Cảnh tượng đầy thảm khốc của quân đội Trung Quốc sau một trận đánh. (Ảnh mạng)
Gần đây, trên mạng có xuất hiện một bài viết tiết lộ về những bí ẩn kinh hoàng đằng sau cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung đã xảy ra cách đây hơn 30 năm, bài viết này còn nói rằng đây là “một cuộc chiến tranh tay mơ nhất, tức tưởi nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)” từ lúc bắt đầu cầm quyền cho đến nay. Sự thảm khốc của cuộc chiến này khiến người ta phải dựng tóc gáy, đứng ở góc độ dân tộc Hoa Hạ mà nói: điều phẫn uất nhất là đã có hàng vạn binh sĩ Trung Quốc phải đổ máu vì một trò đùa vớ vẩn do ĐCSTQ phát động.
ĐCSTQ giật dây chiến tranh vì muốn “dạy dỗ” Việt Nam
Bài viết nói rằng, từ sau năm 1949, ĐCSTQ đã có 4 lần phát động các cuộc chiến tranh ra bên ngoài (chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh biên giới Trung – Ấn, chiến tranh biên giới Trung – Xô, và chiến tranh Trung – Việt), đều là những cuộc chiến không cần thiết. Nhìn từ góc độ quân sự cũng chẳng thấy chút huy hoàng nào; nhìn từ góc độ chiến lược thì toàn đều là thất bại. Trong số đó thì cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung (mà phía ĐCSTQ gọi là “cuộc phản kích tự vệ đối với Việt Nam”) là một cuộc chiến đầy tức tưởi, tay mơ nhất của ĐCSTQ từ khi bắt đầu nắm quyền.
Bài viết có nhắc đến chiến tranh biên giới Việt – Trung là một cuộc chiến do ĐCSTQ phát động nhắm vào Việt Nam, do Đặng Tiểu Bình đã tìm cách ép buộc người lãnh đạo đương thời của Trung Quốc là Hoa Quốc Phong phải đồng ý. Mục đích quân sự là nhằm cứu vớt cho chính quyền Khmer đỏ, ép Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia. Mục đích chính trị là “dạy dỗ” chính phủ thân Liên Xô của Việt Nam một “bài học”, ngoài ra thì Phó Chủ tịch họ Đặng của Quân ủy Trung ương cũng có mục đích của riêng mình, tức là kiểm tra thử xem bản thân mình có khả năng huy động quân đội được hay không, bởi vì Đặng phó Chủ tịch đã quyết định là sẽ thay thế Hoa Quốc Phong để trở thành người lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân đội ĐCSTQ tiến hành một cuộc đột kích nhắm vào Việt Nam từ 500 km chiến tuyến. Tuy phía Việt Nam có chuẩn bị nhưng sự chuẩn bị này vốn không đầy đủ, họ cho rằng quy mô của ĐCSTQ cùng lắm cũng giống như trận đánh nhau với Ấn Độ. Nhưng quả thực, họ không ngờ rằng lực lượng lần này lại lớn đến như vậy, hỏa lực lại hung hăng đến như vậy. Phía Việt Nam có 4 sư đoàn chủ yếu (sư đoàn số 3, sư đoàn 346, sư đoàn 316A, sư đoàn 345) và một số dân quân địa phương đối kháng với quân Trung Quốc.
Sau khi khai chiến, quân Trung Quốc liên tiếp giành được một số tỉnh thành của Việt Nam, Hà Nội ngay sau đó đã lâm vào hỗn loạn. Ngày 5 tháng 3, ĐCSTQ lên tiếng rút quân. Chính phủ Việt Nam phát động lệnh tổng động viên trên toàn quốc. Ngày 16 tháng 3, ĐCSTQ rút toàn bộ quân về nước, trận chiến này kết thúc giai đoạn một.
Thương vong của trận chiến này là bao nhiêu, cả hai phía đều không đưa ra con số cụ thể. Chiến tranh kết thúc, nội bộ những người như Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm có nói miệng với nhau là phía Trung Cộng chết 48.000 người, Việt Nam cũng là 48.000 người. Nhưng phía Trung Quốc đều là những thanh niên vai dài sức rộng (bao gồm cả những dân binh phụ trách vận chuyển), Việt Nam thì bao gồm những dân quân (có cả phụ nữ, người già,…), hàm ý là được chẳng bù với mất.
Sự ngu xuẩn của ĐCSTQ và sinh mạng của hàng vạn binh sĩ
Đây là một trận chiến vô cùng thảm khốc, dùng từ máu chảy thành sông để miêu tả thật không khoa trương chút nào. Quân đội Việt Nam chống cự một cách ngoan cường vượt qua cả mọi dự tính. Sự thảm khốc này bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau đây:
1. ĐCSTQ đã sử dụng chiêu bài chiến thuật cũ “biển người” trong cuộc chiến tranh liên Triều để xung kích trận địa của đối phương, quân số vượt xa những người Việt Nam vốn quen với mưa tên bão đạn. Trong thời gian Cách Mạng Văn Hóa, quân đội Trung Cộng chỉ quen với bài vở chính trị, rất ít khi huấn luyện thao trường, quân lính không biết đánh trận, sĩ quan không biết chỉ huy, vả lại còn không được huấn luyện chiến đấu ở các địa hình đồi núi, rừng sâu, thời gian ban đêm…, tăng thiết giáp và bộ binh không thể hiệp đồng tác chiến, vì vậy phải trả một cái giá nặng nề.
Ngoài ra, có một trưởng thôn ở vùng biên cảnh Vân Nam vào năm 1982 đã kể cho tác giả bài viết một câu chuyện. Lúc chiến tranh bắt đầu, phía Trung Quốc dưới sự yểm trợ của hỏa pháo tiến công thẳng về phía trận địa Việt Nam, tiếng súng hiệu xung phong vừa nổ, binh sĩ xông lên phía trước, một loạt khoảng hơn 100 người lúc trở về chỉ còn lại 20 – 30 người. Một loạt khác xông lên lại hy sinh đến gần hết. Cuối cùng khi đánh lên núi, phát hiện trên ấy chỉ có hơn 20 người lính Việt Nam. Người thôn trưởng ấy nói rằng, lúc đó ông ta tổ chức dân binh đi khuân vác, khắp núi đều là thi thể của binh lính Trung Quốc, thảm lắm!
2. Quân đội Trung Quốc sử dụng binh chủng cơ giới để tiến hành xâm nhập bao vây nhưng lại xem nhẹ những cơn mưa rừng nhiệt đới Bắc Bộ Việt Nam, dạng khí hậu này hoàn toàn không thuận lợi cho các binh chủng cơ giới tác chiến. Phía quân đội Việt Nam có nhiều vũ khí chống tăng nhờ viện trợ từ Liên Xô và chiếm dụng từ quân Mỹ nên rất dễ bắn thủng các xe tăng của quân đội Trung Quốc, có một số xe tăng khi bị đột kích thì bộ binh lại theo không kịp, xe tăng bị phá hủy rất nhiều, con số này lên đến hơn 200 chiếc.
Cách làm ngu xuẩn nhất là lúc bộ binh phối hợp với binh chủng thiết giáp để tiến hành bao vây, nhằm tránh bị rơi từ trên xe tăng xuống, binh lính đã cột chặt balo của mình vào xe tăng. Kết quả là khi gặp phải phục kích không thể nhảy xuống để tác chiến kịp thời mà lại trở thành miếng thịt nướng trên vỉ, có nhiều binh lính chưa kịp gỡ dây ra đã bị bắn chết. Có chiếc xe tăng bị phá hủy bên trên còn buộc chặt 4-5 người lính bộ binh.
Ngoài ra, quân Việt Nam còn bố trí mìn ở khắp nơi, thiết bị dò mìn của quân đội Trung Quốc không đủ, lúc khẩn cấp trên chiến trường phải dùng chính cơ thể con người để dò mìn, con số hi sinh rất lớn. Đồng thời, lúc xuất hiện tình trạng pháo binh bắn nhầm khiến cho binh lính bị thương, cũng không đủ nhân viên y tế để tiến hành cứu chữa, số người chết và bị thương cũng rất nhiều.
3. So với người Việt Nam, quân Trung Quốc thiếu ý chí chiến đấu hơn, dẫn đến thiệt hại rất lớn. Điều này đã được báo cáo trong bản “Báo cáo tình hình chiến trường”, có lúc quân Trung Quốc bắt được tù binh Việt Nam, không ngờ rằng người tù binh này lại nhân lúc sơ hở liền giật quả lựu đạn giắt trên lưng lính Trung Quốc rồi cả hai “đồng quy dĩ tận”. Có trường hợp người lính Việt Nam bị thương đứt cả cánh tay, quân Trung Cộng cõng anh ta, anh ta lại dùng răng cắn đứt tai người lính ấy. Dân quân địa phương của Việt Nam cũng có rất nhiều phụ nữ bị bắt làm tù binh, chính vì vậy nên lính áp giải rất coi thường, không hề cảnh giác, kết quả là bị nữ binh này giật súng tiểu liên bắn chết đến bảy tám mạng lính. Sau đó, bên trên hạ lệnh: không bắt tù binh nữa, tất cả đều bắn chết.
Việt Nam là xứ sở “toàn dân giai binh” (ý nói toàn dân đều là binh lính). “Báo cáo tình hình chiến trường” có nêu một trường hợp, bộ đội Trung Quốc lúc đang hành quân, đột nhiên có quả đạn cối rơi vào giữa hàng ngũ. Họ liền phái quân trinh sát đi điều tra, chỉ tìm được một vài người phụ nữ đang lao động, không hề thấy bất cứ binh lính nào. Bộ đội tiếp tục tiến lên, lại có đạn cối rơi đến, thương vong rất lớn. Sau đó mới phát hiện ra, những người phụ nữ ấy chính là dân quân, họ đào hố giấu khẩu súng cối dưới đất, rồi lấy nón lá che lên, nhân lúc quân địch không chú ý thì khai hỏa, lúc quân địch đến trinh sát thì giấu vũ khí đi, tiếp tục làm lụng như không có việc gì. Sau đó bên trên lại hạ lệnh, bất kể là già trẻ gái trai, nhất loạt đều giết hết.
Một người bạn thời tiểu học của tác giả từng là một đại đội trưởng trong trận chiến này, ông ta sau khi trở về đã từng kể lại với tác giả, bởi vì quân đội Trung Quốc thương vong quá lớn, bị giết đến phờ người, bên trên hạ lệnh thực hiện tiêu chí “ba sạch” (giết sạch, cướp sạch, đốt sạch), sự tàn khốc ấy khiến người ta rất khó hình dung, mức độ phá hoại vượt xa so với những cuộc oanh tạc không kích của quân Mỹ năm xưa. Chỉ có khác biệt là không có cưỡng bức phụ nữ như quân đội Nhật Bản thời thế chiến II.
“Báo cáo tình hình chiến trường” cũng báo cáo tình huống tương tự, ví như mỏ than của Việt Nam chủ yếu tập trung ở Lạng Sơn, được viện trợ rất nhiều từ phía ĐCSTQ và Liên Xô, sau khi quân đội Trung Quốc rút đi thì đã cho nổ toàn bộ. Nhà cửa của dân chúng đều đốt sạch, toàn bộ gia súc gia cầm gà, vịt, bò, heo… đều giết thịt hết. Đánh chiếm được một thành phố rồi không chỉ cho nổ hết tất cả nhà cửa, đến cả cột ăng ten cũng bị phá hủy, tất cả những thứ có thể lấy đi – kể cả thanh ray đường sắt, cũng bị gỡ ra.
4. Vùng núi phía Bắc Việt Nam có rất nhiều hang động thiên nhiên, lại thêm nhiều công sự được xây dựng qua mấy chục năm, dường như là hang thông với hang, giống như lối đi địa đạo. Quân Việt Nam lúc chống không nổi, lại ẩn mình hết vào những hang núi này, đợi lúc quân đội Trung Quốc đi qua lại chui ra đánh du kích, giết chết nhân viên hậu cần của quân Trung Quốc, gây khó khăn cho công tác hậu cần của phe địch. Đồng thời bộ chỉ huy của quân Việt Nam cũng rất khó bị phát hiện. Sau đó, quân Trung Quốc chỉ còn cách cho nổ tất cả những hang động có khả năng trở thành chỗ ẩn nấp cho quân Việt Nam.
Ngoài ra, quân đội Trung Quốc mật độ rất lớn, đến mấy trăm nghìn quân, phân bố tại một chiến khu chật hẹp, những con đường trọng yếu đều chen chúc đầy quân lính, nội bộ rất dễ phát sinh xung đột. Người bạn học của tác giả nói rằng, buổi tối dựng trại, xung quanh đều là quân mình, lúc này là thời điểm mà đặc công Việt Nam (biết nói tiếng Hoa) xuất hiện; họ trà trộn vào quân doanh rồi tiến hành đột kích dẫn đến thương vong và hỗn loạn rất lớn. Khi nhân viên chỉ huy của một đơn vị đã hi sinh lại phải điều một người khác đến, người chỉ huy mới này không quen với đội quân cũ nên rất khó chỉ huy, do đó sự hỗn loạn này cũng là một trong những nguyên nhân thất bại của quân đội Trung Quốc.
Sĩ khí sụt giảm
Có một vài đơn vị đã bị tụt sĩ khí. Tiểu đoàn 448 thuộc trung đoàn 50 lúc đụng phải quân Việt Nam, bị chặn mất đường rút lui, bộ chỉ huy vô trách nhiệm đã ra quyết định cho các đơn vị tiến hành phá vòng vây một cách phân tán. Kết quả là bị quân Việt Nam chia cắt để bao vây, tổng thiệt hại lên đến 542 người, đánh mất 407 khẩu súng các loại, trong đó có hơn 200 người bị bắt, bao gồm cả tham mưu trưởng, giáo quan huấn luyện và hơn 10 đại đội trưởng.
Có trường hợp sĩ quan dẫn nguyên một đại đội ra đầu hàng tập thể. Còn có một đại đội vừa đụng phải khoảng chừng hơn 20 bộ đội Việt Nam thì viên chỉ huy đã lập tức rời bỏ hàng ngũ chạy trốn về, đã vậy lại còn tự khiến mình bị thương để được đưa vào bệnh viện, binh lính dưới quyền anh ta thì bị diệt sạch.
Lấy chiến tranh để “luyện binh” và để diễn trò hề
Tác giả bày tỏ rằng chỉ nên sử dụng quân đội để bảo vệ quốc gia, đồng thời phản đối việc dùng sinh mệnh và máu huyết để đạt được bất cứ mục đích nào.
Nhưng trên thực tế, quân đội ĐCSTQ đến ngay cả cái mục đích ban đầu đặt ra cho cuộc chiến cũng không đạt được. “Tiểu đệ” của ĐCSTQ – chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ Pol Pot Iengsari vẫn bị quân đội Việt Nam đánh bại. Vấn đề ở đây là, những người lính của Trung Quốc có đáng phải đổ máu vì một chính quyền như thế hay không? Sau trận chiến này, làn sóng bài Hoa ở Việt Nam lại ùn ùn dâng cao, quan chức gốc Hoa bị cách chức, thương nhân người Hoa bị ép phải ngừng kinh doanh, trường học của người Hoa bị đóng cửa, một lượng lớn người Hoa bị xua đuổi, bị ép phải lên những con thuyền cũ rách lênh đênh ra giữa biển khơi, số người chết đếm không xuể.
Trận chiến này của ĐCSTQ không hề gây dựng được một chút “uy danh” nào, ngược lại còn bộc lộ ra rất nhiều vấn đề. Bộ Trưởng Quốc phòng Đài Loan đã từng nói: “Nhìn vào biểu hiện của quân đội Trung Cộng tại chiến trường Việt Nam, việc bảo vệ Đài Loan của chúng ta là không thành vấn đề!”.
Sau trận chiến, Đặng Tiểu Bình đã thành công trong việc giành lại quyền hành từ hệ thống đảng – chính – quân, Hoa Quốc Phong bị ép phải xuống đài. Nhưng từ đây, cuộc chiến tranh biên giới kéo dài 10 năm lại sẽ mở màn, biên giới Việt– Trung lại trở thành thao trường luyện binh, các đơn vị dã chiến lần lượt ra trận. Trên thế giới có bao nhiêu quốc gia lại dùng chiến tranh làm thao trường? Đó không phải là một trò đùa hay sao?