Huawei bỏ "giấc mơ Mỹ" vì quan hệ Mỹ - Trung hay nghi án gián điệp?
Sau nhiều năm bị chính quyền Mỹ cáo buộc tiếp tay cho giới tình báo và quân sự Trung Quốc, Huawei có vẻ sẽ từ bỏ thị trường di động lớn nhất thế giới. Tuyên bố nói trên được chính CEO Ren Zhengfei đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với báo giới Pháp.
Tuyên bố của CEO Huawei
"Nếu như Huawei bị kéo vào giữa quan hệ Mỹ - Trung và gây ra rắc rối, mọi thứ là không đáng. Bởi vậy, chúng tôi đã quyết định từ bỏ thị trường Mỹ, và không ở lại vị trí nằm giữa 2 bên nữa", ông Ren Zhengfei, CEO của Huawei, trả lời trong một cuộc phỏng vấn tại Pháp.
Ông Ren Zhengfei, CEO Huawei
Không rõ ý ông Ren khi nói "từ bỏ" thị trường Mỹ nghĩa là gì, song với Huawei, thị trường Mỹ là một thị trường khó khăn. Các nhà hành pháp đã liên tục gây sức ép lên các doanh nghiệp Mỹ phải từ bỏ mối quan hệ hợp tác với Huawei; các cơ quan liên bang cũng đã cố gắng hết sức để ngăn chặn sự bành trướng của các sản phẩm gắn mác Huawei lên thị trường Mỹ.
Ông Ren cũng đã không chỉ rõ rằng Huawei đang đóng cửa các cơ sở tại Mỹ hay chỉ đang đóng cửa một dòng sản phẩm nhất định. Sau đó, vị CEO 69 tuổi này tuyên bố mảng điện thoại di động của Huawei đang phát triển mạnh mẽ: "Điện thoại của chúng tôi tại Mỹ vẫn đang bán tốt".
Các quan chức khác của Huawei đang phải… chữa cháy?
Cũng ngay trong cuộc phỏng vấn nói trên, CEO Ren Zhengfei cũng đã đưa ra nhiều tuyên bố có thể coi là… kỳ cục đối với báo giới Pháp, ví dụ như lý do vì sao ông Ren lại tham gia vào ngành viễn thông thay vì đi… nuôi lợn. Vị CEO này cũng giải thích lý do ông chỉ nắm 1,4% cổ phần công ty là bởi "Một ngày nào đó tôi sẽ bị Alzheimers", và rằng cái tên "Huawei" không được phát âm giống như… "Hawaii".
William Plummer, một trong các phó chủ tịch của Huawei và cũng là đại diện của công ty tại Washington, thông báo với Foreign Policy rằng: "Thông tin rằng Huawei đang điều chỉnh sự tập trung tới các thị trường chào đón sự cạnh tranh và đầu tư như châu Âu là hoàn toàn có thật". Ông này cũng bổ sung rằng ông Ren chỉ đang "bình luận về môi trường thị trường hiện nay". Hiện tại, mảng kinh doanh quốc tế của Huawei đang tăng trưởng mạnh. Huawei đã xây dựng chi nhánh tại 18 nước và đang đầu tư hàng tỉ USD xây dựng mạng viễn thông cho châu Phi.
Một phát ngôn viên khác của Huawei cũng đưa ra tuyên bố khá mập mờ với CNET: "Chúng tôi tiếp tục tập trung vào khách hàng, các nhân viên, các khoản đầu tư, hoạt động và doanh thu hơn 1 tỉ USD tại Mỹ. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đưa ra khả năng cạnh tranh và các giải pháp đột phá được người dùng mong muốn và được nhà chức trách cho phép".
Có một sự thật đáng ngạc nhiên rằng tuyên bố của CEO Ren được rất nhiều cơ quan truyền thông tại Trung Quốc đăng tải lại, song các tổ chức truyền thông tại Mỹ và Anh lại dường như đang "bỏ qua" sự kiện này.CNET nhận định rằng mối hiềm khích giữa Huawei và chính phủ Mỹ, vốn đã tiếp diễn trong nhiều năm qua đã trở thành "một cuộc mâu thuẫn toàn diện", song mức độ "toàn diện" của cuộc mâu thuẫn này vẫn chưa được làm rõ.
Các nguồn tin độc lập có vẻ cũng chưa tin Huawei sẽ rời bỏ Mỹ. Dan Rosen, một chuyên gia tại công ty tư vấn kinh tế Rhodium Group đưa ra nhận định rằng "Đối với mảng nghiên cứu và phát triển, và mảng bán lẻ điện thoại, Huawei có lẽ vẫn sẽ ở lại Mỹ".
Lý do nào khiến Huawei phải từ bỏ giấc mơ Mỹ?
Trong khi quan điểm của ông Ren chưa được làm rõ, khó có thể nói rằng Huawei và chính phủ Mỹ là "đối tác tốt". Rất nhiều quan chức chính quyền Mỹ đã bày tỏ quan điểm rằng các thiết bị viễn thông của Huawei, bao gồm các bộ định tuyến mạng, có thể chứa back-door (cửa sau để xâm nhập nếu cần) và các bộ phận theo dõi ẩn. Nếu các thiết bị này được lắp đặt tại Mỹ, chính phủ Trung Quốc sẽ dễ dàng theo dõi và thực hiện tấn công số đối với Mỹ hơn trước đây.
Năm 2012, Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, tuyên bố rằng các công ty Mỹ đang mua thiết bị từ Huawei và ZTE (một công ty Trung Quốc khác) nên đi tìm các đối tác mới. Ông Rogers khẳng định việc lắp đặt các thiết bị của Trung Quốc tại Mỹ sẽ gây các hậu quả khôn lường.
"Chúng tôi tin rằng các công ty viễn thông đang hoạt động tại Mỹ là không thể tin tưởng được, nếu được trao quyền cho hệ thống cơ sở hạ tầng tối quan trọng của chúng ta. Bất kì vi xử lý nghe trộm, truyền tín hiệu hoặc back-door nào bị lắp đặt vào hệ thống của chúng ta sẽ gây ra một hiệu ứng domino khủng khiếp lan truyền qua mạng lưới của chúng ta".
Dutch Ruppersberger, một thành viên cao cấp khác của Ủy ban Tình báo Hạ viện, thông báo rằng ủy ban này "cực kỳ quan ngại về Huawei và ZTE, và mối liên hệ của họ với chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi cảnh cáo các đơn vị chính phủ và các công ty Mỹ đang cân nhắc sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE trên mạng của mình cần phải tính đến ảnh hưởng của việc làm này đối với an ninh quốc gia".
Ông Mike Rogers
Vào năm 2011, Ủy ban Tình báo Hạ Viện tổ chức một cuộc điều tra chính thức đối với Huawei. Một báo cáo ban đầu cho thấy "Mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng thiết bị viễn thông tạo ra một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia ở mức độ cao nhất".
Theo các thông tin không chính thức, Nhà Trắng đã tiến hành rà soát lại các mối hiểm họa từ việc sử dụng thiết bị của Huawei, và được cho là đã không thể tìm ra bằng chứng cho thấy Huawei đang theo dõi Mỹ.
Tuy vậy, đòn đánh của chính phủ Mỹ rõ ràng đã gây ảnh hưởng xấu tới sự tăng trưởng của Huawei. Trong thương vụ sát nhập Sprint Nextel và Softbank (Nhật), các bên tham gia đã tuyên bố với Ủy ban Tình báo rằng 2 nhà mạng này sẽ loại trừ hoàn toàn các thiết bị của Huawei trên lãnh thổ Mỹ. Đây được coi là một bước đi thành công cho cả 2: các nhà chức trách Mỹ thì giảm bớt được mối lo an ninh, còn Sprint và Softbank thì được chính quyền Mỹ cho phép tiến hành sát nhập thuận lợi hơn.
Về phía mình, Huawei vẫn kiên quyết khẳng định rằng công ty không hề thực hiện các hành vi gián điệp trên đất Mỹ. Phó chủ tịch Plummers của Huawei gọi cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo là "một trò lừa đảo rất buồn cười", và rằng các bình luận của chủ tịch ủy ban Rogers về Huawei là "sự xúc phạm đối với tập đoàn":
"Nếu ông chủ tịch Ủy ban có thể giải thích một cách thực tế và thực chất về việc tại sao Huawei lại dễ bị xâm nhập số hơn các công ty viễn thông khác, vốn cũng phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu – và bởi vậy cũng phải đối mặt với các thử thách và rủi ro an ninh số, thì ông nên làm như vậy".
Như vậy, hiện tại tuyên bố của CEO Ren vẫn chưa được làm rõ, song rõ ràng mối quan hệ căng thẳng giữa Huawei và chính phủ Mỹ đã tiếp tục leo thang.
Lê Hoàng
Theo CNET & Foreign Policy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét