số lượng nhà đầu tư nộp đơn xin tham gia đầu tư Dự án đã vượt quá con số 12, với sự đa dạng về ngành nghề kinh doanh. Cụ thể, trong lĩnh vực hàng không và dịch vụ hàng không là các nhà đầu tư: VietJet, Công ty cổ phần Logistic Hàng không (ALS), Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt; lĩnh vực bất động sản là Phú Long, Golf Long Thành; dịch vụ là Liên Thái Bình Dương của triệu phú Jonathan Hạnh Nguyễn; xây dựng có: Tập đoàn Đức Bình; Việt Xuân Mới, Đại Dũng…
“Đây là số lượng nhà đầu tư lớn nhất xin tham gia một dự án BOT cơ sở hạ tầng hàng không”, ông Đào Việt Dũng, Phó tổng giám đốc ACV - chủ đầu tư Dự án cho biết.
ACV cũng đã gửi phương án đầu tư sơ bộ vào Nhà ga hành khách mới, Cảng Hàng quốc tế Cam Ranh cho các nhà đầu tư tham khảo. Theo đó, mục tiêu của dự án này là xây dựng nhà ga hành khách mới  phục vụ 2 triệu khách quốc tế/năm, đảm bảo thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận. Nhà ga hành khách mới sẽ được thiết kế 2 cao trình đi và đến tách biệt, có 2 cầu ống dẫn khách. Đặc biệt, nhà ga sẽ được thiết kế mở, để có thể đầu tư nâng công suất lên 4 triệu khách/năm khi có nhu cầu.
“Tổng mức đầu tư của Dự án được xác định sơ bộ trên cơ sở suất đầu tư các dự án xây dựng đã và đang được thực hiện trong thời gian gần đây là gần 2.000 tỷ đồng”, đại diện ACV khẳng định.
ACV muốn cùng góp vốn
Về hình thức đầu tư, ACV cho biết là việc huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư nhà ga này có thể theo hình thức BOT hoặc thành lập công ty cổ phần. Tuy nhiên, với dự án này, ACV đề xuất triển khai theo phương án 2.
“ACV sẽ góp vốn cùng nhà đầu tư thành lập công ty cổ phần, nhằm tận dụng thế mạnh của các bên, lợi nhuận sẽ được phân chia theo tỷ lệ góp vốn”, ông Dũng nói và cho biết, nhà đầu tư tham gia Dự án Nhà ga hành khách, Cảng Hàng không Cam Ranh phải có ít nhất 10 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hàng không, phi hàng không, đầu tư tài chính.
Nhằm đảm bảo dịch vụ được cung cấp trong nhà ga một cách công bằng, bình đẳng, nhà đầu tư, cổ đông là hãng hàng không sẽ không được nắm giữ quá 30% vốn điều lệ của công ty cổ phần. Cổ đông sáng lập (tối thiểu 3 cổ đông, bao gồm cả ACV) không được rút vốn hoặc chuyển nhượng vốn trong thời hạn 5 năm kể từ khi thành lập,.
Đề xuất này được đánh giá là tiệm cận mong muốn của hầu hết các nhà đầu tư. Cụ thể, trong đơn đề xuất đầu tư, ALS (có một phần vốn góp của Vietnam Airlines) đề xuất thành lập công ty cổ phần đầu tư dự án có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Tại công ty này, ALS muốn nắm 50-60% vốn điều lệ; ACV nắm 10-20%; các nhà đầu tư khác như ngân hàng, Vietnam Airlines nắm 20-30% vốn điều lệ.
Trước đó, trong tờ trình gửi Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt báo cáo phương án đầu tư, ACV cho biết, nhà đầu tư được thu phí phục vụ hành khách 14 USD/khách, phí băng tải hành lý 60 USD/lần; cầu ống dẫn khách 200 USD/lần; cho thuê văn phòng làm việc 35 USD/m2/tháng; mặt bằng kinh doanh dịch vụ 70 USD/m2/tháng. Với các dòng tiền có xu hướng tăng lên, nhà đầu tư có thể hoàn vốn trong thời gian dưới 20 năm.
Là một trong những cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam, trong những năm qua, sản lượng hành khách vận chuyển qua Sân bay Cam Ranh luôn đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm (dự kiến đạt khoảng 2,5 triệu khách/năm). Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động và khai thác, nhà ga hành khách hiện tại tại sân bay Cam Ranh đã bắt đầu quá tải, đặc biệt là phần nhà ga hành khách đang được dùng để đón khách quốc tế.
Anh Minh
Bphone thành bài học dạy lính của Tổng giám đốc Viettel
Trong bài diễn văn "Ngày sáng tạo Viettel", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel đã dùng Bphone để khơi dậy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm cho nhân viên Viettel.
Ông Hùng đã đề nghị đổi tên "Ngày truyền thống" Viettel 1/6 hàng năm thành "Ngày Sáng tạo Viettel" để "làm một điều gì đó khác biệt và có giá trị".
 Ông Hùng khuyên nhân viên: "Hãy để việc sáng tạo trở thành điều bình thường, giản dị đến mức đương nhiên trong cuộc sống, trong công việc hàng ngày của chúng ta. Và nếu chúng ta làm được điều đó thì Viettel sẽ trẻ mãi không già, sẽ mãi mãi là một công ty trẻ trung tràn đầy sức sống".
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel.

Lý giải cho điều này, ông Hùng lấy ví dụ về sự kiện ra mắt của chiếc Bphone của Bkav và cho biết: "Sự kiện đó đã khiến tôi rất suy nghĩ. Vì sao Bkav, một doanh nghiệp nhỏ bé nhân lực ít, tài chính hạn hẹp, bắt đầu tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất  chậm hơn chúng ta, vậy mà họ ra mắt được một sản phẩm có hình hài, dáng dấp, tên tuổi tốt hơn chúng ta rất nhiều? Hãy bỏ qua những chiêu thức PR, hãy bỏ qua những nghi vấn về số lượng những chiếc Bphone có thể bán được.
Chúng ta hãy nhìn vào khát vọng của họ. Bkav đã đứng lên tuyên bố dõng dạc với cả dân tộc Việt Nam 'Bphone sẽ đánh bại iPhone'. Chưa ai trong số chúng ta dùng Bphone. Rất nhiều người trong chúng ta dùng iPhone. Rất nhiều người cười khẩy về một Quảng "nổ", như báo chí và truyền thông đã đặt tên. Có thể điều đó là sự thật, nhưng có một sự thật khác là họ dám nghĩ tới việc vượt lên cả iPhone".
Theo ông Hùng, Viettel sẽ không thể đánh bại đối thủ nếu ít nhất Người Viettel chưa nghĩ tới điều đó. Bkav đã dám nói, mà không chỉ nói trong nhà, họ đứng trước hàng chục triệu người Việt Nam để tuyên bố về khát vọng này của mình.
"Tôi đánh giá, đó là một điều vô cùng quan trọng cho tương lai của Bkav. Tuyên bố này sẽ quyết định cách họ đi, điều họ cần tìm kiếm, những thứ họ cần trang bị cho mình", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nói với nhân viên một điều mà Viettel không học Bkav. Đó chính là cách Bkav bắt chước đối thủ mà họ xác định là Apple: Từ kiểu dáng, hình thức, từ cách đặt giá cao, từ cách CEO thuyết trình, từ cách thông tin rò rỉ, từ những tuyên bố bất ngờ...Tất cả đều gống cách mà Steve Jobs đã từng sử dụng.
"Đây thực sự là điều mà Viettel nên tránh. Thế giới này rộng lớn nhưng nó khắc nghiệt tới mức, với mỗi công thức thành công thì chỉ có một người thành công. Nếu chúng ta muốn thành công thì phải có công thức mới của riêng mình, phải có một ý tưởng độc đáo và xuất sắc. Đó là lý do vì sao Viettel phải đặt sự sáng tạo lên trên hết. Sẽ không còn chỗ cho sự trung bình, thậm chí khá hay tốt cũng chết. Chỉ có sự xuất sắc là tồn tại. Mà muốn xuất sắc thì phải sáng tạo, khác biệt", ông Hùng nói.
Hữu Tuấn

TGĐ General Eletric - Vị CEO “luôn tưởng tượng khi làm việc”

Nhậm chức TGĐ General Eletric thì gặp sự cố 11/9, nhiều dự báo khó khăn nhưng GE vẫn vững vàng là công ty lớn thứ 6 nước Mỹ nhờ khả năng bẻ lái tài tình và tăng tốc con tàu GE của Jeffrey Immelt.

    TGĐ General Eletric - Vị CEO “luôn tưởng tượng khi làm việc”
    Tổng giám đốc GE Jeffrey Immelt (trái) và Tổng thống Mỹ Obama trong một chuyến tham quan nhà máy của GE.

    Vài ngày sau khi Jeffrey Immelt nhận chức Tổng giám đốc General Electric (GE), một sự kiện đã xảy ra làm thay đổi cả nước Mỹ - vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Sau đó, nhiều điều dự báo đã được đưa ra về một thời kỳ khó khăn cho GE – một công ty có bề dày lịch sử vốn được thành lập bởi nhà bác học Thomas Edison kể từ năm 1892. 

    Nhưng rồi GE vẫn đứng vững và vươn lên dưới thời Jeffrey Immelt, từ một tập đoàn công nghiệp mang tính kỷ luật cao sang tập đoàn mang tính sáng tạo với phương châm “Imagination at Work” (tạm dịch là “luôn tưởng tượng khi làm việc”), và xa hơn nữa là tiến đến tập đoàn công nghệ xanh của thế kỷ 21.

    Từ sản phẩm đầu tay là những chiếc quạt máy trong các năm 1890, các thiết bị nấu nướng và sưởi ấm kể từ năm 1907 trước khi bước vào lĩnh vực hàng không trong năm 1917, bước vào thế kỷ 20 GE đã mở rộng tầm hoạt động trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như dịch vụ tài chính, y khoa, kỹ thuật hàng không, năng lượng, nguyên liệu và sản phẩm chất dẻo, và cả truyền thông giải trí. 

    Ngày nay, dưới thời của Jeffrey Immelt, GE tập trung vào bốn lĩnh vực ứng dụng công nghệ xanh là năng lượng, hạ tầng kỹ thuật, tài chính và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

    Trong chuyến làm việc với nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết vào tháng 9-2007, ông Immelt đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị nguồn điện tại Hải Phòng và chuẩn bị cho các hoạt động đầu tư khác. Thị trường Việt Nam không xa lạ với các sản phẩm của GE, từ động cơ máy bay đến các máy phát điện sử dụng tại các dự án thủy điện và nhiệt điện, từ thiết bị y tế đến cả việc đào tạo nguồn nhân lực thông qua học bổng của Quỹ GE Foundation.

    GE – một dẫn chứng về lịch sử công nghiệp Mỹ

    Được thành lập vào năm 1892 bởi sự hợp nhất giữa Edison General Electric của Thomas Edison và Thomson-Houston Electric Company của Charles Coffin, trải qua thời gian General Electric (GE) đã lớn mạnh và đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau. 

    Năm 1911, GE sáp nhập National Electric Lamp Association (NELA) vào bộ phận chiếu sáng của mình. 

    Tám năm sau đó, GE thành lập Radio Corporation of America (RCA). Bộ phận này lớn mạnh và tách rời thành công ty độc lập kể từ năm 1930 cho đến khi được GE mua lại vào năm 1986 để nhập vào hệ thống truyền hình NBC. 

    Năm 2002, GE mua lại 80% cổ phần của Universal Pictures để thành lập công ty truyền thông NBC Universal mà sau này chỉ giữ lại 49% cổ phần, 51% thuộc về tập đoàn truyền hình Comcast.

    Xuất phát từ nhu cầu sử dụng máy tính của công ty rất lớn chỉ sau Chính phủ Mỹ, trong các năm 1960, GE là một trong tám nhà sản xuất máy tính lớn với những cái tên còn lại là IBM, Burroughs, NCR, Control Data Corporation, Honeywell, RCA và UNIVAC. Hệ điều hành GECOS được phát triển từ năm 1962 và bán lại cho Honeywell để trở thành GCOS vẫn còn được sử dụng đến nay. Năm 2002, GE tiếp tục bán bộ phận công nghệ thông tin GE Information Systems (GEIS) mà nay trở thành một trong những công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hàng đầu tên là GXS.

    Sản xuất các loại động cơ khác nhau là một trong những ngành có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở GE, với những bí quyết tích lũy trong lĩnh vực động cơ máy bay. Những chiếc máy bay có bộ siêu nạp (supercharger) ra đời từ Thế chiến thứ nhất và đến năm 1941 GE bắt đầu thiết kế thế hệ tên lửa Whittle trước khi bán lại cho Allison Engine Company. Bộ phận hàng không của GE đã nổi lên như một nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu chỉ sau Rolls-Royce Plc. 

    Nhưng dưới thời Jeffrey Immelt, GE đã nhanh chóng chuyển hướng. Sau khi tập đoàn năng lượng Enron phá sản, năm 2002 GE mua lại Enron Wind là nhà sản xuất điện gió lớn nhất lúc bấy giờ. Quyết định này sau đó đã dẫn đến kết quả là bộ phận phong điện của GE đã nhảy vọt về doanh thu, với hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2003. Đến năm 2009, GE mua thêm công ty ScanWind để mở rộng đầu tư theo hướng công nghệ xanh.

    Từ bỏ chủ trương bao quát nhiều ngành và tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọnlà những gì mà người ta thấy được nơi Immelt kể từ khi ông lên thay người tiền nhiệm Jack Welch, trong đó có quyết định bán bộ phận bảo hiểm năm 2004 và đến năm 2007 bán nốt bộ phận sản xuất nhựa cho Saudi Basic Industries Corp (SABIC). 

    Ngược lại, GE hợp tác phát triển kỹ thuật cắt lớp (CT) với công ty y khoa Arineta của Israel, mua lại nhà máy sản xuất turbin khí của tập đoàn Dresser, các công ty dịch vụ thăm dò dầu khí Wellstream Holdings và John Wood, hợp tác cùng tập đoàn công nghệ không gian Smiths Aerospace và đi theo lộ trình công nghệ xanh của thế kỷ 21.

    Vị CEO của “Imagination at Work”
    Ông Jeffrey Immelt (người ngồi) cùng các cộng sự ở GE.

    Cha của Immelt là Joseph Francis đã từng là nhà quản lý bộ phận động cơ máy bay (GE Aircraft Engines) và mẹ là Andrea từng làm việc tại bộ phận chất dẻo. Điều này giúp lý giải tại sao Immelt gia nhập vào GE vào năm 1982 ngay sau khi tốt nghiệp ngành toán của trường Đại học Dartmouth và lấy bằng thạc sĩ tại trường Kinh doanh Harvard. Qua công việc tại các bộ phận chất dẻo và trang thiết bị rồi đảm nhận chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Medical Systems tức GE Healthcare hiện nay, Immelt biết đã đến lúc GE phải thay đổi.

    Jeffrey Robert Immelt đã ngồi vào chiếc ghế CEO “nóng” bởi có khá nhiều mục tiêu và kỳ vọng được đặt ra cho ông. Lịch sử lâu đời và thành công của doanh nghiệp, thành tích lợi nhuận chất ngất của những vị lãnh đạo tiền nhiệm. Giá trị cổ phiếu của GE vào năm cuối thời Jack Welch còn điều hành là trên 40 đô la Mỹ nay chỉ còn lại một nửa. 

    GE hiện tại chỉ đứng hàng thứ sáu trong những công ty lớn nhất ở Mỹhàng thứ năm trong những nhãn hiệu nổi tiếng nhất thế giới (trị giá 42,5 tỉ đô la Mỹ). Nhưng với Immelt, có lẽ điều ông quan tâm nhất là GE đang đứng hàng thứ 19 về tính sáng tạo và hàng thứ 82 về mức độ sản xuất xanh. Rõ ràng, không đơn giản để chuyển hướng một tập đoàn toàn cầu với bề dày lịch sử.

    Nền sản xuất công nghiệp vốn đòi hỏi kỹ thuật cao và tính kỷ luật chặt chẽ để tồn tại trong môi trường kinh tế tri thức sẽ đòi hỏi con người phải luôn luôn đưa ra những giải pháp sáng tạo. Với trên dưới 350.000 nhân viên, GE từ lâu đã là kiểu mẫu của nền văn hóa công nghiệp với những quy định khắt khe như hằng năm có đến 10% công nhân có năng suất lao động thấp nhất phải nghỉ việc. Với GE, bối cảnh kinh tế khó khăn cũng là thời điểm thuận lợi để thay đổi, để tri thức hóa hoạt động sản xuất-kinh doanh.

    “Imagination at Work” là một khẩu hiệu lạ lẫm được Immelt đưa ra làm trung tâm của cuộc cách mạng văn hóa doanh nghiệp, nhắm đến hiệu quả kinh tế cao thông qua việc phát huy tinh thần tự do và năng lực sáng tạo nơi mỗi nhà quản lý và các nhân viên, một nền văn hóa biết đề cao nguồn vốn con người (human capital).

    Đặt giá trị môi trường vào sự thành công

    Trên thực tế, những thay đổi của Immelt gây ra nhiều tranh cãi. Tạp chí hàng đầu thế giới về vấn đề kinh doanh đã ba lần bầu chọn Immelt là CEO xuất sắc nhất thế giới. Trong khi đó, trang BusinessWeek của tờ báo tài chính Bloomberg hồi tháng 3-2005 cho rằng cuộc cách mạng của Immelt làm đảo lộn GE bởi tạo ra quá nhiều rủi ro và sáng tạo. Tờ Fortune có phần mỉa mai đặt thành câu hỏi “Jeffrey Immelt đã làm được gì cho GE”.

    Năm 2009, Tổng thống Mỹ Obama đã chỉ định Immelt làm thành viên Ủy ban Tư vấn Chính phủ về phục hồi kinh tế và tháng 1-2011 bổ nhiệm ông làm Chủ tịch Hội đồng Việc làm và Năng lực cạnh tranh. Điều này tạo ra lời đồn đoán về sự ra đi của vị CEO năm nay mới 56 tuổi và cuộc cách mạng bất thành ở GE. Nhưng khi xem xét các diễn biến dồn dập trong hai năm 2010 và 2011, người ta biết rằng Immelt đã bẻ lái thành công con tàu GE và đang bắt đầu một cuộc tăng tốc.

    Thực vậy, năm 2005, Immelt công bố chủ trương “Ecomagination” (tư duy môi trường) và chính thức đưa GE vào vị trí một công ty xanh. Cùng với Siemens (Đức), GE hiện là nhà sản xuất động cơ lớn nhất và đa dạng nhất thế giới. 

    Những động cơ đó tạo ra năng lượng hữu dụng cho con người nhưng đồng thời đưa vào bầu khí quyển một lượng khí thải khổng lồ thường được nói tới dưới cái tên khí thải carbon làm biến đổi khí hậu. Immelt đã quyết tâm tăng cường đầu tư vào các giải pháp công nghệ môi trường khi năm 2007 đem bán bộ phận chất dẻo cho SABIC với giá 11,66 tỉ đô la Mỹ để có vốn thực hiện mục tiêu kể trên. Các giải pháp xanh được ứng dụng trong việc sản xuất động cơ điện gió, điện khí, các dòng xe lai sử dụng một phần năng lượng tái tạo, các pin mặt trời, máy khử nước mặn và công nghệ tái sử dụng nước ngọt.

    Bản thân GE đã có kế hoạch thành lập xưởng sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất ở Mỹđể cung cấp cho các nhà máy chi nhánh nhằm thay thế một phần nhu cầu về năng lượng hóa thạch.

    “Chúng ta phải trả một cái giá cho carbon” (putting a price on carbon) cho mỗi thành công. Lời phát biểu đó của Immelt trong một cuộc hội nghị của Liên hiệp quốc không chỉ để gửi đến các doanh nghiệp một tinh thần mới, mà trước hết áp dụng cho chính GE – nơi mà từ nay mỗi cái máy ra đời phải thân thiện với môi trường hơn các dòng máy đời trước, đồng thời tập trung tư duy sáng tạo để có những giải pháp về việc xử lý ô nhiễm môi trường hiện nay.

    Tài liệu tham khảo:

    - Jeffrey R. Immelt: http://en.wikipedia.org/wiki/Jeffrey_R._Immelt

    - The Immelt Revolution: http://www.businessweek.com/magazine/content/05_13/b3926088_mz056.htm

    - GE CEO: “We Must Put a Price on Carbon” to Succeed: http://www.treehugger.com/files/2011/01/jeffrey-immelt-ge-obama.php

    Theo Hoàng Xuân Phương