"Bóc mẽ" lý do tàu ngầm TQ 42 năm không gặp sự cố hạt nhân
Nhật Huy - theo Trí Thức Trẻ | 27/07/2014 08:07
(Soha.vn) - TQ chỉ chính thức giới thiệu đội tàu ngầm hạt nhân năm 2013, thông điệp mà nước này muốn truyền tải là họ không gặp sự cố hạt nhân nào trong suốt 42 năm vận hành.
- Chính Mỹ đã dâng "cơ hội lớn" cho TQ phát triển tiêm kích hạm
- Biển Đông: Chạm trán Type 054A TQ, tàu Đài Loan báo động khẩn cấp
- Dân mạng TQ "lồng lộn" vì báo Mỹ khen vũ khí Việt Nam
Trang mạng Strategy Page (Mỹ) cho hay, Trung Quốc đã lần đầu tiên tháo dỡ thành công một tàu ngầm hạt nhân. Cho đến nay mới chỉ có rất ít nước làm được điều này. Trước đó là những nước: Mỹ, Nga, và Pháp. Anh cũng có kế hoạch thực hiện việc đó, nhưng gặp vấn đề tìm địa điểm thích hợp để cất trữ lò phản ứng và vật liệu phóng xạ sau khi tháo dỡ. Nhiên liệu hạt nhân có thể cần hàng triệu năm để phân rã hoàn toàn.
Các tàu ngầm hạt nhân cần được tháo dỡ để lấy lò phản ứng và các thanh nhiên liệu hạt nhân ra ngoài. Sau đó, chúng được đặt trong những thùng chứa đặc biệt siêu bền và kín. Các thùng chứa này được cất trữ tại những khu vực hẻo lánh, có địa chất ổn định và dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt.
Chiếc tàu ngầm mà Trung Quốc vừa tháo dỡ được đưa vào sử dụng từ những năm 1970 và ngừng hoạt động vào những năm 90. Từ đó cho đến nay, nó chỉ neo đậu tại cảng.
Trung Quốc chỉ chính thức giới thiệu đội tàu ngầm hạt nhân của mình trên các phương tiện truyền thông vào năm 2013. Thông điệp chính mà nước này muốn truyền tải là họ không gặp sự cố hạt nhân nào trong suốt 42 năm vận hành tàu ngầm hạt nhân. Sự so sánh ngầm này rõ ràng là nhắm đến Nga, quốc gia duy nhất cho tới nay gặp những tai nạn liên quan đến lò phản ứng trên tàu ngầm.
Từ khi ra đời trong những năm 1950 cho đến nay, đã có hơn 300 tàu ngầm hạt nhân được đóng, với chi phí hàng trăm tỷ USD. Chiếm phần lớn trong số này là những tàu ngầm Liên Xô. Tàu ngầm hạt nhân chỉ được sử dụng trong thực tế tác chiến một lần duy nhất vào năm 1982, khi một tàu ngầm hạt nhân tấn công của Anh bắn chìm một tuần dương hạm Argentina.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nga buộc phải tháo dỡ hàng loạt tàu ngầm hạt nhân do thiếu kinh phí, đặc biệt là những chiếc thế hệ cũ vốn đã có nhiều vấn đề. Không còn đối thủ chính, đội tàu ngầm hạt nhân của Mỹ cũng giảm từ 100 chiếc lúc đỉnh cao còn 50 chiếc hiện nay.
Trung Quốc có khoảng 12 tàu ngầm hạt nhân, gồm 8 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên hiệu quả thực tế của chúng trong 42 năm qua là rất mờ nhạt. Các tàu ngầm tấn công hạt nhân thì quá ồn theo tiêu chuẩn hiện nay và dễ bị phát hiện. Còn các tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo lại rất hiếm khi rời cảng. Đó là lý do nước này chưa gặp sự cố nào với lò phản ứng. Trung Quốc chưa thiết kế một mẫu tàu ngầm chiến lược thực sự mà chỉ mở rộng các mẫu tàu ngầm tấn công hiện có để chứa tên lửa đạn đạo. Chúng cũng chỉ được triển khai vài lần cho các nhiệm vụ huấn luyện, chứ chưa từng thực hiện một chuyến tuần tra chính thức cho vai trò răn đe hạt nhân lần nào.
Tàu ngầm Type 091
Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc, thuộc Type 091, được đưa vào biên chế năm 1974 sau hơn một thập niên phát triển và chế tạo. Nó chủ yếu nhằm giúp Trung Quốc rút tỉa kinh nghiệm đóng tàu ngầm hạt nhân. Type 091 có kích thước nhỏ so với các loại tàu ngầm hạt nhân tấn công khác, lượng giãn nước chỉ 4.100 tấn và thủy thủ đoàn 75 người. Rất nhiều thiết bị điện tử trên tàu là từ nước ngoài, như sonar của Pháp.
Đã có 5 tàu Type 091 được đóng, và chúng ít khi ra biển. Độ tin cậy kém và rò rỉ phóng xạ thường xuyên khiến Type 091 trở thành nỗi ám ảnh cho chính thủy thủ đoàn của mình. 3 trong số đó đã ngưng hoạt động, 2 chiếc còn lại được chuyển sang vai trò huấn luyện cho tân binh.
Lính hải quân đứng dọc boong một tàu ngầm hạt nhân Type 092 (lớp Xia) của Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên của Trung Quốc, Type 092, ra đời đầu những năm 1980. Là Type 091 được kéo dài, 092 có lượng giãn nước 6.500 tấn. Tàu chỉ có 4 ống phóng tên lửa, và cũng ít khi rời cảng nhà. Trung Quốc tiêu tốn nhiều thời gian để khắc phục những vấn đề của thế hệ tàu đầu tiên trước khi thiết kế thế hệ tiếp theo, lớp 093 và 094.
093 là thế hệ tiếp theo của 091 và xuất hiện từ 2002. Tuy nhiên ngay từ khi ra đời, công nghệ của nó đã trở nên lạc hậu. 093 rất giống lớp Victor 3 của Liên Xô, một thiết kế đã rất cũ, từ đầu những năm 1970. Trung Quốc do đó đặt hy vọng vào thế hệ thứ 3, lớp 095, được hạ thủy năm 2010 và dự kiến tham gia biên chế vào 2015. Chiếc đầu tiên và duy nhất của lớp 095 hiện đang trong quá trình chạy thử và chưa rõ hiệu quả của nó như thế nào.
Tàu ngầm Type 094
Nếu như 092 chính là 091 được mở rộng thì 094 cũng giống như một chiếc 093 được bổ sung khoang chứa tên lửa, với lượng giãn nước 9.000 tấn so với 7.000 tấn của 093. Người Mỹ đóng chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới vào năm 1959 cũng bằng cách kéo dài một tàu ngầm tấn công để gắn khoang chứa tên lửa. Tuy nhiên sau này các nước đều thiết kế tàu ngầm mang tên lửa riêng.
Do bản thân 093 có quá nhiều vấn đề nên cũng dễ hiểu vì sao 094 không phải là một mẫu tàu ngầm đáng tin cậy. Mặc dù Trung Quốc đã đóng 3 chiếc 094 và dự kiến đóng thêm 3 chiếc khác nhưng chúng vẫn chưa thể thực hiện những chuyến tuần tra dài ngày với tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm xa. Một phần vấn đề còn nằm ở tên lửa JL-2 trang bị trên tàu. Mỗi chiếc 094 có 12 quả JL-2. Trung Quốc đặt mục tiêu thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên trong năm nay, nếu họ kịp khắc phục mọi vấn đề của 094 và JL-2.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét