Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân – Chương 2 – Phần 1
- Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân – Lời mở đầu
- Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân – Lời Mở Đầu (2)
- Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân – Chương 1 – Phần 1
- Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân – Chương 1 – Phần 2
- Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân – Chương 2 – Phần 1
- Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân – Chương 2 – Phần 2
- Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân – Chương 2 – Phần 3
- Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân – Chương 3 – Phần 1
Chương 2: Hiển thị tài văn chương, Phụ tử hưởng đặc ân; Chuyên viên Điện Cơ làm Gian tế cho cả hai nước (1940-1956)
Ngày tàn của Giang Trạch Dân đang đến gần. Vấn đề chính là lúc nào, chứ không phải là nếu như, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ bị bắt. Giang chính thức lãnh đạo Trung Quốc trong hơn một thập kỷ, và thêm một thập kỷ đứng đằng sau chỉ đạo các sự kiện. Trong hai thập kỷ này, Giang đã làm hại Trung Quốc không kể xiết. Bây giờ thời đại của Giang đã đến hồi kết thúc, Đại Kỷ Nguyên công bố lại loạt bài “Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân,” lần đầu công bố phiên bản tiếng Anh năm 2011. Qua đó độc giả có thể hiểu rõ hơn về sự nghiệp của nhân vật then chốt đối với Trung Quốc hiện đại này.
Giang Trạch Dân thích tạo ấn tượng với người khác rằng ông ta có tài ca vũ. Ông ta chơi được nhiều loại nhạc cụ, trong đó có piano, đàn nhị và guitar. Vì muốn hiển thị khả năng âm nhạc, Giang thường rơi vào những tình huống mất mặt. Đơn cử như ngày 30 tháng 3 năm 1999, Giang được Tổng thống nước Áo, Thomas Klestil, mời tham quan Salzburg, quê hương của Mozart. Vật phẩm quý giá nhất nơi đây là một chiếc đàn piano Vienna, được chính nhà soạn nhạc thiên tài mua năm 1785. Sau khi được ngài tổng thống giới thiệu di vật có hơn 200 năm lịch sử này, Giang sà vào đàn, kéo ghế, mở hộp, hào hứng muốn trình diễn. Lúc bấy giờ, nếu ông ta chơi vài nhạc phẩm tiêu biểu của Mozart, như Don Giovanni hay Marriage of Figaro, thì có thể xem đó là một sự hoài niệm hay thậm chí là sự tôn kính. Nhưng ngạc nhiên thay, Giang lại bắt đầu đàn bài “Hồng Hồ thủy lãng đả lãng” [1] (từng cơn sóng vỗ vào nhau trên mặt Hồng Hồ). Tổng thống Klestil rõ ràng không muốn Giang động đến di vật quý giá của tiền nhân, nhưng vì lễ tiết ngoại giao nên đành bỏ qua. Còn Giang diễn tấu say sưa, những mong thu hút ánh nhìn ngưỡng mộ từ các quý bà quý cô Trung Quốc.
Mải mê thể hiện sự tinh thông nhạc lý – táo gan động đến cả đàn piano của Mozart – Giang không hề nghĩ rằng trò hề này làm người ta liên tưởng đến mối tương đồng giữa cha con hắn: Hán gian.
1. Thủ thuật tẩy não Hán gian
Ở thời kỳ Ngụy quyền tay sai Uông Tinh Vệ (1940-1944), một gia đình có thể cho con theo học trường trung học tư nhân, rồi sau đó là Đại học Trung Ương Nam Kinh, hơn nữa còn được học piano, chẳng thể nào là một gia đình bình thường.
Quảng cáo
Năm 1940, cha của Giang Trạch Dân là Giang Thế Tuấn, đã tìm nơi nương náu tại Nam Kinh. Vào thời điểm ấy, đứng đầu Ngụy quyền có 3 người: Uông Tinh Vệ, Trần Công Bác và Chu Bột Hải. Trong đó Trần Công Bác và Chu Bột Hải đều là những người sáng lập nên ĐCSTQ, là đại biểu Đại hội Đảng lần thứ nhất; cả hai đều có chức vụ rất cao trong ĐCSTQ, thậm chí còn cao hơn cả Mao Trạch Đông.
Khi Uông Tinh Vệ thành lập chính quyền tay sai cho Nhật tại Nam Kinh, ông ta rất cần nhân lực và nhân tài, từ cấp bộ trưởng cho đến nhân viên. Thế là một loạt những văn nhân vô sỉ, thương nhân lươn lẹo, chính khách nhàn rỗi và cựu viên chức, tề tụ quanh Uông. Trước dinh thự của Uông tại Nam Kinh khi ấy đầy ô tô, từ loại tối tân vào những năm 1940 với các màu xám, lam, hồng, lục, đến loại cổ điển hai màu đen trắng có cả chỗ ngủ. Các vị khách đến từ những biệt thự xa hoa bên bờ sông Tần Hoài, hồ Huyền Vũ tại Nam Kinh, từ Tây Hồ tại Hàng Châu, từ Thượng Hải, Tô Châu, Vô Tích và Dương Châu. Người người chẳng biết từ đâu, bát phương tụ tập. Nhất thời, những thành phần cặn bã lại chiếm ưu thế trong xã hội,trong chính quyền Uông Tinh Vệ người ta chẳng từ thủ đoạn, kèn cựa giành giật, xu phụ quyền thế để ngoi lên. Trong số đó có văn nhân thương giới Giang Thế Tuấn.
Giang Thế Tuấn là kẻ chuyên đầu cơ trục lợi để có được quyền và tiền. Những năm ấy quân Nhật xâm lược với quân đội hùng mạnh, đã tấn công Trung Quốc đại lục từ đông bắc, đến chính bắc, rồi vào trung tâm, sau đó tràn đến Thượng Hải, Vũ Hán, Quảng Châu. Tiếp đó, Hồng Kông, Manila, và các đảo tại Nam Dương đều rơi vào tay Nhật Bản. Cuối năm 1941, trong khi quân Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Đô đốc Yamamoto Isoroku đã tiêu diệt đại bộ phận thủy quân và không quân Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng, thì Quốc Dân Đảng với sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch vẫn còn dùng súng trường Hán Dương và dao kiếm để kháng cự xe tăng và máy bay của Nhật. Vì thế, nhiều người Trung Quốc tin rằng sớm muộn gì Trung Quốc cũng rơi vào tay Nhật Bản và bắt đầu chuyển qua làm tay sai cho Nhật. Nhưng Giang Thế Tuấn là một tiểu thương khôn khéo tính toán, cũng phòng bị rằng một ngày kia Quốc Dân Đảng sẽ nổi dậy và đánh bại quân xâm lược; đến lúc ấy ông ta sẽ lâm nguy do làm tay sai cho Nhật. Vì lý do ấy, Giang không dùng danh tính thực mà dùng bí danh “Giang Quan Thiên.”
Giang Thế Tuấn ham mê cả văn học và kỹ thuật điện cơ, đã bỏ ra không ít công phu nghiên cứu hai lĩnh vực này. Ông ta hết lòng nghiên cứu thủ đoạn tuyên truyền của Đức Quốc xã, đặc biệt là bộ phim tài liệu Chiến thắng bằng ý chí của Leni Riefenstahl; một bộ phim nổi tiếng về Hitler, thông qua những thủ pháp nghệ thuật và sắc thái tôn giáo, đã tạo nên hình tượng Hitler như một vị thần. Chỉ trong mấy năm đầu sau khi Hitler lên cầm quyền, GDP của nước Đức tăng đột biến, 100% mỗi năm – là bằng chứng của “chiến thắng bằng ý chí.” Riefenstahl đạo diễn tiếp một bộ phim khác, Olympia, có chủ đề về Thế Vận Hội Mùa Hè năm 1936 tại nước Đức và tinh vi biến sự kiện này thành một “nghi thức phát xít.” Đứng tại giác độ nghệ thuật, bộ phim đã khiến vô số thanh niên nước Đức như mê như say.
Giang Thế Tuấn chủ trì những công tác thường nhật tại Bộ Tuyên truyền Chính phủ Trung ương Ngụy quyền, do đó ông ta có thể đem toàn bộ tâm huyết nghiên cứu vận dụng phương pháp tuyên truyền phát xít. Ông ta cũng hiểu được sức mạnh của dư luận. Mặc dù bận bịu với công việc mỗi ngày, Giang luôn giành thời gian “nhọc lòng khẩn thiết” dạy dỗ người con trai Giang Trạch Dân. Rất nhiều người khi thấy Giang Trạch Dân ra lệnh cấm hoạt động đối với Báo Kinh tế Thế giới ngay trước Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989, những tưởng rằng đó là ngẫu nhiên. Kỳ thực, sự kiện này cho thấy Giang Trạch Dân hiểu quá rõ sức ảnh hưởng của truyền thông – một thứ vũ khí mà ông ta đã nắm vững khi mới 15 tuổi. Quyết định thảm sát đơn giản cho thấy ông ta đã “thấm nhuần” lý luận tuyên truyền của Đảng, đã trở nên “lão luyện” về mặt chính trị, và đã có thêm nhiều cơ hội vận dụng chúng trong thực tiễn khi bước trên những nấc thang quyền lực của ĐCSTQ.
Một tay Giang Thế Tuấn đã bày ra Triển lãm Chiến tích Đại Đông Á thánh chiến Thái Bình Dương, trong đó vận dụng những kỹ xảo tuyên truyền mà ông ta học được, cùng những kiến thức về điện cơ, để miêu tả cuộc không chiến và hải chiến Mỹ-Nhật, với đầy đủ các hiệu ứng về âm thanh và ánh sáng. Cảnh tượng quân Nhật khai pháo, máy bay Mỹ trúng đạn, lao xuống đất, diễn ra thật sống động. Một bức tranh sơn dầu lớn – Tập kích Trân Châu Cảng – choán hết toàn bộ tường nhà triễn lãm. Trong bức tranh, bầu trời tràn ngập những chiếc máy bay Zero Fighter bay lên lượn xuống, tiếp đất như đàn muỗi, biểu hiện tinh thần võ sĩ đạo của quân nhân Nhật Bản, cùng sự phù hộ “vũ vận trường cửu” của Thiên Chiếu Đại Thần Amaterasu Omikami; như thế người ta xem xong sẽ cảm thấy quân Nhật là bất khả chiến bại và sẽ vĩnh viễn chiếm đóng Trung Quốc; “tiêu” Anh “diệt” Mỹ cũng chỉ là chuyện một sớm một chiều.
Bên cạnh đó Giang Thế Tuấn còn tham gia sản xuất Vạn cổ lưu danh, một bộ phim kháng kích Anh và Mỹ. Với số tiền đầu tư kếch xù, Giang đã mời được một vị đạo diễn nổi tiếng và ngôi sao điện ảnh Cao Chiêm Phi diễn vai Lâm Tắc Từ, một vị quan triều Thanh. Bộ phim đã bóp méo lịch sử nhằm phục vụ nhu cầu xâm lược của Nhật, và gieo rắc lòng hận thù đối với nước Mỹ.
Giang Thế Tuấn còn học cách vận dụng tuyên truyền theo hình thức dân tộc, nhằm ngụy tạo sự thái bình thịnh vượng và khiến người dân quên lãng cuộc thảm sát Nam Kinh [2] những năm trước đó. Đơn cử như phương cách ông ta lợi dụng lễ hội “vu lan” truyền thống của Phật giáo. Giang tổ chức lễ hội thật hoành tráng, cùng với tập tục thả hoa đăng trên sông, đồng thời sử dụng báo chí quảng bá rầm rộ về bảo liên đăng và hoa tươi giăng khắp Sông Tần Hoài và Hồ Huyền Vũ. Nhân dân Nam Kinh chen chúc nhau trên bờ sông và trước Miếu Khổng Tử để chứng kiến sự kiện này. Khán giả vô tình trở thành con rối trong tay Giang, như mê mờ lạc lối, quên mất lịch sử thương tâm gây nên bởi chính quyền Nhật Bản.
Cục tuyên truyền – đứng đầu là Giang Thế Tuấn – đã biên soạn những ca khúc nhi đồng thông tục, vì chúng biết rõ: tẩy não cần bắt đầu từ tuổi còn thơ. Thế nên Giang đã sử dụng những lời hát như “bảo đao như điện chớp, khí chất như cầu vồng – nào ta đấu tranh cho thịnh phú”, để dạy bảo trẻ em rằng chúng được phép giết người và chiến tranh là để đạt được thịnh vượng và chủ quyền. Trong khi đó, ca từ dạng như “Ngàn dặm vạn dặm, đại phong dương dương” lại tán dương quân Nhật xâm lược, đã vượt qua biết bao gian khó trên bước đường chinh phục Châu Á, bất chấp nghịch cảnh, anh dũng hy sinh cho “tự do” tại Đông Á. Ông ta phát hành một cuốn truyện tranh thiếu nhi có tựa đề Lịch sử xâm lược Trung Hoa của Anh và Mỹ, với mục đích chĩa mũi dùi hận thù về phía 2 quốc gia này, trong khi ca tụng “vành đai Đại Đông Á cộng vinh” [3] cùng ý tưởng “nhân dân Châu Á nhất tề cố gắng, tiêu Anh diệt Mỹ nhất định toàn thắng.”
Có thể nói Giang Trạch Dân là một đứa trẻ lớn sớm, tuân theo sự dạy dỗ từ Giang Thế Tuấn.Ngay khi còn nhỏ, Giang Trạch Dân đã học được kỹ thuật tẩy não từ cha mình. Với bản tính mưu mô, Giang-con nhanh chóng tiếp thu những mánh lới của cha, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Những bài học ấy thể hiện ở việc ĐCSTQ đã làm khánh kiệt tài nguyên quốc gia nhưng lại gây dựng nên 4 siêu thành phố – Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, và Quảng Châu – nổi tiếng bởi sự trụy lạc cùng đời sống xa hoa và phung phí. Những ca sỹ nổi danh, các ngôi sao điện ảnh và diễn viên hài, đồng loạt đăng đàn ngợi ca Đại liên hoan kỷ nguyên hưng thịnh [4]. Nhưng nếu lưu ý định nghĩa tiêu chuẩn nghèo từ Liên Hợp Quốc là những người có mức thu nhập thấp hơn 365USD hay khoảng 3000 NDT một người, thì khi ấy có khoảng 900 triệu người Trung Quốc có mức thu nhập bình quân chỉ ở mức 2620 NDT, nghĩa là có gần 1 tỷ người sống trong nghèo đói. Cùng lúc đó có khoảng 30 triệu hộ gia đình ở các khu đô thị bị thất nghiệp. Nếu những người ấy không đối diện với hiện thực đói khổ, khi xem được những tuyên truyền rợp trời này, chắc có lẽ đã tin vào một Trung Quốc thịnh vượng hào nhoáng. Tất cả những thứ ấy đều xuất xứ từ mầm mống chiến thuật tuyên truyền được gieo rắc bởi người cha phát xít và bán nước của Giang Trạch Dân, được tưới bởi thứ nước tội lỗi của ĐCSTQ và mánh lới của Giang Trạch Dân, bất chấp những nguy hại đến con người, vẫn cứ sinh trưởng, nảy chồi, và kết trái.
Sau khi có được tam quyền: Đảng, chính phủ và quân đội, Giang Trạch Dân đề bạt người bạn thân Trần Chí Lập, làm bộ trưởng Bộ Giáo dục với mục đích tẩy não thanh thiếu niên Trung Quốc. Đáng kể nhất là quyết định loại bỏ những hình tượng văn hóa như Nhạc Phi và Văn Thiên Tường khỏi danh sách những “anh hùng dân tộc”, trong khi lại ca ngợi kẻ bán nước như Tần Cối. Lấy ý tưởng từ “Chiến thắng bằng ý chí”, Giang đã đầu tư 30 triệu USD cho Trương Nghệ Mưu làm bộ phim Anh hùng – với những cảnh quay hùng vỹ và vũ thuật đẹp mắt, nhưng lại ca ngợi bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Trên thực tế, bộ phim đã được công chiếu tại Đại Hội Đường Nhân Dân, cho thấy ảnh hưởng chính trị của nó. Kết hợp những điều học được từ cha mình với những thủ đoạn tuyên truyền cóp nhặt từ ĐCSTQ, Giang Trạch Dân thậm chí còn cao tay hơn cả cha trong việc tuyên truyền; và tất nhiên số tiền mà Giang-con sử dụng để tuyên truyền là lớn hơn rất nhiều. Mánh lới của Giang Thế Tuấn thua xa Giang Trạch Dân cả về phạm vi lẫn độ sâu.
Giang Trạch Dân đặc biệt yêu thích khung cảnh phồn hoa phú quý hai bên bờ sông Tần Hoài. Với mục đích chính trị, quân Nhật xâm lược đã quảng bá nữ diễn viên người Nhật, Lý Hương Lan, thành “đế quốc chi hoa” – một phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Nàng diễn xướng nhiều ca khúc được khán giả khắp Trung Quốc mến mộ, chẳng hạn như “ngày nào chàng trở lại,” “dạ lai hương,” “mại đường ca,” “ca vũ kim tiêu.” Ca hát tại khu vực bị quân Nhật chiếm đóng, giọng ca ngọt ngào và những cảnh sắc mê say trong lời ca của Lý đã ru ngủ người dân Trung Quốc, khiến họ quên lãng cuộc thảm sát vừa mới diễn ra mấy năm trước. Và cũng chính Lý đã thủ vai nữ chính, đồng thời thể hiện ca khúc nhạc nền, trong bộ phim China Nights. Bộ phim kể về một cô gái Trung Quốc si mê một người lính Nhật Bản, dù trước đó đã bị anh ta đánh đập. Thủ đoạn tẩy não tinh vi, sử dụng mỹ nữ cùng những bài hát ngọt ngào, đã gây ấn tượng sâu sắc đối với Giang Trạch Dân. Về sau, chính Giang đã chỉ thị Đài Truyền hình Trung Ương (CCTV) khi làm Gala Mừng Xuân hàng năm phải mở màn bằng một bài hát có tính chính trị được hát bởi Tống Tổ Anh. Điều đó thể hiện rõ động cơ của ông ta.
Đối với những phụ nữ xinh đẹp như Lý Hương Lan, Giang Trạch Dân chẳng thể nào quên. Năm 1991, Đoàn kịch Shiki của Nhật Bản đã đến Trung Quốc trình diễn một vở nhạc kịch có tính chính trị, tên là Ri Koran (phiên âm tiếng Nhật của Lý Hương Lan). Lý Hương Lan, khi ấy đã 71 tuổi, đã dự định tự mình đến Trung Quốc tham dự buổi bế mạc tại thành phố Đại Liên. Cuối cùng bà phải hủy kế hoạch vì lý do sức khỏe. Giang Trạch Dân đã than thở trong một thời gian rất dài vì tiếc nuối cơ hội được chuyện trò cùng người tình trong mộng của biết bao người đàn ông.
Giang Thế Tuấn hàng năm đều tổ chức lễ tưởng niệm Khổng Tử, nhằm tỏ vẻ phát huy văn hóa Trung Hoa. Ông ta dàn dựng biểu diễn điệu “bát dật”, làm theo những lễ nghi được ghi chép trong sách Lễ Ký và tế lễ tam sinh heo, bò, cừu. Sau nghi lễ, tam sinh được chia phần và gửi đến quan viên các bộ, các cục trong Ngụy chính phủ. Giang Trạch Dân cũng nối gót cha mình, ra sức hoằng dương những thứ gọi là “văn hóa dân tộc” nhưng với mục đích ca ngợi sự thống trị của ĐCSTQ.
Ghi chú
[1] Một bài hát từ vở opera hiện đại của Trung Quốc “Hồng binh Hồng Hồ”, đoạn nhạc này bắt chước một điệu nhạc phổ biến tại Hồ Bắc, nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của ĐCSTQ.
[2] Còn được gọi là Cưỡng hiếp Nam Kinh, là một tội ác chiến tranh do quân đội Nhật thực hiện tại thành phố Nam Kinh của Trung Quốc vào tháng 12 năm 1937.
[3] Một nỗ lực của Nhật Bản tạo nên một khối các quốc gia Châu Á có thể cung cấp vật liệu thô cho Nhật và đóng vai trò tiêu thụ hàng hóa từ Nhật Bản.
[4] Đề tài của Gala Mừng Xuân năm 2005 của Đài Truyền hình Trung Ương Trung Quốc (CCTV).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét