Một khuôn mặt đáng chú ý trong cộng đồng người Việt tại Mỹ : đó là ông Tạ Đức Trí, thường được gọi là Tri Ta, thị trưởng thành phố Westminster có 92 ngàn dân ở tiểu bang California. Điều bất ngờ là người thị trưởng gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ sử dụng tiếng Việt hết sức thành thạo, tuy đã sống lâu năm trên đất Mỹ.
Người thị trưởng trẻ tuổi đầy hoài bão đã thổ lộ tâm tư của một người dấn thân phục vụ cư dân, và những thử thách đối với một lãnh đạo địa phương gốc Việt trong một cộng đồng đa chủng tộc ở Hoa Kỳ. Theo ông, triết học Đông -Tây giúp người lãnh đạo hiểu được giá trị của con người và cuộc đời.
Trước hết trả lời câu hỏi có bao giờ nghĩ là có một ngày mình sẽ trở thành thị trưởng một thành phố ở Mỹ hay không, ông Tạ Đức Trí cho biết :
Thị trưởng Tạ Đức Trí: Lúc tôi đến Mỹ năm 1992 cũng 19 tuổi rồi. Với tuổi đó đến Mỹ vào thời điểm ấy thì việc đầu tiên, cũng như bao thanh niên khác, tôi chỉ nghĩ làm sao mình có thể đi học và tốt nghiệp đại học, sau đó ra đi làm, và nếu có cơ hội thì có thể tham gia sinh hoạt trong cộng đồng giúp đỡ xã hội. Chứ thật ra tôi không bao giờ nghĩ rằng có một ngày nào đó mình có cơ hội trở thành một thị trưởng.
Có nhiều cơ hội đã đến với tôi sau khi đến Mỹ và sau đó vào trường đại học. Năm 1997 tôi tốt nghiệp cử nhân chính trị học, rồi đi làm và có tham gia sinh hoạt trong Tổng hội Sinh viên Miền Nam California. Từ những sinh hoạt trong Hội Sinh viên, được sự khuyến khích của một số tổ chức hội đoàn cũng như các nhân sĩ trong cộng đồng, tôi tranh cử vào Ban đại diện cộng đồng vào năm 2002.
Rất may mắn, sau khi đắc cử với số phiếu cao nhất, tôi lại được các thành viên trong Ban đại diện cộng đồng bầu chọn làm Chủ tịch chấp hành tại miền Nam California, thường được gọi là Chủ tịch cộng đồng, phục vụ từ năm 2002 đến 2005. Trong ba năm phục vụ đồng hương tại miền nam California, tôi đã tạo ra nhiều điểm sinh hoạt về xã hội, chính trị, văn hóa
Năm 2006 lại có rất nhiều tổ chức hội đoàn cũng như các nhân sĩ trong cộng đồng đến khuyến khích ra tranh cử chức vụ nghị viên thành phố Westminster. Với sự khuyến khích và thương yêu của các nhân sĩ trong cộng đồng, một lần nữa tôi lại dấn thân để tranh cử vào Hội đồng thành phố Westminster. Và cũng rất may mắn, tôi đã đắc cử khi lần đầu tranh cử vào tháng 11/2006.
Thành phố Westminster thì cử tri gốc Việt chiếm khoảng 40% cư dân, 40% khác là cư dân bản xứ, khoảng 20% còn lại là những sắc dân thiểu số khác. Thành ra năm 2006 khi vận động vào chức vụ nghị viên, chúng tôi cũng phải vận động người bản xứ và người Mễ Tây Cơ – đã làm việc với một số đại biểu dân cử gốc Mễ Tây Cơ, đi bộ tới nhà các cử tri người bản xứ. Vận động tất cả cử tri chứ không riêng gì cộng đồng người Việt.
Từ hoạt động cộng đồng đến Tòa thị chính
Ông Tạ Đức Trí kể lại lý do khiến ông mạnh dạn ra tranh cử. Theo ông, những công việc hàng ngày của một thị trưởng ởTòa Thị chính Westminster nặng nề gấp năm lần công việc của một ủy viên Hội đồng thành phố.
Sau sáu năm, bà thị trưởng tiền nhiệm thấy khả năng làm việc của chúng tôi phục vụ cộng đồng, cư dân của toàn thành phố một cách rất có hiệu quả, nên bà ngỏ ý muốn ủng hộ chúng tôi ra tranh cử thị trưởng Westminster. Vào năm đó, bà cựu thị trưởng đã quyết định về hưu không tái tranh cử. Chúng tôi hân hạnh có được sự ủng hộ của bà, cũng như các đồng viện, các đại biểu dân cử địa phương từ cấp thành phố đến quận cho tới tiểu bang, nên đã may mắn đắc cử vào tháng 11/2012.
Sau khi đắc cử thị trưởng, chúng tôi bận rộn rất nhiều. Bởi vì công việc của một thị trưởng gấp năm lần công việc của một người ủy viên. Hội đồng thành phố Westminster gồm một thị trưởng và bốn nghị viên. Tuy bổn phận, trách nhiệm của các thành viên trên danh nghĩa chỉ là bán thời gian, nhưng công việc hầu như là toàn thời gian.
Ngày nào cá nhân tôi cũng vào văn phòng để đọc email, trả lời điện thoại, cũng như tiếp xúc dân chúng rất nhiều : các hội đoàn, tổ chức thiện nguyện, cư dân trong cộng đồng Việt, cộng đồng người Mỹ trắng, cộng đồng người Mễ Tây Cơ. Khi các cư dân của thành phố có những vấn đề liên quan đến thành phố hay gặp khó khăn về nhà cửa, việc làm… thường gọi điện thoại hay gởi email nhờ giúp đỡ, thì chúng tôi luôn tạo thuận lợi cho họ.
Thị trưởng gốc Việt đầu tiên : Phải công bằng với mọi cư dân
Thật ra trước đó cũng đã có một thị trưởng gốc Việt ở Mỹ, nhưng không qua tranh cử nên ông Tạ Đức Trí mới chính thức là người Việt đầu tiên được bầu vào chức thị trưởng một thành phố Mỹ. Ông cho rằng đây là một sự khuyến khích cho các thế hệ người gốc Việt tương lai. Bên cạnh đó là những thử thách như mong đợi rẩt lớn từ cộng đồng, và phải đối xử công bằng, không thiên vị một sắc dân nào cả.
Sau chiến thắng vào chức vụ thị trưởng Westminster tháng 11/2012, chúng tôi đã trở thành người thị trưởng gốc Việt đầu tiên tại nước Mỹ. Trước đó đã có một thị trưởng gốc Việt khác ở thành phố Rosemead, tuy nhiên không phải là được người dân bầu chọn ra, mà do Hội đồng thành phố tuyển chọn. Riêng thành phố Westminster, chức vụ thị trưởng do cư dân bỏ phiếu bầu chọn.
Thị trưởng người Mỹ gốc Việt đầu tiên có thuận lợi ở chỗ, sẽ là sự khuyến khích cho các thế hệ về sau trong cộng đồng Việt của chúng ta. Những thế hệ con em của chúng ta muốn tranh cử chức thị trưởng hay những chức vụ cao hơn, thì các em sẽ cảm thấy rất được khuyến khích khi cá nhân tôi hay các vị dân cử khác đã dấn thân phục vụ dân chúng. Chúng tôi tin tưởng rằng thế hệ tương lai sẽ có những động lực để dấn thân vào con đường phục vụ cộng đồng, qua guồng máy chính quyền tại Mỹ.
Tuy nhiên bên cạnh đó, là thị trưởng gốc Việt đầu tiên, chúng tôi cũng gặp một số thử thách. Có nghĩa là công việc mình bận rộn nhiều hơn, bởi vì sự mong đợi của cộng đồng người Việt sẽ nhiều hơn, cũng như cư dân bản xứ cũng mong muốn một người thị trưởng gốc Việt phải đối xử công bằng, không thiên vị bất cứ cộng đồng nào cả. Bởi vì thị trưởng Westminster phải phục vụ cho cư dân toàn thành phố.
Gần hai năm qua, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc rất nhiều cư dân, những tổ chức bất vụ lợi trong cộng đồng và các thành phần khác. Chúng tôi cũng đã gặp phải những thử thách, nhưng cuối cùng có lẽ do may mắn nên đã vượt qua.
Chính trị học, Triết Đông và Triết Tây
Ông Tạ Đức Trí kế lại quá trình phấn đấu của một thanh niên qua Mỹ khi đã 19 tuổi. Chuyển từ ngành điện toán sang ngành chính trị học, ông say mê triết học Tây phương và Đông phương. Vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ, ông phát hiện năng khiếu về chính trị, bên cạnh đó là hoài bão đóng góp cho cộng đồng, như từ ông hay dùng là « dấn thân ».
Như đã trình bày, khi qua Mỹ năm 1992 thì tôi đã 19 tuổi. Quý vị cũng hiểu rằng ở tuổi đó mà sang bên Mỹ cũng không còn nhỏ lắm, thành ra trước hết tôi ghi danh học thêm Anh văn ở những trường huấn nghệ. Sau vài tháng, tôi vào trường đại học.
Trong sáu tháng đầu học đại học, chúng tôi cũng gặp những trở ngại về ngôn ngữ. Đặc biệt lúc đầu tôi ghi danh học ngành computer science, tức ngành điện toán. Nhưng quý vị nào có học ngành này thì hiểu, ngành điện toán đòi hỏi phải học thật giỏi các môn toán và lý.Nhận thấy không còn khả năng học giỏi hai môn này nữa, nên tôi sang lớp học khác. Đó là lớp chính trị học căn bản cho sinh viên tất cả các ngành.
Sau khi học lớp căn bản xong, vị giáo sư dạy môn này cho tôi biết là tôi có khả năng, và khuyên nên đổi qua học ngành chính trị. Ông tin rằng có thể tôi sẽ thành công hơn. Và tôi cũng nhận thấy khi học lớp chính trị căn bảnthì cảm thấy rất dễ dàng, mặc dù tiếng Anh mình cũng chưa khá gì mấy nhưng tự nhiên học rất là thuận lợi. Rồi khi làm những bài kiểm tra trong lớp, cũng được điểm rất khá. Thành ra từ đó tôi quyết định đổi từ ngành điện toán sang ngành chính trị học.
Sau khi chuyển qua ngành chính trị, hầu như những lớp về văn chương, về xã hội, nhân văn tôi học rất dễ dàng. Khi chuyển lên chương trình cao học, những ngành học của chúng tôi một lớp như vậy chỉ còn có bảy, tám sinh viên mà thôi – ngồi xung quanh một cái bàn tròn và giáo sư ngồi đầu bàn giảng bài. Thông thường khi lên cao học, hầu như không có làm bài trong lớp, mà những vị giáo sư đều bắt chúng tôi về làm những bài nghiên cứu. Thành ra khi về nhà tôi phải đọc sách rất nhiều, đặc biệt là sách triết học, vì ngành chính trị bên Mỹ đòi hỏi phải học về triết học Tây phương rất nhiều.
Cùng thời điểm đó tôi đã có sự đam mê về triết học Đông phương rồi. Lúc mới qua Mỹ tôi đã bắt đầu mê, tự tìm hiểu nghiên cứu về triết học Đông phương, rồi vài năm sau khi lên đại học lại học về triết học Tây phương. Cho nên triết học Đông-Tây đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều. Tôi nhập học vào tháng Tám năm 1992, tốt nghiệp vào tháng Sáu năm 1997, như vậy trong thời gian bốn năm rưỡi tôi đã hoàn thành chương trình cử nhân môn chính trị học.
Triết học giúp người lãnh đạo hiểu được giá trị của cống hiến và phục vụ
Cha là kịch tác gia, mẹ là giáo sư Anh văn ở Hội Việt Mỹ trước năm 1975, ông Tạ Đức Trí vốn say mê đọc sách. Theo ông, triết học giúp hiểu được giá trị con người, cuộc đời, khiến người lãnh đạo hiểu được giá trị của sự cống hiến.
Có lẽ do có sự đam mê về văn chương, về triết học từ hồi bé, khi lớn lên, trưởng thành mình lại tự tìm hiểu, triết học đã giúp tôi rất nhiều trong vai trò một người lãnh đạo. Khi học triết, phải học đạo đức học. Một khi đào sâu triết lý từ Tây phương đến Đông phương, mình hiểu được giá trị của con người, hiểu được ý nghĩa của cuộc đời, hiểu được việc mình làm.
Tôi tin tưởng rằng bất cứ việc gì mình làm – nếu mình để tâm vào đó, mình nghĩ về người khác, mình nghĩ rằng sẽ cống hiến cho cộng đồng, cống hiến cho xã hội chứ không phải vì lợi ích riêng tư – thì sẽ gặp nhiều may mắn trong việc phục vụ. Sẽ được sự ủng hộ của cộng đồng, của xã hội. Đó là niềm tin của chúng tôi.
Thành ra khi đắc cử thị trưởng, những tờ báo bên Mỹ có viết về chúng tôi, và cũng có đề cập đến việc tôi đam mê triết học. Họ khá ngạc nhiên, vì rất ít khi một đại biểu dân cử đề cập đến khía cạnh này. Tuy nhiên tôi tin rằng hiểu biết về triết học vô cùng quan trọng, để giúp người lãnh đạo hiểu được giá trị của sự cống hiến, hiểu được giá trị của phục vụ.
Sau khi hiểu được giá trị của cống hiến và phục vụ, chắc chắn người lãnh đạo sẽ phải biết ơn cơ hội, biết ơn những cư dân đã bỏ phiếu cho mình !
Thụy My
Theo rfi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét