Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Vũ khí siêu vượt âm Nga đi sau nhưng về trước Mỹ?

(Quốc phòng) - Nga đang âm thầm phát triển một tên lửa siêu vượt âm và sẽ thử nghiệm vào mùa hè năm nay.

Mặc dù các phương tiện truyền thông Nga từng cho biết, dự án phát triển tên lửa siêu vượt âm của nước này đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga đã tiết lộ rằng, thời điểm thực hiện các vụ phóng thử thực sự đầu tiên của tên lửa siêu vượt âm tương lai, có khả năng đạt tốc độ đến Mach 5 (gần 5.800 km/h) đã được ấn định.

Theo thời báo Izvestia của Nga, các vụ thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm đã được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 7 hoặc tháng 8/2013 và được tiến hành tại trường thử ở Akhtubinsk, tỉnh Astrakhan.

Dự án chế tạo tên lửa siêu vượt âm được phát triển hoàn toàn trong bí mật nên người ta không biết gì về mật danh, các nhiệm vụ, các tính năng chiến - kỹ thuật của nó.

Trong năm 2012, các vụ thử đầu tiên của tên lửa siêu vượt âm đã diễn ra ở trường thử tại Akhtubinsk, nhưng không được coi là thử nghiệm đầy đủ.
aa
Tên lửa siêu vượt âm MKB Raduga của Liên Xô.
Trong vụ thử nghiệm đầu tiên đó, tên lửa đã tách khỏi giá treo trên máy bay, động cơ đẩy được khởi động giúp tên lửa bay được vài km ở tốc độ cận âm và sau đó tiếp đất.

Mục tiêu của các lần phóng thử nghiệm sơ bộ là kiểm tra khả năng điều khiển của tên lửa trong khi bay và sự phối hợp của nó với hệ thống phóng và thiết bị trên khoang máy bay mang.

Theo kế hoạch, trong các vụ thử nghiệm mới, sẽ diễn ra vào tháng 7- 8 tới, tên lửa sẽ được thử nghiệm đầy đủ, gồm thực hiện các chuyến bay dài hơn ở tốc độ bay siêu vượt âm, còn động cơ sẽ hoạt động ở vài chế độ.

Sự phát triển của tên lửa siêu vượt âm đã được Liên Xô phát triển ráo riết từ thập kỷ những năm 1970, nhưng thực tế tới năm 1990, chương trình đã bị hủy bỏ hoàn toàn. Ví dụ, Liên hiệp NPO Mashinostroenia đã chế tạo tên lửa Meteorit, sau đó bắt đầu dự án 4202. Viện thiết kế MKB Raduga trong thập kỷ 1980 đã bắt đầu dự án GELA Kh-90. Trong thập kỷ 1970, trên cơ sở tên lửa của hệ thống tên lửa phòng không S-200 đã chế tạo tên lửa Kholod và tên lửa này đã đạt tốc độ bay 6.000 km/h.

Hiện nay, NPO Mashinostroenia tham gia cùng Ấn Độ phát triển tên lửa hành trình siêu vượt âm BrahMos, có khả năng đạt tốc độ Mach 5. Ngoài ra, Tập đoàn tên lửa chiến thuật (KTRV) của Nga cũng đang phát triển một tên lửa có khả năng đạt tốc độ nhanh hơn 12-13 lần tốc độ âm thanh.

Tháng 9/2012, Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin đã tuyên bố rằng, Nga đang dự định chế tạo một siêu tập đoàn để phát triển các công nghệ siêu vượt âm. Dự kiến, tập đoàn này sẽ bao gồm cả KTRV và NPO Mashinostroenia.

Hypersonic Weapons: Mỹ gọi, Nga trả lời!

Trong khi người Mỹ đang tích cực phát triển nhiều dự án vũ khí siêu vượt âm của họ, và thường phô trương công nghệ trước toàn thế giới, điển hình là loại phương tiện bay siêu vượt âm X-51 Raider, có tốc độ lớn hơn Mach 5. Trong 3 năm qua, Không quân Mỹ đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm trên dự án vũ khí tấn công toàn cầu của họ. Nhưng may mắn thay, loại vũ khí của Mỹ mà Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin luôn nhắc đi nhắc lại rằng, nó sẽ là mối đe dọa lớn tới an ninh nước Nga vẫn chưa thể thành công chọn vẹn sau hàng loạt các cuộc thử nghiệm tốn tiền.
â
X-51 hay tên lửa siêu vượt âm của Nga sẽ về đích trước?
Ông Rogozin từng nhiều lần kêu gọi, yêu cầu Nga phải phát triển vũ khí siêu vượt âm của riêng mình để có thể bắt kịp người Mỹ. Tuy nhiên, các dự án quân sự "hầm hố" ở Nga thường xuất hiện nhiều thông tin nhiễu loạn, phát triển, sau đó hủy bỏ, nhưng thực tế khó có thể biết được người ta có hủy bỏ thật hay là âm thầm phát triển và bất ngờ tung ra khi thử nghiệm làm cả thế giới choáng váng. Điển hình chính là dự án vũ khí siêu vượt âm Mach 5 đang nằm trong vòng bí mật mà chỉ có một vài quan chức cấp cao của Quân đội Nga được biêt.

Việc giữ kín bí mật về tất cả thông tin của loại siêu vũ khí mới, ngoại trừ tốc độ siêu vượt âm Mach 5 của Nga đã đủ để làm người Mỹ phải cẩn trọng hơn trong các kế hoạch triển khai quân sự của họ nhằm vào đất nước họ. Người Nga vẫn tích cực làm việc trong những dự án phát triển vũ khí "siêu bí mật" hơn là sự phô trương ở các dự án tương tự của phương Tây.

Vai trò của tên lửa siêu vượt âm mới sẽ là một vũ khí chiến thuật, chiến dịch hay chiến lược, được dùng để chống tàu, tấn công mặt đất hay trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường của cũng chưa thể xác định được. Nhưng có thể, đây chính là một thứ vũ khí siêu lợi hại mà người Nga phát triển để có thể tấn công trong tích tắc các thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ đang được hình thành xung quanh nước Nga.

Các chuyên gia quân sự cũng đều thống nhất rằng, chắc chắn siêu tên lửa mới sẽ đóng một vai trò rất quan trọng với nước Nga. Nó sẽ là một công cụ tạo ra những ảnh hưởng lớn về mặt chính trị của Moscow với toàn thế giới, đồng thời cũng là một tín hiệu gửi tới Mỹ rằng, mặc dù Liên Xô đã sụp đổ, nhưng sức mạnh quân sự nước Nga vẫn luôn sát cánh, ngang vai với người Mỹ để có thể tạo ra một thế giới không cực.

Nếu như phát triển thành công tên lửa siêu vượt âm, Nga cũng hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ động cơ đẩy hypersonic của nó để sử dụng cho những nhiều dự án phát triển phương tiện quân sự và dân sự khác của họ, ví dụ như máy bay chở khách.
* Hypersonic Weapons: Vũ khí siêu vượt âm.
  • Thái Vy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét