Điểm mặt 4 chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Việt Nam
(GenK.vn) - Hiện tại trong biên chế của Không quân Việt Nam có 4 chiến đấu cơ chủ lực, tất cả đều do Nga sản xuất đó là MiG-21, Su-22, Su-27SK và Su-30MK2V.
- Điểm mặt những vũ khí “khủng” Hải quân Việt Nam sẽ được trang bị
- Khám phá sức mạnh tàu hộ vệ tàng hình Sigma của Việt Nam
- Nga có thể chuyển giao cho Việt Nam nhiều công nghệ quân sự
- J-15 Trung Quốc "không có cửa" trước Su-30MK2 Việt Nam
MiG-21
MiG-21 (tên ký hiệu của NATO: Fishbed) là một máy bay tiêm kích phản lực, được thiết kế bởi phòng thiết kế Mikoyan tại Liên bang Xô Viết.Tổng công trình sư đầu tiên của Phòng thiết này là ông Mikoyan. Động cơ của máy bay do ông Gurevich thiết kế vì thế máy bay MiG mang tên 2 ông: Mikoyan và Gurevich (chữ i không viết hoa trong từ MiG có nghĩa là ‘và’). Hơn 50 quốc gia trên 4 lục địa đã sử dụng loại máy bay này, và hiện nay MiG-21 vẫn đang hoạt động trong không quân một số quốc gia sau 50 năm khi nó bay lần đầu tiên. MiG-21 đã đạt được một số kỷ lục hàng không như: máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hàng không, máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất từ sau Chiến tranh Thế giới II, máy bay chiến đấu có thời gian sử dụng lâu nhất.
MiG-21 có khả năng đạt đến vận tốc Mach 2, vận tốc này vượt qua tốc độ tối đa của nhiều kiểu máy bay chiến đấu hiện đại sau này. Có khoảng 10.352 chiếc MiG-21 được chế tạo.
Vũ khí được trang bị trên chiếc MiG-21 bao gồm: một pháo GSh-23 23 mm trục tâm hai nòng (các biến thể PFM,MF,SMT & BIS) hay một súng NR-30 một nòng (F-13)
2.000 kg các loại vũ khí không đối không và không đối đất treo tại hai hay bốn mấu cứng bên dưới cánh tùy theo từng biến thể. Những chiếc đầu tiên mang hai tên lửa Vympel K-13 AA dưới cánh. Những mẫu sau này mang hai K-13 và hai thùng nhiên liệu dưới cánh hay bốn tên lửa hồng ngoại dẫn đường bằng radar K-13. Tên lửa Molniya R-60 cũng được trang bị cho nhiều mẫu khác. Đa số các máy bay mang một thùng dầu phụ 450 L (119 US gal) ở giữa thân. Các mẫu phát triển MiG-21-93 cho phép mang tên lửa R-77.
Theo một số nguồn tin, để phù hợp với chiến tranh hiện đại, Việt Nam đã hợp với Ấn Độ hiện đại hóa MiG-21bis lên chuẩn MiG-21bison. Gói nâng cấp MiG-21bison sẽ “lột xác” hoàn toàn MiG-21, đưa nó trở thành tiêm kích hiện đại. Cụ thể, MiG-21bison trang bị radar điều khiển hỏa lực Phazotron Kopyo cho phép theo dõi đồng thời 8 mục tiêu và tiêu diệt 2 mục tiêu cùng lúc.
Về biên chế, Việt Nam có 3 trung đoàn trang bị MiG-21 gồm: Trung đoàn tiêm kích 921 và 927 thuộc Sư đoàn 371 và Trung đoàn 929 thuộc Sư đoàn 372.
Sukhoi Su-17
Sukhoi Su-17 (tên ký hiệu của NATO 'Fitter') là một máy bay tấn công của Liên Xô, được phát triển từ máy bay tiêm kích/ném bom Su-7. Loại máy bay này rất thành công, với một thời gian dài phục vụ trong không quân Xô Viết và không quân Nga. Dòng máy bay này được xuất khẩu rộng rãi tới các nước Đông Âu, Châu Á, và Trung Đông.
Việt Nam có trong biên chế 3 trung đoàn tiêm kích – bom Su-22 gồm: Trung đoàn 923 và 931 thuộc Sư đoàn 371 và Trung đoàn 937 thuộc Sư đoàn 370; gồm các biến thể: Su-22M3, Su-22M4 và biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-22UM3.
Trong đó, Su-22M4 là biến thể cuối cùng do Liên Xô phát triển, được nâng cấp mạnh với nhiều thiết bị điện tử cho phép mang vũ khí không đối đất chính xác cao.
Cụ thể, Su-22M4 thiết kế với 10 giá treo mang được 4.000 kg vũ khí các loại gồm: tên lửa không đối không R-60; tên lửa không đối đất Kh-23, Kh-25, Kh-29; tên lửa chống radar Kh-58; bom có điều khiển; bom và rocket không điều khiển.
Kể từ năm 1988, Việt Nam thường xuyên sử dụng Su-22M3/M4 thực hiện các chuyến bay tuần tra bảo vệ quần đảo Trường Sa, vùng đặc quyền kinh tế biển, thềm lục địa.
Sukhoi Su-27
Sukhoi Su-27 (tên ký hiệu của NATO 'Flanker' - kẻ tấn công sườn) là một máy bay tiêm kích phản lực Xô Viết độc đáo được thiết kế bởi Phòng thiết kế Sukhoi (SDB) và được sản xuất năm 1977. Nó là đối thủ trực tiếp của những loại máy bay chiến đấu thế hệ mới của Hoa Kỳ (F-14 Tomcat sản xuất năm 1970, F-15 Eagle sản xuất năm 1972, F-16 Fighting Falcon và F/A-18 Hornet), với tầm hoạt động lớn, trang bị vũ khí hạng nặng, và cực kỳ cơ động nhanh nhẹn linh hoạt. Su-27 thường xuyên thực hiện các chuyến bay trong các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, nhưng nó có thể thực hiện gần như mọi nhiệm vụ chiến đấu.
Từ thiết kế cơ bản của Su-27, vài mẫu phát triển khác đã được thực hiện. Su-33 'Flanker-D' là một mẫu máy bay tiêm kích đánh chặn phòng thủ hạm đội được phát triển từ thiết kế của Su-27 và được trang bị trên các tàu sân bay. Sự khác nhau chính bao gồm móc hãm ở đuôi và cánh mũi. Su-30 là một mẫu máy bay tiêm kích đa nhiệm, hai chỗ bay trong mọi thời tiết, chuyên thực hiện các nhiệm vụ không chiến và đánh chặn từ xa. Những phiên bản phát triển xa hơn bao gồm phiên bản tiêm kích-bom Su-34 'Fullback' và phiên bản tiêm kích phòng thủ trên không cải tiến Su-35 'Flanker-E' có những tính năng vượt trội trong mọi mặt.
Giai đoạn 1994-1995, Việt Nam nhập khẩu 12 Su-27 gồm 5 Su-27SK, 5 Su-27UBK huấn luyện 2 chỗ ngồi và 2 Su-27PU (biến thể Su-30 đời đầu). Toàn bộ máy bay Su-27 được biên chế trong trung đoàn tiêm kích 940, thuộc sư đoàn không quân 372 trấn giữ miền Trung đất nước.
Tuy có thể đảm nhiệm việc tiêu diệt mục tiêu trên không, trên bộ nhưng tiêm kích Su-27SK nghiêng về về khả năng đối không. Máy bay có thể mang tối đa 6 tên lửa không đối không tầm trung R-27 và 2 tên lửa đối không tầm ngắn R-73. Đối với tác chiến tiêu diệt mục tiêu mặt đất, Su-27SK không có khả năng mang vũ khí đối đất chính xác cao. Nó chỉ có thể mang bom, rocket không điều khiển.
Hãng Sukhoi (Nga) phát triển biến thể nâng cấp Su-27SKM cho phép thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất bằng vũ khí có điều khiển nhưng có lẽ Việt Nam không còn ý định mua thêm Su-27 mà tập trung vào nhập khẩu các chiến đấu cơ Su-30MK2V hiện đại hơn nhiều.
Su-30MK2V
Sukhoi Su-30 (tên ký hiệu của NATO: "Flanker-C") là máy báy quân sự linh hoạt được phát triển bởi Công ty hàng không Sukhoi của Nga và đưa vào hoạt động năm 1996. Nó là loại máy bay chiến đấu đa chức năng tốc độ siêu âm có thể đảm nhiệm cả nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và nhiệm vụ cường kích (tấn công mặt đất). Seri Su-30K và Su-30MK đều có những thành công trong thương mại. Sự khác nhau về tên gọi là do các phiên bản được sản xuất bởi 2 công ty con đang có sự cạnh tranh - KNAAPO và IRKUT Corporation, cả 2 đều nằm dưới sự điều khiển của tập đoàn Sukhoi. KNAAPO sản xuất Su-30MKK và Su-30MK2, chúng được thiết kế và bán cho Trung Quốc và Việt Nam.
Sau hợp đồng Su-27SK/UBK không lâu, năm 2004 Việt Nam nhập thêm 4 Su-30MK2V. Đây là biến thể cải tiến từ mẫu Su-30MK2. Chữ “V” đằng sau nghĩa là có một số sửa đổi nhỏ phù hợp theo yêu cầu từ phía Việt Nam. Sau một thời gian sử dụng, thấy được hiệu quả của Su-30MK2V, giai đoạn 2009-2010, Việt Nam ký 2 hợp đồng mua thêm loại máy bay hiện đại này.
Su-30MK2V có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển bằng vũ khí chính xác cao. Máy bay trang bị hệ thống radar điều khiển hỏa lực, thiết bị điện tử cực kỳ hiện đại, buồng lái tiện nghi với màn hình màu tinh thể lỏng.
Su-30MK2V thiết kế với 12 giá treo, mang 8 tấn vũ khí: tên lửa đối không R-73, R-27, R-77; tên lửa không đối đất Kh-29, bom có điều khiển KAB-500KR và đặc biệt là tên lửa không đối hạm Kh-31P.
Với tầm bay không cần tiếp nhiên liệu trên không là 3.000km cùng lượng vũ khí lớn, Su-30MK2V đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ vững chắc biển đảo Việt Nam, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa. Hiện tất cả Su-30MK2V đều được biên chế trong Trung đoàn tiêm kích 935, thuộc Sư đoàn Không quân 370 bảo vệ phía Nam đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét