TGĐ General Eletric - Vị CEO “luôn tưởng tượng khi làm việc”
Nhậm chức TGĐ General Eletric thì gặp sự cố 11/9, nhiều dự báo khó khăn nhưng GE vẫn vững vàng là công ty lớn thứ 6 nước Mỹ nhờ khả năng bẻ lái tài tình và tăng tốc con tàu GE của Jeffrey Immelt.
Tổng giám đốc GE Jeffrey Immelt (trái) và Tổng thống Mỹ Obama trong một chuyến tham quan nhà máy của GE.
Vài ngày sau khi Jeffrey Immelt nhận chức Tổng giám đốc General Electric (GE), một sự kiện đã xảy ra làm thay đổi cả nước Mỹ - vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Sau đó, nhiều điều dự báo đã được đưa ra về một thời kỳ khó khăn cho GE – một công ty có bề dày lịch sử vốn được thành lập bởi nhà bác học Thomas Edison kể từ năm 1892.
Nhưng rồi GE vẫn đứng vững và vươn lên dưới thời Jeffrey Immelt, từ một tập đoàn công nghiệp mang tính kỷ luật cao sang tập đoàn mang tính sáng tạo với phương châm “Imagination at Work” (tạm dịch là “luôn tưởng tượng khi làm việc”), và xa hơn nữa là tiến đến tập đoàn công nghệ xanh của thế kỷ 21.
Từ sản phẩm đầu tay là những chiếc quạt máy trong các năm 1890, các thiết bị nấu nướng và sưởi ấm kể từ năm 1907 trước khi bước vào lĩnh vực hàng không trong năm 1917, bước vào thế kỷ 20 GE đã mở rộng tầm hoạt động trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như dịch vụ tài chính, y khoa, kỹ thuật hàng không, năng lượng, nguyên liệu và sản phẩm chất dẻo, và cả truyền thông giải trí.
Ngày nay, dưới thời của Jeffrey Immelt, GE tập trung vào bốn lĩnh vực ứng dụng công nghệ xanh là năng lượng, hạ tầng kỹ thuật, tài chính và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.
Trong chuyến làm việc với nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết vào tháng 9-2007, ông Immelt đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị nguồn điện tại Hải Phòng và chuẩn bị cho các hoạt động đầu tư khác. Thị trường Việt Nam không xa lạ với các sản phẩm của GE, từ động cơ máy bay đến các máy phát điện sử dụng tại các dự án thủy điện và nhiệt điện, từ thiết bị y tế đến cả việc đào tạo nguồn nhân lực thông qua học bổng của Quỹ GE Foundation.
GE – một dẫn chứng về lịch sử công nghiệp Mỹ
Được thành lập vào năm 1892 bởi sự hợp nhất giữa Edison General Electric của Thomas Edison và Thomson-Houston Electric Company của Charles Coffin, trải qua thời gian General Electric (GE) đã lớn mạnh và đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau.
Năm 1911, GE sáp nhập National Electric Lamp Association (NELA) vào bộ phận chiếu sáng của mình.
Tám năm sau đó, GE thành lập Radio Corporation of America (RCA). Bộ phận này lớn mạnh và tách rời thành công ty độc lập kể từ năm 1930 cho đến khi được GE mua lại vào năm 1986 để nhập vào hệ thống truyền hình NBC.
Năm 2002, GE mua lại 80% cổ phần của Universal Pictures để thành lập công ty truyền thông NBC Universal mà sau này chỉ giữ lại 49% cổ phần, 51% thuộc về tập đoàn truyền hình Comcast.
Xuất phát từ nhu cầu sử dụng máy tính của công ty rất lớn chỉ sau Chính phủ Mỹ, trong các năm 1960, GE là một trong tám nhà sản xuất máy tính lớn với những cái tên còn lại là IBM, Burroughs, NCR, Control Data Corporation, Honeywell, RCA và UNIVAC. Hệ điều hành GECOS được phát triển từ năm 1962 và bán lại cho Honeywell để trở thành GCOS vẫn còn được sử dụng đến nay. Năm 2002, GE tiếp tục bán bộ phận công nghệ thông tin GE Information Systems (GEIS) mà nay trở thành một trong những công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hàng đầu tên là GXS.
Sản xuất các loại động cơ khác nhau là một trong những ngành có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở GE, với những bí quyết tích lũy trong lĩnh vực động cơ máy bay. Những chiếc máy bay có bộ siêu nạp (supercharger) ra đời từ Thế chiến thứ nhất và đến năm 1941 GE bắt đầu thiết kế thế hệ tên lửa Whittle trước khi bán lại cho Allison Engine Company. Bộ phận hàng không của GE đã nổi lên như một nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu chỉ sau Rolls-Royce Plc.
Nhưng dưới thời Jeffrey Immelt, GE đã nhanh chóng chuyển hướng. Sau khi tập đoàn năng lượng Enron phá sản, năm 2002 GE mua lại Enron Wind là nhà sản xuất điện gió lớn nhất lúc bấy giờ. Quyết định này sau đó đã dẫn đến kết quả là bộ phận phong điện của GE đã nhảy vọt về doanh thu, với hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2003. Đến năm 2009, GE mua thêm công ty ScanWind để mở rộng đầu tư theo hướng công nghệ xanh.
Từ bỏ chủ trương bao quát nhiều ngành và tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọnlà những gì mà người ta thấy được nơi Immelt kể từ khi ông lên thay người tiền nhiệm Jack Welch, trong đó có quyết định bán bộ phận bảo hiểm năm 2004 và đến năm 2007 bán nốt bộ phận sản xuất nhựa cho Saudi Basic Industries Corp (SABIC).
Ngược lại, GE hợp tác phát triển kỹ thuật cắt lớp (CT) với công ty y khoa Arineta của Israel, mua lại nhà máy sản xuất turbin khí của tập đoàn Dresser, các công ty dịch vụ thăm dò dầu khí Wellstream Holdings và John Wood, hợp tác cùng tập đoàn công nghệ không gian Smiths Aerospace và đi theo lộ trình công nghệ xanh của thế kỷ 21.
Vị CEO của “Imagination at Work”
Ông Jeffrey Immelt (người ngồi) cùng các cộng sự ở GE.
Cha của Immelt là Joseph Francis đã từng là nhà quản lý bộ phận động cơ máy bay (GE Aircraft Engines) và mẹ là Andrea từng làm việc tại bộ phận chất dẻo. Điều này giúp lý giải tại sao Immelt gia nhập vào GE vào năm 1982 ngay sau khi tốt nghiệp ngành toán của trường Đại học Dartmouth và lấy bằng thạc sĩ tại trường Kinh doanh Harvard. Qua công việc tại các bộ phận chất dẻo và trang thiết bị rồi đảm nhận chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Medical Systems tức GE Healthcare hiện nay, Immelt biết đã đến lúc GE phải thay đổi.
Jeffrey Robert Immelt đã ngồi vào chiếc ghế CEO “nóng” bởi có khá nhiều mục tiêu và kỳ vọng được đặt ra cho ông. Lịch sử lâu đời và thành công của doanh nghiệp, thành tích lợi nhuận chất ngất của những vị lãnh đạo tiền nhiệm. Giá trị cổ phiếu của GE vào năm cuối thời Jack Welch còn điều hành là trên 40 đô la Mỹ nay chỉ còn lại một nửa.
GE hiện tại chỉ đứng hàng thứ sáu trong những công ty lớn nhất ở Mỹ, hàng thứ năm trong những nhãn hiệu nổi tiếng nhất thế giới (trị giá 42,5 tỉ đô la Mỹ). Nhưng với Immelt, có lẽ điều ông quan tâm nhất là GE đang đứng hàng thứ 19 về tính sáng tạo và hàng thứ 82 về mức độ sản xuất xanh. Rõ ràng, không đơn giản để chuyển hướng một tập đoàn toàn cầu với bề dày lịch sử.
Nền sản xuất công nghiệp vốn đòi hỏi kỹ thuật cao và tính kỷ luật chặt chẽ để tồn tại trong môi trường kinh tế tri thức sẽ đòi hỏi con người phải luôn luôn đưa ra những giải pháp sáng tạo. Với trên dưới 350.000 nhân viên, GE từ lâu đã là kiểu mẫu của nền văn hóa công nghiệp với những quy định khắt khe như hằng năm có đến 10% công nhân có năng suất lao động thấp nhất phải nghỉ việc. Với GE, bối cảnh kinh tế khó khăn cũng là thời điểm thuận lợi để thay đổi, để tri thức hóa hoạt động sản xuất-kinh doanh.
“Imagination at Work” là một khẩu hiệu lạ lẫm được Immelt đưa ra làm trung tâm của cuộc cách mạng văn hóa doanh nghiệp, nhắm đến hiệu quả kinh tế cao thông qua việc phát huy tinh thần tự do và năng lực sáng tạo nơi mỗi nhà quản lý và các nhân viên, một nền văn hóa biết đề cao nguồn vốn con người (human capital).
Đặt giá trị môi trường vào sự thành công
Trên thực tế, những thay đổi của Immelt gây ra nhiều tranh cãi. Tạp chí hàng đầu thế giới về vấn đề kinh doanh đã ba lần bầu chọn Immelt là CEO xuất sắc nhất thế giới. Trong khi đó, trang BusinessWeek của tờ báo tài chính Bloomberg hồi tháng 3-2005 cho rằng cuộc cách mạng của Immelt làm đảo lộn GE bởi tạo ra quá nhiều rủi ro và sáng tạo. Tờ Fortune có phần mỉa mai đặt thành câu hỏi “Jeffrey Immelt đã làm được gì cho GE”.
Năm 2009, Tổng thống Mỹ Obama đã chỉ định Immelt làm thành viên Ủy ban Tư vấn Chính phủ về phục hồi kinh tế và tháng 1-2011 bổ nhiệm ông làm Chủ tịch Hội đồng Việc làm và Năng lực cạnh tranh. Điều này tạo ra lời đồn đoán về sự ra đi của vị CEO năm nay mới 56 tuổi và cuộc cách mạng bất thành ở GE. Nhưng khi xem xét các diễn biến dồn dập trong hai năm 2010 và 2011, người ta biết rằng Immelt đã bẻ lái thành công con tàu GE và đang bắt đầu một cuộc tăng tốc.
Thực vậy, năm 2005, Immelt công bố chủ trương “Ecomagination” (tư duy môi trường) và chính thức đưa GE vào vị trí một công ty xanh. Cùng với Siemens (Đức), GE hiện là nhà sản xuất động cơ lớn nhất và đa dạng nhất thế giới.
Những động cơ đó tạo ra năng lượng hữu dụng cho con người nhưng đồng thời đưa vào bầu khí quyển một lượng khí thải khổng lồ thường được nói tới dưới cái tên khí thải carbon làm biến đổi khí hậu. Immelt đã quyết tâm tăng cường đầu tư vào các giải pháp công nghệ môi trường khi năm 2007 đem bán bộ phận chất dẻo cho SABIC với giá 11,66 tỉ đô la Mỹ để có vốn thực hiện mục tiêu kể trên. Các giải pháp xanh được ứng dụng trong việc sản xuất động cơ điện gió, điện khí, các dòng xe lai sử dụng một phần năng lượng tái tạo, các pin mặt trời, máy khử nước mặn và công nghệ tái sử dụng nước ngọt.
Bản thân GE đã có kế hoạch thành lập xưởng sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất ở Mỹđể cung cấp cho các nhà máy chi nhánh nhằm thay thế một phần nhu cầu về năng lượng hóa thạch.
“Chúng ta phải trả một cái giá cho carbon” (putting a price on carbon) cho mỗi thành công. Lời phát biểu đó của Immelt trong một cuộc hội nghị của Liên hiệp quốc không chỉ để gửi đến các doanh nghiệp một tinh thần mới, mà trước hết áp dụng cho chính GE – nơi mà từ nay mỗi cái máy ra đời phải thân thiện với môi trường hơn các dòng máy đời trước, đồng thời tập trung tư duy sáng tạo để có những giải pháp về việc xử lý ô nhiễm môi trường hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
- Jeffrey R. Immelt: http://en.wikipedia.org/wiki/Jeffrey_R._Immelt
- The Immelt Revolution: http://www.businessweek.com/magazine/content/05_13/b3926088_mz056.htm
- GE CEO: “We Must Put a Price on Carbon” to Succeed: http://www.treehugger.com/files/2011/01/jeffrey-immelt-ge-obama.php
Theo Hoàng Xuân Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét