Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Hậu quả làm ăn với Trung Quốc

Làm ăn với Trung Quốc tạo thói quen cẩu thả cho kinh tế Việt Nam

Công trình xây dựng có nhà thầu Trung Quốc thường luộm thuộm, mất an toàn. Người dân buôn bán với thương lái Trung Quốc quen dần với thói gian dối, làm hàng chất lượng kém...
Câu chuyện quan hệ thương mại - đầu tư Việt Nam - Trung Quốc được nhìn dưới một góc độ khác trong hội thảo "Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3/7.
Trong tổng số 62 dự án xi măng triển khai theo hình thức BOT, có 49 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu. Tương tự, tại 27 dự án nhiệt điện diện BOT, có 16 do Trung Quốc làm tổng thầu. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam - Nguyễn Văn Thụ, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều... 
nha-thau-TQ-6140-1404378727.jpg
Nhiều dự án của Việt Nam do Trung Quốc làm nhà thầu thi công. Ảnh: Petrotimes
Theo vị này, khi các nước phát triển làm tổng thầu tại Việt Nam, thầu phụ cơ khí trong nước sẽ được giao khoảng 15-20% giá trị công trình, qua đó có điều kiện đầu tư thêm công nghệ, rèn luyện tay nghề. Ngược lại, tổng thầu Trung Quốc sẽ nhận hết, trong khi việc quản lý công trình của bản thân họ cũng còn nhiều luộm thuộm. "Năm 2002, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc chỉ một tỷ USD, 10 năm sau, con số này đã lên trên 20 tỷ USD, trong đó một nửa là nhập siêu nhóm thiết bị", ông này thông tin.
Cũng theo chuyên gia, bên cạnh mối quan hệ giúp các hãng Trung Quốc "loại" nhiều đối thủ từ trước khi đầu thầu, vấn đề giá chính là yếu tố quyết định giúp họ giành được nhiều dự án tại Việt Nam. "Cả thế giới phải thua Trung Quốc nếu xét về giá", ông Thụ bày tỏ trong bối cảnh Luật đầu thấu của Việt Nam còn ưu tiên các nhà thầu bỏ giá thấp, chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ về chất lượng thiết bị.
Không chỉ có đấu thầu, trong mối quan hệ thương mại, lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng phản ánh thời gian dài vừa qua người nông dân Việt Nam bị đối xử không công bằng.
Đối với xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sống dở chết dở do nguồn nguyên liệu bị Trung Quốc thao túng. Thương nhân nước này tập cho người nông dân và thương lái Việt Nam cách làm ăn cẩu thả, gian dối, đi vào chất lượng thấp, sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Khi Trung Quốc không mua nữa thì với chất lượng hàng hóa đó cũng không thể bán vào thị trường khác.
Còn đối với nhập khẩu, nông sản từ Trung Quốc có dư lượng chất hóa học rất cao, trong đó có những hóa chất cấm, gây tổn hại sức khỏe của người dân. Việc nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc đã gây áp lực lớn nên nông sản Việt do giá thấp, dù chất lượng kém và không an toàn.
Trước vấn đề này, chuyên gia Lê Đăng Doanh kiến nghị cần phải có sự giám sát mạnh mẽ từ phía cơ quan quản lý và có hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn hàng Trung Quốc độc hại tràn vào Việt Nam hay những dự án có chất lượng thấp. "Mở cửa thị trường không phải mở thông thống ra mà phải có rào cản kỹ thuật, chặn các tác động độc hại", ông Doanh nói.
Hiệp hội Cơ khí cũng kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp giám sát, kiểm tra, chế tài việc nhiều dự án trọng điểm quốc gia như nhiệt điện, khai khoáng, xi măng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện mà không tạo điều kiện cho thầu phụ Việt Nam. Theo ông Thụ, trước biến động ở Biển Đông, Hiệp hội đã gửi báo cáo lên Chủ tịch nước và Thủ tướng đề nghị cho chủ trương kiểm tra lại toàn bộ các dự án công nghiệp do Trung Quốc đang thi công dở dang để huy động lực lượng trong nước kết hợp với các nhà thầu nước ngoài khác hoàn chỉnh các dự án này.
"Đây là một thách thức lớn song cũng là cơ hội để các nhà thiết kế và xây lắp trong nước vượt lên chính mình", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, việc Việt Nam vẫn là nước nhỏ và chưa quyết định nhiều về giá, các chuyên gia cho rằng phải có chính sách để tự bảo vệ mình. Cụ thể, theo ông Doanh, đa dạng hóa thị trường là yếu tố tiên quyết. Vị này lấy dẫn chứng các quốc gia trên thế giới đa số không để nhập khẩu từ một thị trường vượt quá 8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang nhập 40-50% nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc.
Với nông sản, Hiệp hội Rau quả cho rằng cần xúc tiến và quảng bá những thế mạnh của trái cây Việt Nam nhiều hơn nữa và tập trung chuyên canh những vùng trái cây ngon có chất lượng để xuất khẩu số lượng lớn.
Cụ thể, hiện nay việc tiêu thụ thanh long rất khó khăn vì Trung Quốc chiếm 90% tổng lượng thanh long xuất khẩu. Dù các thị trường Ấn Độ, Bangladesh rất có tiềm năng để thay thế thị trường Trung Quốc, nhưng họ không biết thanh long là trái gì, do vậy cần Hiệp hội, Nhà nước, Đại sứ quán tiến hành tổ chức những ngày thanh long để quảng bá. Tương tự, mặt hàng vải của Việt Nam còn khá mới lạ với một số nước châu Âu, thậm chí một số nước lân cận như Singapore, Malaysia, Indonesia đều bán vải của Trung Quốc với giá rẻ hơn.
"Trong một thế giới phụ thuộc, Việt Nam có các quyết định tự bảo vệ mình, chủ động, tích cực hội nhập và chấp nhận luật chơi", chuyên gia Lê Đăng Doanh thẳng thắn.
Phương Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét