Tản bộ trong rừng hạnh: Hoa Đà và cây Thược Dược
Tương truyền rằng danh y Hoa Đà vào thời Tam Quốc đã trồng các loại hoa và thảo dược ở sân trước và sân sau nhà ông. Mỗi một loại dược thảo, ông phải cẩn thận nếm thử một cách kỹ càng để tìm ra đặc tính về thuốc của nó trước khi kê toa cho bệnh nhân. Bởi vậy Hoa Đà chưa bao giờ sử dụng thuốc sai lầm.
Một hôm có người đem tặng Hoa Đà một cây thược dược, ông đem trồng nó ở đằng trước nhà. Sau khi nếm thử lá, thân, và hoa của thược dược, Hoa Đà cảm thấy nó cũng bình thường, nên cho rằng cây này không có một chút đặc tính nào của dược thảo. Vì vậy ông không dùng thược dược để chữa bệnh.
Một đêm khuya, Hoa Đà đang chong đèn đọc sách, đột nhiên ông nghe tiếng đàn bà đang khóc. Ông ngẩng đầu lên, nhìn thấy ở ngoài cửa sổ, một người đàn bà đẹp đẽ dưới ánh trăng mờ ảo, đang buồn bã ngồi khóc nơi đó.
Hoa Đà cảm thấy hơi ngạc nhiên, ông bước ra sân trước để tìm hiểu sự việc, nhưng không thấy một bóng người nào cả. Ở ngay chỗ ông đã nhìn thấy người đàn bà lúc nãy chỉ có một cây thược dược. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu Hoa Đà ‘không chừng người đàn bà đó là cây thược dược’, nhưng ngay lập tức ông lại lắc đầu, tự cười diễu ý tưởng ngô nghê của mình. Hoa Đà bảo cây thược dược rằng : “Ngươi không có gì đặc biệt từ đầu đến chân. Làm sao ta có thể dùng ngươi làm thuốc chứ?”. Xong ông trở về phòng để tiếp tục đọc sách. Khi Hoa Đà vừa ngồi xuống, ông lại nghe tiếng đàn bà khóc. Khi ông bước ra ngoài cửa để tìm hiểu về người đàn bà lần nữa, thì cũng chẳng thấy ai, ngoại trừ cây thược dược ở đó. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy trong đêm hôm đó.
Quảng cáo
Cảm thấy kỳ lạ, Hoa Đà đánh thức vợ dậy, rồi kể tình tiết câu chuyện cho bà nghe. Vợ ông ngắm qua một lượt những bông hoa và dược thảo trong vườn, rồi nói; “ Mỗi một cây, mỗi một lá trong vườn này đều được ông biến chế thành thuốc lành, và ông đã dùng nó để cứu rất nhiều sinh mệnh, ngoại trừ cây thược dược này. Tôi tin là cây thược dược buồn rầu bởi vì ông bảo nó vô dụng, không được dùng làm dược thảo, trước khi ông tìm ra được đặc tính của nó”. Hoa Đà cười to, nói rằng: “Ta đã nếm thử cả trăm loại thảo mộc, và học hỏi dược tính của chúng kỹ càng rõ rệt. Bất cứ thứ nào có dược tính nên dùng thì ta đã sử dụng rồi, chưa hề sai lầm một thứ nào. Còn cây thược dược này, ta đã thử lá, thân, và hoa của nó nhiều lần trước khi ta đi đến quyết định cuối cùng là nó không thể được sắp vào hạng thuốc. Làm sao bà có thể nói ta nhìn lầm được?”. Vợ ông trả lời “Ông thông thường chỉ nếm thử những bộ phận ở trên mặt đất. Vậy ông đã thử rễ của nó chưa?” Hoa Đà không muốn nói nhiều nữa với vợ, ông cảm thấy mệt mỏi nên xoay người bỏ đi ngủ. Vợ ông cảm thấy chồng mình không muốn nghe theo lời khuyên của người ta như lúc trước, bà lo rằng nếu cứ như vậy thì Hoa Đà khó mà tránh khỏi sai lầm. Nhiều ngày sau, vợ của Hoa Đà bắt đầu có kinh nguyệt, máu huyết cứ chảy ra mạnh mẽ, hơn nữa bụng dưới lại đau quặn lên mãi. Không chờ Hoa Đà có bằng lòng hay không, vợ ông cứ ra đào vài nhánh rễ của cây thược dược. Bà rửa sạch nó rồi đem đun sôi, sau đó uống nước chắt ra từ đó. Không quá nửa ngày, cơn đau bụng đã giảm bớt rất nhiều, và máu huyết cũng chảy lại bình thường. Khi được vợ cho biết về chuyện này, Hoa Đà mới nhận ra rằng mình quả thật đã xét lầm cây thược dược. Ông cám ơn bà vợ đã chỉ cho ông biết rễ cây thược dược thật sự có vị thuốc tốt để cầm máu và giảm đau (gọi là chỉ huyết và chỉ thống).
Thược dược có nét đẹp đẽ. Cành hoa và bông hoa của nó trông rất đẹp và cũng vì vậy mà được mang danh là thược dược. ‘Thược dược’, tiếng Trung Hoa gọi là “Shao Yao” (sước ước), có nghĩa là ‘đẹp đẽ’.
Chú thích:
Rừng hạnh: Hán văn là “hạnh lâm”. Cây hạnh là một loại cây cao, cành dài, lá rộng hình tròn và đều mút nhọn. Hoa nở vào mùa Xuân nhưng chậm hơn hoa mai, sắc trắng ửng hồng trông giống hoa mai nhưng lớn hơn. Trái tròn khi chín sắc vàng hơi nhạt pha lẫn chua.
Đời Tam Quốc có Đổng Phụng ở Lô Sơn chuyên nghề làm thuốc. Mỗi khi chữa người nào lành bệnh, ông không lấy tiền, chỉ yêu cầu người đó trồng trong vườn từ một đến năm cây hạnh. Chẳng bao lâu trong vườn của Đổng Phụng cây hạnh mọc khắp, chẳng khác một khu rừng rậm, người đương thời gọi là rừng hạnh của tiên ông họ Đổng (Đổng tiên hạnh lâm). Nhân đó người ta dùng chữ ‘hạnh lâm’ để ca tụng những thầy thuốc giỏi. (Trích từ: “Từ điển Hán-Việt từ nguyên” của Bửu Kế)
Nếu bạn thấy bài viết hay, hãy chia sẻ nó với bạn bè
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét