Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Con người luôn tò mò, tìm hiểu về những thứ thuộc về lịch sử, tuy nhiên, còn rất nhiều điều bí ẩn chưa có lời giải, đang chờ các nhà khoa học khám phá.
10 bí ẩn khảo cổ học chưa có lời giải
Ngọn đèn nến Paracas. Geoglyph là một hình vẽ khổng lồ trên mặt đất. Nổi tiếng nhất trong số chúng phải kể đến các đường kẻ Nazca nằm trên sa mạc ở Peru. Tuy nhiên, cách đó không xa, khoảng 200km, tính từ đồng bằng Nazca, còn có một Geoglyph thậm chí còn bí ẩn hơn.
Biểu tượng ngọn đèn nến Paracas được phát hiện trên sườn đồi tại vịnh Pisco, phía đông Peru. Đây là một geoglyph với chiều ngang lên tới 180m. Mặc dù có vị trí rất gần với đường kẻ Nazca, tuy nhiên chúng không phải do người Nazca tạo ra.
Các đồ gốm cổ phát hiện ở đây có niên đại từ năm 200 trước Công nguyên, nhiều khả năng hình vẽ này xuất phát từ nền văn hóa Paracas. Người dân địa phương xem ngọn đèn nến Paracas như cây gậy quyền trượng của vị thần sáng tạo thời cổ đại Viracocha. Nhưng nhiều người khác lại đề xuất một ý tưởng có vẻ thực tế hơn. Hình vẽ này nằm ở trên đồi, có góc cạnh và kích thước đủ lớn để có thể quan sát từ khoảng cách 20km tính từ bờ biển, vì vậy đây là cột mốc chỉ đường cho các thủy thủ. (nh: Ibtimes).
10 bí ẩn khảo cổ học chưa có lời giải
Biểu tượng ngựa trắng Uffington. Biểu tượng ngựa trắng Uffington có chiều dài 114m nằm trên ngọn đồi gần Uffington, một ngôi làng nhỏ ở Oxfordshire, Anh. Nó được tạo ra bằng cách đào những rãnh sâu và lấp đầy bằng đá phấn vụn.
Hình ảnh này trông giống như các hình vẽ trên đồng tiền cổ thời kỳ đồ đồng. Gần đó là các gò chôn cất thời kỳ đồ đá mới, chúng được tái sử dụng cho đến thời kỳ Saxon, khiến một số người cho rằng hình ảnh con ngựa trắng không lâu đời như suy nghĩ trước đây.
Trên tạp chí Travel Journal, năm 1677, Thomas Baskerville là người đầu tiên ghi lại con ngựa được người dân địa phương lưu giữ trong tình trạng tốt. Theo truyền thuyết, đây là nơi thánh George đã giúp họ trừ diệt một con rồng hung ác, máu chảy ra thành hình con rồng, khiến cỏ không thể nào mọc lên được. Cho đến nay, nguồn gốc thực sự của biểu tượng ngựa trắng Uffington vẫn là một bí ẩn, đang chờ các nhà khoa học khám phá. (Ảnh: hows.org.uk).
10 bí ẩn khảo cổ học chưa có lời giải
Cuốn sách cổ Liber linteus Zagrabiensis. Tiếng Latin còn gọi là “Linen Book of Zagreb”. Đây là đoạn văn bản dài nhất viết bằng tiếng Etrusca, một loại ngôn ngữ có tầm ảnh hưởng rất lớn trên thế giới, nhưng đã bị thất truyền khi tiếng Latin xuất hiện. Hiện nay, chỉ còn một số tài liệu cổ đề cập đến nó và phần lớn nội dung cuốn sách vẫn chưa được dịch.
Từ những gì có thể thu thập từ cuốn sách, người ta cho rằng đây là một cuốn lịch về lễ nghi, ban đầu được cho là cuốn sách viết về lễ nghi an táng. Điều đáng ngạc nhiên là tài liệu cổ này vẫn còn tồn tại tới ngày nay mặc dù nó có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Chất liệu của cuốn sách làm từ vải lanh, loại vải sử dụng để bọc xác ướp thời Ai Cập cổ đại. (Ảnh: SpeedyGonsales/Wikimedia).
10 bí ẩn khảo cổ học chưa có lời giải
Tranh vẽ trên đá. Nhiều nền văn hóa cổ xưa ở Mỹ vẫn còn chứa đựng vô số điều bí mật, và một cách để giải mã chúng là nghiên cứu những bức tranh vẽ trên đá.
Khu vực gần dòng sông Tecos thuộc bang Texas (Mỹ) có nhiều bức tranh cổ, trong đó bức “White Shaman”được xem là lâu đời nhất và có liên quan đến một tôn giáo thời cổ đại đã biến mất. Bức tranh dài khoảng 7m, có niên đại cách đây 4.000 năm. Có nhiều tranh cãi về ý nghĩa xung quanh bức tranh vẽ trên đá này. Hầu hết các nhà khảo cổ học cho rằng tác phẩm nghệ thuật miêu tả năm nhân vật trong trận chiến hoặc một nghi lễ trong trận chiến nào đó, tuy nhiên số khác lại tin họ đang giao tiếp với thế giới tâm linh. (Ảnh: National Parks Service).
10 bí ẩn khảo cổ học chưa có lời giải
Các đường kẻ Sajama. Bất cứ ai có ấn tượng với những đường kẻ Nazca và ngọn đèn nến Paracas ở Peru nên tìm hiểu thêm về các đường kẻ Sajama ở Bolivia. Sajama bao gồm hàng ngàn đến hàng chục ngàn đường kẻ khác nhau rộng từ một đến ba mét và chiều dài có thể lên tới 18km, diện tích chúng bao phủ gần 7,5km vuông, lớn hơn đường kẻ Nazca nổi tiếng 15 lần.
Hiện có rất ít nghiên cứu về các đường kẻ Sajama, quá trình đánh giá quy mô thực sự của chúng gặp nhiều khó khăn.
Gần đây, với sự giúp đỡ của ảnh vệ tinh, con người bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về chúng. Mặc dù chạy qua khá nhiều địa hình gồ ghề và vật cản tự nhiên, nhưng những đường kẻ này vẫn thẳng một cách đáng kinh ngạc. Không có tư liệu ghi chép gì liên quan đến Sajama, nhiều khả năng chúng thuộc về thời tiền sử, được xây dựng bởi vô số các thế hệ.
Mục đích tạo ra các đường kẻ đến trên vẫn còn là điều bí ẩn. Chúng có thể là các đường chỉ dẫn, đánh dấu địa điểm chôn cất hoặc mang ý nghĩa nào đó về thiên văn học. (Ảnh: University of Pennsylvania).
10 bí ẩn khảo cổ học chưa có lời giải
Chữ ghi trên tấm đất sét Tartaria. Ba viên đất sét nhỏ được tìm thấy trong một ngôi làng ở Rumani có thể là hình thức sớm nhất của chữ viết từng được phát hiện. Hầu hết các nhà khảo cổ học cho rằng sự phát triển của chữ viết diễn ra độc lập ở nhiều khu vực trên thế giới trong khoảng thời gian từ năm 3.500 đến 3.100 trước Công nguyên.
Ví dụ sớm nhất là hình ảnh chữ viết xuất hiện trong nền văn hóa Sumerian ở khu vực Lưỡng Hà. Những chữ ghi trên tấm đất sét Tartaria có niên đại lâu đời hơn những khám phá về chữ viết trước đó khoảng 2.000 năm. Trong trường hợp này, chữ viết sớm nhất thuộc về nền văn minh của người Vinca, sống trên khắp phía Đông Nam châu Âu giữa những năm 5.500 và 4.500 trước Công nguyên. (Ảnh: rovasirasforrai.hu).
10 bí ẩn khảo cổ học chưa có lời giải
Hình khắc Blythe. Những hình khắc khổng lồ Blythe là tập hợp của rất nhiều geolyph (hình vẽ khổng lồ) được tìm thấy ở sa mạc Colorado gần Blythe, California, Mỹ. Chúng mô tả hình ảnh về động vật, các dạng hình học và hình người khổng lồ (lớn nhất khoảng 50m). Quy mô thực sự của những hình khắc này được phát hiện lần đầu năm 1932 từ không trung.
Những hình vẽ trên có thể do người Quechan hoặc Mojave sống trong khu vực này trước đây tạo ra. Một vài hình vẽ trong số chúng nhiều khả năng đại diện cho những nhân vật quan trọng trong nền văn hóa tương ứng, ví dụ như đại diện cho Mastamho và Kataar, hai vị thần sáng tạo trong văn hóa của người Mojave. Hiện có rất ít thông tin để khẳng định chắc chắn về chúng. Những bí ẩn về các hình khắc khổng lồ này đến nay vẫn còn là câu hỏi lớn. (Ảnh: Ron Gilbert).
10 bí ẩn khảo cổ học chưa có lời giải
Cái chết của Alexander Đại Đế. Mặc dù Alexander Đại đế là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử, tuy nhiên có rất nhiều bí ẩn xung quanh cái chết của ông. Hầu hết giới chuyên gia đều đồng ý về thời gian và địa điểm khi ông qua đời, đó là vào ngày 10 tháng 6 năm 323 trước Công nguyên tại Babylon, nhưng nguyên nhân gây ra cái chết của ông thì chưa rõ ràng.
Trong thời gian dài trước đây, Alexander được cho là bị đầu độc bởi các vị tướng, người vợ hoặc em trai của ông. Điều chắc chắn là Alexander ngã bệnh đột ngột, trải qua hai tuần trên giường với một cơn sốt cao và đau bụng trước khi chết.
Cũng có giả thuyết khác cho rằng ông bị bệnh truyền nhiễm thương hàn hoặc sốt rét. Bí ẩn hơn, cái chết của ông đã được báo trước bởi những người Chaldean. Họ cảnh báo nếu tiến vào Babylon ông sẽ mất mạng.
Không chỉ có vậy, một triết gia người Ấn Độ tên là Calanus đi cùng với quân đội của Alexander, trước lúc lâm chung trên giường bệnh nói với Alexander rằng hai người sẽ gặp lại nhau ở Babylon. (Ảnh: listverse).
10 bí ẩn khảo cổ học chưa có lời giải
Tháp Minaret. Tháp Minaret ở Jam thuộc Afghanistan là một công trình kiến trúc cổ kính và bí ẩn. Ngọn tháp cao 64m và được xây dựng bằng gạch nung vào thế kỷ 12 hoặc 13. Tháp Minaret như cột mốc đánh dấu vùng đất cổ xưa của thành phố Firukuh, thủ đô triều đại Ghurid. Lãnh thổ của vương triều này bây giờ là Afghanistan, phía đông Iran, phía bắc Ấn Độ và một phần của Pakistan. Cho đến nay, thời gian xây dựng chính xác và mục đích xây dựng của tháp Minaret vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn, cần được khám phá thêm. (Ảnh: Wikipedia).
10 bí ẩn khảo cổ học chưa có lời giải
Phiến đá Emerald. Phiến đá Emerald có lẽ là vật bí ẩn nhất trong danh sách, vì nó không còn tồn tại như những hiện vật khác. Tài liệu đầu tiên đề cập đến Emerald nằm trong một quyển sách Ả rập vào thế kỷ thứ 6 đến thứ 8. Các bản dịch tiếng Ả Rập đầu tiên cho rằng văn bản có nguồn gốc từ Syria thời cổ đại. Bản dịch thành tiếng Latin xuất hiện đầu tiên trong thế kỷ 12. Văn bản trên phiến đá được xem là tài liệu quan trọng trong lĩnh vực thuật giả kim, viết các phương pháp biến kim loại thành vàng. Tuy nhiên, cho đến nay nó mang ý nghĩa triết học nhiều hơn, do chưa từng có ai luyện kim loại thành vàng thành công sau khi đọc chúng. (Ảnh: Listverse).
(Theo khoahoc.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét