Vụ án tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông
31/05/2012 -- 3:56 CH(GMT+7)
Ngày 21/02/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông; khởi tố bị can, bắt tạm giam 07 bị can.
Lợi dụng chính sách ưu đãi về lãi suất trong việc cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước (theo đó: tài sản đảm bảo bằng 15% vốn vay; thủ tục vay vốn chỉ cần hợp đồng xuất khẩu nông sản với đối tác nước ngoài, cùng với hồ sơ pháp lý của Công ty là được vay, lãi suất vay ưu đãi với mức 8,7%/năm), Cao Bạch Mai, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Nhật Tân (Công ty Nhật Tân) đã sang Trung Quốc, thuê Từ Đại Hùng (là người Trung Quốc) với số tiền 100 triệu đồng để thành lập Công ty TNHHTM Quan Hen tại Nam Ninh, Trung Quốc. Sau khi thành lập Công ty, Cao Bạch Mai yêu cầu Từ Đại Hùng ký, đóng dấu khống vào các tờ giấy trắng để mang về Việt Nam làm các hợp đồng xuất khẩu giả nhằm vay vốn ngân hàng. Đồng thời, Mai bán cho Trần Thị Xuân, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Minh Nhật (Công ty Minh Nhật) những tờ giấy ký khống đó với giá 20 triệu đồng/tờ. Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân đã lập khống, làm giả các hợp đồng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc để vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông.
Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Đắk Lắk - Đắk Nông
Từ năm 2008 đến tháng 7/2010, Cao Bạch Mai đã sử dụng 71 hợp đồng xuất khẩu giả với các Công ty nước ngoài để thực hiện 70 hợp đồng vay tín dụng với số tiền là 1.005 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 198 tỷ đồng; Trần Thị Xuân sử dụng 65 hợp đồng xuất khẩu giả để ký 64 hợp đồng tín dụng vay tổng số tiền là 938,5 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 231 tỷ đồng của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông.
Việc làm sai trái của Công ty Minh Nhật và Công ty Nhật Tân có sự tiếp tay của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông. Mặc dù biết rõ các Công ty này không đủ điều kiện vay vốn tín dụng xuất khẩu theo quy định, nhưng Vũ Việt Hùng, Giám đốc Chi nhánh đã chỉ đạo Trần Xuân Lộc, Trưởng phòng tín dụng xuất khẩu và nhân viên dưới quyền thực hiện việc
thẩm định, cho hai công ty này vay vốn tín dụng xuất khẩu với số tiền lớn; không kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Dù biết 02 Công ty sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không có khả năng trả nợ, nhưng Vũ Việt Hùng vẫn chỉ đạo cán bộ tín dụng, tiếp tục cho 2 Công ty vay 315 tỷ đồng để đáo hạn nợ cho các đối tượng trên.
Để tránh bị phát hiện, sau khi được Vũ Việt Hùng đồng ý cho tìm nguồn tiền để đáo hạn, Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Vân - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sông Cầu (đơn vị đã vay 79 tỷ đồng vốn tín dụng xuất khẩu của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông, không có khả năng chi trả), Đặng Thị Ngân - Giám đốc Công ty Thủy Ngân (đơn vị đã vay 30 tỷ đồng vốn tín dụng xuất khẩu của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông, không có khả năng chi trả), thông qua một số đối tượng môi giới đã xin vay vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông với lý do dùng tiền vay làm tài sản bảo đảm để vay vốn tín dụng xuất khẩu của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký với các Công ty nước ngoài. Số tiền vay được chuyển vào tài khoản tiền gửi tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông. Các đơn vị vay vốn và Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông có cam kết không giải ngân trong bất kỳ trường hợp nào khi chưa có sự đồng ý của Ngân hàng TMCP Phương Đông. Các đối tượng trên đã được Ngân hàng TMCP Phương Đông cho vay với tổng số tiền là 530 tỷ đồng.
Sau khi số tiền vay chuyển về tài khoản tiền gửi tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông, Vũ Việt Hùng đã chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục thu hồi nợ và yêu cầu các đối tượng đến làm thủ tục hủy cam kết với Ngân hàng TMCP Phương Đông khi không được sự đồng ý của Ngân hàng TMCP Phương Đông nhằm hợp thức thủ đoạn chiếm đoạt số tiền này.
Để được vay vốn, Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân đã phải thỏa thuận đưa hối lộ cho Vũ Việt Hùng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông với số tiền tương đương 5% trên tổng số tiền vay mới và 3% trên tổng số tiền vay đáo hạn nợ. Tổng cộng các đối tượng đã đưa hối lộ cho Hùng lên đến 92,15 tỷ đồng (trong đó: Cao Bạch Mai đưa 44,15 tỷ đồng; Trần Thị Xuân đưa 48 tỷ đồng). Ngoài ra, Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân còn chung tiền đưa hối lộ cho Hùng 01 xe ô tô BMW trị giá 160.000 USD, 100.000 USD và nhiều tài sản giá trị khác.
Ngày 21/02/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông; khởi tố bị can, bắt tạm giam 07 bị can: Cao Bạch Mai (Giám đốc Công ty Nhật Minh), Trần Thị Xuân (Giám đốc Công ty Nhật Tân), Nguyễn Thị Kim Loan (nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Phát Long), Nguyễn Thị Vân (Chủ nhiệm Hợp tác xã Sông Cầu), Nguyễn Văn Khánh (đối tượng môi giới), Vũ Việt Hùng (nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông), Trần Xuân Lộc (nguyên Trưởng phòng tín dụng xuất khẩu).
Ngay sau khi vụ án được phát hiện và khởi tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã nhận được sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Đắk Nông về PCTN; Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Quá trình điều tra đã tập trung lực lượng, củng cố nhiều tài liệu, chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của các bị can theo đúng quy định của pháp luật. Vụ án đang được điều tra mở rộng, tiếp tục củng cố hồ sơ về một số đối tượng có liên quan để đề xuất hướng xử lý. Kết quả điều tra ban đầu đã thu hồi được hơn 200 tỷ đồng cho Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông và 449 tỷ đồng cho Ngân hàng Phương Đông; phong tỏa, kê biên, thu hồi nhiều đất đai, tài sản có giá trị lớn, trong đó có chiếc xe ô tô BMW mà Vũ Việt Hùng đã nhận hối lộ.
Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông và Ngân hàng Phương Đông xảy ra trên nhiều địa bàn với nhiều đối tượng tham gia. Hành vi phạm tội có sự thông đồng, tiếp tay của một số cán bộ trong ngành ngân hàng. Quá trình phạm tội của các đối tượng diễn ra trong thời gian dài nhưng không được các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý, dẫn đến việc thu hồi tài sản gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng đã tẩu tán, hợp thức hóa phần lớn tài sản chiếm đoạt được.
Thông qua vụ án nêu trên cho thấy, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, xử lý nghiêm và kịp thời những sai phạm của các tổ chức tín dụng, nhằm đảm bảo việc thực thi chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng có hiệu quả. Các ngân hàng thương mại cần củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức, cán bộ kiêm nhiệm công tác PCTN và bộ phận kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn, chủ động phát hiện vi phạm, khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Các tổ chức ngân hàng tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là những khâu công tác dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Cần có sự kiểm tra chéo nhau giữa các bộ phận công việc có liên quan.
Lê Đức Tuấn
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét