Cây bạch quả – loài cây trường thọ có từ thời cổ đại
Danh tiếng ‘thảo dược bảo vệ trí nhớ’ của cây bạch quả đang bị lu mờ, tuy nhiên loài cây này vẫn còn có nhiều lợi ích khác nữa
Rất ít loài cây nào có được một lịch sử lâu đời và thú vị như loài cây bạch quả.
Cây bạch quả già, rất là già. Loài cây này có từ thời khủng long và mang những đặc tính đặc trưng không giống với bất kỳ loài cây nào khác còn sống đến ngày nay. Các nhà thực vật học xem loài cây này như một “hóa thạch sống”.
Cách đây ít nhất là 150 triệu năm, cây bạch quả phát triển ở khắp bán cầu Bắc, tuy nhiên nó đã gần như tuyệt tích trong một sự kiện tuyệt chủng lớn sau kỷ băng hà. May mắn thay, một ít mẫu cây còn sót lại đã sống sót ở Trung Quốc. Theo truyền thuyết, các nhà sư Trung Quốc và Tây Tạng đã nhận thấy giá trị của loài cây quý hiếm này và bắt đầu nhân giống nó. Nhờ vào những nỗ lực của các nhà sư mà ngày nay chúng ta mới có được cây bạch quả.
Quảng cáo
Cây bạch quả được tôn quý ở khắp Châu Á, tại nơi đây loài cây này đã trở thành biểu tượng của trường thọ và giác ngộ. Những mẫu cây còn sót lại già nhất trên thế giới được trồng bên ngoài những ngôi đền và tu viện ở Trung Quốc. Người ta tin rằng một cây bạch quả to ở tỉnh Thiểm Tây đã được trồng bởi vị sáng lập nên Đạo giáo, ngài Lão Tử. Một cây khác được tìm thấy ở bên ngoài đền Địa Lâm ở tỉnh Sơn Đông, ước tính đã hơn 3000 tuổi.
Y học hiện đại
Cây bạch quả từ hàng ngàn năm qua đã là một nguồn thực phẩm và y học dân gian của người Trung Quốc. Ngày nay, cây bạch quả là một trong những loại thảo mộc được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.
Chiết xuất lá bạch quả là chủ đề của hơn 400 nghiên cứu đã được công bố. Loại lá này cho thấy cải thiện lưu thông tuần hoàn trong khắp cơ thể, chủ yếu là vùng đầu. Vì lý do này, cây bạch quả đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ nhằm cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa rối loạn tâm thần.
Tuy nhiên, cây bạch quả có thể không hiệu quả bằng thuốc chữa bệnh mất trí nhớ hay thuốc ngăn ngừa rối loạn tâm thần như người ta từng nghĩ. Trong khi một số nghiên cứu từ thập niên 1980 cho thấy hứa hẹn về khả năng cải thiện trí nhớ thì trong những thử nhiệm tốt hơn gần đây, danh tiếng cải thiện trí nhớ của cây bạch quả đã không thể được chứng minh. Một nghiên cứu quan trọng năm 2009 công bố trên tạp chí American Medical Association, tạm dịch Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ, kiểm tra hơn 3000 người lớn tuổi trong 8 năm. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng cây bạch quả không hề có hiệu quả đối với chứng suy giảm khả năng tư duy.
Cây bạch quả có thể không ngăn ngừa chứng rối loạn tâm thần, nhưng một vài nghiên cứu cho thấy cây này có thể có lợi cho những người đã bị mắc chứng Alzheimer. Những nghiên cứu này phát hiện rằng chiết xuất cây bạch quả cũng hiệu quả như thuốc trị Alzheimer đã được chấp nhận – Aricept, tuy nhiên không có tác dụng phụ. Trong những thử nghiệm khác, cây bạch quả đã cho thấy khả năng chữa trị được hội chứng tiền kinh nguyệt, lo lắng, trầm cảm, và thoái hóa điểm vàng.
Nhiều người xem lá bạch quả là thuốc bổ cho tim mạch, và sử dụng để chữa chứng cao cholesterol, cao huyết áp, bệnh tim mạch vành và chứng đau thắt ngực. Theo các nhà nghiên cứu, sức mạnh y khoa của cây bạch quả đến từ các chất chống oxi hóa và các hợp chất flavonoid.
Công dụng truyền thống
Cũng như các nhà nghiên cứu hiện đại đang tìm ra những công dụng của cây bạch quả mà người Trung Hoa cổ xưa không nhận ra, tổ tiên của chúng ta đã thấy những đặc tính của cây bạch quả mà chắc chắn là chúng ta cũng sẽ bỏ qua. Theo một học giả y học triều Minh, Lý Thời Trân, các đạo sĩ thường khắc những câu thần chú và làm dấu lên gỗ cây bạch quả già để đi vào thế giới tâm linh.
Những ứng dụng hiện đại nhất của cây bạch quả không được các nhà thảo dược xưa kia biết đến. Tương tự như vậy, sự tập trung của y học hiện đại đối với lá cây bạch quả là một phát triển khá gần đây. Những nhà thảo dược Trung Hoa cổ thích hạt bạch quả hơn, vốn theo truyền thống được sử dụng để chữa những vấn đề về phổi (viêm phế quản và hen phế quản) cũng như bí tiểu và huyết trắng. Trong thuật ngữ y học Trung Hoa, cây bạch quả có công dụng làm khô ráo. Cũng như những loại cây khác được dùng trong y khoa (như sồi trắng), cây bạch quả có công dụng cầm máu.
Cây bạch quả có nhiều tên gọi trong thời Trung Quốc cổ đại – cây móng tay Phật, cây Công Tôn (ý nói đến Hoàng Đế Công Tôn Hiên Viên) và cây chân vịt (y nói đến hình dáng lá đặc trưng của cây này).
Tuy nhiên, từ triều đại nhà Tống, tên tiếng Hoa chính của cây bạch quả là “yinxing” (ngân hạnh) nghĩa là “quả hạnh nhân bạc” mặc dù hạt cây bạch quả giống hạt hồ trăn hơn. Thậm chí tên gọi mà chúng ta quen thuộc “ginkgo” xuất phát từ phát âm sai một từ tiếng Nhật nghĩa là “quả đào bạc.”
Có hai nguyên nhân lớn giải thích tại sao người hiện đại thích lá cây bạch quả hơn hạt cây này: hạt cây bạch quả hơi độc và có mùi hôi. Các nhà thảo dược Trung Hoa cổ đại đôi khi sử dụng lá cây này để trị ho, ngạt thở và giảm đau, chứ không bao giờ dùng để chữa những vấn đề về trí nhớ. Một bài thuốc Trung Hoa cổ đại dùng bột lá nướng thành bánh mì hay làm bánh để chữa tiêu chảy.
Tác dụng phụ
Chất độc trong hạt bạch quả (gọi là ginkgotoxin) được giải bằng cách nấu chín, nhưng các nhà thảo dược Trung Hoa thường kê một lượng ít hạt bạch quả tươi để chữa chứng long đờm. Hạt bạch quả theo truyền thống được ăn vào những dịp đặc biệt ở khắp Châu Á.
Lá bạch quả cũng còn sót chất độc ginkgotoxin, nhưng ở lượng ít hơn. Dùng ở lượng vừa phải, hạt bạch quả có thể chấp nhận được, nhưng một số người có thể bị đau đầu, nôn, chóng mặt và tiêu chảy, đặc biệt nếu họ dùng quá nhiều.
Theo “Chinese Herbal Medicine Materia Medica”, tạm dịch “Khoa Học Y Dược Thảo Mộc Trung Hoa” của tác giả Dan Bensky và Andrew Gamble, thuốc giải độc ginkgo là một loại trà làm từ rễ cây cam thảo luộc chín, hay vỏ hạt bạch quả luộc chín.
Vì bạch quả cải thiện tuần hoàn trong cơ thể, nên nó được kê đặc biệt cho những người đang dùng những đơn thuốc chống đông máu như Coumadin. Những ai bị dị ứng với cây thường xuân độc hay sồi độc cũng được yêu cầu tránh bạch quả. Còn đối với bất kỳ loại thảo dược nào, hãy tham vấn một nhà thảo dược giỏi để có được những kết quả tốt nhất.
Một nghiên cứu năm 2012 cho biết ginkgo có thể gây ung thư, khiến Center for Science in the Public Interest, tạm dịch Trung tâm Khoa Học Nghiên Cứu Xu Hướng Cộng Đồng, kêu gọi người tiêu dùng tránh dùng các sản phẩm bạch quả. Tuy nhiên, rất khó chấp nhận được những lỗi quan trọng trong nghiên cứu khiến cây bạch quả phải mang tiếng xấu gây ra bệnh ung thư. Theo Hội Đồng Thực Vật Mỹ (ABC), nghiên cứu này đã sử dụng chiết xuất cây bạch quả Thượng Hải kém chất lượng chứ không phải chiết xuất cây bạch quả của Đức vốn được quốc tế chấp nhận.
Một điều thậm chí còn quan trọng hơn nữa là những liều lượng sử dụng cho chuột thí nghiệm trong nghiên cứu này cao hơn từ 55 đến 108 lần so với liều lượng thông thường mà con người sử dụng (120 – 240 mlg mỗi ngày).
Những thực tế về cây bạch quả
Cây bạch quả rất cứng cỏi. Loài cây này không những sống qua kỷ băng hà mà còn là loài cây làm đẹp phổ biến cho các vùng thành thị vì chúng kháng bệnh và chịu được ô nhiễm. Cây bạch quả là một trong những sinh vật ít ỏi có thể sống sót qua vụ đánh bom Hiroshima.
Cây bạch quả được tìm thấy trên khắp thế giới tuy nhiên các nhà bảo vệ môi trường lo ngại cho tương lai của loài cây này do thiếu đa dạng sinh học. Từ năm 1998, Liên đoàn quốc tế Bảo Tồn Thiên Nhiên và Các Nguồn Tài Nguyên Thiên Nhiên (IUCN) đã đưa cây bạch quả vào Danh Sách Đỏ Những Loài Bị Đe Dọa vì nơi duy nhất mà chúng sống trong thế giới hoang dã là Khu bảo tồn Thiên Mục Sơn ở miền đông Trung Quốc. Người ta trồng nhiều cây bạch quả đực hơn vì cây cái cho hạt có mùi hôi.
Đức, Pháp, và Trung Quốc là những nước sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng làm từ cây bạch quả nhiều nhất nhưng phần lớn nguyên liệu là đến từ Nam California, cũng là nơi có cánh đồng trồng cây bạch quả có diện tích 12.000 acre, tương đương 48.562.277 mét vuông.
Nếu bạn thấy bài viết hay, hãy chia sẻ nó với bạn bè
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét