Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Tìm hiểu 'Thần sấm', 'Nhện độc' của Hải quân Việt Nam

 | 

Là lực lượng chủ đạo trong việc bảo đảm sự toàn vẹn lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, Hải quân nhân dân Việt Nam được đặc biệt ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại hóa.

Thế kỷ 20 được mệnh danh là thế kỷ của "kinh tế biển". Đảng và nhà nước đã sớm nhận thấy vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển của đất nước. Để đảm bảo toàn vẹn lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển, Việt Nam cần xây dựng một lực lượng Hải quân mạnh để  hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bắt đầu quá trình hiện đại hóa
Vào năm cuối những năm 1990, Hải quân nhân dân Việt Nam bắt đầu quá trình hiện đại hóa quy mô nhỏ bằng hợp đồng mua 4 tàu hộ tống tên lửa tốc độ cao Project 1241 RE (NATO định danh là Tarantul-I).
Đây là loại tàu chiến được thiết kế để hoạt động tác chiến tại các vùng biển gần bờ, vùng cửa biển.
Tàu hộ tống tên lửa tốc độ cao Project 1241RE Tarantlu-I HQ-374 trong biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam.

Điểm mạnh của loại tàu tên lửa này là tốc độ cao, tàu có thể di chuyển trên biển với tốc độ lên đến 78 km/h với 4 tên lửa chống hạm uy lực. Loại tàu tốc độ cao này đủ khả năng đánh chìm những chiến hạm to lớn hơn nó rất nhiều.
Tàu được trang bị 4 tên lửa chống hạm P-15 Termit hoặc 4 tên lửa chống hạm siêu âm P-270 Moskit. Bên cạnh đó tàu còn được vũ trang với pháo hạm AK-176 76mm và 2 pháo  bắn siêu nhanh AK-630 cùng hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla-1M để đối phó với các mục tiêu tầm thấp.
Loại tàu tên lửa cao tốc này được đặt cho biệt danh là “Nhện độc” bởi khả năng cơ động cao cùng hệ thống vũ khí khá uy lực.
Hải quân Nhân dân Việt Nam đã mua 4 chiếc loại này, ngoài ra phía Nga đã cung cấp giấy phép để đóng loại tàu chiến cao tốc này ngay tại Việt Nam. Ít nhất 6 chiếc loại này đã đi vào hoạt động trong biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Đến đầu những năm 2000, Việt Nam lại đặt mua thêm 12 tàu hộ tống tên lửa tốc độ cao Project 1241.8 Molniya, loại tàu này được mạnh danh là Thần Sấm. Điểm đáng sợ của loại tàu tên lửa tốc độ cao này là nó được trang bị tới 16 tên lửa chống hạm hiện đại loại Kh-35Uran-E với tầm bắn 130 km.
Tàu hộ tống tên lửa tốc độ cao Project 1241.8 Molniya HQ-375 trong biên chế Hải quân Việt Nam.

Đây là loại tàu chiến có một không hai trên thế giới, ở cùng tải trọng tương đương khoảng 550 không một loại tàu chiến nào khác được trang bị nhiều tên lửa chống hạm đến vậy.
Khi tác chiến ở tốc độ cao với 16 tên lửa chống hạm Molniya khiến đối phương phải lo lắng bởi sức mạnh hỏa lực của nó.
Ngoài ra, tàu còn được vũ trang với một pháo hạm 76mm và 2 pháo bắn siêu nhanh AK-630. Hải quân Việt Nam đã được Nga chuyển giao 2 chiếc, 10 chiếc còn lại trong hợp đồng sẽ được đóng tại Việt Nam theo giấy phép dưới sự giám sát của các chuyên gia Nga.
Từng bước làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự
Ngoài việc mua sắm trang thiết bị quốc phòng hiện đại từ bên ngoài, Đảng và nhà nước rất quan tâm đến việc đưa công nghiệp đóng tàu trong nước tiếp cận công nghệ đóng tàu chiến hiện đại của thế giới.
Minh chứng cho điều này là sau khi mua sản phẩm tàu chiến từ Nga Việt Nam đều mua giấy phép để tự đóng các loại tàu chiến đó trong nước.
Sự thành công của tàu pháo TT-400TP đã mở ra bước ngoặt cho công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam.

Trong khi nền tảng công nghiệp đóng tàu trong nước còn nhiều hạn chế thì việc mua giấy phép là cách tốt nhất để công nghiệp đóng tàu trong nước tiếp cận tới trình độ hiện đại của công nghệ đóng tàu quân sự thế giới.
Thông qua việc mua giấy phép đóng tàu quân sự từ Nga, công nghiệp đóng tàu quân sự trong nước từng bước làm chủ công nghệ hiện đại tiến tới tự sản xuất tàu chiến để cung cấp cho hải quân làm chủ nguồn cung và giảm dần sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Dự án tàu pháo TT-400TP được coi là thành quả của việc từng bước làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự hiện đại. Loại tàu này được Việt Nam mua bản vẽ thiết kế sơ bộ và tự thiết kế chi tiết cho tàu, sự thành công của dự án tàu pháo TT-400TP đã mở ra bước ngoặt lớn trong việc làm chủ công nghệ đóng tàu hiện đại.
Tàu có tải trọng đầy tải 480 tấn, tốc độ tối đa 60 km/h, vũ khí bao gồm một pháo hạm AK-176 76mm, một pháo bắn siêu nhanh AK-630, súng máy phòng không 14,5mm, giá phóng tên lửa phòng không tầm thấp Igla-1M.
Hai chiếc thuộc loại này do nhà máy đóng tàu Hồng Hà tự đóng đã được đưa vào sử dụng trong Hải quân nhân dân Việt Nam phục vụ cho các hoạt động tuần tra vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế. Dự kiến dự án tàu tên lửa TT-400TL sẽ được đóng mới và đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét