Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Trận chiến khu vực đường 19, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng với sư đoàn Mãnh hổ, Nam Hàn (P.4)

Hướng chủ yếu là Nam đường, hướng phối hợp là Bắc đường 19. Lực lượng chủ yếu là tiểu đoàn 6. Dự bị, cơ động là tiểu đoàn 5. Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị: 

- Tiểu đoàn 6: Đại đội 61, trong đêm N, rạng sáng N2, sau khi lực lượng đặc công tập kích, đánh chiếm chốt Cây Rui của một đại đội Nam Triều Tiên, vào chốt giữ, được chi viện hỏa lực của trung đoàn, chặn cắt giao thông tiếp tế của địch tại đỉnh đèo An Khê. 

Tiểu đoàn 6 thiếu đại đội 61, tổ chức hai chốt giao thông gồm: 

Chốt tại cao điểm 384, do đại đội 62 đảm nhiệm; chốt tại Cống Hang Dơi do đại đội 63 đảm nhiệm. Sở chỉ huy (vị trí chỉ huy) của tiểu đoàn 6 triển khai phía Nam núi Cây Rui, sau đó cơ động xuống phía Nam đường 19 đèo An Khê để chỉ huy trong thời gian cắt đường. 

Đại đội đặc công (sư đoàn tăng cường): Đêm N rạng sáng N2, tập kích đại đội Nam Triều Tiên đóng tại núi Cây Rui, sau đó bàn giao trận địa cho đại đội 61 chốt giữ. Công binh trung đoàn và tiểu đoàn 6, rạng sáng N2 đánh sập Cống Hang Dơi, sau đó làm lực lượng cơ động, cùng đại đội 63 đánh địch phản kích, giữ vững chốt Hang Dơi, cắt đứt vận chuyển tiếp tế của địch qua đèo An Khê. 

- Tiểu đoàn 5 làm lực lượng dự bị, cơ động cùng với các trận địa hỏa lực của trung đoàn, chiếm lĩnh khu vực núi Ông Bình, sẵn sàng phối hợp với tiểu đoàn 6, đánh địch phản kích, giải tỏa đường 19 tại đèo An Khê đến cầu Suối Vối, phía Đông thị trấn An Khê (Gia Lai). 

Đối với trung đoàn 12, đây là lần đầu tiên làm nhiệm vụ đánh giao thông, cắt đường 19 với yêu cầu rất cao: Cắt đứt mọi sự vận chuyển tiếp tế của địch từ vùng đồng bằng lên Tây Nguyên, thời gian dài ngày, trong điều kiện xa sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của sư đoàn. 

Về phía địch: Do vị trí hết sức quan trọng của tuyến đường 19 đối với sự sống còn của các lực lượng đồn trú và hệ thống chính quyền của địch ở vùng cao nguyên; đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã bố trí tại đây (chủ yếu tại đèo An Khê xuống xã Bình Nghi trên trục đường 19) cả một sư đoàn thiện chiến “Mãnh Hổ” và nhiều tiểu đoàn bảo an, bảo vệ. Khi cần chúng có thể tung các trung đoàn chủ lực cơ động lên giải toả. Cuộc chiến đấu ở đây sẽ diễn ra ác liệt giữa lực lượng giữ chốt, cắt đường của bộ đội ta với lính Nam Triều Tiên, từ trên các chốt dọc đường đèo tiến công xuống và từ phía Đông tấn công lên phản kích, giải tỏa. 

Thời điểm trước khi mở màn chiến dịch, thế và lực giữa ta và địch trên khu vực này rõ ràng không cân sức. Tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía địch. 

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ, ngay từ những tháng cuối năm 1971, đầu năm 1972, trung đoàn đã có một thời gian chuẩn bị khá chu đáo. Đến tháng 3 năm 1972, với sự nỗ lực của tất cả các đơn vị, được sự giúp đỡ chỉ đạo của bộ tư lệnh, các cơ quan sư đoàn, trung đoàn 12 đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị. Đặc biệt là tiểu đoàn 6 vừa hoạt động thường xuyên, vừa chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đã động viên toàn bộ chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên nỗ lực cao nhất cho nhiệm vụ chiến đấu sắp tới. Tất cả những nhu cầu về lương thực, đạn dược, khí tài và cả những vật liệu để xây dựng trên trận địa... từ căn cứ xa hàng chục km, vượt qua núi cao, rừng rậm, được đưa đến tuyến tập kết. Không thể nào tính hết được bao nhiêu tấn cơ sở vật chất phục vụ cho chiến đấu của một tiểu đoàn tăng cường, trong thời gian hàng tháng trời. Tất cả được vận chuyển bằng đôi vai và đôi chân của bộ đội. Từ cán bộ tiểu đoàn đến người chiến sĩ; từ lực lượng trực tiếp chiến đấu đến đội ngũ nhân viên chuyên môn và cơ quan, tất cả đều là lực lượng vận tải và sau này, tất cả đều là những “Dũng Sỹ” kiên cường trụ bám trên đường 19... 

Đầu năm 1972, sau Tết nguyên đán, Bộ Chính Trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Trị Thiên - Bắc Kontum và Bình Long; đồng thời các mặt trận trên toàn chiến trường miền Nam ra sức hoạt động phối hợp để “chia lửa” với các chiến trường chính. Mặt trận B3 và vùng đồng bằng Khu 5 bắt đầu hưởng ứng, phối hợp. 

Mở đầu chiến dịch Xuân Hè năm 1972, trên đường quốc lộ số 19, là trận tập kích của đại đội đặc công ta vào chốt Cây Rui. 

Chốt Cây Rui nằm trên một ngọn đồi phía Nam đỉnh đèo An Khê, do một đại đội lính Nam Triều Tiên chốt giữ. Đứng ở cao điểm 638, phía nam núi Cây Rui, có thể quan sát hầu như toàn bộ đèo An Khê, cả phía đông và phía tây. Hệ thống vật cản tại chốt là 4 lớp rào kẽm gai, xen kẽ mìn sát thương bộ binh. Bên trong là công sự kiến cố. Chi viện cho chốt Cây Rui là hệ thống hỏa lực được tổ chức chặt chẽ. Ngoài các trận địa hỏa lực bắn thẳng và cầu vồng trên các chốt thuộc dãy núi Ông Bình và các đồn bót dọc đường đèo, còn có các trận địa pháo ở Đồn Phó, Vĩnh Thạnh, An Xuân tỉnh Bình Định và thị trấn An Khê, tỉnh Gia Lai có thể chi viện bất cứ lúc nào. 

Từ khi sang Việt Nam, trên chiến trường khu 5, lính Nam Triều Tiên đã bị quân ta tiến công không những lúc chúng đi càn quét, và cả khi chúng đóng quân trong căn cứ. Tháng 12 năm 1966, trung đoàn bộ binh 1, thuộc sư đoàn 2 quân khu 5, đã tiêu diệt một tiểu đoàn tăng cường lính Nam Triều Tiên trong công sự vững chắc tại đồi Tranh, xã Quảng Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 10-1-1967 một lực lượng của sư đoàn 2 tiêu diệt tiếp một đại đội lính Nam Triều Tiên tại An Điềm bằng chiến thuật phục kích. Bọn chỉ huy thường tuyên truyền xuyên tạc rằng: Nếu Việt Cộng bắt sẽ bị moi gan, mổ bụng, chặt đầu, nên lính Nam Triều Tiên rất ngoan cố, không để bị bắt sống, lại càng không chịu đầu hàng. Nếu bị bắt sống, chúng sẽ tự tử. Đến nay, lịch sử Việt Nam còn ghi đậm nét tội ác của lính Nam Triều Tiên, dưới thời tổng thống Păk Chung Hy đối với nhân dân ta ở tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và nhiều nơi khác. 

Đêm ngày 9-4 tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu tại đèo An Khê của trung đoàn bộ binh 12 đã triển khai xong kế hoạch. Một tình huống bất ngờ xảy ra: đại đội đặc công tiếp cận chốt Cây Rui bị lộ ngay tại lớp hàng rào kẽm gai đầu tiên, không thực hiện được đánh chốt địch bằng “mật tập”.

Cuộc chiến đấu ác liệt trên đường đèo An Khê bắt đầu tại núi Cây Rui, một bộ phận lính Nam Triều Tiên ra khỏi căn cứ, triển khai giữa các lớp hàng rào, làm công sự bằng bao cát, cố thủ. Ngay từ sáng sớm 10-4, những trận mưa bom, bão đạn đã dội xuống xung quanh núi Cây Rui. Điểm cao 638 rung chuyển.

Từ ngày 10-4 trở đi, trên núi Cây Rui có hai đại đội: đại đội 61 của ta và đại đội lính Nam Triều Tiên. Địch trong chốt, có công sự vững chắc, có hàng rào kẽm gai xen kẽ mìn sát thương bộ binh; Các mỏm đồi đối diện, phía Bắc đường 19 có các chốt có thể chi viện trực tiếp cho chúng ở chốt Cây Rui bằng bộ binh và hỏa lực. Các trận địa pháo ở Đồn Phó, Vĩnh Thạnh, An Xuân kết hợp với hỏa lực hai bên đường đèo, tạo thành lưới lửa ken dày xung quanh chốt Cây Rui.

Đại đội 61 của ta trong đêm 9-4, do tình huống đặc công bị lộ, như đã nói ở trên, công sự chưa hoàn chỉnh; ngay từ ngày đầu tiên đã bị tổn thất bởi đạn pháo và máy bay địch oanh tạc.

Lực lượng trực tiếp tiếp xúc với chốt địch đã phải chiến đấu bằng lựu đạn, tiểu liên. Dưới sự chỉ huy của tham mưu trưởng tiểu đoàn Nguyễn Hữu Thông, đại đội trưởng Nguyễn Hữu Tài và chính trị viên Ninh Văn Xá, đại đội 61 đã bẻ gãy nhiều đợt tiến công của quân Nam Triều Tiên, giữ vững trận địa đến ngày thứ 7. Núi Cây Rui - điểm cao 638, nơi đại đội 61 đang chốt giữ, ngày 9- 4 còn là rừng già, cây cối rậm rạp; sau một ngày chiến đấu ác liệt bom, đạn địch cày xới tan hoang, biến quả đồi thành một màu đỏ quạch. Từ đây, chốt Cây Rui đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca bất diệt, là niềm tự hào của quân và dân tỉnh Bình Định, Quân khu 5 và của trung đoàn bộ binh 12, sư đoàn Sao Vàng. Đã có nhạc sĩ sáng tác bài hát về chốt Cây Rui “Như hình ảnh Ngô Mây đã in vào vách núi... Chiến sỹ Cây Rui vẫn lăn mình trong bão đạn...”.

Địch chưa chiếm lại được chốt Cây Rui của ta thì đường 19 chưa thể thông suốt được. Chốt Cây Rui của ta vẫn hiên ngang đứng đó, như cái gai trước mắt đối với binh lính Nam Triều Tiên. Chúng tập trung mọi cố gắng đánh chiếm.

Các lực lượng “tinh nhuệ” của địch được điều đến thay quân. Chúng căng vải đỏ, ném hỏa mù phân tuyến cho máy bay, pháo binh tiếp tục dội bom, đạn xuống, hết đợt này đến đợt khác. Dứt bom, pháo, bộ binh địch ào ạt xung phong lên chốt của ta. Cuộc chiến đấu càng lúc càng quyết liệt. Địch cố đẩy bật lực lượng của ta ra khỏi chốt; ta quyết bám trụ, đẩy lực lượng của chúng xuống sườn đồi. Hai bên đã diễn ra những trận đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê, bằng súng và tay không.

Có nhiều gương chiến đấu của bộ đội ta vô cùng dũng cảm1. Xung quanh chốt Cây Rui, xác giặc ngổn ngang, song đại đội 61 của ta, quân số cũng vơi đi nhiều...

Các đợt tấn công lên chốt bị thất bại, ngày 23-4 địch đã sử dụng đến vũ khí hoá học. Từ các trận địa pháo, đạn hơi cay của địch đã bao trùm lên trận địa của đại đội 61, bọn Nam Triều Tiên đeo mặt nạ phòng độc lại ào ạt tấn công lên chốt. Tham mưu trưởng Thông, đại đội trưởng Tài lần lượt hy sinh. Phó đại đội trưởng Vũ Xuân Quỳnh lên thay thế. Đến ngày 24-4, đại đội 61 chỉ còn lại quân số bằng một tiểu đội. Vũ Xuân Quỳnh, sau khi đã tiêu diệt được nhiều hỏa điểm của địch đã anh dũng hy sinh. Song, những người còn lại vẫn hiên ngang giữ vững trận địa trong khói lửa mịt mù...

Tại cao điểm 384, ngay từ ngày 10-4, địch đã sử dụng hỏa lực bắn phá dồn dập trong điều kiện đại đội 62 của ta chưa xây dựng được công sự hoàn chỉnh. Sau các đợt bom, pháo, bộ binh địch tấn công lên chốt của ta với cường độ và quy mô ngày càng tăng.

Ngày 18-4, địch đã dùng đến 2 tiểu đoàn, từ phía bắc và phía đông ào ạt tấn công lên cao điểm. Đại đội 62 kiên cường trụ bám, đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, tiểu đoàn phó chính trị Đề, đại đội trưởng Đồng Xuân Soạn và 8 chiến sĩ vẫn không rời trận địa, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng trên cao điểm 384...

Ở chốt thứ ba - Cống Hang Dơi: Cống Hang Dơi nằm gần chân đèo An Khê về phía Đông, thuộc phần đất của tỉnh Bình Định. Xung quanh phía Bắc và Nam có các chốt của địch như Chóp Vung, điểm cao 231, Hòn Kiềng Nam đường 19, các cao điểm thuộc sườn phía Nam dãy núi Ông Bình, khống chế. Phía Đông là ấp Vườn Xoài, và cao điểm 105. Cống Hang Dơi lọt thỏm vào giữa, nằm trong tầm bắn có hiệu quả của các loại hỏa lực của địch. Đại đội 63 đã thiết lập điểm chốt ngay tại Cống Hang Dơi. Đêm 9, rạng sáng 10-4 lực lượng công binh đã đánh sập một phần Cống Hang Dơi. Cũng như cụm chốt Cây Rui và cao điểm 384, sáng 10-4 địch đã tiến hành phản kích, giải tỏa, nhằm khôi phục lại cống đã bị ta đánh sập và đang chốt giữ.

Phối hợp với đại đội 61 ở chốt Cây Rui, đại đội 62 ở cao điểm 384, đại đội 63 và đại đội công binh ở Cống Hang Dơi, dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Nguyễn Việt Trì, chính trị viên Hoàng Sinh Tùng, trung đội trưởng Nhâm Xuân Tải và Nguyễn Đình Tấn... đã đánh lui nhiều đợt phản kích giải tỏa của bộ binh và xe tăng địch từ hướng Đông tấn công lên. Ngay trong ngày đầu tiên bộ đội ta đã diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy 4 xe tăng, xe thiết giáp và một máy bay lên thẳng. 


http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=12011.40;wap2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét