Nhật sẽ bảo vệ châu Á trước Trung Quốc?
(PetroTimes) - Từ nay quân đội Nhật Bản được phép hành động quân sự để
bảo vệ đồng minh và các nước bạn nào bị tấn công, dù chiến trường diễn
ra ở nước ngoài, không nhất thiết phải là chiến tranh trên lãnh thổ,
lãnh hải nước Nhật.
Năng lượng Mới số 338
Vì sao Nhật thay đổi học thuyết quân sự?
Ngày 1/7, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua dự thảo nghị
quyết cho phép Nhật Bản sử dụng quyền “tự vệ tập thể”, tức là sửa Điều 9
bản Hiến pháp 1947 cấm Nhật Bản tham gia chiến dịch quân sự bên ngoài
lãnh thổ. Sau quyết định của hành pháp, dự thảo sẽ đưa sang Quốc hội để
biến thành luật. Theo đánh giá, với liên minh Tự do Dân chủ là đảng
Komeito chiếm đa số tại Quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ không gặp khó
khăn trong kế hoạch sửa đổi học thuyết quân sự.
Nghị quyết mới của nội các Nhật Bản nói rõ, Tokyo có thể sử dụng quân
đội ở mức tối thiểu cần thiết trong các trường hợp khi một nước có mối
quan hệ chặt chẽ với Nhật bị tấn công và phải đáp ứng 3 điều kiện cần và
đủ bao gồm: có mối đe dọa thực sự với sự tồn tại của Nhà nước Nhật Bản,
có mối nguy hiểm rõ ràng tới quyền sống, tự do, theo đuổi hạnh phúc của
người dân Nhật và khi không còn một giải pháp thay thế nào khác.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Thủ tướng Abe nói: “Hòa bình không
phải là điều mà người ta mang lại cho mình mà chính là điều mà chúng ta
phải tự tìm lấy” và nhấn mạnh rằng, sự chuyển hướng này là cần thiết để
bảo vệ mạng sống của dân Nhật trong một môi trường an ninh đang ngày
càng bị đe dọa trầm trọng. Ông Abe thêm rằng, tàu chiến Nhật cần phải có
để bảo vệ tàu chiến Mỹ đang che chở cho nước Nhật.
Thủ tướng Nhật Shinjo Abe tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 1/7
Đây là một động thái đã được dự đoán từ lâu do những thách thức về an
ninh trong khu vực thời kỳ mới mà Nhật Bản đang phải đương đầu. Quá
trình bắt đầu từ hơn 20 năm trước, khi Nhật Bản đặt ra mục tiêu nâng cao
vị thế quốc tế và trên hết, nâng cao vai trò chính trị của mình trong
các tổ chức quốc tế, trong Liên Hiệp Quốc, trở thành không chỉ là một
cường quốc kinh tế, mà còn có quyền lực chính trị lớn. 22 năm trước, một
đạo luật về các tổ chức gìn giữ hòa bình được thông qua, cho phép các
lực lượng vũ trang Nhật Bản tham gia nhiệm vụ quốc tế của Liên Hiệp
Quốc. Không phải là ngẫu nhiên mà nghị quyết cho phép sử dụng lực lượng
quân đội ở nước ngoài được thông qua ở thời điểm này. Hành động này phản
ánh tính chất đặc thù của thời điểm hiện tại, khi Nhật Bản đang đối mặt
với những thách thức và mối đe dọa an ninh. Điều đó có liên quan với
các yếu tố quân sự - chính trị trong sự trỗi dậy của Trung Quốc và các
tình tiết gia tăng căng thẳng trong tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Người ta có thể thấy chính Trung Quốc đã tiếp tay cho Thủ tướng Nhật
thành công trong việc vận động diễn giải hiến pháp Nhật theo cách mới.
Việc Trung Quốc gây hấn và có những hành động khiêu khích với Nhật đã
khiến hầu hết dân chúng Nhật, tuy vẫn còn bị ám ảnh với hai quả bom
nguyên tử, đều ý thức được rằng: Nếu Nhật không có biện pháp ngay từ bây
giờ thì khi chiến tranh xảy ra Trung Quốc sẽ nắm phần chủ động trên mọi
mặt.
Ngoài ra, sự sửa đổi học thuyết quân sự của Nhật lần này cũng một phần
bắt nguồn từ Mỹ. Mặc dù Thủ tướng Abe vẫn ủng hộ cho việc tăng cường
liên minh Nhật - Mỹ, nhưng đồng thời Tokyo không hài lòng với lời hứa
đơn thuần từ phía Washington. Bởi, khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố
thành lập vùng nhận diện phòng không trong vùng biển quốc tế ở biển Hoa
Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư),
Washington rõ ràng không đứng về phía Nhật Bản, mà chỉ cố gắng giảm
thiểu tình trạng này. Do đó, Nhật Bản muốn tự mình trở thành một đảm bảo
nhất định cho sự ổn định trong khu vực và có thể dựa vào sức mạnh của
chính mình.
Nhật Bản có thể làm được gì?
Mỹ, Philippines là hai nước đầu tiên lên tiếng ủng hộ việc Nhật Bản mở
rộng vai trò của quân đội để bảo vệ đồng minh trong khu vực. Và không có
gì khó hiểu khi Trung Quốc là nước phản đối gay gắt thay đổi này. Từ
trước tới nay, Bắc Kinh vẫn luôn tin rằng Nhật không thể sửa đổi hiến
pháp và Bắc Kinh muốn làm gì thì làm tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Nhưng Trung Quốc không ngờ Nhật thay đổi được sự diễn giải hiến pháp,
nên nếu Tokyo muốn hợp tác với Philippines hay với các nước ASEAN khác
như một đồng minh giống như Mỹ, việc đó sẽ không bị trở ngại như trước.
Tại đối thoại Shangri-La vừa qua, Thủ tướng Abe xác định là sẽ ủng hộ
tối đa nỗ lực bảo vệ vùng biển và vùng trời của những nước ASEAN đang có
tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc. Ông Abe cũng nói Nhật
Bản sẽ nắm vai trò lớn hơn về an ninh quốc tế và nhấn mạnh với tất cả
các nước dự hội nghị, trong đó có Trung Quốc, về sự cần thiết phải tôn
trọng luật pháp quốc tế. Thủ tướng Nhật nói như vậy ngụ ý chỉ trích
chính sách độc đoán của Trung Quốc. Ngay khi Tokyo được áp dụng chính
sách quốc phòng mở rộng gọi là “quyền tự vệ tập thể” như vậy, liệu Nhật
có lập liên minh quân sự với Philippines hay các thành viên khác của
ASEAN và có thể can thiệp quân sự đối đầu với Trung Quốc một khi Bắc
Kinh xâm lấn các đồng minh này hay không?
Trước hết, từ lúc còn vận động để thay đổi cách diễn giải hiến pháp,
Thủ tướng Nhật đã xác định chính sách quốc phòng mới không có nghĩa là
Nhật Bản sẽ lập tức đưa quân ra chiến trường. Nhưng chính sách mới nói
về quyền tự vệ tập thể, tức quyền phòng thủ chung với các nước ngoài,
cho phép Nhật Bản hành động quân sự để giúp một nước có hiệp ước đồng
minh quân sự với Nhật và đó chính là hành động mở rộng phạm vi quốc
phòng với quyền tự vệ tập thể.
Quân đội phòng vệ Nhật Bản từ nay có thể được gửi đi tham chiến, bảo vệ đồng minh
Một số quan chức cao cấp của Nhật có đề cập đến triển vọng Nhật có thể
sẽ thực hiện quyền tự vệ tập thể với các nước khác ngoài Mỹ, bao gồm
Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Tuy nhiên, quân đội Nhật
chỉ được phép thực hiện quyền tự vệ tập thể với một quốc gia đồng minh
mà Nhật có hiệp ước liên minh quân sự. Philippines thì chắc chắn sẵn
sàng ký kết với Nhật, nhưng với các nước ASEAN khác còn chưa thể biết
được.
Người ta cũng không dự kiến Trung Quốc sẽ có hành động quân sự đối với
Philippines hay nước khác ở Biển Đông. Mục đích của Trung Quốc rõ ràng
là xâm lấn chiếm lãnh hải, nhưng chiến thuật là một chiến thuật mềm hơn
là gây chiến. Họ cứ giả bộ thăm dò, nghiên cứu để đem các giàn khoan đi
cắm trong lãnh hải đặc quyền kinh tế của nước khác, kéo lê đi hết chỗ
này đến chỗ kia, từ xa đến gần, rồi lại vừa đi vừa dặm quanh lãnh hải
của người ta, như đang làm với 4 giàn khoan khác bên cạnh Hải Dương 981.
Nhưng khi Trung Quốc không gây chiến bằng quân sự, Nhật hay Philippines
cũng không có lý do gì để phản ứng bằng biện pháp quân sự.
Ở biển Hoa Đông thì Trung Quốc đe dọa bằng quân sự nặng nề hơn. Đây
chính là điều quan tâm của Nhật khi mở rộng sự hiện diện quân sự và hoạt
động quân sự ra các nước ngoài.
Trong khi đó thì Tokyo lại hòa hoãn với Bình Nhưỡng. Vậy chính sách quốc phòng “tự vệ tập thể” nhắm mục tiêu ở đâu, vào ai?
Thủ tướng Nhật từ trước đến trong và sau hội nghị Đối thoại Shangri-La
đã nhấn mạnh nhiều lần vào tình hình tranh chấp ở Biển Đông với sự hiếu
chiến và chính sách gây hấn của Trung Quốc. Nhật còn lập tức thỏa mãn
yêu cầu của một số nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở
Biển Đông bằng cách cung cấp những tàu tuần duyên đủ sức đương đầu với
lực lượng hải cảnh, hải giám của Bắc Kinh.
Theo giới quan sát, việc thay đổi học thuyết quân sự làm tăng khả năng
mở rộng hợp tác quốc phòng an ninh của Nhật với các nước trong khu vực
vì nó chỉ có lợi cho Nhật trong việc đối phó với những thách thức từ
Trung Quốc.
Từ nay quân đội Nhật Bản được phép hành động quân sự để bảo vệ đồng
minh và các nước bạn nào bị tấn công, dù chiến trường diễn ra ở nước
ngoài, không nhất thiết phải là chiến tranh trên lãnh thổ, lãnh hải nước
Nhật.
Nhan Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét