Thị trường truyền hình trả tiền: Hết “cấm chợ”, lại “ngăn sông”?
Cho đến thời điểm này, Viettel ít nhất đã hai lần “dự kiến” khai trương dịch vụ truyền hình cáp (THC) nhưng rồi cuối cùng đành phải trì hoãn. Cho đến gần đây, qua lời phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Viettel - trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ TT&TT, người ta mới “vỡ nhẽ” rằng Viettel và các doanh nghiệp viễn thông (telco) dù đã hết bị “cấm chợ” nhưng vẫn còn bị “ngăn sông”.
- Giải pháp truyền hình cho người hay di chuyển
- Đài truyền hình Nga đăng tải video vụ "cướp bia" đáng xấu hổ ở VN
- Internet khiến ngành truyền hình Mỹ hấp hối?
- VNPT sẽ nhảy vào thị trường truyền hình cáp
- Truyền hình cáp sẽ "nóng" chuyện mua bán, sáp nhập
“Thua keo này, bày keo khác”
Trong năm 2012 - 2013, Hiệp hội Truyền hình trả tiền (THTT) và VTV đã ra sức ngăn cản các telco như FPT, VNPT và đặc biệt là Viettel tham gia thị trường THC vì sợ sức mạnh từ các tập đoàn công nghệ này. Hiện tượng “cấm chợ” đó cho thấy một điều rằng, chính VTV và “những đứa con” cùng với Hiệp hội THTT nằm trong tay họ đang lo sợ một sự cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường dù VTV đang có ưu thế chiếm đến 70% - 80% thị trường THC. Tuy nhiên, dưới áp lực và sự phản đối của dư luận, ý đồ “cấm chợ” của VTV và Hiệp hội THTT đã không thể trở thành hiện thực. Bộ TT&TT, khi ấy dù có đầy đủ thẩm quyền cấp giấy phép dịch vụ THC cho Viettel nhưng đã có lúc thiếu tự tin, phân vân và trì hoãn công việc hết sức bình thường này. Cuối cùng Bộ TT&TT đã cấp phép cho Viettel và FPT, song rõ ràng vẫn còn chịu áp lực từ VTV và buộc phải nhân nhượng khi không cho phép Viettel và FPT cung cấp dịch vụ THC tương tự tại 8 tỉnh và thành phố lớn.
Tuy nhiên sau keo “cấm chợ” bất thành, lúc này đây Viettel đang đứng trước khó khăn tiếp theo là chưa nhận được sự hợp tác chia sẻ nội dung từ các nhà đài. Chính vì thế, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã phải đề nghị Bộ TT&TT ban hành chính sách kết nối trước nguy cơ tập đoàn này và các telco khác sẽ bị rơi vào tình trạng “ngăn sông” của nhà đài. Cần biết rằng, Viettel được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ THC vào ngày 26.4.2013 và telco này cam kết trong vòng 12 tháng sẽ khai trương dịch vụ, nếu không kịp sẽ tự chịu phạt 30 tỉ đồng. Với sự bất hợp tác hiện nay của phía nhà đài, thì ngay cả sắp tới VNPT có được cung cấp dịch vụ THC đi nữa thì cũng sẽ gặp khó khăn tương tự Viettel mà thôi.
Vì sao “ngăn sông”?
Như ở trên đã nói, VTV và thế lực của họ lo sợ các telco cung cấp dịch vụ THC vì muốn độc chiếm thị trường, trong đó điều đáng lo nhất là không tin rằng cạnh tranh nổi với Viettel về giá. Trong Triển lãm Vietnam Telecom 2013 diễn ra vào tháng 11.2013, ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra thông điệp rằng Viettel tiếp tục định hướng cung cấp dịch vụ giá rẻ nhằm đáp ứng đa phần nhu cầu của người tiêu dùng tại Việt Nam và THC là một trong những mũi nhọn tích hợp các tiện ích về kết nối và nội dung đến từng gia đình.
Đặc biệt ở khu vực nông thôn Việt Nam chiếm tới 70% dân số đang có tỉ lệ người dùng THTT khá thấp, chiến lược giá và cung cấp dịch vụ của Viettel sẽ tạo nên lợi thế lớn trong cạnh tranh. Dù biết rằng chính mình đang “ngăn sông” Viettel nhưng các nhà đài cũng ý thức được rằng sự cấm cản này khó có thể mãi mãi. Theo một nguồn tin, sự bất hợp tác này nhằm mục đích ra giá với nhau để buộc Viettel chấp nhận điều kiện không được hạ giá bán dịch vụ THC nếu muốn được hợp tác chia sẻ nội dung.
Cũng như lần “cấm chợ”, việc ngăn cản Viettel khai trương dịch vụ càng lâu thì càng có lợi cho các nhà đài đối thủ, thậm chí sẽ “ác” hơn nếu khiến được Viettel trễ tiến độ khai trương so với cam kết và phải chịu phạt. Có lẽ Viettel thừa biết những điều này và cũng sẽ tìm ra phương sách để giải quyết. Cần nhớ rằng, năm 2005 khi Viettel bị VNPT làm khó về kết nối thì lãnh đạo cao nhất của ngành lúc đó nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà - đã có công văn gửi lên Thủ tướng kiến nghị giải quyết vấn đề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét