Cả tập đoàn ‘chèo thuyền’, hai công ty ‘đục lỗ’
ANTT.VN – Hàng nghìn cán bộ, công nhân viên Vinachem làm việc quần quật mỗi năm chưa tạo ra số lợi nhuận bằng khoản lỗ lũy kế của Đạm Ninh Bình chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động.
Nhà máy đạm Ninh Bình với tổng số vốn đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng, đã dừng hoạt động từ đầu năm nay chỉ sau 4 năm vận hành. Đây không phải là thông tin bất ngờ với những người trong cuộc, bởi số phận của Nhà máy đã được giới phân tích dự báo cách đây nhiều năm, trong bối cảnh phần lớn dây chuyền sản xuất đạm trên thế giới hiện nay đều sử dụng khí đồng hành thu được trong quá trình khai thác dầu thô làm nguyên liệu chính.
Giá dầu, khí lao dốc trong những năm qua khiến giá đạm trên thị trường thế giới giảm mạnh theo. Trong khi giá than, nguyên liệu đầu vào của đạm Ninh Bình, lại không giảm với tốc độ tương ứng. Còn nhiều yếu tố nữa, tuy nhiên đây có thể coi là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc Đạm Ninh Bình phải đóng cửa.
Năm tài chính 2015, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, đơn vị vận hành Nhà máy ghi nhận khoản lỗ 370 tỷ đồng, lỗ lũy kế sau 4 năm hoạt động ở mức hơn 2.000 tỷ đồng, ‘ăn mòn’ gần hết vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng. Số lỗ này thậm chí còn lớn hơn lợi nhuận của cả tập đoàn (1 tập đoàn mẹ cùng 46 công ty con, công ty liên kết) tạo ra trong năm 2014 (1,96 nghìn tỷ đồng).
Lợi nhuận của 47 đơn vị thành viên Vinachem làm một năm không bằng khoản lỗ lũy kế của Đạm Ninh Bình kể từ khi được vận hành. (Nguồn: BCTC Hợp nhất kiểm toán Vinachem 2014)
Trong lúc này, người ta đang đặt dấu hỏi lớn đối với một nhà máy đạm than khác của Vinachem là Đạm Hà Bắc.
Không ‘kém cạnh’ đồng nghiệp ‘cố đô’, Đạm Hà Bắc năm 2015 lỗ ròng tới 665 tỷ đồng, cao hơn con số 585 tỷ đồng trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Kế hoạch sản xuất cho giai đoạn 2016-2018 cũng phải điều chỉnh số lỗ dự kiến trong năm 2016 lên tới hơn 212 tỷ, so với 125 tỷ đồng trước đó.
Gánh nặng của 2 nhà máy đạm lớn nhất miền Bắc đối với cả tập đoàn Vinachem còn được thể hiện qua khối lượng vay nợ khổng lồ. Chỉ tính riêng đối với Đạm Ninh Bình, Vinachem đã phải đứng ra vay hộ với tổng mức tín dụng lên tới 4,3 nghìn tỷ đồng và 326 triệu USD. Dư nợ gốc tính tới ngày 31/12/2014 ở mức 6,6 nghìn tỷ, chiếm 97% tổng nợ ngân hàng của Tập đoàn mẹ.
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cũng đã vay hơn 5.000 tỷ đồng chỉ trong 2 năm 2013,2014 để thực hiện dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc.
Với chi phí lãi vay và khấu hao lớn, giá nguyên liệu đầu vào cao trong khi vẫn phải duy trì giá bán ra thấp để cạnh tranh với các nhà máy khác và nhập khẩu từTrung Quốc, rất khó để Đạm Hà Bắc có thể đạt mục tiêu có lợi nhuận trong năm 2017, tiến tới hòa vốn năm 2020 như kế hoạch đã đề ra. Ngược lại, ‘số phận’ của Đạm Ninh Bình có thể sẽ là kết cục khó tránh khỏi đối với Đạm Hà Bắc.
Kỳ tới: Ngân hàng nào đang ‘ngồi trên đống lửa’ với những dự án nghìn tỷ thua lỗ của Vinachem?
Sản lượng đạm sản xuất trong nước đang vượt xa nhu cầu, các nhà máy Đạm Phú Mỹ (đưa vào vận hành năm 2003) và Đạm Cà Mau (2009) đều có công suất 800.000 tấn/ năm; 2 nhà máy Đạm Ninh Bình (2012) và Đạm Hà Bắc mở rộng (2015) có công suất lần lượt 560.000 tấn và 500.000 tấn/ năm. Như vậy tổng công suất của 4 nhà máy trên đã lên tới 2,66 triệu tấn/ năm; chưa kể khoảng 1,2 triệu tấn nhập khẩu, trong đó có tới 1 triệu tấn từ Trung Quốc; so sánh với nhu cầu khoảng từ 2-2,2 triệu tấn mỗi năm trong nước. |
Nghi Điền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét