(GenK.vn) - Với những sự thay đổi trong khái niệm và cách thức chiến tranh, liệu những cỗ xe tăng có còn được trọng dụng như thời hoàng kim trước đây?
Một thời hoàng kim
Giai đoạn từ năm 1975-1995, hiển nhiên có thể gọi là thời hoàng kim của ngành chế tạo xe tăng thế giới. Cao trào của chiến tranh lạnh, đỉnh điểm đối kháng giữa phương Tây và “đế chế của cái ác” (Liên Xô) diễn ra chính vào nửa đầu thập kỷ 1980. Không có gì ngạc nhiên khi hồi đó, các nước NATO đã chi những khoản tiền khổng lồ để hoàn thiện xe tăng-thiết giáp. Chính hồi đó, nguwoif ta đã chế tạo ra các xe tăng đang là nền tảng của lực lượng xe tăng thế giới là Leopard 2, Abrams, Challenger và Leclerc.
Các quốc gia chỉ sản xuất xe tăng cho nhu cầu của mình cũng không chịu thua kém các cường quốc xe tăng hàng đầu. Giai đoạn giao thời các thập kỷ 1980-1990, đã ra đời xe tăng Ariete của Italia, Osorio của Brazil và Type 90 của Nhật Bản. Các xe tăng này quả thực không được phổ dụng bên ngoài biên giới các quốc gia nghiên cứu chế tạo, tuy nhiên cũng đings góp nhất định vào cuộc chạy đua xe tăng.
Ngoài việc cải thiện về chất, trong thời kỳ này, ta còn thấy sự gia tăng sản lượng xe tăng sản xuất ra. Ví dụ, số lượng xe tăng Abrams lớn nhất đã được sản xuất vào năm 1985, khi có 90 xe tăng này rời dây chuyền sản xuất mỗi tháng. Dĩ nhiên là so với các thông số của ngành chế tạo xe tăng Liên Xô vào cuối thập kỷ 1970-đầu thập kỷ 1980 (đến 2.500 xe tăng/năm!), con số này chẳng mấy ấn tương, nhưng dẫu sao… Theo chuẩn mực phương Tây, 90 xe tăng/tháng là rất nhiều.
Trong hoàn cảnh khi mà hai khối chính trị-quân sự hùng mạnh chuẩn bị một cách kiên trì và có định hướng cho sự đối đầu công khai có vẻ như không tránh khỏi với nhau, cuộc chạy đua xe tăng chẳng có gì đặc biệt. Tất cả đều hợp lẽ. Hai cụm lực lượng xe tăng khổng lồ tập trung trên bình nguyên Trung Âu chỉ chờ giờ xung trận. Nhưng giờ xung trận đó đến giờ vẫn chưa điểm vì Liên Xô đã bó giáo quy hàng.
Việc tiếp tục hoàn thiện lực lượng xe tăng trở nên không còn cấp thiết. Tuy vậy, theo quán tính, quá trình này dẫu sao vẫn diễn ra: năm 1991, người Pháp hơi bị chậm trễ với xe tăng thế hệ 3 vẫn đưa tăng Leclerc vào sản xuất loạt, năm 1994, người Anh bắt đầu sản xuất Challenger 2.
Xu hướng này cũng không bỏ qua các nước “nhóm hai” đã nêu ở trên. Năm 1995, sau 9 năm thử nghiệm, cải tiến và nghi ngờ, người Italia đã bắt tay vào sản xuất tăng Ariete, còn trước đó một chút là người Nhật bắt đầu sản xuất Type 90 - loại tăng đắt nhất thế kỷ XX (10-15 xe/năm). Cuối cùng, trong thập kỷ 1990, Israel đã sản xuất Merkava III và phát triển Merkva IV.
Hết thời
Riêng các xe tăng và ngành chế tạo xe tăng Israel thì cần phải nói kỹ. Khác với NATO, nhà nước Do Thái đã và đang có những kẻ thù truyền kiếp, họ đã và đang sẵn sàng cho chiến tranh trong các điều kiện địa lý khác…. Và việc chế tạo 2 mẫu xe tăng chủ lực nói trên cũng diễn ra không phải do quán tính, mà có tính kế hoạch mặc dù với mức kinh phí cắt giảm. Hiển nhiên là các sự kiện đang diễn ra ở Trung và Cận Đông cho phép nói rằng, yếu tố cuối cùng đã trở thành quá khứ.
Một chuỗi những “cuộc cách mạng” ở các nước Arab quân chủ kích động, được chào đón và cổ vũ bởi các nhà tự do châu Âu mụ người vì lòng khoan dung và các chiến sĩ vì dân chủ Hoa Kỳ, đã hoặc sẽ đưa các phần tử Hồi giáo cực đoan lên nắm quyền ở nhiều nước Trung-Cận Đông, trước hết là ở Ai Cập. Vì thế cuộc chiến tranh Arab-Israel mới xét tổng thể thì không còn xa nữa.
Trở lại châu Âu
Màn biểu diễn tuyệt vời cuối cùng của các đội quân xe tăng NATO là chiến dịch Bão táp sa mạc. Giá như Saddam Hussein không tấn công Kuwait thì người ta cũng sẽ phải nghĩ ra cái gì đó tương tự. Trong 45 năm sau Thế chiến II, người ta đã sản xuất dồn dập cả từng ấy xe tăng mà lại tiêu hủy chúng dễ dàng thế ư?… Không, phương Tây cuối cùng đã quyết định khai chiến. Kết quả có được không phải là tồi với một chiến dịch chiến thắng huy hoàng. Hơn nữa, nó cũng trở thành chiến dịch quân sự cuối cùng tính đến nay, trong đó có sự tham gia của các binh đoàn xe tăng lớn và các xe tăng đã được sử dụng đúng theo chức năng của chúng.
Và mặc dù để tiến hành cuộc chiến tiếp theo với Iraq năm 2003, người ta đã tập trung một lực lượng xe tăng đông đảo hơn (chỉ riêng Mỹ đã huy động đến khu vực Vùng Vịnh 3.113 xe tăng Abrams, 2.024 chiếc trong số đó nằm trong các đơn vị chiến đấu, số còn lại thuộc lực lượng dự bị), nhưng lực lượng này đã không được dùng đến, người ta không có được một cuộc chiến tranh.
Sự kết thúc đối đấu giữa hai khối chính trị-quân sự và sự sụp đổ của Liên Xô đã làm giảm mạnh ngân sách quân sự của các nước NATO và các quốc gia cựu thành viên khối Hiệp ước Varsava, những nhân vật chính của cuộc chạy đua vũ trang. Các lực lượng xe tăng đáng kể về số lượng không còn cần thiết nữa, các chương trình sản xuất đã hoặc là bị chấm dứt hoàn toàn, hoặc là bị cắt giảm mạnh.
Người ta bắt đầu ráo tiết loại bỏ số xe tăng thừa, điều đó đã dẫn đến sự đổi mới cơ bản đội xe tăng trên thế giới. Ví dụ, vào đầu thể kỷ ХХI, trong Lục quân và Vệ binh quốc gia Mỹ không còn lấy một chiếc tăng họ М60, chứ chưa nói đến М48. Quân đội Đức loại bỏ hoàn toàn Leopard 1, cật lực bán tống bán tháo các xe tăng Leopar 2 dư thừa.
Điều đặc trưng cho ngày hôm nay là việc dừng hoàn toàn sản xuất loạt xe ở các cườngquốc xe tăng hàng đầu như Mỹ, Anh, Pháp và Đức. Tại Đức, cho đến gần đây vẫn duy trì sản xuất số lượng nhỏ để xuất khẩu các xe tăng Leopard 2А5 và Leopard 2А6 trong khuôn khổ các đơn đặt hàng của Thụy Điển và Hy Lạp. Ngoài ra, việc sản xuất theo giấy phép mẫu Leopard 2А6 cũng được bắt đầu ở Tây Ban Nha vào năm 2003 và ở Hy Lạp vào năm 2006. Nhưng do thiếu kinh phí, việc sản xuất thực hiện cầm chừng, còn nay thì chết hẳn do khủng hoảng. Hoàn toàn rõ ràng là cả Madrid, chứ chưa nói đến Athens nay không còn sức đâu để nghĩ tới Leopard. Người Mỹ, giống như mọi khi đã nhanh chóng rối rít mời chào 400 xe tăng Abrams cho Hy Lạp hầu như miễn phí, Hy Lạp chỉ phải thanh toán chi phí vận chuyển. Quả thức đó chỉ là các xe tăng Abrams đời М1А1 vốn không thể sánh với Leopard 2А6.
Những đối thủ mới và hiện thực
Một điểm đặc trưng khác của giai đoạn hiện nay là câu lạc bộ các quốc gia sản xuất xe tăng được bổ sung thêm một số nước châu Á: Hàn Quốc, Pakistan và Iran. Cùng với Nhật, Trung Quốc và Ấn Độ, các nước này tạo thành nhóm nước châu Á trong ngành chế tạo xe tăng thế giới. Hơn nữa đây là nhóm phát triển năng động. Ở đó, người ta không chỉ tiếp tục sản xuất xe tăng (ngoại trừ Hàn Quốc) mà còn đang phát triển các mẫu tăng mới như Type 10 của Nhật và К2 của Hàn Quốc. Và nếu như các xe tăng Nhật và Hàn Quốc là đại diện của trường phái chế tạo xe tăng phương Tây thì các nước châu Á còn lại kia lại cương quyết đi theo con đường Liên Xô khi họ hoặc là chế tạo xe tăng dựa trên các xe tăng Liên Xô hoặc là sản xuất xe tăng Nga theo giấy phép.
Tình hình trên thế giới thay đổi mà như người ta hay nói là những thách thức mới, cũng như kinh phí hạn chế đã buộc các cường quốc hàng đầu tập trung vào giai đoạn mới hiện đại hóa các xe tăng của họ nhằm kéo dài thời hạn sử dụng đến năm 2040 và thậm chí đến năm 2050. Cần phải nói rằng, quá trình này đang diễn ra khá thành công. Các thành phần khác nhau trong thiết kế các xe tăng này đều được hiện đại hóa ở mức độ nào đó. Ví dụ, các bộ phận như động cơ, truyền động và bộ phận vận hành hầu như không hề thay đổi, trong đó có nguyên nhân là vì các hạn chế khắt khe về trọng lượng khi hiện đại hóa. Thay vào đó, người ta chú ý nhất đến vấn đề vỏ giáp (các bộ giáp treo, giáp lắp liền thế hệ mới), vũ khí (các loại đạn dưới cỡ độ dài lớn, pháo và các hệ thống máy ngắm cải tiến) và dĩ nhiên là thiết bị điện tử.
Cánh tay dài
Trong điều kiện hiện nay, việc xe tăng có thể tiêu diệt kẻ địch từ cự ly nào không còn quá quan trọng nữa mà quan trọng hơn là xe tăng có thể phát hiện được kẻ địch từ khoảng cách nào. Biến thể cải tiến М1А2 SEP V2 của tăng Abrams, mà thiết bị điện tử của nó có ứng dụng các công nghệ được phát triển theo chương trình “Các hệ thống chiến đấu tương lai” (FCS) có khả năng phát hiện xe thiết giáp địch ở ngoài tầm nhìn thẳng, chẳng hạn ở mặt dốc bên kia của các điểm cao.
Bằng cách nào ư? Rất đơn giản là chỉ huy phân đội bộ binh đang chiếm lĩnh vị trí ở đâu đó đỉnh điểm cao và máy bay do thám không người lái đều có thể được truyền hình ảnh ở chế độ trực tuyến (online) màn hình của trưởng xe. Hoặc là hình ảnh sẽ được truyền từ vệ tinh. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà thiết bị điện tử số của xe tăng hiện đại vốn bảo đảm mang lại chất lượng tác chiến hoàn toàn mới, chiếm hơn 50% trị giá xe tăng.
Đến năm 2013, theo chương trình nêu trên sẽ có 435 xe tăng Abrams của Lục quân Mỹ được hiện đại hóa. Các trang bị tương tự cũng sẽ được sử dụng cho các xe tăng Leopard 2А6 và Leclerc của Pháp. Bên cạnh đó, các chuyên gia Israel khẳng định rằng, thiết bị điện tử của tăng Merkava IV còn tốt hơn nữa.
Cùng với việc hiện đại hóa, việc nghiên cứu phát triển tăng chủ lực thế hệ 4 cũng đang được tiến hành ở khắp nơi. Các công việc đó hiển nhiên là được giữ bí mật, bởi vậy hầu như không thể có được những thông tin chi tiết, nhất là thông tin chính xác về các loại xe tăng tương lai. Người ta chỉ có thể đánh giá về các tính năng của chúng thông qua các dấu hiệu gián điệp, các bộ phận đang được sử dụng thử trên các mẫu tăng thế hệ 3 hiện đại hóa mới nhất.
Nga có gì?
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, khi phân tích ngành chế tạo xe tăng Nga 20 năm nay, người ta có những cảm giác trái ngược. Một mặt, hiển nhiên là các yếu tố khách quan như cuộc khủng hoảng mà đúng ra là sự sụp đổ kinh tế trong thập niên 1990 không thể nào có tác động tốt đến lĩnh vực này của công nghiệp quốc phòng Nga. Nga thực tế đã mất hẳn 1 trong 2 nhà máy chế tạo xe tăng còn lại trên đất Nga, trong khi sự cạnh tranh khi chế tạo các mẫu tăng mới là cần thiết. Mặt khác, xuất hiện cảm giác về những khả năng đã mất đi.
Người ta đã hy vọng là bất chấp mọi khó khăn, các nhà chế tạo xe tăng Nga trong hai chục năm qua dẫu sao cũng đưa ra được loại xe tăng nếu như không phải thế hệ 4 thì ít ra cũng là 3+. Song người ta đã không làm được. Họ chỉ đưa ra Т-90А. Xe tăng này dĩ nhiên là không tồi, song chỉ có điều nó được chế tạo trong những năm 1990. Т-80U và Т-90 khi được trang bị tối đa hoàn toàn tương ứng với trình độ của nửa đầu thập niên 1990, có chỗ thua kém, nhưng cũng có chỗ trội hơn М1А1 Abrams và Leopard 2А4. Т-90 chắc chắn quá già lão so với Leclerc. Còn Т-90А thì đã không thể đọ nổi trình độ của Abrams М1А2 SEP và Leopard 2А6.
Việc cho rằng, T-90 sẽ trụ lại được trong trang bị của quân đội Nga cho đến năm 2040 ít ra là không nghiêm túc. Nga thực sự cần loại xe tăng mới! Nhưng hiện thời dĩ nhiên là cần phải sản xuất Т-90А hay biến thể hiện đại hóa của nó là Т-90АМ. Chẳng có lựa chọn nào khác cả. Hơn nữa, bất chấp mọi mâu thuẫn, một cuộc xung đột quân sự Nga-NATO người ta chỉ có thể tưởng tượng trong giấc mơ tồi tệ, một số chuyên gia uy tín khẳng định. Ít ra là trong tương lai trung hạn. Có nghĩa là T-90 chưa chắc sẽ phải đụng đầu với Abrams và Leopard. Còn trên các hướng khác thì nó có lẽ vẫn sẽ vượt trội.
So với hướng châu Âu, trong tương lai trung hạn, các hướng tác chiến có khả năng hơn là Iran, Kavkaz và Trung Quốc. Tuy nhiên, với Trung Quốc thì không nên ảo tưởng vì họ đang tiến bộ nhanh chóng. Hiện nay, xe tăng hiện đại nhất của Trung Quốc Type 99 có tính năng gần với Т-90, bởi vì một phần đáng kể nó được cấu thành từ các bộ phận của Nga một cách chính thức (hệ thống tên lửa có điều khiển phóng qua nòng pháo tăng 9К119 Refleks) hay không chính thức (pháo 125 mm). Tuy nhiên, việc sản xuất xe tăng này diễn ra cực chậm (trong trang bị quân đội Trung Quốc chỉ có hơn 100 chiếc Type 99 một chút), nhưng điều gì sẽ xảy ra sau 10 năm nữa? Nếu biết khả năng thiên tải sao chép mọi thứ của người Trung Quốc thì có thể phỏng đoán rằng, xe tăng mới của Trung Quốc chẳng bao lâu nữa cũng sẽ xuất hiện.
Sẽ không còn chỗ đứng trên chiến trường?
Tuy vậy, chúng ta chưa trả lời câu hỏi đặt ra ở đầu bài báo: nguyên nhân khiến người ta nghi ngờ sự cần thiết của xe tăng nằm ở đâu?
Về nguyên tắc, tất cả đều rõ ràng. Những câu chuyện như vậy đang diễn ra chủ yếu ở châu Âu, Mỹ và một phần ở Nga, tức là ở những nước đã mất đi địch thủ rõ ràng, hơn nữa lại là địch thủ ngang tài ngang sức. Hiển nhiên là đối với các chiến dịch như Iraqi Freedom, tác chiến ở Afghanistan hay các chiến dịch chống khủng bố ở Bắc Kavkaz thì xe tăng ở hình thức kinh điển của nó là không cần thiết. Khi tiến hành chiến tranh chống du kích, chúng trở nên quá dễ bị tổn thương trước hỏa lực của các vũ khí chống tăng, còn trong điều kiện đô thị thì chúng giống như con voi chạn bát. Chiến dịch Li-băng năm 2006 đã chứng minh hùng hồn điều đó.
Liên quan đến các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Iran…, thì ở đó không hề nảy sinh nghi ngờ về sự cần thiết của xe tăng. Làm sao có thể có những nghi ngờ đó chẳng hạn như ở Ấn Độ, một quốc gia có những hai địch thủ rõ ràng là Trung Quốc và Pakistan. Những nghi ngờ đó cũng không nảy sinh ở Israel vốn thường xuyên thù địch với cả Cận Đông, còn hòa bình với các nước láng giềng chẳng qua đúng hơn chỉ là sự hưu chiến.
Hoàn toàn rõ ràng là Nga cũng cần lực lượng xe tăng đủ đông đảo do kích thước và vị trí địa lý của mình. Nga không thể đáp ứng nhu cầu quốc phòng chỉ bằng vài trăm xe tăng như ở đa số các nước châu Âu. Dĩ nhiên là Nga không cần tới 63.000 xe tăng Liên Xô, nhưng dẫu sao vẫn cần một số lượng nhất định.
Cuối cùng, chúng ta hãy trông xa hơn một chút. Nếu như Nga hiện không có các địch thủ bên ngoài rõ ràng thì điều đó không có nghĩa các địch thủ đó sẽ không xuất hiện sau 10, 30 hay 50 năm nữa. Thay cho đối kháng ý thức hệ là đối kháng kinh tế. Tất cả các cuộc xung đột trong những năm gần đây được tiến hành là vì các nguồn tài nguyên, trước hết là dầu mỏ. Nga cũng có dầu, có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, có nguồn tài nguyên nước ngọt khổng lồ mà thế giới bắt đầu cảm thấy thiếu thốn. Cần nhớ rằng, bà Madeleine Albright, khi còn là ngoại trưởng Mỹ, đã nói: thật không công bằng khi các nguồn tài nguyên khổng lồ như thế lại thuộc về một nước. Khi Mỹ có quan điểm như thế thì Nga sẽ không hề muốn giải trừ quân bị.