Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Hệ thống tên lửa phòng không Buk -M2E

Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2E

21:48 | 24/12/2013

(Bqp.vn) - Ngày nay, một trong những hệ thống phòng không chiến thuật linh hoạt và hiệu quả nhất là các hệ thống tên lửa phòng không (TLPK) tầm gần và trung của Nga. Đó là các hệ thống Tunguska-M1 (tên lửa pháo binh), hệ thống Buk-M2 và biến thể xuất khẩu Buk-M2E của nó.
Hai hệ thống này vượt trội về các tính năng kỹ, chiến thuật cũng như tương quan hiệu quả/giá thành so với các dòng tương đương của Mỹ và các nước khác. Trong bài viết này, chúng ta chỉ đề cập tới hệ thống Buk-M2E.
 
Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2E.
Việc thiết kế hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2E được hoàn thành từ năm 1988, nhưng do sự tan rã của Liên Xô cũng như tình hình kinh tế khó khăn thời bấy giờ cho nên kế hoạch sản xuất hàng loạt hệ thống này bị đình chỉ. 15 năm sau, toàn bộ tài liệu thiết kế của hệ thống này được hoàn thiện theo nền tảng hiện đại. Từ 2008, các hệ thống Buk-M2 được đưa vào biên chế trong quân đội Nga, còn biến thể xuất khẩu Buk-M2E được bán cho các nước Venezuela, Syria và Azerbaijan. Trong đó, Syria là nước đầu tiên đặt hàng Buk-M2E với bản hợp đồng trị giá 1 tỷ USD được ký kết vào năm 2007, toàn bộ các hệ thống tên lửa trong hợp đồng này hiện tại đã được Nga bàn giao cho Syria.
Buk-M2E (theo ký hiệu của NATO là SA-17 “Grizzly”) là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung hiện đại độ cơ động cao. Hệ thống này luôn sẵn sàng thực hiện thành công các nhiệm vụ chiến đấu trong mọi tình huống, thậm chí trong điều kiện kẻ thù gây nhiễu chủ động áp chế mạnh. Ngoài các mục tiêu khí động, Buk-M2E còn có khả năng đánh chặn các tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa chống radar và các loại tên lửa không đối đất đặc biệt. Buk-M2E cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu mặt nước như tàu tuần dương tên lửa loại nhỏ, các tàu khu trục và các mục tiêu mặt đất phản xạ sóng vô tuyến.
Việc điều khiển tự động hệ thống Buk-M2E được thực hiện thông qua xe chỉ huy điều khiển. Xe chỉ huy điều khiển có nhiệm vụ phát lệnh điều khiển và chỉ thị mục tiêu cho 6 phân đội thông qua các kênh liên lạc. Mỗi phân đội của hệ thống này gồm 1 xe phóng tự hành kiêm dẫn bắn được trang bị 4 tên lửa đi kèm với 1 xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn, ngoài ra còn có thể được trang bị 1 xe radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa.
 
Xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn (422) và xe phóng tự hành kiêm dẫn bắn (413) trong thành phần 1 phân đội của Buk-M2E.
Tổ hợp Buk-M2E sử dụng các TLPK có điều khiển động cơ đẩy nhiên liệu rắn có hiệu quả chiến đấu cao, có khả năng thích ứng linh hoạt với nhiều loại mục tiêu nhờ các trang thiết bị chiến đấu đi kèm. Các tên lửa này có thể đạt tầm cao 30 km và tầm xa 70 km và có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu trên không tại mọi vị trí trong vùng tiêu diệt mục tiêu của nó: từ 3 đến 45 km theo độ xa, từ 0,015 đến 25 km theo độ cao. Các tên lửa có thể được phóng riêng lẻ hoặc theo loạt.
Tên lửa của tổ hợp Buk-M2E là các tên TLPK có điều khiển 9M317. 9M317 là tên lửa lắp đầu đạn tự dẫn đa chế độ 9E420: tự hành quán tính có hiệu chỉnh vô tuyến pha giữa và radar bán chủ động pha cuối. Khối lượng của 9M317 là 715 kg, trong đó khối chiến đấu của nó nặng 70 kg và bán kính tiêu diệt mục tiêu là 17 m. Tốc độ tối đa của tên lửa đạt 1230 m/s và độ quá tải lên tới 24 g. Tên lửa sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn 2 chế độ. Sải cánh của nó rộng 860 mm. 9M317 có độ bền cao, các tên lửa đã hoàn thiện được sử dụng mà không cần hiệu chỉnh hay kiểm tra trong suốt thời hạn vận hành của nó (10 năm).
Radar của Buk-M2E sử dụng ăng-ten mảng phát xạ cưỡng bức khe phẳng, có chế độ quét không phận kết hợp giữa quét chùm điện tử trên mặt phẳng góc tà tới 50° và quét cơ khí trên mặt phẳng góc phương vị 360° cho phép tìm diệt đồng thời 24 mục tiêu trên không. Thời gian phản ứng của hệ thống không quá 10 s, xác suất tiêu diệt máy bay (không thực hiện nhào lộn, thay đổi quỹ đạo liên tục) là 0,9 - 0,95. Bên cạnh đó, Buk-M2E có khả năng tiêu diệt hiệu quả các tên lửa đạn đạo bay với tốc độ tới 1100 m/s.
 
Xe radar trinh sát và chỉ thị mục tiêu 9S18M1E của hệ thống Buk-M2E.
Việc tiêu diệt các tên lửa hành trình và các UAV bay ở tầm thấp và cận thấp trong điều kiện địa hình phức tạp thực hiện được là nhờ xe radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa 9S36E với cần nâng ăng-ten cao tới 21 m được trang bị trong hệ thống.
 
Xe radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa 9S36E.
Vào các năm 2009 và 2010, Buk-M2E đã vượt qua các cuộc thử nghiệm gần với thực chiến nhất trước sự chứng kiến của đại diện Bộ Quốc phòng Nga cũng như đại diện của các nước đã đặt hàng hệ thống này. Buk-M2E trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mọi điều kiện khí hậu-thời tiết, thậm chí trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời lên tới +50°C, tốc độ gió 25-27 m/c, trong điều kiện khói bụi cao,…
Việc lắp đặt các thiết bị của Buk-M2E trên các xe tự hành bánh xích (cũng có thể sử dụng các xe bánh lốp) bảo đảm tính cơ động trên nhiều điều kiện địa hình và khả năng thu hồi cũng như triển khai các thành phần của hệ thống một cách nhanh chóng. Các xe tự hành của hệ thống có thể di chuyển với tốc độ 65 km/h trên đường nhựa và 45 km/h trên đường đất. Dự trữ hành trình của hệ thống là 500 km.
Buk-M2E có thể hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm nhờ sử dụng hệ thống quang điện tử trên nền tảng kênh truyền hình với công nghệ CCD-Matrix (Charge-Coupled Device) và kênh nhiệt. Việc ứng dụng các kênh này giúp tăng khả năng sống sót cũng như khả năng chống nhiễu của hệ thống.
Thông số kỹ, chiến thuật:
Vùng tiêu diệt mục tiêu trên không:
+ Tầm xa: 3 km - 45 km;
+ Tầm cao: 15 m - 25 km.
Số lượng mục tiêu có thể tiêu diệt đồng thời: 24.
Tốc độ tối đa của mục tiêu có thể tiêu diệt:
+ Bay vào: 1100 m/s;
+ Bay ra: 300-400 m/s.
Xác suất tiêu diệt mục tiêu bằng 1 tên lửa:
+ Đối với mục tiêu là máy bay các loại: 0,9 - 0,95;
+ Đối với mục tiêu là tên lửa đạn đạo chiến thuật: 0,6 - 0,7.
Cơ số tên lửa cho 1 lần phóng (trên 1 xe phóng): 4.
Thời gian phản ứng (phóng tên lửa sau khi phát hiện mục tiêu): 10 s.
Giãn cách phóng đạn: 4 s.
Thời gian triển khai hệ thống: 5 phút.
Tất Châu (theo topwar.ru)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét