Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Những máy bay MiG lừng danh trong lịch sử

(Genk.vn) - Nếu MiG-19, MiG-21 được biết đến như nỗi khiếp sợ của các chiến đấu cơ F-4 Phantom Mỹ thì MiG-31, MiG-29 lại gây ấn tượng với tốc độ và khả năng cơ động hoàn hảo.

Tờ Russia & India Report đã liệt kê 5 mẫu máy bay MiG nổi tiếng nhất trên thế giới:
1. MiG-15 : Nỗi ám ảnh của phi công Mỹ
 Tiêm kích MiG-15
Tiêm kích MiG-15.
Sau khi ra đời, MiG-15 được đánh giá là một trong những tiêm kích tốt nhất lúc bấy giờ. MiG-15 có lẽ là máy bay được Mỹ quan tâm nhiều nhất trong chiến tranh Triều Tiên. Sự xuất hiện của nó đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các phi công Mỹ và đồng minh. Chỉ đến khi không quân Mỹ điều động những chiếc F-86 Sabre, lợi thế trên không của 2 bên mới cân bằng.
MiG-15 là chiến đấu cơ được sản xuất rộng rãi nhất trên thế giới. Bên cạnh Liên Xô, nó cũng được cấp phép sản xuất ở Ba Lan, Czech và Trung Quốc. Có tổng số 15.000 chiếc máy bay loại này đã ra đời và trong hơn nửa thế kỷ, MiG-15 được duy trì hoạt động tại 40 quốc gia.
2. MiG-19: Kẻ hạ gục “Phantom”
MiG-19 góp phần lớn làm nên những chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam, cũng như cuộc xung đột vũ trang giữa Ấn Độ và Pakistan. Trung Quốc đã tìm mọi cách sao chép tiêm kích này và đặt tên là J-6.
MiG-19 và các biến thể của nó gây ấn tượng vì khả năng điều khiển bằng tay dễ dàng và hỏa lực mạnh, với 3 khẩu pháo 30 mm NR-30 có thể bắn ra cùng lúc 18 kg đạn, đủ để kẻ địch thảm bại trong các trận chiến.
MiG-19
 
Theo một số tài liệu, MiG-19 đã bắn hạ một máy bay trinh sát tầm xa RB-47 của Mỹ năm 1960 tại Bắc Cực. Một số máy bay khác của Không quân Mỹ cũng đã bị MiG-19 đánh bại trên bầu trời nước Đức cùng với số lượng lớn các phi cơ trinh sát khác.
3. MiG-21: Huyền thoại của mọi thời đại
MiG-21 là tiêm kích siêu thanh phổ biến nhất trên thế giới. Theo tờ Russia & India Report, một đặc điểm nổi bật của loại máy bay này là chi phí sản xuất thấp. Phiên bản xuất khẩu của nó có giá thành thấp hơn một chiếc xe thiết giáp chở quân BMP-1.
Trong chiến tranh Việt Nam, MiG-21 của Việt Nam và tiêm kích F-4 chủ lực của Mỹ đã tạo nên một cặp "kỳ phùng địch thủ" trên bầu trời.
MiG-21 (Ảnh: RIa Novosti)
 
Tổng cộng có khoảng 10.158 (một số nguồn nói 10.645) chiếc MiG-21 được chế tạo tại Liên Xô . MiG-21 có khả năng đạt vận tốc Mach 2, vượt qua tốc độ tối đa của nhiều kiểu máy bay chiến đấu hiện đại sau này.
MiG-21 được xuất khẩu rộng rãi và hiện vẫn còn được sử dụng ở một số nước, mặc dù đã có thể được xem như là lỗi thời.
4. MiG-29: Sự cơ động hoàn hảo
MiG-29 là thiết kế tiêm kích phản lực thế hệ 4 được phát triển từ những năm 1970 nhằm đối địch với các tiêm kích cùng thế hệ của Mỹ gồm F-16 và F/A-18 của Mỹ.
MiG-29 (Ảnh: RIA Novosti)
 
Những chiếc MiG-29 thuộc các biến thể đầu không được trang bị hệ thống điều khiển fly-by-wire tiên tiến nhưng nó rất nhanh nhẹn, thực hiện pha quay ngoặt tức thời và duy trì ổn định hoàn hảo, góc tấn lớn và sự chống chọi tuyệt vời đối với hiện tượng quay tròn. Khung máy bay có thể chịu được gia tốc lên tới 9G khi thao diễn.
Cho tới nay, còn khoảng 25 quốc gia sử dụng các biến thể MiG-29. Tại Đông Nam Á, có Myanmar và Malaysia đang duy trì những chiếc tiêm kích MiG-29.
Hiện nay, máy bay này đã được cải tiến với hệ thống điện tử hàng không tiên tiến nhất, thùng nhiên liệu phụ và thiết bị tiếp liệu khi bay.
5. MiG-31: Tốc độ ấn tượng
MiG-31 là tiêm kích đánh chặn với tốc độ ấn tượng (Mach 3), được thiết kế dựa trên tiêm kích MiG-25. MiG-31 được thiết kế cho nhiệm vụ đánh chặn và tiêu diệt mọi máy bay địch.
Máy bay trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực D30-F6 cho phép đạt tốc độ tối đa Mach 2,83 (gần gấp 3 lần vận tốc âm thanh), nếu dùng nhiên liệu phụ trội nó có thể đạt tốc độ tới Mach 3,2 (gấp hơn 3 lần vận tốc âm thanh).
 MiG-31
 
MiG-31 là máy bay đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống rada mạng pha, cho phép xác định các mục tiêu trên không (bao gồm cả những mục tiêu tầm nhìn hạn chế) từ khoảng cách 320km.
Nó có thể theo dõi 24 mục tiêu và tiêu diệt cùng lúc 4 mục tiêu quan trọng nhất. Bốn chiếc MiG-31 có khả năng kiểm soát cả một vùng trải dài 800 - 900km.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét