Tàu Molniya mới của Việt Nam vượt trội so với thế hệ trước
Tuân Việt - theo Trí Thức Trẻ | 30/10/2013 16:15
(Soha.vn) - Tàu tên lửa Molniya dự án 12418 có hệ thống vũ khí vô cùng mạnh mẽ, mạnh hơn rất nhiều so với dự án 1241RE.
Tàu tên lửa dự án 1241 Molniya (định danh NATO Tarantul) là một lớp tàu
hộ tống mang tên lửa được xây dựng vào những năm 1979–1996 để trang bị
cho lực lượng Hải quân Xô Viết.
Tàu tên lửa dự án 1241 được thiết kế chế tạo để tiêu diệt các chiến
hạm, tàu vận tải và các loại tàu xuồng đổ bộ, tăng cường năng lực phòng
không của các đơn vị binh chủng hợp thành, bảo vệ các cụm tàu chiến, tàu
phóng lôi, tàu tên lửa chống lại các phương tiện tấn công đường không
tầm thấp, đồng thời chi viện hỏa lực bảo vệ các lực lượng chống lại các
phương tiện tấn công đường biển hạng nhẹ của đối phương.
Tàu tên lửa Molniya dự án 12411 của Nga.
Kể từ khi thế hệ đầu tiên được bắt đầu phát triển năm 1977, đã có nhiều
biến thể tàu tên lửa Molniya được thiết kế chế tạo phục vụ cho nhu cầu
của quân đội Liên Xô và xuất khẩu. Trong số đó, 12411 là biến thể tàu
tên lửa Molniya với tên lửa
chống tàu Moskit được thiết kế dành riêng cho Hải quân Nga (chiếc đầu
tiên gia nhập Hải quân Liên Xô năm 1981); 1241RE với tên lửa P-20M và
12418 với tên lửa Uran-E là các biến thể dành cho xuất khẩu.
Dự án 1241RE
Dự án 1241RE là biến thể tàu tên lửa Molniya được chế tạo để xuất khẩu
cho các nước trong khối Xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Các tàu
này được đóng tại hai nhà máy là Rybinsk và Yaroslavl.
Tàu tên lửa cao tốc Molniya dự án 1241RE số hiệu HQ-373 của Hải quân Việt Nam.
Theo thống kê của Nga, tính đến năm 1991, đã có khoảng 22 chiếc 1241RE
được xây dựng. Nhằm tăng cường sức mạnh hải quân để bảo vệ chủ quyền
lãnh hải, biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế biển, những năm 90 của thế kỷ
trước, Việt Nam đã đặt hàng và đưa vào trang bị trong Hải quân một số
tàu hộ tống tên lửa hiện đại thuộc dự án 1241RE.
Hệ thống vũ khí và radar trên tàu dự án 1241RE của Hải quân Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh.
Con tàu có lượng giãn nước khoảng 455 tấn, dài 56 m, thủy thủ đoàn 44
người. Tàu trang bị động cơ tuốc bin khí CODOG cho phép đạt tốc độ tối
đa 41 hải lý/h và có thể hoạt động liên tục trên biển trong vòng 10 ngày
đêm.
Hệ thống vũ khí của con tàu bao gồm pháo hạm 76mm AK-176 với tốc độ bắn
120 phát/phút, tầm bắn tối đa 15,5 km, 2 tổ hợp pháo phòng không tầm
cực gần Ak-630 và tổ hợp tên lửa đối không tầm thấp Igla-1M. Hệ thống
tên lửa chống hạm của con tàu gồm 2 bệ phóng với 4 tên lửa hành trình
chống tàu P-20M bố trí hai bên thân tàu.
Lăp tên lửa Termit cho tàu dự án 1241RE của Hải quân Việt Nam.
P-20M là biến thể xuất khẩu của tên lửa P-15 Termit, loại tên lửa chống
hạm được phát triển bởi viện thiết kế Raduga của Liên Xô những năm
1950. Tên lửa hành trình P-20M có trọng lượng phóng 2,3 tấn, chiều dài
5,8 m, đường kính thân 0,76 m và sải cánh 2,4 m. P-20M có khả mang đầu
đạn nặng tới 454kg, tầm bắn tối đa 80 km và bay cách mặt nước biển
khoảng 200-300m.
Hiện nay, trong biên chế của Hải quân nhân dân Việt Nam có 6 tàu tên lửa cao tốc thuộc dự án 1241RE đó là các tàu mang số hiệu HQ-371, HQ-372, HQ-373, HQ-374, HQ-377 và HQ-378.
Dự án 12418
12418 là biến thể dành riêng cho xuất khẩu, chủ yếu cho Việt Nam và Ấn
Độ. Đối với biến thể xuất khẩu cho Ấn Độ, pháo hạm AK-176 được thay bằng
pháo hạm 76mm OTO SRGM của Pháp, còn biến thể xuất khẩu cho Việt Nam sử
dụng hoàn toàn vũ khí và các hệ thống điện tử của Nga.
Tàu tên lửa Molnya dự án 12418 số hiệu HQ-375 của Hải quân Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh.
Có thể dễ dàng phân biệt các tàu thuộc dự án 12418 và 1241RE của Việt
Nam khi nhìn vào cột anten radar và hệ thống tên lửa đối hạm của hai
loại chiến hạm này.
Trong khi cột anten của 1241RE hình tròn hơi nghiêng về phía sau thì cột anten của 12418 lại có dạng hình tháp thẳng đứng.
Dự án 12418 được trang bị radar điều khiển hỏa lực MR-123 Vympel cho pháo hạm AK-176 và pháo bắn nhanh AK-630,
radar điều khiển hỏa lực cho tên lửa chống hạm Garpun-E và radar tìm
kiếm, phát hiện và bám mục tiêu MR 352 Positiv-E (tàu tên lửa dự án
1241RE không được trang bị loại radar này).
Hệ thống radar trên tàu tên lửa dự án 12418 của Hải quân Việt Nam.
Tàu tên lửa dự án 12418 có hệ thống vũ khí vô cùng mạnh mẽ, mạnh hơn
rất nhiều so với dự án 1241RE. Tàu được trang bị pháo hạm 76 mm AK-176M
với cơ số đạn 316 viên, hai pháo phòng không 30 mm AK-630M1-2 với cơ số
4000 viên đạn, 16 tên lửa chống hạm cận âm Uran-E, được bố trí thành 4 module phóng 2 bên thân tàu với 4 tên lửa Kh-35E mỗi module và 12 tên lửa phòng không Igla-1M.
Tên lửa diệt hạm Kh-35E trang
bị trên chiến hạm 12418 có trọng lượng 600 kg, chiều dài 3,75m và sải
cánh 930mm. Tên lửa có thể mang đầu đạn nặng 145 kg với tầm bắn 130km và
tốc độ lên tới 1.100 km/h.
Hệ thống tên lửa Uran-E trên tàu tên lửa dự án 12418 của Hải quân Việt Nam.
Do mang nhiều tên lửa hơn, nên biến thể 12418 có lượng giãn nước lớn
hơn dự án 1241RE (550 tấn so với 455 tấn). Con tàu có thủy thủ đoàn 44
người, và có thể làm việc liên tục trong thời gian 10 ngày đêm.
Hiện trong biên chế của Hải quân Việt Nam có 2 chiếc tàu tên lửa thuộc
dự án 12418 đó là các tàu mang số hiệu HQ-375 và HQ-376 được Nga xây
dựng theo hợp đồng trị giá 1 tỉ USD cung cấp 6 chiến hạm lớp này ký kết
trong năm 2006. Sáu chiếc 12418 còn lại thuộc hợp đồng trên được đóng
tại nhà máy Ba Son (TP. Hồ Chí Minh theo giấy phép của Nga), trong đó
hai chiếc đầu tiên đã được hạ thủy trong tháng 3 và tháng 4 và hiện đã
bắt đầu chạy thừ nghiệm trên biển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét