Vì sao Việt Nam 'dửng dưng' với tên lửa Trung Quốc thèm muốn?
Hà Dũng - theo Trí Thức Trẻ | 16/07/2013 11:32
(Soha.vn) - BrahMos chỉ được Nga- Ấn Độ phê chuẩn bán cho 15 nước. Trung Quốc mặc dù rất thèm muốn nhưng bị từ chối còn Việt Nam tại sao lại bỏ qua cơ hội này?
Theo khẳng định của người đứng đầu BrahMos Aerospace, chưa có hợp đồng cung cấp tên lửa BrahMos cho quốc gia thứ ba nào, điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể sẽ không mua tên lửa BrahMos hoặc chí ít là nếu mua, cũng sẽ mất ít nhất là vài năm nữa.
Tại sao Việt Nam lại bỏ qua cơ hội sở hữu một vũ khí quan trọng và đầy sức mạnh như BrahMos? Có những nguyên nhân chủ yếu như sau:
1. Ưu tiên cho vùng biển xa
Những căng thẳng ở biển Đông khiến việc tăng cường tiềm lực quân sự, nhất là lực lượng Hải quân, trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do vậy, sở hữu tên lửa BrahMos là một động thái hết sức hợp lý, Tuy nhiên, nếu tinh ý hơn một chút trong vấn đề biển Đông, chúng ta có thể hiểu: "Vì sao Việt Nam không hay đúng hơn là chưa mua BrahMos trong tương lai gần?"
Nếu mua BrahMos hiện nay thì Việt Nam chỉ có thể mua tổ hợp tên lửa bờ với tầm bắn khoảng 300 km. Với tầm bắn này, tên lửa BrahMos chỉ phù hợp với nhiệm vụ phòng thủ bờ biển, chứ không phải là một vũ khí chuyên dụng để chống tàu trên vùng biển xa.
Các vùng biển chủ quyền có nguy cơ xảy ra xung đột của Việt Nam đều là những vùng biển xa như khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cách bờ biển trên 400 km, do vậy, BrahMos khó phát huy được hiệu quả.
Ngược lại, hệ thống phòng thủ bờ biển của Việt Nam hiện nay khá mạnh với lá chắn thép Bastion sử dụng phiên bản tên lửa Yakhont, với tính năng tương đương BrahMos cũng như nhiều hệ thống tên lửa khác như Rubezh, Redut, đảm bảo hỏa lực nhiều lớp từ xa tới gần.
Do vậy, với tiềm lực tài chính có hạn, Việt Nam sẽ ưu tiên cho việc tăng cường sức mạnh trên biển xa như đóng các tàu tên lửa Gepard 3.9, tàu tên lửa Molniya được trang bị tên lửa chống tàu khác, mua tàu ngầm Kilo 636, máy bay Su-30MK2V, máy bay tuần thám...
Bờ biển Việt Nam được bảo vệ vững chắc với bộ ba tổ họp tên lửa bờ Bastion, Redut, Rubezh
2. Tên lửa “made in Vietnam” Kh-35E
Ngày 15 tháng 2 năm 2012, theo nguồn tin ITAR-TASS, Việt Nam dưới sự giúp đỡ của Liên bang Nga sẽ triển khai dây chuyền sản xuất tên lửa chống tàu Uran. Thông báo với các phóng viên tại cuộc họp báo, Giám đốc Cục Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga (FS MTC) Mikhail Dmitriev nhận định, tổ hợp sản xuất tên lửa Uran sẽ được triển khai theo sơ đồ, tương tự như sơ đồ sản xuất, công nghệ hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Liên bang Nga trong dự án tên lửa chống tàu BrahMos.
Bản tin ngày 15/2/2012 của hãng tin Ria Novosti dẫn lời Giám đốc Cục Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga (FS MTC) Mikhail Dmitriev cho biết: "Chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng cơ sở tại Việt Nam để sản xuất một phiên bản của Uran Nga [SS-N-25], trong một dự án tương tự như sản xuất tên lửa BrahMos của Nga-Ấn Độ".
Kh-35 được trang bị rất nhiều trong Hải quân Việt Nam hiện nay. Các dự án như mua 4 tàu Gpard 3.9, đóng 12 tàu Molniya, tàu BPS 500, mua máy bay Su-30MK2 đều là những phương tiện trang bị Kh-35. Có thể nói rằng Kh-35 là loại tên lửa đối hải chủ lực của Việt Nam hiện nay.
Kh-35 còn có thể phát triển hơn nữa với tổ hợp Bal-E, phiên bản trên máy bay Su-30MK2, phiên bản ngụy trang Club-K.
So với Yakhont thì tên lửa Kh-35 có hiệu quả chiến đấu cao, khối lượng và kích thước nhỏ, khả năng bố trí đa dạng, giá thành lại không quá đắt.
Bên cạnh đó, còn có thông tin cho rằng, Việt Nam sẽ hợp tác với Nga để chế tạo biến thể Kh-35UE có tầm bắn tới 260 km. Như vậy với dự án sản xuất Kh-35 thì càng dễ hiểu khi Việt Nam không vội mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ.
Việt Nam và Nga sẽ hợp tác sản xuất tên lửa Kh-35E tầm bắn 130 km
Cũng có thông tin là dự án sẽ chế tạo tên lửa Kh-35UE với tầm bắn lên đến 260 km
3. Chỉ mua hàng đã được sàng lọc
Việt Nam với một tiềm lực tài chính có hạn cùng với phương châm vũ khí “quý hồ tinh bất quý hồ đa” nên thường lựa chọn những vũ khí đã chứng tỏ được hiệu quả qua quá trình sử dụng chứ không phải là những phiên bản đời đầu. Có thể thấy điều này khi Việt Nam mua S-300PMU1 chứ không phải là S-300, mua Su-30MK2 và Su-30MK2V chứ không phải là Su-30.
Với cách lựa chọn này thì Việt Nam luôn có được loại vũ khí hoàn chỉnh do được nâng cấp, cải tiến sau một thời gian dài sử dụng, từ đó tránh được những lãng phí về mặt đầu tư.
Tất nhiên, điều này cũng có hạn chế là không có được ưu thế trước đối phương về loại vũ khí mới nhất nhưng thực ra, các loại vũ khí mới đều cần một thời gian huấn luyện khá dài mới phát huy được hiệu quả nên chưa hẳn đã giành ngay ưu thế khi sử dụng.
Tuy nhiên, nguyên tắc đa dạng hóa vũ khí cũng cần được xem xét trong trường hợp này. Dựa theo xu thế đó, có thể thấy BrahMos vẫn có khả năng được Việt Nam chọn mua sau một thời gian nữa nếu như đáp ứng được tiêu chí độ tin cậy cao, giá thành phải chăng và chứng tỏ được các điều sau:
Phiên bản phóng từ máy bay Su-30MKI đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ấn Độ dự định thử nghiệm vào năm 2014. Khi đó, có thể các Su-30MK2 của Việt Nam cũng sẽ được trang bị tên lửa loại này để tăng cường sức mạnh trên biển Đông.
Phiên bản trang bị trên tàu có thể tích hợp vào các tàu nhỏ gọn hơn mà Việt Nam sở hữu. Hiện nay tàu nhỏ nhất được trang bị BrahMos của Ấn Độ là tàu khu trục lớp Rajput INS RANVIJAY (D55) có chiều dài 147m, rộng 15,8m, mớn nước 4,8m, lượng giãn nước 4.974 tấn, mang theo 8 tên lửa BrahMos. Lượng giãn nước hơn hai lần so với tàu lớn nhất của Việt Nam là hai tàu Gepard 3.9 mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ với lượng giãn nước là 2.100 tấn.
Tên lửa BrahMos của Ấn Độ phóng từ MiG-29
Tàu khu trục lớp Rajput INS RANVIJAY (D55) phóng tên lửa BrahMos
Hai tàu lớn nhất của Việt Nam lớp Gepard 3.9 lượng giãn nước 2.100 tấn được trang bị 8 tên lửa Kh-35E.
Với các lý do trên có thể giải thích vì sao trong tương lai gần Việt Nam sẽ chưa mua tên lửa BrahMos. Hy vọng trong tương lai, Hải quân Việt Nam sẽ sở hữu nhiều loại tên lửa hiện đại hơn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét