Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Vì sao Đặng Tiểu Bình quyết đánh Việt Nam?

Vì sao Đặng Tiểu Bình quyết đánh Việt Nam?

Chiến tranh Trung-Việt chủ yếu do một mình Đặng Tiểu Bình quyết định. Khi một người hoặc một vài người vội vàng quyết định tiến hành chiến tranh, khó có thể tránh khỏi việc quyết định đó mang màu sắc tình cảm phiến diện, chủ quan của cá nhân, rất dễ phạm phải sai lầm mang tính lịch sử và hậu quả cũng vô cùng đáng sợ.
Tạp chí Tuần san châu Á của Hồng Công số từ 11-18.7.2010 đăng bài của tác giả Giang Tấn về những ân oán trong quan hệ Trung - Việt. Theo Giang Tấn, cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 1979 chủ yếu là do một mình Đặng Tiểu Bình quyết định nhằm củng cố địa vị của mình.
Dẫn lời ông Nghê Sáng Huy, một người từng trải qua những năm tháng chiến tranh Trung-Việt, tác giả cuốn Mười năm chiến tranh Trung-Việt vừa được Nhà xuất bản Thiên Hành Kiện (Hồng Công) ấn hành vào đầu tháng 6.2010, Giang Tấn cho biết vào năm 1977, Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương 3 khóa X, khôi phục các chức vụ lãnh đạo cho Đặng Tiểu Bình, gồm phó chủ tịch nước, phó thủ tướng Quốc vụ viện, phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương và tổng tham mưu trưởng quân đội. Một năm sau đó, Đặng Tiểu Bình lại được bầu làm chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc. Cách mạng Văn hoá vừa kết thúc, Đặng Tiểu Bình muốn trước tiên phải lập lại trật tự, thúc đẩy đường lối tư tưởng, nên đưa ra trọng điểm công tác cho cả nước là chuyển dịch sang xây dựng kinh tế. Tuy nhiên, khi đó ở Trung Quốc, tư tưởng tả khuynh trong, ngoài đảng và ở quần chúng vẫn tiếp tục “trượt” theo quán tính. Đặc biệt là nhóm trong Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do Hoa Quốc Phong cầm đầu vẫn chủ trương tiếp tục duy trì lý luận và thực tiễn của Cách mạng Văn hoá thêm một thời gian. Trong quân đội Trung Quốc cũng có không ít cán bộ cao cấp tỏ ra không thông với chính sách và đường lối của Đặng Tiểu Bình. Chính vì thế, Đặng Tiểu Bình thấy rằng muốn phá vỡ cục diện này, phải tiến hành cải cách mở cửa. Nhưng nếu chỉ dựa vào chức vụ của Đặng Tiểu Bình khi đó thì khó có thể xoay chuyển được tình thế, mà phải cần đến một phương thức có thể quét sạch được mọi chướng ngại của thế lực cực tả đối với cải cách mở cửa.
Theo ông Nghê, nếu như khi đó đưa ra những đánh giá lịch sử về Mao Trạch Đông, phủ định đường lối “hai phàm là” của Hoa Quốc Phong (Phàm là quyết sách Mao Chủ tịch đưa ra, chúng ta phải kiên quyết bảo vệ; Phàm là chỉ thị của Mao Chủ tịch, chúng ta đều phải tuân thủ trước sau như một – P/v TTXVN), thời cơ vẫn chưa chín muồi. Do đó, Đặng Tiểu Bình quyết định lợi dụng chức vụ phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương kiêm tổng tham mưu trưởng và sự tín nhiệm của phái nguyên lão trong quân đội đối với mình để tìm kiến sự đột phá từ quân đội. Đặng Tiểu Bình cho rằng cần thiết phải phát động một cuộc chiến tranh chống lại “kẻ xâm lược”, thông qua chiến tranh để chuyển hướng đấu tranh trong nước, tái cố kết sự đoàn kết dân tộc của người dân. Đặng Tiểu Bình cũng muốn nhân cơ hội sau chiến tranh tiến hành điều chỉnh nhân sự trong quân đội. Quả nhiên, sau chiến tranh Trung-Việt, Đặng Tiểu Bình đã làm một cuộc “thay máu” đối với quân đội, đưa một loạt cán bộ trẻ, cán bộ trung niên vào vị trí lãnh đạo. Có thể nói, tiến hành chiến tranh là con đường nhanh nhất giúp Đặng Tiểu Bình xác lập quyền uy tuyệt đối trong Đảng Cộng sản và quân đội Trung Quốc, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cải cách mở cửa.
Ông Nghê cho rằng Trung Quốc đánh Việt Nam là do Việt Nam đưa quân vào Campuchia và Trung Quốc ủng hộ Campuchia chống lại Việt Nam. Ban đầu, Trung Quốc gọi đây là “phản kích tự vệ” sau đó lại đổi thành “đánh trả”. Cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt, theo ông Nghê, tuy đã khiến Việt Nam rút một phần quân khỏi Campuchia, phá vỡ thế bao vây chiến lược của Liên Xô đối với Trung Quốc, làm rõ quân bài chiến lược của Mỹ và Liên Xô, rèn luyện quân đội, nhưng kết quả đạt được rất hạn chế: Không lấy được đất đai của Việt Nam, cũng không lật đổ được chính quyền Việt Nam (nguyên văn là “tập đoàn thống trị Lê Duẩn”). Và mặc dù các mục đích mà Quân uỷ Trung ương Trung Quốc đề ra cơ bản đạt được, nhưng nếu xét về lợi ích chỉnh thể của quốc gia, cái hại vẫn lớn hơn cái lợi. Tại sao vậy? Ông Nghê cho rằng trước tiên là cuộc chiến tranh Trung-Việt đã được các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu lấy làm cái cớ để cô lập Trung Quốc. Hai là, việc Trung Quốc xuất binh tấn công Việt Nam đã làm kinh động các nước Đông Nam Á. Ba là, cắt đứt quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới thứ ba, khiến Bắc Kinh rơi vào thế cô lập. Bốn là, Trung Quốc mất đi uy tín trong xử lý quan hệ cấp quốc gia. Năm là, chiến tranh Trung-Việt gây tổn thất nặng nề về mặt kinh tế cả cho Việt Nam lẫn Trung Quốc.
Khi nói về trình tự tiến hành chiến tranh, ông Nghê cho biết một cuộc chiến tranh tất yếu phải đi theo những trình tự do pháp luật quy định. Trước đây, quan niệm pháp trị của người Trung Quốc không cao và nó được biểu hiện trong một số cuộc chiến tranh lớn. Ví dụ: Chiến tranh Triều Tiên chủ yếu do một mình Mao Trạch Đông quyết định, Chiến tranh Trung-Việt chủ yếu do một mình Đặng Tiểu Bình quyết định. Một người hoặc một vài người vội vàng quyết định tiến hành chiến tranh, theo ông Nghê, khó có thể tránh khỏi việc quyết định đó mang màu sắc tình cảm phiến diện, chủ quan của cá nhân, rất dễ phạm phải sai lầm mang tính lịch sử và hậu quả cũng vô cùng đáng sợ.
Ông Nghê cho biết chiến tranh Trung-Việt không những không được Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) thảo luận thông qua, mà cũng không được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Theo ông Nghê, chiến tranh phải công khai với nhân dân, cho phép nhân dân bày tỏ thái độ của mình. Nhân dân vốn là chủ nhân của đất nước, nên có quyền được biết tình hình, có quyền được bày tỏ thái độ. Việc nhân dân có thể bày tỏ thái độ một cách tự do đối với một cuộc chiến tranh cũng có lợi cho việc ngăn ngừa một số cá nhân nào đó đi ngược lại ý nguyện của đại đa số nhân dân, phát động chiến tranh.
Theo TTXVN / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét