Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Đến lượt Hà Nội nêu tên loạt dự án đang “cắm” ngân hàng

Sau khi Tp.HCM công bố, đến lượt Hà Nội cũng nêu tên các dự án đang được chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng...

Đến lượt Hà Nội nêu tên loạt dự án đang “cắm” ngân hàng
Một tòa thuộc dự án tại Hà Đông của Capital Land Hoàng Thành đang được doanh nghiệp này thế chấp quyền sử dụng đất.
SONG HÀ
Sau khi Tp.HCM công bố, đến lượt Hà Nội cũng nêu tên các dự án đang được chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng cho mục đích vay vốn đầu tư, phát triển dự án của mình.
Theo thông báo của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, tính đến ngày 29/7/2016 có 34 dự án do chủ đầu tư đang đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại các ngân hàng.

Đáng chú ý, trong danh sách nói trên có sự góp mặt của một số “ông lớn” trong làng bất động sản tại Hà Nội hiện nay như: Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Capital Land, Tập đoàn Nam Cường, Gleximco, Văn Phú Invest, Trung Việt…Thậm chí cả tập đoàn bất động ngoại như Gamuda cũng đang thế chấp quyền sử dụng đất dự án tại ngân hàng.

Cụ thể, theo danh sách của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest với khu đất có ký hiệu TTDV-01, KĐTM An Hưng, phường La Khê và phường Dương Nội, quận Hà Đông, thế chấp bằng quyền sử dụng đất

Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính (khu A, B tổ 51 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thế chấp quyền sử dụng đất; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh thế chấp một phần tài sản gắn liền với đất hình thành trong lương lai dự án tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. 

Công ty TNHH Đầu tư Capitaland - Hoàng Thành (CT09 - khu Cổ Ngựa, khu đô thị mới Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Việt (khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất…

Ngoài rà còn có Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội (thửa số 04, 03, 02, 01 phường Yên Nghĩa, phường Dương Nội, quận Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - Gleximco (D20-CTDDCN1, khu đô thị mới hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông và xã La Phù, huyện Hoài Đức) thế chấp quyền sử dụng đất. 

Công ty TNHH Mai Trang (dự án số 16 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) thế chấp quyền sử dụng đất. Công ty Cổ phần Hóa chất và Vật tư Khoa học kỹ thuật (Dự án Số 265 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) thế chấp bằng quyền sử dụng đất…

Trao đổi với báo chí, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, việc chủ đầu tư thế chấp vay vốn là chuyện bình thường. Việc này được kiểm soát chặt để người dân mua nhà đối với các dự án đủ điều kiện là phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Chúng tôi vẫn đang kiểm soát tốt chuyện thế chấp này, do đó không có chuyện người dân mua nhà ở các dự án thế chấp bị ảnh hưởng quyền cấp giấy. Chủ đầu tư đã bán nhà cho khách hàng thì phải đảm bảo quyền lợi cho họ”, ông Nghĩa nói.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng khuyến cáo, đối với người mua nhà nên tìm hiểu đối với các dự án, các nhà đầu tư thông qua các cơ quan chuyên môn trước khi quyết định mua. 

“Khách hàng muốn mua dự án nào có thể liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để hỏi nếu tôi mua thì tôi có được cấp giấy chứng nhận hay không. Đây là quyền của người dân và chúng tôi sẵn sàng trao đổi và cung cấp thông tin về các dự án này”, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, dư luận vẫn đang đặt câu hỏi, cũng như Tp.HCM, việc Hà Nội chỉ công bố có 30 dự án trên tổng số hàng trăm dự án bất động sản, liệu có công bằng với các doanh nghiệp khác, khi mà mới đây, một số “ông lớn” trong làng bất động sản cho biết, họ vẫn phải vay vốn ngân hàng để phát triển dự án bất động sản, lại không có tên trong danh sách nói trên.

Tp.HCM lên tiếng việc 77 dự án thế chấp ngân hàng bị nêu tên

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM khẳng định việc dự án bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng là hoàn toàn bình thường...

Tp.HCM lên tiếng việc 77 dự án thế chấp ngân hàng bị nêu tên
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho rằng, việc công bố thông tin 77 dự án đang thế chấp ngân hàng là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người mua nhà.
BẢO ANH
“Hiện nay, chúng ta chưa có quy định về việc phải công bố thông tin liên quan đến những vấn đề tài sản, dự án thế chấp nên chúng tôi căn cứ vào quy định của pháp luật, trong đó nhận thấy cần thiết phải công bố một số dự án đã đủ điều kiện mua bán, hoàn thành thủ tục hoặc những dự án đã hoàn thành nhưng còn vướng mắc, chưa cấp giấy chứng nhận sở hữu cho người dân”.

Thông tin trên được Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) Phạm Ngọc Liên cho biết tại buổi họp báo chiều 29/7, trước câu hỏi của báo giới “tại sạo thành phố có hàng trăm dự án nhưng cơ quan này chỉ công bố 77 dự án đang thế chấp, cầm cố tại ngân hàng”.

Sẽ cập nhật liên tục

Theo lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM, việc công bố thông tin chủ yếu lựa chọn các dự án gắn liền giữa quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà ở hình thành trong tương lai), tính từ thời điểm Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. 

Mục đích của việc công bố này là nhằm khuyến khích các chủ đầu tư các dự án chú ý đến việc làm sổ cho người mua nhà. Do vậy, ngay khi giải chấp 1 căn hộ, cơ quan này sẽ cập nhật liên tục, hoặc chủ đầu tư làm tốt công tác làm thủ tục cho người dân, cũng sẽ được công bố công khai.

Nói về con số 77 dự án bị “bêu tên”, ông Phạm Ngọc Liên cho biết "trong quá trình đầu tư dự án, chủ đầu tư nào cũng cần huy động vốn, thu tiền của người mua trước khi giao nhà. Chính vì vậy mới có con số 77, chứ thật ra hàng trăm dự án trên địa bàn thành phố đang trong quá trình đầu tư đều phải liên kết với ngân hàng thương mại".

Do vậy, theo lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, việc thế chấp tài sản để phát triển dự án là điều bình thường và chủ đầu tư cần thực hiện đúng quy định pháp luật. 

Cũng theo ông Liên, nếu muốn cung cấp đầy đủ thông tin của gần 600 dự án trên địa bàn thì cần phải có sự phối hợp với nhiều sở, ngành. 

“Chúng tôi sẽ trình UBND thành phố xin ý kiến công bố định kỳ các dự án thế chấp, có thể từ 1 - 2 tháng, tùy vào cho phép của lãnh đạo thành phố và cơ sở hạ tầng, nguồn lực”, ông Liên nói.

Ngoài ra, bên cạnh dự án đang bị thế chấp còn loại dự án chủ đầu tư triển khai nhưng vi phạm về quản lý dự án: xây dựng thêm tầng, hoặc chuyển đổi công năng của sản phẩm, thay đổi tầng, cơ quan này cũng sẽ công bố tình trạng dự án cho người mua nhà nắm rõ.

Lắng nghe các cơ quan báo chí

Trả lời câu hỏi về phản hồi của một số doanh nghiệp cho rằng, thông tin mà Văn phòng Đăng ký đất đai công bố không đúng với thực tế dự án, ông Liên cho hay, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ có thông tin dựa trên sổ đăng ký, đơn đăng ký và hợp đồng thế chấp, trong đó nhiều thông tin chỉ có một phần dự án, không phải toàn bộ.

“Nếu cung cấp thật đầy đủ, có phân loại từng loại hình thế chấp, chúng tôi tìm trong các hợp đồng thế chấp thì không có thông tin phản ánh như các doanh nghiệp yêu cầu. Qua đó, chúng tôi sẽ đặt vấn đề với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM để xác định được thông tin nào cần cung cấp, loại nào phải bảo đảm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đợt công bố thông tin dự án có thế chấp tại ngân hàng đợt 2 sắp tới, chúng tôi sẽ dựa vào những thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước để phân loại một cách chuẩn xác hơn”, ông Liên cho biết.
Cũng theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, việc cung cấp thông tin này dẫn đến nhiều dư luận, do đó, cơ quan này sẽ lắng nghe các cơ quan báo chí để đút kết kinh nghiệm, đưa thông tin đi vào chiều sâu nhằm giúp cho các bên hài hòa. 

Bên cạnh đó, để tránh cho việc một dự án, căn hộ thế chấp hai lần, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, có hai vấn đề đặt ra.

Thứ nhất, đối với dự án đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà ở chung cư), thì pháp luật quy định khi bán nhà cho khách hàng chủ đầu tư phải giải chấp tài sản là chính căn hộ này khỏi ngân hàng nhằm. Do vậy, người mua nhà vẫn yên tâm vì căn hộ mình mua sẽ không bị cầm cố lần thứ 2, nếu như chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ quy trình giải chấp.

Thứ hai là nhìn qua danh sách này, việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua căn hộ đầu tiên dễ dàng hơn, vì chủ đầu tư phải tiến hành giảm trừ số căn hộ đã được giải chấp trên giấy chứng nhận của cả dự án.

Do vậy, sau khi công bố danh sách 77 dự án đang thế chấp, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện một số công việc khác nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người mua nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét