Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Làm giấy từ lá cây của học sinh Việt Nam

 

Giấy làm từ lá cây

TTH - Đó là sản phẩm của cô học trò nghèo Đặng Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Tam Giang (Phong Điền).

Tôi gặp Ánh khi em vừa đi học về và thực sự ấn tượng với vẻ bề ngoài thông minh, hoạt bát hiếm thấy ở một học sinh thôn quê. Khi được hỏi về sản phẩm của mình em rất vui và nhiệt tình chia sẻ.




Ngọc Ánh (giữa) và sản phẩm giấy xanh

Sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng ngay từ nhỏ em là một học sinh thông minh, học giỏi. Cô bé luôn đam mê sáng tạo với thế giới xung quanh, từ khi học THCS em đã tham gia nhiều cuộc thi sáng tạo và đạt giải cao như: “Sáng tạo học trò” với sản phẩm con trâu làm bằng ống tre hay “Thiết kế cặp sách” do Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức.

Quy trình chế tạo giấy gồm 6 bước:

Bước 1: Thu gom lá chuối, lá khô, xử lý thân tre.

Bước 2: Ngâm lá và thân tre vào nước vôi trong Ca(OH)2 khoảng 12-14 tiếng.

Bước 3: Lá tươi được vớt để riêng, tách lá khô và thân tre thành 2 nồi nấu cho rã hẳn.

Bước 4: Vớt ra, xả sạch với oxy già 50%, xay hỗn hợp lá tươi + lá khô + thân tre thành bột mịn rồi trộn với hồ dán giấy.

Bước 5: Tiến hành làm giấy, có thể làm theo 2 cách: Cách thứ nhất là Floating-đổ hỗn hợp bột + hồ vào khuôn sâu (đặt trong nước) rồi đánh cho thật đều hoặc cách thứ hai là Deeping-đổ hỗn hợp bột+hồ vào chậu nước và đánh đều, tiếp đến dùng khuôn vớt lên đặt trên tấm vải (22cmx30cm), đặt vải và giấy ướt lần lượt cách đều vào khuôn sau đó ép lại.

Bước 6: Phơi khô, tạo ra giấy.

Ý tưởng sản xuất giấy từ lá cây bắt nguồn từ những hình ảnh rất đời thường, “hàng ngày cô lao công dọn dẹp vệ sinh với số lượng rác rất nhiều, chủ yếu là lá cây nhưng không sử dụng để tái chế mà đem đốt gây ô nhiễm môi trường. Từ đó em nảy sinh ý tưởng biến lá cây khô thành giấy”- Ngọc Ánh chia sẻ. 
 
Để biến ý tưởng của mình thành hiện thực, Ngọc Ánh không ngừng tìm tòi học hỏi để tìm phương pháp tạo ra giấy vừa có công dụng trong thực tiễn vừa bảo vệ môi trường. Với kiến thức hoá học, sinh học được học ở trường, em đã dùng máy xay sinh tố để xay lá chuối tươi cùng lá khô thành hỗn hợp rồi ngâm với nước vôi trong; sau đó trộn với hồ dán giấy trước khi đổ vào một cái khuôn nhằm tạo ra sản phẩm. Trong khi sản phẩm chưa được tạo ra bởi phải mất nhiều công đoạn và thiếu trang thiết bị thì chiếc máy xay sinh tố mà bố em đầu tư một khoản tiền để mua đã hỏng. Không chấp nhận thất bại, thông qua một chương trình trên ti vi, em liên lạc với thầy Lê Hải Bằng (giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế), được sự giúp đỡ của thầy, sau một thời gian tìm hiểu em đã tìm quy trình sản xuất giấy bài bản gồm 6 bước: sử dụng nguyên liệu là từ lá chuối tươi (30%), lá khô (30%), thân tre (38%) và các phụ gia khác như hồ dán giấy và nước vôi trong (2%). Giấy được tạo ra không chỉ mang tính thẩm mỹ, màu sắc đẹp và độ bền cao mà còn thân thiện với môi trường. Trong khi sản xuất giấy hiện đại lấy nguyên liệu từ các loài thân gỗ và sử dụng nhiều hoá chất, chi phí sản xuất cao thì sản phẩm của Ngọc Ánh được làm từ chất liệu đơn giản (lấy lá thay cho gỗ) và không sử dụng nhiều chất hoá học. Đồng thời, với loại giấy được làm từ chất liệu mới này sẽ có nhiều công năng như: dán tường, gói quà, tạo hình nghệ thuật, viết thư… Đặc biệt, đây là loại giấy hút ẩm lớn, có khả năng tự phân huỷ cao nên có thể dùng để hút ẩm trong các linh kiện điện tử.
 
Nói về sản phẩm của Ngọc Ánh, thầy Hoàng Đức Diễn, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Giang đánh giá: “Ngọc Ánh là một học sinh đầy sáng tạo, đam mê và kiên trì với ý tưởng của mình. Sản phẩm giấy xanh là ý tưởng được đánh giá cao và em đã trở thành gương mặt sáng tạo trẻ tuổi nhất của chương trình Gara bí mật do VTV6 thực hiện”.
 
Lê Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét