Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Các Nhà Phong Thủy


Lịch sử Phong Thủy Việt Nam xưa nay thường bắt đầu với Cao Biền, một vị tướng giỏi được vua Đường cử sang Giao Châu đánh giặc Nam Chiếu (64). Đạo làm tướng thời xưa trên phải thông thiên văn, dưới phải rành địa lý, như Khổng Minh tính được ngày gió đổi hướng để dụng hỏa công, Trần Hưng Đạo biết dụng khí hậu, biết lúc thủy triều lên xuống để đóng cọc bẫy địch ... cao thâm nữa, phải biết Dịch lý Độn số, Âm Dương, Ngũ Hành sinh khắc, để bầy binh bố trận, xuất binh giờ tốt, đóng binh đất lành ...
Đời Đường khoa phong thủy rất thịnh hành nên việc Cao Biền am tường khoa này cũng không phải là điều lạ lùng. Lúc đó quân Nam Chiếu đã chiếm trọn Giao Châu mười năm và đã cử Tiết Độ Sứ Nam Chiếu cai trị Giao Châu thay thế Tiết Độ Sứ Tầu. Cao Biền sang tạm đóng quân ở vùng Quảng Yên-Ha Long, đánh úp quân Nam Chiếu và quân Mán một trận giết hại 50.000 người đang lúc gặt hái, sau đó sang đánh Nam Chiếu trận nữa chém được hơn một vạn thủ cấp. Cao Biền được vua Đường phong làm Tiết Độ Sứ Giao Châu nhưng không vừa ý và tự xưng là Cao Vương. Ông cho đắp lại La Thành cao rộng hơn trước và xây 5000 gia cư. Có lẽ La Thành được gọi là Đại La từ đây và là tiền thân của Thăng Long Thành sau này. Cao Biền lại dùng "sấm sét" phá tan các tảng đá ngầm dưới biển để mở đường thủy từ Giao Châu sang Quảng Châu, Quảng Tây, vì thế nơi ấy gọi là Thiên Oai Kinh.
Cao Biền thường cưỡi diều lớn bay lên quan sát địa hình địa vật khắp nơi, cứ theo truyền thuyết thì Cao Biền biết phép hô phong hoán vũ, dùng thuật trấn yểm những long mạch đế vương phương Nam để tránh họa cho Bắc phương Trung Hoa. Muốn trấn yểm yêu quái phương hại tới việc xây thành trì, Cao Biền lấy vàng bạc đồng sắt làm bùa nặng cả nghìn cân mang chôn xuống đất nơi lập đàn cúng, nhưng gập những linh thần như thần sông Tô Lịch, thần Bạch Mã, tại đất Đại La thì bùa chú trấn yểm bị sấm sét giông bão làm bật tung mất hết hiệu nghiệm. Cao Biền thường lập đàn đồng thiếp xuất hồn xuống cõi Âm để diệt ma quỷ, thổ thần, ta có câu: “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” để chỉ Cao Biền đang "thiếp" thì bị tỉnh dậy sớm (non) hơn dự định hoặc vì bị lính hầu bẩm báo việc công (như Ngụy Diên chạy vào đàn nhượng tinh làm tắt đèn cúng tế của Gia Cát Lượng), hoặc vì hết tinh lực giao cảm với cõi Âm ... Đối với các linh thần, sơn thần ... Cao Biền dùng pháp thuật ghê gớm hơn: mổ bụng mười bẩy gái đồng trinh, bỏ ruột gan, lấy cỏ chi độn thay vào bụng, cho mặc xiêm áo đặt ngồi trên ghế như còn sống, rồi dùng trâu bò tế lễ. Khi nào thấy xác cử động thì biết thần thánh đã phụ nhập, Biền lập tức lấy gươm chém đi để trừ khử thần nhập xác. Nhiều loại thần trung hạ đẳng đều bị Biền diệt bằng pháp thuật ấy. Nhưng khi gặp thượng đẳng thần Tản Viên Sơn thì thấy Thần cưỡi ngựa trắng đứng trên mây khạc nhổ mà bay đi. Cao Biền than rằng: "linh khí nước Nam còn vượng lắm không diệt được" rồi có ý xin vua Đường đổi đi trấn nhiệm nơi khác.
Cao Biền rời Giao Châu vào năm 875 sau hơn mười năm hoành hành trên đất Việt để đi làm Tiết Độ Sứ Tây Xuyên, ông viết Tấu Thư dâng lên vua Đường, ghi rõ các long mạch thế đất Giao Châu, bàn về từng địa phận, từng huyệt kết từ lớn đến nhỏ, như một biên khảo có hệ thống. Cuốn này thế kỷ XV khi Hoàng Phúc cùng quân Minh sang đã mang theo để nghiên cứu đất đai nước ta, cũng vì thế sách Cao Biền Tấu Thư (còn gọi là Nam Cảnh Địa Lý Chư Cát Lục) mới được truyền lại.
Bên cạnh những huyền thoại về trấn yểm pháp thuật, Cao Biền cũng để lại nhiều công trình như cất chùa Linh Diên bên thành Đại La, chùa Kim Ngưu tại Bát Vạn Sơn (Tiên Du), xây mồ giả (nghi chủng) tại Thuận Thành (Luy Lâu), dựng tháp trên núi Đông Cứu (Hà Bắc) nơi Cao Biên từng đóng quân ... Đặc biệt tại gần chùa Tây Phương, trên núi Câu Lậu, chắc có huyệt quí nên Cao Biền ghi "Câu Lậu chi sơn, huyệt tại trung cấp, nên thần đã làm chùa để yểm đi rồi", chùa ấy có thể là chùa Thanh phong dựng ở lưng chừng núi.
Núi Câu Lậu hình thù như móc câu, dân gian gọi là lưỡi câu của Thánh Tản vì núi này và 8 ngọn khác là phân chi của núi Tản thuộc Thạch Thất, Sơn Tây. Tương truyền đời Tấn (thế kỷ III - IV) có Cát Hồng tu tiên đã chọn núi này làm nơi luyện linh đan (đan sa), phải chăng địa điểm có gì linh thiêng đối với nhãn quan phong thủy địa lý thời xưa ? Ngoài ra tám vạn cây tháp nung bằng gạch đỏ (hãy còn di tích) xếp chồng lên thành một tháp lớn ở núi Tiên Du (Hà Bắc) sau được gọi là Bát Vạn Sơn, cũng do Cao Biền xếp đặt không biết để ghi công bình Nam Chiếu hay để trấn yểm linh khí 99 ngọn núi quí vùng Kinh Bắc ?
Ngay trong thành Đại La, Cao Biền cũng dựng cột đồng trấn lên long bối (lưng rồng) để phá đứt long mạch, sau vua Lý Thánh Tông được Quan Âm Bồ Tát giáng mộng bèn cho hủy cột đồng và bùa trấn yểm ở thôn Nhất Trụ rồi dựng chùa Một Cột (Diên Hựu – thế kỷ XI) thay thế.
CÁC THIỀN SƯ TIÊN PHONG
Thật ra Cao Biền không phải là nhà phong thủy đầu tiên trên đất Việt. Trước Cao Biền hơn một trăm năm các thiền sư thuộc Thiền Phái Mật tông Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã am tường phong thủy, sấm vĩ, chiêm tinh, và biết trước cả việc Cao Biền sang trấn yểm long mạch nước Nam ta.
Thiền sư Định Không (730-808) từ năm 785 đã nhìn thấy "đất trình pháp khí ... họ Lý hưng vương" tại làng Dịch Bảng quê ông. Nhân lấy điềm rửa mười chiếc khánh, một chiếc chìm, mà đặt tên địa linh ấy là Cổ Pháp. Sư còn dặn dò đệ tử là Đinh Hương, Thông Thiện, phải canh giữ đất kết phát này vì sợ có dị nhân đến yểm phá về sau. Thông Thiện ghi lời thầy trên tháp chùa Lục Tổ và truyền lại cho đệ tử là La Quý An (852-936). La Quý An đủ tài năng để chống lại thuật yểm phá của Cao Biền vào năm 865. Khi Cao Biền đào đất Cổ Pháp 19 điểm trấn áp cho đứt long mạch đế vương thì sư La Quý An cho lấp lại cả 19 điểm để bảo vệ khí mạch. Sư biết đất Cổ Pháp huyệt kết chân mạng đế vương nên đã quyên góp đúc một pho tượng Lục Tổ bằng vàng chôn sát tam quan, rồi dặn dò đệ tử phải cất dấu cho tới thời thánh quân minh ra đời thì mới được đào lên ủng hộ chân chúa. Sư còn dặn sau này nên xây tháp (để tụ khí mạch) và cho trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để trấn giữ mạch.
Năm 936 trồng cây gạo sư để lại bài sấm trước khi tịch :
Đại sơn long đầu khởi
Xà vĩ ẩn minh châu
Thập bát tử định thành
Miên thọ hiện long hình
Thỏ kê thử nguyệt nội
Định kiến nhật xuất thanh.
Nghĩa :
Đại sơn đầu rồng dậy
Đuôi rắn ẩn minh châu
Họ Lý tất định thành
Hình rồng hiện gốc gạo
Tháng chuột ngày gà giờ thỏ
Thấy mặt trời lên giữa mây xanh.
(Thập bát tử ghép lại thành chữ Lý; Miên thọ chỉ loại cây bông gạo, bông gòn). Bài sấm này vừa nói về phong thủy đại sơn long đầu - vừa là loại sấm đoán ngày tháng họ Lý hưng nghiệp, vừa tìm điềm lành nơi thiên nhiên - miên thọ long hình - để tiên tri sự việc xẩy ra 70 - 80 năm sau (nhà Lý khởi nghiệp năm 1010).
Xem sự kiện các nhà sư Mật tông rất am tường phong thủy, sấm vĩ, chiêm tinh, lý số ... có thể đưa ra giả thuyết là các khoa này không phải từ bên Tầu sang mà do các nhà sư từ Ấn Độ đem tới nhân việc tùy thời khế cơ mà hoằng pháp. Ngay cả bên Tầu có thể ngoài kinh Dịch, các khoa lý số khác cũng có thể chịu ảnh hưởng nặng nề từ Thiên Trúc, nhưng vì tinh thần quốc gia hẹp hòi đã cố che lấp đi.
Thật vậy từ 2000 năm trước Tây lịch, nền văn minh Vệ Đà đã có khoa chiêm tinh rất cao cộng thêm các khoa lý số khác kể cả bói bài, xem chỉ tay, phong thủy, thôi miên (xưa kia gọi là bí mật thuật, người Tầu công nhận do các nhà sư Ấn đưa sang - theo Nguyễn Đổng Chi tr.121), ngay cả võ thuật như Thiếu Lâm có thể do Bồ Đề Đạt Ma (đến Quảng Châu năm 520 khi ngài 80 tuổi) trong 9 năm ngồi quay mặt vào tường tại chùa Thiếu Lâm mà truyền tâm pháp. Các phép thuật như đi trên mặt nước, phi thân, độn thổ, làm hổ phải nép, làm tắc kè phải rơi của các nhà sư có thể đã bắt đầu từ pháp tu Yoga của đạo học Hy Mã Lạp Sơn mà người ta còn thấy đậm nét qua các Lạt Ma Tây Tạng và các đạo sĩ "mình trần ngồi tu trên tuyết" hoặc các võ sư Mông Cổ "mình đồng da sắt, dao chém không đứt", pugilistes, mà Marco Polo đã thuật lại từ thế kỷ XIII.
Bài kệ tiên tri của Bồ Đề Đạt Ma trước khi tịch còn phảng phất trong ngôn từ sấm ký của các nhà sư Mật Tông sau này
Nhất hoa khai ngũ diệp
Kết quả tự nhiên thành
hoặc :
Ngũ khẩu tương cộng hành
Cửu thập vô bỉ ngã
(Ngũ khẩu ghép lại thành chữ Ngô là Ta, Cửu Thập là ngày 9 tháng 10 vô bỉ ngã là chẳng còn ta ! đúng ngày ấy Sư tịch diệt).
Số Tử Vi tương truyền do Trần Đoàn nhà Tống soạn ra (thế kỷ X), nhưng theo La Luân thì do một nhà sư núi Hoa Sơn tên là Vạn sáng tác (Phan Kế Bính tr.282), Lê Quí Đôn thì cho là nhà Nho đặt ra rồi thác danh là Trần Đoàn. Nguồn gốc số Tử Vi lờ mờ như vậy là vì có sự che đậy gốc tích Ấn Độ từ các nhà sư sang truyền đạo pháp từ thế kỷ II - III.
Đem so sánh một lá số Tử Vi của "ta" với một lá số Vệ Đà miền Nam (South Indian Chart) ta thấy y hệt nhau trong cách trình bầy: 12 cung xếp theo hình chữ nhật (lá số Vệ Đà miền Bắc - North Indian Chart - xếp đặt hơi khác, hai hình vuông lồng nhau cũng thành 12 cung chéo).
Nguyên khoa đẩu số chiêm tinh Vệ Đà (khoảng 500 trước Tây lịch tới 300 năm sau Tây lịch) gọi là Vedic Jyotish (chữ Sanskrit có nghĩa gốc là ánh sáng, thiên văn, toán số ) dựa trên Âm lịch còn truyền tới ngày nay, cùng với khoa chiêm tinh Thổ nhĩ kỳ, Ba Tư ... có nhiều liên quan. Trong truyền thống Yoga, các luân xa (chakras) từ cuối xương sống tới đỉnh đầu đều tương ứng với các tinh tú như :
Luân xa I tương ứng với sao Saturn
Luân xa II tương ứng với Jupiter
Luân xa III tương ứng với Mars
Luân xa IV tương ứng với Venus
Luân xa V tương ứng với Mercury
Luân xa VI tương ứng với Thái Âm
Luân xa VII tương ứng với Thái Dương
Từ khởi điểm đó khoa chiêm tinh Chakric lập lá số theo hình tròn giống như lá số của chiêm tinh Tây phương hiện tại. Điều đáng ghi nhận là truyền thống Ấn Tuyết Sơn rất cao về toán học (ngay tiểu sử Thích Ca Mâu Ni cũng ghi ngài rất giỏi về Toán học khi mới mười mấy tuổi) trong phép làm lịch, thiên văn. Lịch Ấn tuy dựa trên Nguyệt kỳ gồm 27 ngày 43 phút, 27 ngày lại tương ứng với 27 Nguyệt hạn (Nakshatras), nhưng khi tính Năm thì lại dựa trên ngày Thái Dương phục phát Mùa Đông (winter solstice), vì thế lịch pháp Ấn vừa Âm vừa Dương (soli-lunar). Khoa Chiêm tinh Vệ Đà khác Chiêm tinh Tây phương ở chỗ chỉ dùng 9 Chính tinh: Nhật, Nguyệt, Mercury, Venus, Mars, Jupiter, Saturn, Rahu (Thiếu Âm Bắc), Ketu (Thiếu Âm Nam) mà không dùng tới 3 sao Uranus, Neptune và Pluto.
Các nhà sư đi hoằng pháp thường phải mượn các khoa "huyền bí thần thông" để qui phục người địa phương, dùng tới công phu võ thuật cao cường (có thuyết cho rằng đời Lý tướng sĩ Đại Việt có võ thuật cao nhờ luyện tập võ công từ Thiền môn nên đã có thể sang đánh Tầu dễ dàng), cũng có khi phải uyển chuyển như phối hợp kinh Dịch với vũ trụ quan Phật giáo (Buddhist I Ching) để dung thông, không câu chấp Thánh, Tiên hay Bụt ... miễn là giác ngộ và giác tha, tên tuổi nhiều khi cũng không để lại mà còn cố ý xóa mờ, cho nên đời sau rất khó truy tầm dấu tích. Các đền đài trụ tháp vĩ đại như Angkor, như Borobodur bên Nam Dương (thế kỷ VIII) kiến tạo hình vũ trụ ba chiều, xác định khoa chiêm tinh, phong thủy ... đã có trong văn minh Phật giáo từ lâu.
Bán đảo Ấn-Trung (Indo - China) nằm giữa hai nền văn minh rất cổ và rất lớn là Ấn Độ và Trung Hoa, thật ra đều phát từ nguồn Hy Mã Lạp Sơn. Ba con sông Hoàng Hà, Dương Tử, Cửu Long, các rặng núi cao Côn Lôn, Tần Lĩnh ... đều từ cao nguyên Tây Tạng đổ xuống ... cho tới các rặng Hoãng Liên Sơn, Trường Sơn ... cũng bắt " long mạch " tự đấy. Cho nên việc tiếp nhận ảnh hưởng từ hai nền văn minh đó là một diễn trình thâu hóa sáng tạo tự nhiên của xã hội trong môi trường gần gụi liên bang láng giềng. Từ thế kỷ I, II, trung tâm tôn giáo Lạc Dương, Bành Thành đời Hán đã được thiết lập thờ cả Lão lẫn Phật, trung tâm Luy Lâu tại Thuận Thành, Giao Chỉ đã có tăng đoàn, các nhà sư Thiên Trúc lui tới các trung tâm đó hẳn mang theo không những kinh điển mà còn mang theo các môn khác như thiên văn, lịch pháp và lý số, vốn là những bộ môn không thể tách rời. Có tài liệu cho thấy thời đó, các đất Hồ, Việt không theo lịch Tầu mà theo lịch Ấn (xem Nguyễn Lang tr.41). Như vậy khó có thể tin rằng mãi tới thế kỷ X Trần Đoàn mới đặt ra khoa Tử Vi (Lê Quí Đôn trong VĐLN cũng luận rằng Hi Di Trần Đoàn không viết sách Tử Vi Đẩu Số, sách này xuất hiện vào đời Minh), là vì đời Tống, Lương, Tùy, Đường, các khoa lý số, phong thủy, chiêm tinh ... đã phát triển sâu rộng, nên thế kỷ VIII - IX mới có được những tay nghề như sư Định Không, La Quý An, và Cao Biền. Sau này, thế kỷ XV với Trạng Trình, thế kỷ XIV với Hoàng Phúc của nhà Minh ... đều có liên hệ rất nhiều với nhà chùa.
Từ Sư Định Không tới Sư Vạn Hạnh là một thời gian dài non 300 năm (730-1018) và sau Sư Vạn Hạnh (xem phần Vạn Hạnh) phải đợi 500 năm nữa mới lại có một thiên tài lý số là Trạng Trình phát sinh trên đất Việt (xem phần Trạng Trình).
Trước Trạng Trình 100 năm, trong 20 năm thuộc nhà Minh, một phong thủy sư nổi danh của Tầu là Hoàng Phúc đã đến quan sát địa lý nước ta vào khoảng 1407-1427. Hoàng Phúc xuất thân Tiến sĩ, mang chức Thượng Thư, giữ việc Bố chính và Án Sát trong chiến dịch cai trị đồng hóa Việt Nam. Hoàng Phúc bắt khắp nơi lập đền miếu thờ bách thần, thổ thần, sơn thần, thần sông, thần gió ... bên cạnh văn miếu. Lập Tăng cương ty và Đạo kỳ ty để truyền bá đạo Phật và Lão cùng với đạo Nho ... Ngay tại Đông Quan (Thăng Long), Hoàng Phúc cũng lập nhà học để chiêu dụ nhân tài, nơi đây Nguyễn Trãi đã gặp Hoàng Phúc sau khi đi tiễn cha là Nguyễn Phi Khanh bị bắt về Tầu cùng với cha con Hồ Quí Ly.
Sử liệu cho thấy Hoàng Phúc đã can thiệp để Nguyễn Trãi không bị quân Minh hạch tội, và trong thời gian từ 1407 - 1416 đã bị quân Minh giam lỏng ở Đông Quan. Sau này khi cùng Lê Lợi kháng chiến thành công, Nguyễn Trãi bắt được Hoàng Phúc và đã đối xử tử tế với Hoàng Phúc, một kẻ thù trí thức đã biệt đãi mình khi trước. Truyện kể lại rằng Nguyễn Trãi biết Hoàng Phúc có biệt tài về phong thủy nên đã mời Hoàng Phúc tới xem đất Nhị Khê là quê quán của dòng họ Nguyễn. Hoàng Phúc nhìn ra vườn sau nhà ở Nhị Khê rồi từ tốn nói: "Số tôi có phúc dầy nên có hạn cũng chỉ bị hạn ít ngày, chứ gò đất sau nhà ông, đâm vào trong nhà thế kia, thì ông sẽ bị mang họa mấy đời !" Quả đúng như lời Hoàng Phúc, ít lâu sau các quan quân nhà Minh đều được thả về Tầu để giữ giao hảo hai nước, còn Nguyễn Trãi thì 15 năm sau (1442) bị chu di tam tộc vì vụ Thị Lộ. Khi nghe Hoàng Phúc nói về gò đất đâm vào nhà, Nguyễn Trãi không dám tin hẳn và không cho phạt đi như lời Hoàng Phúc khuyên vì nghi bị họ Hoàng thâm gạt.
Nguyên Hoàng Phúc khi sang đất Việt đã mang theo cuốn Địa Lý của Cao Biền đời Đường để làm bản đồ nghiên cứu địa hình địa vật nước ta. Thời xưa, sách Địa Lý đúng là một tài liệu quân sự, ghi rõ hình thể sông, núi, đồi, gò, cao điểm, hạ lưu, mạch núi, thời tiết ... nên Hoàng Phúc đã tới những tới những linh địa mà Cao Biền đã ghi nhận. Một trong những linh địa ấy là Tam Đảo gần đền Hùng. Núi Tam Đảo gồm ba ngọn cao thẳng đột khởi gần như đối xứng với ba ngọn Ba Vì (Tản Viên) bên kia sông Hồng, hợp với Thăng Long, thành ba đỉnh tam giác đều. Tam Đảo tay long, cao hơn Ba Vì 300 mét (1591m) với ngọn cao nhất là Phù Nghĩa, ngọn giữa cao vót gọi là Kim Thiên hay Thạch Bàn có bia Cao Biền dựng, ngọn bên tả là Thiên Thị. Trên đỉnh núi có ngôi chùa Đồng đúc toàn bằng đồng rất cổ, sườn núi có chùa đá khắc chữ Địa Ngục Tự, suối nước vàng chói từ khe cửa chảy ra nhập vào suối Giải Oan. Trên tầng núi khá cao, khoảng 3 dặm, có một khoảng đất bằng phẳng, với ba nền đất dài, tám phiến đá vuông và một tấm bia lớn khắc vỏn vẹn bốn chữ lớn "La Thành Bất Loạn" bên cạnh có dòng chữ nhỏ "Minh Thượng Thư Hoàng Phúc cẩn đề".
Cả Cao Biền lẫn Hoàng Phúc, hai danh thủ Phong thủy Trung Hoa, cách nhau hơn 500 năm đều dựng bia ở Tam Đảo, vậy có thể suy diễn là về phương diện địa lý hẳn nơi đây kết long mạch đặc biệt. Điều này tác giả Vũ Trung Tùy Bút, Phạm Đình Hổ, từ thế kỷ XVIII đã luận giải như sau:
" ... Mạch núi Côn Lôn chạy vào ( Trung Hoa ) chia làm ba cán Long : một đằng theo sông Hoàng Hà chạy về phía Bắc, ... một đằng theo núi Mân Sơn chạy về phía Đông, ... một đằng theo sông Hắc Thủy chạy về phía Nam ... phía Đông sông Hắc Thủy là những tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Lão Qua kéo dài tới tận núi Tiểu Côn Lôn lại biệt làm một chi thiếu tô.
Chi này chạy sang nước ta lại chia làm ba :
- Chi bên hữu chạy qua sông Đà Giang là những tỉnh Hưng Hóa, Sơn tây, Sơn Nam, rồi chạy vào Nghệ An, Thanh Hóa, cho đến Thuận, Quảng thì tản ra các cù lao gần biển ...
- Chi bên tả thì qua Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên rồi qua đến biển là Hồng Đàm, đảo Đại Nhân ...
- Chi giữa thì tự núi Tam Đảo trở xuống, mênh mông liên tiếp thành ra những tỉnh Thái Nguyên, Kinh Bắc, Trung Đô, Hải Dương, Sơn Nam ... (tr. 46 - 47).
Tác giả kết luận "địa thế nước ta, toàn thể cũng giống Trung Hoa, chỉ có nhỏ hơn mà thôi".
Nhìn tổng quát như vậy ba ngọn Tam Đảo là chi giữa, làm tổ sơn cho toàn châu thổ Hồng Hà, là mạch xuất phát đổ khí lực vào Thăng Long, trong khi núi Ba Vì thuộc chi hữu mà Nguyễn Trãi, tác giả Dư Địa Chí và mọi nhà lý số, đều gọi là tổ sơn của cả nước. Tại sao lại có hai quan điểm không đồng nhất về tổ sơn ? Theo suy luận, núi Ba Vì hình tròn như cái lọng, sườn núi thoai thoải, đó là hình núi thuộc Kim, núi Tam Đảo thẳng đứng cao ngất, đỉnh phẳng lẫn đất đá, cây cối um tùm.. xây được chùa Đồng, như vậy có thể là hình dạng Mộc. Cao Biền biết Sơn thần núi Tản rất thiêng nên không dám xâm phạm, còn ở Tam Đảo không thấy nói tới sơn thần (mặc dù có vườn Tiên rất linh thiêng cầu đảo rất ứng, tương truyền thờ Quốc Mẫu là một Âm Thần, Trần Nguyên Hãn có lần ngủ đêm nghe Thần hiển linh nói về Lê Lợi và Nguyễn Trãi kháng Minh), hoặc có thể Cao Biền đã dùng pháp thuật chế khắc được nên mới dám dựng bia xây thành ?
Vả lại, thế kỷ IX, khi chống quân Nam Chiếu ở Vân Nam đổ xuống, thì Tam Đảo là một cao điểm chiến lược ở tuyến đầu che cả miền châu thổ sông Hồng. khi Hoàng Phúc sang đất Việt, ông phải nhận là "La Thành Bất Loạn" để tán dương cái thế đất quân bình Âm Dương, Long Hổ của Đại La. Thời Minh các núi Tam Đảo, Tiên Du ... tổng cộng 21 quả núi danh tiếng của An Nam, được nhà Minh tế tại giao đàn cùng với sông núi Trung Hoa (đời Hồng Vũ nhà Minh, Đại Nam Nhất Thống Chí). Nhưng khi nhìn tới bối cảnh của Tản Viên thì thấy tổ sơn này tụ long mạch của cả một rặng núi dài và cao là rặng Hoàng Liên Sơn song hành với sông Đà khí lực mạnh mẽ, lại nằm ở vị thế kín đáo, nên có phần trường viễn hùng hậu hơn Tam Đảo.
Sau Hoàng Phúc và Trạng Trình, mấy trăm năm sau mới lại xuất hiện các nhà Địa Lý danh tiếng như Tam nguyên Lê Quí Đôn (1726 - 1784), Tiến sĩ Hòa Chính, Tả Ao Nguyễn Đức Huyên ... cả ba đều ở vào đời Lê Trịnh. Lê Quí Đôn là một nhà bác học nên không bỏ qua bất cứ môn nào mà không bàn luận ghi chép, kể cả môn chiêm tinh, lịch pháp, phong thủy ... tập Vân Đài Loại Ngữ cho ta các tài liệu của Tầu bàn về phong thủy nước Nam (phần Khu Vũ Loại), sách Phủ Biên Tạp Lục soạn năm 1776 khi ông làm Hiệp Đồng Kinh Lý Quân Sự hai đạo Thuận Hóa, Quảng Nam, biên chép địa dư, phong tục miền đất đàng trong. Chính trong thời kỳ này ông đã nhìn thấy cuộc đất phát Tây Sơn và đã dâng sớ mật tấu lên Chúa Trịnh phải đề phòng ngôi sao đang lên Nguyễn Huệ.
Ông cũng là tác giả một tập phú đoán Tử Vi được truyền tụng rộng rãi nhưng không thấy ghi trong Văn Học Sử.
Những câu nôm na như :
Trai bất nhân Phá Quân Thìn Tuất
Gái bạc tình Tham Sát nhàn cung
là của Lê Quí Đôn làm ra. Cứ xem luận bàn của ông thì thấy các khoa lý số chiêm tinh đòi hỏi một đầu óc thông minh toán học mới thông hiểu nổi, vì thế khi lối học từ chương khoa cử choán hết đầu óc kẻ sĩ, thì các khoa này bị bỏ rơi thành các môn bói toán độ nhật cho hàng thứ dân mù lòa hoặc các nhà Nho lỡ vận. Xưa kia, các môn phong thủy, chiêm tinh, lý số ... là môn cao học của hàng "quân sư" chiến lược gia khai quốc như Khương Tử Nha, Quản Trọng, Tôn Tẫn, Trương Nghi, Trương Lương, Gia Cát Lượng.
Tới đời Minh (1368 - 1644) Chu Nguyên Chương lập nên đế nghiệp nhờ đạo sĩ quân sư họ Lưu (Liu Po Hun), vị đạo sĩ quân sư này dựa trên chiêm tinh để bầy binh bố trận đánh Mông Cổ. Sau khi thành công, Minh Thái Tổ cho giết ngay các công thần, tuy đạo sĩ họ Lưu trốn thoát, nhưng các đạo sĩ khác đều bị tiêu diệt và suốt 50 năm Đạo học phương thuật bị khai trừ khiến từ đây các khoa “huyền bí học” phải tản mát vào dân gian để tồn tại. Môn phong thủy địa lý rơi từ "quân sư chi học" xuống nghề tầm long để đất nhỏ nhặt, cuối đời Minh các sách về khoa phong thủy thiên về hình thể đất đai, bàn nhiều về âm phần - để mộ, dương cơ - cất nhà, mà không bàn luận về đại thế sách lược non sông nữa.
Từ đời Thanh trở đi (1644 - 1911), thấy rõ ảnh hưởng của Phật giáo Lạt Ma trong khoa phong thủy như "tiên tích đức, hậu tầm long", lấy sao bản mệnh phối với nghiệp và phúc đức của đương sự để chọn đất và chú trọng tới giờ giấc sinh khắc mà khởi công đắp nền hoặc hạ huyệt. Cũng như Đông Y, lương sư thì ít mà lang băm thì nhiều, nên các khoa cổ học mỗi ngày một tàn lụi đi, đến nỗi quần chúng phải mỉa mai :
Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy địa lý hàm răng không còn !
Có lẽ vì sự đứt đoạn giữa Cổ học (thời Kim Tự Tháp, thời Maya, thời Vệ Đà, thời Phục Hi ... ) với Đạo học (hơn 2000 năm nay), nên căn bản tinh lý của cổ học bị phai mờ và thất truyền. Cho tới hiện tại người ta vẫn chưa giải thích được những bí mật kỳ diệu của khoa kiến trúc Kim Tự Tháp vậy mà những môn "huyền bí học" khác lại bị phỉ báng ngay là mê tín dị đoan lạc hậu, thì quả là thiếu thẩm định khách quan, cũng không khác chi gặp lang băm rồi kết luận tất cả Đông Y Dược là vô giá trị !
Nhưng hậu quả của sự thất truyền là từ sau Trạng Trình chỉ còn thấy hai người là Hòa Chính và Tả Ao, cả hai nhà phong thủy này tuy có danh tiếng nhưng chuyên về dương cơ âm phần, để mồ để mả, mà không còn tầm học cao rộng của môn "quân  chi học" nữa. Tiến sĩ Hòa Chính và Tả Ao đều sang Tầu học được nghề địa lý. Hòa Chính dường như có viết sách lưu truyền nhưng không thấy để lại nhiều giai thoại như Tả Ao.
Nhà địa lý Nguyễn Đức Huyên người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ. Tương truyền khi học xong nghề thầy, ân sư người Tầu thử tài môn đệ trước khi "tốt nghiệp" ông thầy chôn 100 đồng tiền xuống mô hình bãi cát rồi bắt Tả Ao cắm kim vào đúng lỗ mỗi đồng. Tả Ao châm đúng giữa 99 đồng, chỉ có hơi lệch một đồng. Thầy Tầu than: "Thôi nghề của ta từ nay truyền sang nước Nam rồi !"
Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất của Tả Ao là chữa thế đất cho làng Hành Thiện ở Nam Định: thầy đi tới làng Hành Thiện thấy đất làng hình con cá chép bơi ra biển, phù sa mỗi ngày một bồi thêm đất làm làng hưng phát, chỉ hiềm con cá chép không có mắt nên không phát khoa danh. Dân làng nghe thầy nói bèn hậu đãi trà rượu và khẩn khoản xin thầy đặt lại hướng làng. Thầy Tả Ao thấy dân làng tử tế liền chỉ cho làng đào một cái giếng lớn làm mắt cho con cá chép, từ đấy dân làng bắt đầu phát khoa danh, nhất là họ Đặng. Thầy Tả Ao đi xem đất suốt từ Nghệ Tĩnh ra các làng mạc ở khắp miền Bắc và trong gia phả của nhiều gia đình còn ghi lại những công trình địa lý phong thủy của thầy. Nhiều chuyện khôi hài do quần chúng thêm thắt như chuyện thầy Tả Ao thấy dân làng kia rất xấu tính mà lại xin thầy để kiểu đất nào có thể "đè đầu thiên hạ", thầy liền tìm cho làng một kiểu đất khiến dân làng dần dần theo nghề "húi tóc" có thể "đè đầu vít cổ thiên hạ" đúng như ý nguyện !
Tương truyền thầy đang đi chơi ngoài bãi biển thấy sóng gió nổi lên ầm ầm biết là hàm rồng năm trăm năm mới há mồm một lần ở biển Đông, liền chạy về nhà mang cốt mẹ ra định ném xuống hàm rồng, nhưng vì thương tiếc chần chờ nên hàm rồng đóng lại, biển khép êm sóng lặng như trước ! Lúc sắp chết, thầy dặn con cháu khiêng mình ra miếng đất đã định trước là đất địa tiên "nhất khuyển trục quần dương" (một con chó đuổi đàn dê), nhưng không kịp đành dừng lại nửa đường phân kim lựa cho chính mình một miếng đất phúc thần đời đời ăn hương hoa mà thôi.
Xem cách tìm đất của thầy Tả Ao và tập sách Địa Lý Tả Ao để lại, thì thấy đó là khoa phong thủy thời Minh, Thanh, giới hạn vào việc tầm long phân kim tìm huyệt trường, thiên về Hình gia học (đất hình con voi, con cá, lục long tranh châu, phượng hoàng ẩm thủy ... ) và Pháp gia học (âm dương ngũ hành sinh khắc chế hóa) hơn là khoa Nhật gia học (dựa trên tương quan giữa tinh tú và địa phận để đoán thời gian đất kết phát). Hình gia học giản dị dễ hiểu hợp với đầu óc Tầu, Việt.. thiên về trực giác, tưởng tượng. Pháp gia học uyên bác hơn đòi hỏi thông hiểu Dịch lý, không phải nhà Nho nào cũng nắm vững biện chứng bát quái. Nhật gia học dường như rất ít người thông suốt và đây là khoa chiêm tinh tiên đoán thịnh suy cả trăm, cả ngàn năm, mà một số đầu óc cực kỳ thông minh như Gia Cát, Vạn Hạnh, Trạng Trình ... mới rút ra được những tương quan phức tạp toán học, giải được những hàm số giữa thiên thể biến dịch theo đa chu kỳ với địa thế sông núi khí mạch. Ở thời đại chưa có máy tính, chưa có điện toán, tính vận hành của 120 vị sao như số Tử Vi, ứng hợp tùy biến số Nam, Nữ, Năm sinh, Tháng đẻ, Giờ sinh, phương hướng ... có lẽ phải làm tới cả trăm con tính ! không phải ai cũng có thể hiểu được và làm được chính xác (xem phần Trạng Trình).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét