(An ninh quốc phòng) - Sau triển lãm giới thiệu một số vũ khí do Việt Nam cải tiến và chế tạo thuộc khuôn khổ Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, đến nay mới có thêm hình ảnh về tên lửa KCT 15.
Trong cuộc triển lãm trên, bên cạnh radar cảnh giới tầm trung băng sóng mét VRS-M2D do Tập đoàn Viettel chế tạo; pháo tự hành PTH 105-M1 cỡ 105 mm; pháo phản lực phóng loạt BM-21M-1… thì thu hút được nhiều sự chú ý nhất chính là tên lửa chống hạm KCT 15 do Việt Nam sản xuất.
Khi tên lửa KCT 15 (được cho là sản xuất dựa trên nguyên mẫu 3M-24 Uran-E do Nga chuyển giao công nghệ) chính thức ra mắt đã khiến cho quân dân cả nước cảm thấy vô cùng vui mừng cũng như tự hào về khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ quốc phòng tiên tiến của Việt Nam.
Tiếp đó đến tháng 6/2016, Tập đoàn Tên lửa chiến thuật Nga (KTRV) cho biết họ đã chuyển giao 3 mẫu thiết kế của các phiên bản tên lửa khác nhau theo yêu cầu từ phía Việt Nam (bao gồm phóng từ mặt đất, phóng từ tàu chiến và phóng từ máy bay), loại tên lửa này sẽ được sản xuất trong nước với số lượng rất lớn, có thể lên tới 3.000 quả.
Theo một số chuyên gia quân sự, KCT 15 nhiều khả năng sẽ được bổ sung những công nghệ mới nhất áp dụng trên mẫu Uran-UE như tối ưu hóa quỹ đạo bay nhằm nâng tầm bắn lên gấp đôi và kết hợp cơ chế dẫn đường vệ tinh để gia tăng độ chính xác. Ngoài ra Việt Nam cũng có quyền xuất khẩu KCT 15 tới bất kỳ quốc gia nào khác, tương tự như trường hợp BrahMos của Ấn Độ.
Mặc dù tiến độ thực hiện dự án vẫn chưa được công khai nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù và sáng tạo của những kỹ sư quân sự Việt Nam, tên lửa hành trình chống hạm tiên tiến KCT 15 sẽ sớm hoàn thành giai đoạn thử nghiệm để đi vào sản xuất hàng loạt, giúp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.
(Theo Soha News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét