Vụ án tại tập đoàn kinh tế Vinashin - bài học trong công tác quản lý
04/05/2012 -- 6:08 CH(GMT+7)
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập năm 2006, được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con, hoạt động theo dạng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Chính phủ làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Công ty mẹ) thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam - một Tổng công ty được thành lập từ năm 1996, là một trong 17 Tổng công ty lớn nhất Việt Nam; điều hành các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty tàu thủy Việt Nam.
Trụ sở Tập đoàn Vinashin tại Hà Nội
Sau khi thành lập, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã đồng loạt triển khai các dự án, với nhiều nghìn tỷ đồng đầu tư. Tháng 7/2010, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra toàn diện về tài sản, kết quả sản xuất kinh doanh của Vinashin. Theo báo cáo Thanh tra Chính phủ, đến cuối năm 2009, tổng giá trị tài sản của Vinashin đạt hơn 102.500 tỷ đồng. Nếu loại trừ các công nợ nội bộ thì tổng giá trị tài sản còn lại gần 92.600 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của Vinashin tính đến cuối năm 2009 là hơn 86.700 tỷ đồng, trong đó 750 triệu USD trái phiếu Chính phủ bảo lãnh vay nợ các ngân hàng trong và ngoài các Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Vinashin, cụ thể là:
1. Mua tàu cũ nát và đóng tàu Lash Sông Gianh
Sau khi Dự án được Tập đoàn phê duyệt, Công ty vận tải viễn dương Vinashin (gọi tắt là VNlines), công ty con của Vinashin đầu tư hơn 200 triệu USD (khoảng 3.136 tỷ đồng) mua 06 con tàu có tuổi từ 22 đến 26 năm. Các con tàu này hiện không chạy được, do hỏng hóc, càng chạy càng lỗ hoặc do bị bắt giữ tại các cảng trong và ngoài nước.
Đối với con tàu Lash Sông Gianh, sau khi khánh thành đưa vào sử dụng, tàu chỉ chạy được 01 chuyến (đầu tiên và cũng là chuyến cuối cùng) chở than từ Quảng Ninh vào Sài Gòn. Tổng tiền thu được từ chuyến hàng này chưa tới 1,8 tỷ đồng, nhưng chi phí phục vụ cho việc chuyên chở đã tới hơn 4 tỷ đồng (bao gồm tiền dầu, phí bảo đảm hàng hải, tàu lai, vật tư, phí tàu kéo Lash con, lương thủy thủ, phí hoa tiêu...). Thời gian hoàn thành chuyến hàng đầu tiên này cũng đạt mức kỷ lục: gần 2 tháng. Từ đó đến nay, nó nằm tại Nhà Bè - Sài Gòn.
2. Dự án đầu tư tàu Bình Định Star
Tháng 10/2004, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Bình Định (Công ty Bình Định) đã phê duyệt dự án đầu tư tàu hàng khô trọng tải 4.000 tấn (tàu Bình Định Star) với tổng vốn đầu tư là 75 tỷ đồng từ nguồn thuê mua tài chính và vốn tự có do các cổ đông đóng góp. Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Bình Định thành lập ngày 27/5/2004; Vinashin là cổ đông chi phối chiếm 51% cổ phần.
Ngày 14/4/2005, Công ty Bình Định ký Hợp đồng với Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Ngoại thương và Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Đầu tư và phát triển để thuê mua tài chính tàu Bình Định Star trị giá 72,5 tỷ đồng trong thời gian 7 năm. Các công ty cho thuê tài chính đứng tên sở hữu tàu, khi Công ty Bình Định thanh toán hết gốc và lãi của số tiền thuê tài chính thì được quyền mua tàu với giá tượng trưng là 50 triệu đồng. Để hỗ trợ tài chính cho Công ty Bình Định, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin quyết định cho vay 181 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ để Công ty Bình Định thực hiện một số dự án. Dự án tàu Bình Định Star được vay 29 tỷ đồng.
Từ ngày 27/5/2005, tàu Bình Định Star được đưa vào khai thác. Đến 30/3/2010, do Công ty Bình Định vi phạm trách nhiệm trả nợ nên các công ty cho thuê tài chính đã thu hồi và phát mại tàu Bình Định Star dẫn đến Công ty tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFC) và Vinashin không còn khả năng thu hồi vốn đã cho vay.
Trong vụ này, Công ty tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFC) đã có nhiều sai phạm liên quan đến việc giải ngân cho dự án này, nguyên Tổng giám đốc VFC, Hồ Ngọc Tùng giữ vai trò chính, chỉ đạo nhân viên Trịnh Thị Hậu thực hiện các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Thiệt hại Dự án này tính đến ngày 31/7/2010 là 30,4 tỷ đồng.
3. Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng
Năm 2003, Tập đoàn Vinashin góp vốn thành lập Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh Vinashin (Công ty Hoàng Anh), do Nguyễn Văn Tuyên làm Giám đốc. Vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng, sau đó, tăng lên 130 tỷ đồng, Vinashin giữ 51% cổ phần tương đương 61,2 tỷ đồng. Đầu năm 2006, Công ty Hoàng Anh và Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long (Công ty Cửu Long), Do Nguyễn Tuấn Dương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đầu tư dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 110 MW. Tháng 4/2006, Chủ tịch HĐQT Công ty Cửu Long đã sang Hàn Quốc, ký hợp đồng trị giá 6,8 triệu USD với Công ty Seobong Recycling, mua 02 tổ máy điện cũ, công suất 55 MW/tổ cho dự án Công ty Hoàng Anh và ký hợp đồng trị giá 5,8 triệu USD với Công ty Daekyung Machinery mua 01 tổ máy nhiệt điện cũ với công suất 75 MW dự định lắp đặt cho Công ty Cửu Long.
Tháng 3/2007, Công ty Cửu Long lập xong hồ sơ dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng công suất 185 MW. Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin ký quyết định phê duyệt dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng tại xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định), nâng công suất lên 185 MW và nâng tổng mức đầu tư lên hơn 1.481,9 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc nhóm A; giao cho Công ty Hoàng Anh làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần tư vấn chế tạo lắp máy Cửu Long (Công ty con của Công ty Cửu Long) làm đơn vị tư vấn lập dự án.
Ngày 21/5/2007, sau khi thẩm tra hồ sơ dự án, Bộ Công nghiệp nêu rõ: không có cơ sở pháp lý để phê duyệt dự án, thiết bị công nghệ của dự án lạc hậu, yêu cầu chủ Dự án nhiệt điện Sông Hồng phải tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý đầu tư. Ngày 15/6/2007, Bộ Công nghiệp yêu cầu UBND tỉnh Nam Định đình chỉ thực hiện Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng. Ngày 28/12/2007, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin đã ký quyết định đình chỉ thực hiện dự án.
Tổng thiệt hại trong dự án này trên 316,523 tỷ đồng (theo kết quả giám định), trong đó thiệt hại chi phí đầu tư trên 244,333 tỷ đồng; thiệt hại do lãi vay phát sinh trên 72,189 tỷ đồng.
4. Mua tàu Hoa Sen
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5/4/2007, HĐQT Tập đoàn Vinashin đã ban hành nghị quyết về đầu tư tuyến vận tải cao tốc Bắc- Nam trên biển, với nội dung: “Trước mắt cho mua mới 01 tàu cao tốc để chở khách, chở ôtô về chạy thí điểm trên tuyến ven biển Bắc - Nam. Giao cho Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy kết hợp với Công ty tài chính Công nghiệp tàu thủy lập dự án đầu tư trình HĐQT phê duyệt. Giao cho Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương làm chủ đầu tư”. Đầu năm 2007, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin được Công ty Maersk Broker - Singapore môi giới bán tàu Cartour của Italia (tàu cũ được sản xuất năm 2001). Ông Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin đã giao cho ông Trần Văn Liêm, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin (Công ty Viễn Dương) giao dịch và thực hiện. Để hợp thức hóa việc này, ông Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin đã làm công văn, gửi Thủ tướng Chính phủ xin được mua tàu của nước ngoài về khai thác. Tàu Hoa Sen (là tàu Cartour của Italia, sản xuất năm 2001, được mua với giá 60 triệu Euro tương đương 1.300 tỷ đồng Việt Nam) đã từng bị thủng đáy trong thời gian khai thác ở Italia. Con tàu này sau khi về Việt Nam, phải sửa chữa và chỉ chạy được 39 chuyến rồi phải dừng vì càng chạy càng lỗ. Hiện tại, tàu Hoa Sen mỗi năm trả lãi vay gần 80 tỷ đồng. Đây là một trong những phi vụ “đốt” tiền của Nhà nước lớn nhất trong vụ án “cố ý làm trái” xảy ra tại Tập đoàn Vinashin, khi bỏ hơn 1.000 tỷ đồng ra mua tàu Hoa Sen, gây thiệt hại gần 500 tỷ đồng.
5. Nhà máy điện Cái Lân
Dự án Nhà máy điện diesel Cái Lân có tổng mức đầu tư gần 36 triệu USD. Trong quá trình thực hiện, mặc dù hợp đồng quy định rõ các thiết bị máy móc phải được mua mới và có xuất xứ từ Châu Âu, nhưng Ban quản lý Dự án đã ký kết với nhà thầu mua sắm nhiều thiết bị đã qua sử dụng, kém chất lượng, không đồng bộ; trong đó thiết bị chính của nhà máy được tháo dỡ từ một nhà máy điện diesel thanh lý ở Trung Quốc. Sau hơn hai năm vận hành (từ tháng 4/2007 - 10/2009) Nhà máy điện Cái Lân lỗ hơn 62 tỷ đồng, tổng các khoản nợ không có khả năng thanh toán của dự án này là 27,58 triệu USD và 107,5 tỷ đồng.
6. Mua tàu Bạch Đằng Giang
Năm 2001, Vinashin mua tàu MV Rayna của Campuchia với giá 1,22 triệu USD để phá dỡ bán sắt vụn, nhưng thấy chất lượng còn tốt nên đã đề nghị và được Chính phú đồng ý cho phép hoán cải, nâng cấp thành tàu siêu trường, siêu trọng mang tên Bạch Đằng Giang nhằm kinh doanh vận tải chở tàu hút bùn sang Iraq.
Ngày 7/3/2006, Ông Trần Quang Vũ, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (Công ty Nam Triệu) xin Tập đoàn Vinashin cho phép hoán cải tàu Bạch Đằng Giang thành khách sạn nổi 4 sao. Dự án này được phê duyệt với tổng giá trị được quyết toán là 144,7 tỷ đồng. Sau đó ông Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Triệu và Kế toán trưởng Trần Quang Vũ và Nguyễn Thị Hạnh đã vay bổ sung 106 tỷ đồng. Dự án khách sạn nổi 4 sao do chi phí quá cao, nên Công ty Nam Triệu không thực hiện mà quyết định bán thân vỏ tàu Bạch Đằng Giang với giá khởi điểm là 149 tỷ đồng. Việc đấu giá không thành, người trả giá cao nhất là 75 tỷ đồng. Ông Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Triệu chỉ đạo phá dỡ, bán thanh lý vỏ tàu cho Công ty Hoàng Thành với giá là 66,1 tỷ đồng. Việc tự định giá, quyết định thanh lý, nhượng bán tài sản trên của Công ty Nam Triệu là không đúng thẩm quyền vì tàu Bạch Đằng Giang thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Vinashin, Công ty Nam Triệu chỉ được giao quản lý, sử dụng. Ngoài ra, Công ty Nam Triệu không thực hiện đúng trình tự pháp luật về đấu giá tài sản. Khi có tiền từ việc bán vỏ tầu, Công ty Nam Triệu không trả nợ mà sử dụng không đúng mục đích.
Việc làm trên gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 27,3 tỷ đồng. Với hành vi vi phạm pháp luật của nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin - Phạm Thanh Bình và các cộng sự, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 09 bị can, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định truy tố các bị can về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo khoản 3, Điều 165 Bộ luật hình sự); sử dụng trái phép tài sản (theo khoản 3, Điều 142 Bộ luật hình sự).
Từ ngày 27 - 30/3/2012, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; sử dụng trái phép tài sản, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo từ 03 - 20 năm tù. Mức án các bị cáo trong vụ án: (1) Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin 20 năm tù; (2) Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin, nguyên Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu 11 năm tù; (3) Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng Ban kiểm soát Vinashin 19 năm tù; (4) Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long 03 năm tù; (5) Tô Nghiêm, nguyên Chủ tịch Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân 18 năm tù; (6) Trịnh Thị Hậu, nguyên Tổng giám đốc Công ty tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFC) 14 năm tù; (7) Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFC) 13 năm tù; (8) Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh 16 năm tù; (9) Đỗ Đình Côn, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh 10 năm tù.
Các bị cáo trong Phiên xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân thành phố Hải Phòng
Tìm hiểu nguyên nhân của vụ án tại Tập đoàn kinh tế Vinashin cho thấy:
Trước hết, từ năm 2005 đến ngày được khởi tố vụ án, các cơ quan chức năng đã tiến hành 13 - 14 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát ở Vinashin, đã phát hiện nhiều sai phạm, nhưng do sự chủ quan của cấp trên, nên lãnh đạo Tập đoàn này đã không nghiêm túc chấn chỉnh mà còn tìm cách báo cáo không đúng để che dấu sai phạm.
Hai là, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc đã sai lầm trong chiến lược, có nhiều sai phạm, vi phạm trong quản lý, điều hành.
Đóng tàu biển là ngành chủ lực của Tập đoàn, nhưng Vinashin tập trung quá nhiều vào lĩnh vực đóng mới; bỏ qua, xem nhẹ khâu sửa chữa, cải tiến nâng cao chất lượng tàu thủy. Do đó, tàu đóng mới kém chất lượng, không bán được. Đầu tư vào lĩnh vực mà Tập đoàn không có kinh nghiệm (như điện, thép, tài chính...), dẫn tới nhiều dự án hiệu quả thấp; chưa hoàn thành vì thiếu vốn, gây đình trệ, lãng phí và thất thoát rất lớn.
Ba là, nhiều cán bộ quản lý có dấu hiệu tham ô, tham nhũng, tư lợi, che dấu thông tin nhưng không được phát hiện và xử lý. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã cho thấy việc đầu tư vào nhiều dự án là để trục lợi, để tham ô, bòn rút tài sản của Tập đoàn. Thẩm quyền của Tập đoàn là không giới hạn, đầu tư tài chính của Nhà nước cho Tập đoàn không có rào cản, trong khi khâu giám sát, kiểm tra buông lỏng. Tổng giám đốc, các thành viên HĐQT, Giám đốc Công ty con mặc sức “hoành hành”; các giai đoạn huy động, quản lý, sử dụng vốn bị buông lỏng và vi phạm quy định của pháp luật.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 05/7/2010 khẳng định: “trong những năm qua Tập đoàn đã báo cáo không trung thực về tình hình tài chính của doanh nghiệp”.
Tạ Văn Hồ
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét