Dùng thẻ tín dụng, nơm nớp lo mất tiền
Không chỉ ăn cắp thông tin, tội phạm còn làm giả thẻ tín dụng để rút tiền mặt
Gần đây, một số vụ việc liên quan tới thẻ tín dụng được phát hiện và công bố tại Việt Nam. Trong đó, bọn tội phạm bao gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam. Một trong những lý do khiến Việt Nam được xem là “mảnh đất màu mỡ” đối với tội phạm về thẻ tín dụng là nhiều ngân hàng (NH) hiện vẫn dùng thẻ từ, một loại không bảo đảm an toàn bảo mật thông tin dữ liệu, có thể dễ dàng sao chép, ăn cắp mã số...
Lắm chiêu, nhiều trò
Ngày 10-7, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt 30 tháng tù đối với Ngô Văn Tống (SN 1981, quốc tịch Trung Quốc) về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Theo cáo trạng, rạng sáng 29-8-2012, Ngô Văn Tống bị bắt quả tang khi đang tháo dỡ các thiết bị sao chép trộm thông tin dữ liệu thẻ tín dụng tại máy rút tiền của NH TMCP Đông Á ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tại khách sạn nơi Tống thuê, cơ quan công an thu được một đầu in thẻ từ ATM, 11 tờ giấy kích thước khác nhau có in sẵn logo VISA, Mastercard, JCB, UnionPay…
Tống khai đã cùng đồng bọn sang Việt Nam bằng đường du lịch rồi tìm cách lấy trộm thông tin mật ở các cây ATM, sau đó làm thẻ giả để rút tiền. Để thực hiện kế hoạch, bọn chúng mang thiết bị đọc trộm dữ liệu thẻ, camera để ghi lại thao tác nhập mã pin của khách hàng, thiết bị in thẻ ATM, phôi thẻ trắng… từ Trung Quốc vào Việt Nam. Ngày 26-8-2012, băng nhóm này đã dùng thiết bị điện tử thu thập thông tin ở cây ATM của NH TMCP Đông Á trên đường Trường Chinh rồi làm 5 chiếc thẻ ATM giả. Tuy nhiên, khi đi rút tiền thì các thẻ giả này đều bị máy ATM nuốt. Không từ bỏ, ngày 29-8-2012, Tống tiếp tục tháo thiết bị tại máy rút tiền của NH TMCP Đông Á để đem về làm thẻ giả thì bị bắt quả tang...
Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội còn xuất hiện một hình thức lừa đảo bằng cách giả bắt cóc tống tiền. Các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng internet gọi điện đến nhà riêng hoặc cơ quan của “con mồi” và thông báo người thân của họ đang bị bắt giữ vì thiếu nợ, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản NH thì mới được thả... Qua điều tra, Công an TP Hà Nội xác định chủ các tài khoản nhận tiền đều không liên quan đến những vụ án mà họ chỉ là người mở tài khoản Visa Debit ở nhiều NH Việt Nam rồi bán lại cho một số đối tượng trong nước và nước ngoài. Số thẻ này sau đó đã được bọn tội phạm dùng để lừa đảo và có thể rút tiền ở các nước trên thế giới mà không bị phát hiện...
Các vụ việc trên không phải cá biệt. Hiện chưa có một công bố nào về mức thiệt hại từ thẻ tín dụng giả tại Việt Nam song đã có nhiều cảnh báo về loại hình tội phạm này. Các chuyên gia phòng chống loại tội phạm cho biết thủ đoạn phổ biến của tội phạm thẻ tín dụng là dùng các website giả hoặc giả mạo nhân viên NH gửi email yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin hoặc gắn các thiết bị đọc băng từ của thẻ trên các máy ATM để lấy thông tin của người dùng, sau đó chuyển sang thẻ trắng rồi rút tiền trong tài khoản. Ngoài ra, bọn chúng còn sử dụng công cụ đọc gọi là “audio skimmer” nhằm ghi lại toàn bộ thông tin từ các rãnh từ. Thiết bị này được gắn trên một miếng nhựa nhỏ có thể cài vừa vặn trong đầu đọc thẻ ATM và gắn camera gián điệp siêu nhỏ để chụp lại mã pin...
Cảnh báo “thượng đế”
Từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 3 lần cảnh báo khách hàng về nguy cơ virus máy vi tính và thiết bị di động lấy cắp thông tin trên thẻ NH để trộm tiền hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo khác. NH này khuyến cáo khách hàng không nên cài đặt các phần mềm độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc những email lạ để tránh bị lấy cắp thông tin tài khoản. Nhiều NH khác như BIDV, OCB, ANZ... cũng đưa ra những cảnh báo tương tự với “thượng đế” của mình.
Mới đây, sau một loạt vụ lừa đảo làm giả thẻ thanh toán quốc tế tại Việt Nam rồi bán ra nước ngoài bị phát hiện, ngày 27-11, NH Nhà nước đã yêu cầu các NH thương mại kiểm soát chặt chẽ quy trình mở và sử dụng tài khoản, quy trình phát hành thẻ (đặc biệt là các thẻ thanh toán quốc tế), tăng cường thực hiện chính sách nhận biết khách hàng… Khi phát hiện thông tin nghi vấn, cần báo cơ quan công an để phối hợp xác minh làm rõ. NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH phổ biến, thông báo đến từng nhân viên, đặc biệt là nhân viên giao dịch, khách hàng đến mở tài khoản, phát hành thẻ, về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để qua công tác nghiệp vụ có thể phòng ngừa, phát hiện kịp thời.
Theo các chuyên gia, các NH trên thế giới đều phải đối mặt với sự tồn tại một tỉ lệ nhất định của thẻ tín dụng giả (ở Mỹ, tỉ lệ thẻ tín dụng giả được xác định ở mức 5% tổng số phát hành) bởi rất khó ngăn chặn, chỉ giảm thiểu tối đa chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn. Tại Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Bộ Công an cho biết cơ quan này đang phối hợp chặt chẽ với các NH trong việc điều tra tội phạm thẻ tín dụng. Tuy nhiên, về công nghệ thì các NH phải chủ động tìm các giải pháp khả thi nhất để bảo đảm an toàn cho khách hàng của mình.
Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip
Theo các chuyên gia, để chặn thẻ ATM giả, một biện pháp tối ưu đã được đề cập tới là chuyển đổi tất cả thẻ từ sang thẻ chip và một số NH cũng đang từng bước tiến hành. Tuy nhiên, các NH sẽ cần nhiều năm để thực hiện việc này bởi cùng với chuyển đổi thẻ cũng cần chuyển đổi các cây ATM để tương thích. Dù vậy, thẻ chip không phải là giải pháp duy nhất, các NH có thể tìm kiếm thêm nhiều giải pháp hỗ trợ khác nữa.
|
Theo NLĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét