Vì sao Việt Nam không bố trí tên lửa ở Trường Sa?
Quyết Thắng - theo Trí Thức Trẻ | 03/01/2014 06:32
(Soha.vn) - Tại sao Việt Nam không bố trí ngay ở Trường Sa các hệ thống tên lửa phòng không hoặc tên lửa chống hạm để nâng cao sức mạnh bảo vệ biển đảo?
Hiện nay, trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã có sự hiện diện của nhiều binh chủng kỹ thuật hạng nặng như tăng thiết giáp, pháo binh, radar. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin nào cho thấy có sự hiện diện của binh chủng tên lửa.
Tại sao Việt Nam không bố trí các dàn tên lửa chống hạm hay phòng không trên một số đảo để đảm bảo hỏa lực mạnh, tức thời trong mọi tình huống? Chúng ta hãy thử phân tích để tìm hiểu câu trả lời của vấn đề này.
Nhiều lợi ích...
Từ lâu, giới phân tích quân sự đã chỉ ra rằng sức mạnh phòng không trên Biển Đông của Việt Nam chưa tương xứng với tình hình Biển Đông hiện nay, đặc biệt là khi Trung Quốc đã đưa vào chạy thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên trên Biển Đông. Phòng không hạm đội vẫn là một lỗ hổng chưa thể bù đắp trong tương lai gần. Hiện nay, nhiệm vụ phòng không vẫn được giao cho lực lượng không quân đảm nhận.
Do vậy, trong tình huống đối phương sử dụng một lượng lớn máy bay xuất kích nhằm đe dọa các tàu chiến và căn cứ đóng quân, nếu như trên quần đảo Trường Sa có sẵn các tổ hợp tên lửa phòng không thì hiệu quả đối phó sẽ cao hơn nhiều. Khi đó, ngoài việc ngăn chặn các cuộc oanh kích lên đảo, các tổ hợp này có thể tạo ra một ô phòng không bảo vệ các tàu chiến.
Nếu được bố trí các tổ hợp tên lửa bờ đối hải thì sức mạnh phòng thủ của các đảo trên Trường Sa sẽ được tăng cường rất nhiều
Cũng tương tự như vậy, nếu trên các đảo này được bố trí các tổ hợp tên lửa bờ đối hải thì khi đó sức mạnh chống tiếp cận, chống đổ bộ lên đảo sẽ được tăng cường một cách đáng kể. Nếu đối phương có ý định dùng tàu chiến phong tỏa hay đánh chiếm đảo sẽ gặp phải những tổn thất to lớn.
...nhưng không ít bất cập
Trước hết phải thấy rằng tổ hợp tên lửa phòng không là một hệ thống khá phức tạp và nhiều thành phần. Do vậy việc bố trí, bảo vệ, ngụy trang cho toàn bộ trận địa và tổ hợp gặp nhiều khó khăn, chưa kể tới việc vận hành một tổ hợp phòng không cần khá nhiều người, nhiều bộ phận.
Các tổ hợp phòng không khá phức tạp và cồng kềnh, khó bố trí ở các đảo
Đối với các tổ hợp tên lửa bờ, kết cấu của tổ hợp có phần nhỏ gọn hơn, số lượng người cũng ít hơn. Nếu Việt Nam có ý định triển khai trên các đảo không phải là không thực hiện được, có thể bố trí theo kiểu sàn nâng đảm bảo việc ngụy trang, che chắn khi cần thiết.
Tuy nhiên việc triển khai sẽ gặp một số bất lợi sau:
Thứ nhất là việc kiểm tra, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn. Khó có thể bố trí cả trạm kỹ thuật ở đây, vì vậy có thể cần phải có những trạm sữa chữa lưu động hoặc chuyển về căn cứ trên đất liền khi có hỏng hóc. Trong khi đó, khoảng cách từ đảo đến đất liền khá xa và điều kiện thời tiết Biển Đông nhiều tháng trong năm không thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ hai là tính cơ động không cao, có thể bị đối phương đánh phủ đầu trước hoặc vu hồi khi đã bộc lộ vị trí. Nhằm đối phó với các loại vũ khí công nghệ cao hiện nay, một phương pháp phổ biến là bí mật di chuyển luân phiên các tổ hợp tên lửa giữa các vị trí khi chưa chiến đấu và bắn rồi di chuyển ngay sang vị trí ẩn nấp. Nếu không di chuyển, chỉ cần vị trí bố trí bị lộ từ trước hay bộc lộ sau khi chiến đấu, đối phương ngay lập tức sẽ sử dụng các loại vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao tập kích vào vị trí bố trí các tổ hợp tên lửa này.
Ví dụ với tổ hợp tên lửa S-125 của Nam Tư trong cuộc chiến với Mỹ năm 1999, trong thời gian không quá 1-1,5 phút sau khi bắn, đơn vị phòng không đã phải thu hồi khí tài và lên đường đến khu vực tập kết. Khu vực tập kết thường có các địa vật tự nhiên hoặc nhân tạo có thể dùng để nguỵ trang như (các khe trũng, các hăng-ga...). Việc luân chuyển, thay đổi các trận địa cũng được tiến hành thường xuyên, các tiểu đoàn tên lửa S-125 tiến hành thay đổi trận địa 5 ngày/lần. Những biện pháp này không thể thực hiện trên các đảo do không thể bố trí nhiều trận địa hay đường cơ động trên đảo cũng như thiếu các vật che khuất.
Với những bất lợi như trên, rõ ràng việc bố trí các tổ hợp tên lửa bờ đối hải trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng.
Và cách giải quyết của Việt Nam
Đứng trước những vấn đề nan giải trên, để thực hiện nhiệm vụ phòng không và chống phong tỏa, đánh chiếm đảo trên Biển Đông, Việt Nam đã chọn phương án như sau:
Nhiệm vụ phòng không do lực lượng Không quân đảm nhiệm với các máy bay chiếm ưu thế trên không Su-27/30 cùng các tên lửa không đối không hiện đại tầm từ gần tới xa như R-27, R-73, R-77.
Với nhiệm vụ chống phong tỏa, đánh chiếm đảo, Việt Nam sử dụng các tàu mang tên lửa. Trong số này, đáng kể nhất là các tàu Gepard 3.9 mang 8 tên lửa Kh-35E, Molniya mang 16 tên lửa Kh-35E. Với tầm bắn 130 km cùng với công nghệ tiên tiến của Kh-35E, các tàu này sẽ đóng vai trò những “chiếc ô bảo vệ di động” với bán kính lên đến 130 km. Ngoài ra, còn có các lớp tàu cũ hơn bố trí tên lửa P-21, P-22, P-15. Tương lai gần, Hải quân Việt Nam sẽ có thêm các tàu ngầm lớp Kilo 636 với tổ hợp Club, tàu hộ tống SIGMA trang bị tên lửa Exocet với tầm bắn 180 km.
Việc sử dụng các tàu này đảm bảo tính cơ động đồng thời bảo đảm thực hiện được đầy đủ quy trình bảo dưỡng các trang thiết bị trong tổ hợp tên lửa. Một số tàu sẽ đảm nhận trực trên biển còn một số tàu sẽ thay phiên về bảo dưỡng tại các căn cứ Hải quân.
Các chiến hạm mang tên lửa đóng vai trò là những chiếc ô bảo vệ di động đầy sức mạnh
Vấn đề nảy sinh là phòng không cho các con tàu. Mặc dù lực lượng không quân Việt Nam được đánh giá cao nhờ các yếu tố kinh nghiệm dày dạn, trang bị hiện đại cùng lợi thế về địa lý nhưng nếu điều kiện kinh tế cho phép, Việt Nam nên trang bị các tổ hợp phòng không trên chiến hạm. Khi đó, các tàu chiến Việt Nam sẽ được nâng cao hơn nữa sức mạnh để giữ chủ quyền vùng trời, vùng biển và hải đảo trên Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét