Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Sư đoàn 3 Sao Vàng, quân chủ lực Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên Sư đoàn 3, Quân khu 5 thời đánh Mỹ đã chọn ngày lễ mừng Quốc khánh nước ta làm ngày truyền thống thành lập đơn vị và lấy tên Đoàn Sao Vàng. Đó là nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cuộc chiến tranh lớn đã bắt đầu, khi mà quân Mỹ nhảy vào miền Nam gây nên một cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20 ở Việt Nam. Tình hình đòi hỏi ta phải có lực lượng lớn mạnh để đánh thắng kẻ thù...
Đoàn Sao Vàng được thành lập vào ngày 2-9-1965. Tôi ở Trung đoàn 2 được rút lên sư đoàn làm trợ lý tuyên huấn. Sư đoàn chủ trương mở chiến dịch mùa đông ở trung Bình Định trong một địa bàn kéo dài hơn 50km từ bắc Bồng Sơn vào nam Phù Cát, diệt quân ngụy là chính. Không ngờ Đoàn Sao Vàng đã đụng độ với quân Mỹ sớm đến thế. Sư đoàn thành lập được 10 ngày thì Sư đoàn Không vận số 1 Mỹ mang tên "Sư đoàn Kỵ binh bay" đổ bộ lên Quy Nhơn và sau đó 7 ngày - ngày 18-9-1965 đã diễn ra trận giáp chiến với ta ở thung lũng Thuận Ninh.
Sư đoàn Kỵ binh bay theo đường 19 vận chuyển lên An Khê đóng quân. Còn Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 2 của ta đến trú quân ở thôn Thuận Ninh, xã Bình Tân, huyện Bình Khê ở phía đông đường 19 được 3 ngày, tập luyện trên những ngọn đồi anh em đặt tên là đồi "Thao trường", đồi "Đại liên" để chuẩn bị bước vào chiến dịch Đông.
Máy bay trinh sát điện tử của địch phát hiện có Việt cộng xâm nhập thung lũng Thuận Ninh. Kennard, viên tướng 2 sao chỉ huy Sư đoàn Kỵ binh bay rất lo ngại về cuộc vận chuyển. Tên trung tá, trưởng phòng tình báo báo cáo với Kennard ở Thuận Ninh chỉ có một lực lượng nhỏ, chỉ cần dăm trăm quân cũng đủ để cất vó. Kennard quyết định đánh đòn bất ngờ, áp đảo hoàn toàn đối phương, gây thanh thế ngay trong những ngày đầu Sư đoàn Kỵ binh bay đặt chân lên đất An Khê và Việt Nam. Tuy vậy, để đảm bảo chắc thắng, y cho tăng lực lượng lên gấp 4-5 lần. Trung tá Smith được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc hành quân với 2.000 lính dù, 60 trực thăng và khẳng định phải đánh thắng.
Trời còn mù sương đã có hai chiếc L19 bay đến lượn vòng. Đã có kinh nghiệm nên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Lương Văn Thư cho bộ đội giúp đỡ nhân dân xuống hết hầm trú ẩn và vào vị trí chiến đấu. Đúng như dự đoán, sau khi hai chiếc L19 bắn đạn khói chỉ điểm, hàng chục chiếc phản lực nối đuôi nhau bay tới trút bom xuống thung lũng Thuận Ninh. Tiếp đó, từng bầy trực thăng bay đến bắn rốc-két, liên thanh xuống các lùm cây, mô đất. Thung lũng Thuận Ninh chìm trong khói, lửa, đất bụi mù mịt. Đợt đầu, địch cho 45 trực thăng chở đầy lính tới đổ quân. Địch dàn hàng ngang và tiến vào làng. Khi chúng vào gần, chiến sĩ ta mới biết là lính Mỹ.
Đợi chúng vào đúng tầm, quân ta mới đồng loạt bất ngờ nổ súng. Lính Mỹ ngã rạp, chết hàng loạt. Số còn sống hốt hoảng tìm các mô đất ẩn nấp. Tiếng súng nổ vang khắp thung lũng. Không vào được làng, địch tiếp tục đổ quân đánh chiếm các ngọn đồi. Nhưng Tiểu đoàn trưởng Lương Văn Thư đã nhanh hơn địch một bước, kịp thời lệnh cho Đại đội trưởng Thục dẫn một cánh quân của Đại đội 1 chiếm đồi "Thao trường" và Đại đội phó Quang dẫn một trung đội của đại đội mình đánh chiếm đồi "Đại liên".
Chờ địch lên gần tới đỉnh đồi ta mới nổ súng đồng loạt, hô xung phong vang dậy, xông lên đánh giáp lá cà. Bị đánh phủ đầu, tan nát đội hình, địch co cụm chống cự và rải bom bi. Ta càng bám sát địch truy kích, dồn chúng vào rừng gai quýt dày đặc để tiêu diệt. Tên chỉ huy đại đội của chúng bị tiêu diệt tại chỗ. Chiến sĩ đại đội 1 ở đồi Thao trường tạm thời rút xuống mương nước tránh bom bi. Địch cho đổ quân đánh chiếm đồi Thao trường. Giữa lúc chúng đang lộn xộn, chính trị viên Nguyễn Bốn dẫn đại đội 1 rời mương nước đánh thốc tới. Tiểu đội trưởng Bông dùng trung liên quật ngã 10 tên địch. Chiến sĩ Phạm Hiền diệt 15 tên. Chiến sĩ Vũ Văn Để bắn 7 phát diệt 7 tên. Hai xạ thủ trung liên Tam và Bình bắn rơi tại chỗ 3 trực thăng. Xác giặc và trực thăng ngổn ngang trên đồi. Một trung đội địch hoảng sợ dồn vào đoạn hầm ở đỉnh đồi cố thủ. Tiểu đội trưởng Nguyễn Ba dẫn một mũi đánh vào sườn đoạn hầm. Địch ném lựu đạn ra tới tấp. Ta nhặt lựu đạn ném trả và xông vào tấn công quyết liệt. Cả trung đội Mỹ chết chồng lên nhau trong đoạn hầm.
Tiếng súng nổ vang khắp thung lũng Thuận Ninh suốt ngày hôm đó. Trước thất bại nặng nề, Kennard cho tăng viện 50 trực thăng đổ quân xuống Thuận Phong cách Thuận Ninh hơn 2km hòng kéo giãn đội hình của ta, giải vây cho Thuận Ninh.
Nhưng ta đang làm chủ chiến trường. Tiểu đoàn trưởng Thư cho bộ đội xuất kích nhỏ diệt địch. Đường dây điện thoại từ tiểu đoàn xuống đại đội bị đứt. Trên đường đi truyền đạt mệnh lệnh của tiểu đoàn, chiến sĩ Lê Thưa bắn rơi tại chỗ một máy bay.
Thiệt hại quá lớn, đến chiều, tên trung tá Smith chỉ huy cuộc hành quân đành báo cáo với Kennard là đã "hoàn tất cuộc tảo thanh" và xin lệnh rút. Ta cũng thu dọn chiến trường và di chuyển quân.
Suốt đêm hôm đó, địch dùng máy bay C130 thả đèn dù, bắn đại liên loạn xạ, yểm trợ trực thăng nhặt xác và đưa hơn 200 lính Mỹ bị tiêu diệt về phía sau. 14 máy bay bị bắn rơi tại chỗ, 40 chiếc khác bị trúng đạn. Tên trung tá, trưởng phòng tình báo bị cách chức. Tên Smith chỉ huy cuộc hành quân bị gọi về Sài Gòn khiển trách. Hắn đổ lỗi cho tình báo không phát hiện đúng nơi đổ quân, nên đã rơi vào tổ ong vò vẽ là nơi đóng quân của Việt cộng. Hắn cũng thú nhận: "Quân giải phóng và du kích đánh rất giỏi, tổ chức tốt, rất có kỹ thuật".
Ngay sau trận Thuận Ninh, Đoàn Sao Vàng bắt tay ngay vào chiến dịch Đông ở miền Trung tỉnh Bình Định trong một địa bàn kéo dài hơn 50km từ bắc Bồng Sơn đến nam huyện Phù Cát, tiêu diệt cùng một lúc hai đồn lính bảo an chốt giữ đèo Phù Cũ và cầu Phù Ly trong đêm 22 rạng ngày 23-9 là hai vị trí quan trọng trên đường số 1.
Bốn quận lỵ Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ bỗng chốc bị chia cắt, cô lập, khiến bọn chỉ huy quân khu 2 ngụy quân hốt hoảng thúc giục Sư đoàn 22 lính cộng hòa ứng cứu ngay trong ngày 23-9.
Ở đèo Phù Cũ, ta chặn đánh tan tác 2 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn xe M.113 đến phản kích giải vây, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy 7 xe M113, buộc chúng phải rút lui về vị trí xuất phát.
Đặc biệt, sáng 28-9, bọn chỉ huy Quân khu 2 tung lực lượng dự bị của quân khu - Tiểu đoàn "Cọp đen" là đứa con cưng thiện chiến, khét tiếng gan lỳ và gian ác vào cuộc. Tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Cọp đen cho đánh chiếm ấp Diên Khánh làm bàn đạp để giải tỏa đèo Phù Cũ. Tiểu đoàn 6, trung đoàn 12 của ta được lệnh để ngỏ cửa cho địch vào ấp Diên Khánh, rồi từ ven đồi cấp tốc rùng rùng tràn xuống, vây chặt tứ phía, khiến máy bay địch không kịp bắn hỏa mù phân tuyến. Một mặt, ta cho một lực lượng mạnh đánh thẳng vào ấp, chia thành nhiều mũi chia cắt địch ra tiêu diệt, tiêu diệt tại chỗ tên tiểu đoàn trưởng. Suốt 6 tiếng đồng hồ chiến đấu vô cùng ngoan cường, đến 14 giờ, ta xóa sổ hoàn toàn Tiểu đoàn "Cọp đen" và một đại đội lính cộng hòa khác.
Suốt thời gian 4 ngày đó, ở cầu Phù Ly, tất cả các đợt phản kích của địch đều bị ta đánh bại, tiêu diệt 4 đại đội lính cộng hòa.
Ngày 1-10, địch rút bỏ hàng loạt vị trí dọc đường số 1 như căn cứ Đệ Đức, đồi Thánh Giá, Tân Ốc, Bình Dương, Chóp Vung, Núi Nùng, Chợ Gồm… Nội bộ bọn chỉ huy tỉnh Bình Định và vùng chiến thuật 2 mâu thuẫn, tranh cãi nhau gay gắt. Con đường 1 bị chặt đứt từng khúc, không còn lực lượng quân ngụy để đủ sức giải tỏa. Con đường 19 bị uy hiếp. Kennard buộc phải cho Kỵ binh bay xuất kích ứng cứu quân ngụy. Hắn nghi phần lớn lực lượng Đoàn Sao Vàng đứng chân ở thung lũng Hội Sơn ở phía tây bắc huyện Phù Cát.
Kennard cho tổ chức một cuộc hành quân hỗn hợp Mỹ-ngụy quy mô lớn mang tên "Lưỡi lê sáng ngời", gồm 6000 lính Kỵ binh bay, 170 trực thăng chở quân, 10 tiểu đoàn lính ngụy, trong đó có 6 tiểu đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của Sài Gòn đưa ra, để từ trên trời quân Mỹ chụp nơm xuống, từ mặt đất quân ngụy bủa lưới vây quanh, tiêu diệt Đoàn Sao Vàng.
Nhưng trớ trêu thay, chúng đã đánh vào vùng trống. Ngay trong ngày đầu, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 cùng bộ đội huyện, du kích xã, lúc ẩn lúc hiện đánh nhỏ lẻ, rút nhanh, bắn rơi một L19 và 4 trực thăng. 33 tên Mỹ chết vì mìn, bị bắn tỉa và đạn cối. Đặc biệt là cuộc hành quân ở suối La Tinh, đêm 12-10, một đại đội lính Kỵ binh bay bị Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 tập kích tiêu diệt gọn.
Suốt 4 ngày hành quân không đánh được trận nào, biết đã bị hẫng, Kennard cho rút quân. Đài BBC bình luận: "Nước mắt quân đội Mỹ chảy từ suối La Tinh về tòa Bạch ốc". Còn phóng viên AFP đi theo trận này thừa nhận: "Cuộc hành quân ở suối La Tinh chứng tỏ du kích Việt cộng cơ động hơn nhiều so với lính Mỹ thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay do ông Bộ trưởng Quốc phòng McNamara lập ra".
Như vậy là trong vòng một tháng đầu tiên đặt chân lên đất Việt Nam, Sư đoàn Kỵ binh bay đã bị tiêu diệt 433 lính, 17 trực thăng bị bắn rơi, 63 chiếc khác bị trúng đạn, số lính bị thương không biết bao nhiêu…
Đoàn Sao Vàng đánh Mỹ thực sự vào mùa khô năm 1965-1966, bắt đầu từ cuối tháng 1-1966. Mùa khô thứ nhất này, số quân Mỹ và chư hầu Nam Triều Tiên ở miền Nam đã lên tới 20 vạn. Westmolen, tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam quyết định phản công chiến lược, mở chiến dịch "5 mũi tên". Hai mũi tên ở đông bắc Sài Gòn và Củ Chi. 3 mũi tên ở Quân khu 5: Quảng Ngãi, Phú Yên, bắc Bình Định và Bình Định là mũi tên lớn nhất. Sư đoàn Sao Vàng sẽ đương đầu với 3 cuộc hành quân "Cái chày", "Cánh trắng", "Ngựa đen" của quân Mỹ.
Một đêm đầu tháng 2-1966, sắp đến Tết ta, tôi và mấy anh bạn thân đang nằm trên võng, sưởi ấm bên đám lửa cháy liu riu, bỗng Sư đoàn trưởng Giáp Văn Cương xuất hiện, gặp riêng tôi và hỏi: "Biết cậu đang làm tuyên huấn, nhưng nếu giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy một trận chiến đấu pháo binh, có nhận không?". Tôi trả lời: "Anh đã tin tưởng, thì em sẵn sàng". Ông vui vẻ nói rõ: "Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ sẽ xuất quân 2 lữ đoàn, giữ lại một lữ đoàn ở hậu cứ làm đội dự bị chiến dịch Anh Ba Đôn (Tức Tư lệnh Quân khu 5 Nguyễn Đôn) chỉ thị phải đánh địch ở phía trước và đánh cả vào hậu cứ của chúng. Thời gian gấp lắm rồi. Không thể khiêng cối 106mm lên kịp. Cậu sẽ chỉ huy một cụm súng cối 82mm pháo kích vào sân bay Tân Tạo nhé". Ông cẩn thận dặn thêm tôi: "Đi ngay sáng mai! Lên Bộ chỉ huy Quân sự Gia Lai, gặp anh Châu Khải Địch, Trưởng phòng Đặc công Quân khu, chỉ huy chung trận đánh sẽ hiểu rõ cụ thể nhiệm vụ".
Trận này, tôi được giao nhiệm vụ pháo kích bãi đỗ trực thăng, phối hợp với Tiểu đoàn Đặc công 407 do anh Tú, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đánh lính Kỵ binh bay (anh Tú sau này đã có thời gian làm chuyên gia ở Cu-ba và làm Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công). Lần đầu tiên tôi được chỉ huy một cụm súng cối 8 khẩu và bắn những 320 viên đạn.
Ngày đầu tiên đi chuẩn bị chiến trường, chúng tôi gặp biệt kích địch rải truyền đơn dọc con suối. May mà kịp tránh, không bị lộ. Chúng tôi bám theo chúng trên đường trở về. Trên một ngọn đồi ở phía nam, chúng tôi quan sát rõ mồn một toàn cảnh hậu cứ của địch. Máy bay trực thăng đậu san sát như một đám chuồn chuồn lớn. Nhà dù đủ màu trắng, đỏ, vàng căng trên một vùng rộng bao la. Đèn điện như những ánh sao sáng rực khác nào một thị trấn nhỏ. Sở chỉ huy và quân lính ở sâu bên trong, cách hàng rào thứ nhất hơn 2km, ngoài tầm bắn pháo mang vác của ta.
Thâm nhập vào căn cứ địch là một việc vô cùng khó khăn. Nhưng thật may, trước tình hình tưởng chừng bế tắc, chúng tôi gặp được Nhon Chiu, một trung đội trưởng du kích là người địa phương, thuộc địa hình như lòng bàn tay. Sẵn lòng căm thù và rất dũng cảm, Nhon Chiu dẫn đặc công đi theo con suối cạn chạy dọc theo hẻm hai quả đồi là nơi địch sơ hở không bố trí quân.
Đặc công ta đã lên được đỉnh Hòn Cong và sờ được khẩu đại liên của địch. Đây là một niềm phấn khởi vô hạn. Vậy là, quân khu quyết định đánh!
Suốt tám đêm liền thức trắng, tôi huấn luyện anh em mới ở miền Bắc vào, thuần thục động tác bắn 3 tầm, 3 hướng trong ban đêm. Ban đêm rọi đèn pin kiểm tra, ban ngày thục luyện, động tác thao tác máy ngắm của pháo thủ nhuần nhuyễn đạt đến mức tối đa.
Một may mắn khác là ngày ấy theo thông lệ, Mặt trận Giải phóng tuyên bố thời gian ngừng bắn trong dịp Tết và thực hiện rất nghiêm chỉnh. Địch rất tin và thường say sưa ăn Tết, có phần lơ là cảnh giác. Vì vậy, ta quyết định chụp đầu đánh ngay, sau ngày hết hạn tuyên bố ngừng bắn, phối hợp với Đoàn Sao Vàng đang giao chiến với Sư đoàn Không vận số 1 ở bắc Bình Định.
Đêm hôm đó, đặc công tiềm nhập thuận lợi. Đến 22 giờ, tôi mới cho dàn trận. 8 khẩu cối đặt cách bờ rào thứ nhất của địch vài chục mét, mỗi khẩu cách nhau chừng mười, mười lăm mét trên một hàng ngang 80m. Đạn, ngòi nổ, liều thuốc đều đã chuẩn bị sẵn.
Qua 24 giờ vài phút, bỗng một ánh chớp lóe lên trên đỉnh Hòn Cong. Tôi hô to: "Bắn!". Tôi bàng hoàng trước những tiếng tum, tum của đạn thoát nòng liên hồi, những đường lửa không ngớt vạch cầu vồng trên bầu trời, những tiếng nổ ùng oàng không dứt của đạn rơi vào những đám cháy bùng lên trong bãi đỗ trực thăng. Tiếng súng, thủ pháo của đặc công nổ giòn vang dậy trên đỉnh Hòn Cong và trong tung thâm phòng ngự của địch.
Với mỗi khẩu cối đều bắn 3 tầm và 3 hướng sang trái, sang phải, 320 viên đạn cối của ta đã rải đều và chụp lên bãi đỗ trực thăng của địch. Chỉ trong 10 phút là bắn xong. Tôi lập tức cho rút quân. Cũng chừng mươi phút sau, các pháo cỡ lớn của địch cũng trút đạn dồn dập vào khu vực sau lưng trận địa pháo của tôi. Nhưng tôi không rút lui theo hướng đột nhập từ tiền duyên và lui quân dọc theo bờ rào đi về phía nam, nên đơn vị không một ai bị thương vong. Khác với những trận chiến đấu trước, sau trận này, bầu trời im ắng, thanh bình suốt cả ngày. Cho đến chiều gần tối mới thấy hai trực thăng bay lượn quan sát. Tôi bị một trận sốt rét "thập tử nhất sinh", tưởng không qua được, phải đưa vào bệnh xá, chỉ kịp điện về báo cáo sư đoàn: Sân bay có nhiều đám cháy bốc cao.
Về đơn vị đặc công, có mấy mẩu chuyện thật xúc động, suốt đời tôi không quên. Mũi đặc công đánh trên đỉnh Hòn Cong tiêu diệt hoàn toàn trung đội địch, phá hủy trung tâm thông tin chỉ huy bay, được lệnh trụ lại, đánh bồi địch một cú nữa, chúng càng khiếp đảm. Cả tổ nấp ở một hang đá nhỏ, không may bị trực thăng quan sát đổ quân chiếm lại bắn vu vơ, đều bị thương. Biết không sống được và không thể trở về, anh em đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều lính Mỹ và tất cả đều hy sinh.
Do đánh vào quá sâu trong tung thâm, bị lạc hướng, có anh em không ra kịp khi trời đã sáng. Một chiến sĩ ta bị thương nặng (tôi không nhớ tên) đã nấp kín dưới một hố nhỏ rậm rịt, địch không phát hiện được. Anh kể lại: Mũi trưởng Lý chiếm lĩnh một đỉnh đồi, gom hết vũ khí, lựu đạn thu được của địch, chuẩn bị chiến đấu. Một trung đội lính Mỹ lùng sục kéo lên. Đợi địch đến gần, Lý quét tiểu liên ngã gục nhiều tên. Lý di chuyển qua lại đánh trả quyết liệt, tiêu diệt những tổ lính Mỹ và anh đã trúng đạn hy sinh. Lính Mỹ tưởng ta có nhiều người, xông lên bắt sống, nhưng chỉ thấy có một mình trung đội trưởng Lý. Chúng nó lấy một tấm vải dù đỏ đắp lên mình anh. Và có những tên Mỹ bỗng dưng đứng nghiêm giơ tay chào. Có lẽ chỉ những chiến đấu viên trên chiến trường mới hiểu rõ và vô cùng cảm phục tinh thần dũng cảm của người lính.
Còn người chiến sĩ bị thương, đêm đó đã bò ra khỏi hàng rào của địch và suốt 5 đêm ngày liếm sương, ẩn nấp, nhắm hướng tây bò lết. Đến ngày thứ 5, anh kiệt sức, bất tỉnh, may mắn được đồng bào nhìn thấy khiêng vào bệnh xá và được cứu sống. Anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện của mũi trưởng Lý, khiến tôi rưng rưng nước mắt.
Hơn 20 ngày sau trận đánh sân bay Tân Tạo và hậu cứ Sư đoàn Kỵ binh bay, tôi mới về lại sở chỉ huy của sư đoàn. Một buổi trưa, có liên lạc cho gọi tôi sang gặp Tư lệnh Sư đoàn. Tôi hơi lo lắng không biết việc gì sẽ xảy ra. Không ngờ lại được Sư trưởng Giáp Văn Cương và Chính ủy Sư đoàn Đặng Hòa mời ăn cơm trưa. Sư đoàn trưởng Giáp Văn Cương biểu dương tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và cho biết theo tin cơ sở bên trong ta báo, thì đơn vị tôi đã bắn cháy và phá hủy 97 trực thăng, Tiểu đoàn Đặc công 407 diệt 500 lính Kỵ binh bay, làm tê liệt hoạt động của lữ đoàn dự bị ở hậu cứ của địch.
Tiếp đó, một niềm vui khác lại đến với tôi. Tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba về thành tích trận đánh này.
Ở phía trước, Đoàn Sao Vàng giáp chiến với 2 vạn quân Mỹ và Nam Triều Tiên, 500 máy bay, hàng chục tiểu đoàn thiết giáp, pháo binh trong 3 cuộc hành quân "Cái chày" ở huyện Hoài Nhơn, "Cánh trắng" ở huyện An Lão, "Ngựa đen" ở huyện Hoài Ân, đã tiêu diệt 7.480 tên địch, trong đó có gần 4000 tên Mỹ, 330 lính Nam Triều Tiên, bắn rơi, phá hủy 187 máy bay, bắn cháy 29 xe quân sự, 6 khẩu pháo 105, 155mm. Nếu tính cả lực lượng địa phương, con số địch bị tiêu diệt lên tới ngót một vạn tên, 336 máy bay bị bắn rơi và phá hủy.
Bình luận về chiến thắng của quân dân bắc Bình Định ngày ấy, Báo Quân đội nhân dân viết: "Chiến thắng vang dội ở bắc Bình Định là trận chống càn lớn nhất, và cũng là trận tiêu diệt nhiều quân Mỹ nhất, bắn rơi nhiều máy bay nhất từ trước tới nay. Ta không chỉ đánh từng trận, từng đợt, từng đơn vị lẻ tẻ, rời rạc mà đã đánh theo chiến dịch quy mô toàn diện, liên tục, không chỉ đánh từng trung đoàn mà có trận đánh với quy mô sư đoàn… Ta không chỉ có đánh phía trước mà đánh cả phía sau hậu cứ an toàn của chúng…".
Như chúng ta đã biết, Sư đoàn Kỵ binh bay có hơn một vạn quân, 455 máy bay. Mỗi đại đội có 180 lính được trang bị tiểu liên cực nhanh AR 15 và súng cối cá nhân M79. Đây là đơn vị hiện đại bậc nhất, có sức cơ động nhanh nhất, có cả trực thăng cần cẩu để cẩu pháo 105mm bay trên bầu trời cùng hành quân với lính Kỵ binh bay. Kennard, viên tướng hai sao chỉ huy Sư đoàn Kỵ binh bay trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã từng tham gia quân đồng minh Anh-Mỹ đổ bộ lên bờ biển Noóc-măng-đi của Pháp (3-6-1944) và được phong quân hàm đại tá lúc 24 tuổi. Thế nhưng, trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất 1965-1966, với ba cuộc hành quân "Cái chày", "Cánh trắng", "Ngựa đen" thất bại, Kennard "đã để mất một phần ba quân số và 75% trực thăng được trang bị" nên đã bị cách chức.
Ngày xưa, ngựa quân Nguyên Mông đã từng tung hoành ở một số nước tận trời Âu nhưng đã quỵ gối ngã gục trên đất nước ta. Ngày nay, Kỵ binh bay của quân đội Mỹ cũng đã gãy cánh ở Việt Nam.
Chiến thắng của quân dân ta nói chung và Đoàn Sao Vàng nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã để lại cho chúng ta hôm nay và mai sau một bài học lớn vẫn giữ nguyên giá trị thời sự và ý nghĩa thực hiện của nó, đó là: Dám đánh, biết đánh và sẽ chiến thắng bất cứ kẻ thù nào.
Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét