Bài viết này là phần 6 trong loạt bài gồm 8 phần, tựa "Quyền lực bằng mọi giá"

Chương 2: Hiển thị tài văn chương, Phụ tử hưởng đặc ân; Chuyên viên Điện Cơ làm Gian tế cho cả hai nước (1940-1956)

img-real-story-jiang-zemin-cap02b

Ngày tàn của Giang Trạch Dân đang đến gần. Vấn đề chính là lúc nào, chứ không phải là nếu như, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ bị bắt. Giang chính thức lãnh đạo Trung Quốc trong hơn một thập kỷ, và thêm một thập kỷ đứng đằng sau chỉ đạo các sự kiện. Trong hai thập kỷ này, Giang đã làm hại Trung Quốc không kể xiết. Bây giờ thời đại của Giang đã đến hồi kết thúc, Đại Kỷ Nguyên công bố lại loạt bài “Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân,” lần đầu công bố phiên bản tiếng Anh năm 2011. Qua đó độc giả có thể hiểu rõ hơn về sự nghiệp của nhân vật then chốt đối với Trung Quốc hiện đại này.

Ban can huấn thanh niên

Các điệp viên của quân Nhật xâm lược được điều hành bởi một vị tướng tên là Kenji Doihara với cánh tay phải là Đinh Mặc Thôn. Vì đã đề xuất “Chiến lược đặc vụ tại Thượng Hải” nên Đinh rất được người Nhật trọng dụng. Ông ta lập nên “Tổng bộ đặc vụ” tại số 76 đường Jessfield Thượng Hải (nay là đường Vạn Hàng Lộ) do ông ta đứng đầu và Lý Sĩ Quần làm phó. Năm 1939, Đinh đã là Trung ương Ủy viên kiêm Ủy viên Thường vụ Trung Ương Ngụy Quốc Dân Đảng–tương đương với chức Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ. Ông ta cũng là Bộ trưởng Bộ Xã hội của Ngụy quyền, tương đương với chức Bộ trưởng Bộ An ninh của ĐCSTQ.
Giang Thế Tuấn rất kỳ vọng vào cậu con trai. Ông ta biết rõ rằng, chỉ những ai làm điệp viên như Đinh Mặc Thôn mới được tín nhiệm và đề bạt vào những chức vụ cao trong quân đội Nhật Bản và có được tiền đồ sáng lạn. Khi Đinh đang tìm địa điểm để xây dựng lại Đại học Trung Ương Nam Kinh của Ngụy quyền, ông ta kiên quyết loại trừ những sinh viên có ý thù địch với Nhật Bản ra khỏi hệ thống giáo dục đại học. Do đó ưu tiên hàng đầu của Đinh là huấn luyện một số “sinh viên đặc vụ” trà trộn vào hàng ngũ sinh viên nhằm theo dõi và tìm ra manh mối về những ý kiến chống đối hay những hoạt động kháng Nhật, từ đó tiến hành bắt bớ và trừ khử những người liên quan. Chính vì thế Đinh đã thành lập “Ban Can Huấn Thanh Niên Đại Học Nam Kinh”. Bắt chước chiến thuật của quân Nhật xâm lược, Đinh cũng tuyển chọn những thanh thiếu niên là con em các quan viên cao cấp. Sự huấn luyện bắt đầu từ khi còn thơ bé, khiến những thanh thiếu niên này có thể xử lý bình tĩnh, ứng biến nhanh nhạy gần như tự nhiên đối với bất kỳ tình huống ngặt nghèo nào. Những tên Hán gian ở các bộ, các vụ trong chính quyền bù nhìn Uông Tinh Vệ đều ra sức gửi gắm con em mình vào chương trình huấn luyện, bởi vì đây là cơ hội tốt cho tương lai của chúng.
Đinh Mặc Thôn tổ chức tổng cộng 4 khóa huấn luyện với số lượng học viên khác nhau. Giang Thế Tuấn tận dụng triệt để những cơ hội này để Giang Trạch Dân được tham gia huấn luyện bởi vì ông ta tin rằng Giang-con là một tài năng gián điệp thiên phú.
Đáng nói là, ngoài những khóa huấn luyện nghiệp vụ kỹ thuật, các điệp viên còn phải theo học các khóa chính trị, có chức năng như một chương trình tẩy não. Tất cả các điệp viên đều bị nghiêm cấm tín phụng bất kỳ chính thần nào. Sau khi Đức, Ý, Nhật hình thành Khối Trục thì thông tin tình báo đều được trao đổi giữa 3 nước. Các tác phẩm của Nietzsche–người từng tuyên bố rằng “Chúa đã chết” và có đóng góp rất lớn cho thuyết vô thần–được xem là “văn hóa cấp tiến” và thứ tà thuyết này trở thành tài liệu bắt buộc, nhằm đầu độc tư tưởng của các điệp viên.
Quảng cáo
Giang Trạch Dân tham gia vào khóa học thứ tư. Khóa học được tổ chức dưới danh nghĩa của Đại học Trung Ương Nam Kinh và được giảng dạy bởi các giáo sư chuyên ngành liên quan đến nghiệp vụ tình báo. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên sẽ trực tiếp được nhận vào trường Đại học Trung Ương, thế nên Giang đã ghi danh. Giang chọn theo học ngành điện cơ, tất nhiên là có ảnh hưởng từ niềm đam mê của cha mình, nhưng cũng bởi vì Giang Trạch Dân rất thích thú và hiếu kỳ với các kỹ năng điện cơ của Giang Thế Tuấn trong “Triển lãm Thánh Chiến Đại Đông Á”.
Không chỉ được miễn học phí, Giang Trạch Dân còn nhận được học bổng. Ông ta sống vô độ thời đại học, thường xuyên đến các nhà chứa cùng đám bạn xu nịnh quyền thế. Là một điệp viên, Giang đã trở nên hư hỏng từ khi còn nhỏ, điều đó phần nào giải thích tại sao Giang lại dễ dàng tìm được gái bán hoa ngay lần đầu tiên công du Hoa Kỳ trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Điện tử. Điều này rất hiếm gặp trong số những vị bộ trưởng thời bấy giờ.
Học viên của các khóa Can Huấn Thanh Niên này có khả năng đánh hơi tài tình, và đã chạy tứ tán sau khi quân Nhật đầu hàng. Những người rơi vào tay Trung Cộng đều trở thành giảng viên bán thời gian cho các cục an ninh công cộng, chuyên giảng dạy định kỳ cho các cán bộ an ninh của Trung Cộng. Thế nên Giang Trạch Dân cũng dạy một khóa cho Trung Cộng. Mặc dù “năng lực chánh sự của Giang không bằng một trưởng khoa nhỏ tại một đơn vị địa phương,” ông ta vẫn có thể sái lộng các đối thủ — mới hay cũ — trong Bát Lộ Quân, bằng những ngón nghề tình báo.
Vào tháng 10 năm 2003, có người công khai kêu gọi những người trong cuộc cung cấp một bức ảnh gọi là “ảnh tập thể có Lý Sỹ Quần và Giang Trạch Dân” được chụp vào năm 1942. Một nhân chứng của bức ảnh cho biết nó được chụp khi Lý Sỹ Quần gặp mặt các học viên khóa 4 của Ban Can Huấn Thanh Niên tại Đại học Trung Ương Ngụy quyền. Có 23 người trong bức hình, Giang Trạch Dân đứng thứ 5 (từ bên trái qua) hàng thứ 2.
Lý Sỹ Quần, người về sau đứng đầu Cục Tình báo Ngụy quyền Uông Tinh Vệ, gia nhập ĐCSTQ vào năm 1924. Ngày 12 tháng 4 năm 1927, Lý được Trung Cộng cử đi Liên Xô huấn luyện về tình báo. Lý quay về Thượng Hải vào cuối năm 1928 và làm việc cho Đặc vụ Khoa Trung Cộng. Năm 1938 Lý đầu quân cho Nhật và thành lập “Tổng bộ đặc công số 76”. Ảnh tập thể với Ban Can Huấn Thanh Niên cùng Lý Sỹ Quần là bằng chứng thép khẳng định rằng Giang Trạch Dân là đặc vụ Hán gian. Quá khứ ấy vẫn còn đeo bám Giang cho đến tận hôm nay.
Sau khi quân Nhật đầu hàng vào ngày 3 tháng 9 năm 1945, Trung Quốc bắt đầu khôi phục những vùng lãnh thổ đã mất. Ngày 26 tháng 9 năm 1945, chính quyền Quốc Dân Đảng (QDĐ) đã công bố một văn bản “kiểm định sinh viên trên trung học tại các khu vực đã được giành lại”, tiến hành thẩm định các sinh viên đang theo học tại các trường đại học-cao đẳng công lập ở những khu vực bị quân Nhật chiếm đóng. Tháng 10 năm 1945, Bộ Giáo dục chính quyền QDĐ ra lệnh thống nhất 3 trường: Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Giao thông Trùng Khánh và Đại học Trung Ương Nam Kinh; và đặt trụ sở tại Đại học Giao thông Thượng Hải ở Từ Gia Hối. Vì Đại học Trung Ương Nam Kinh và Đại học Giao thông Thượng Hải nằm trong số 6 trường đại học được liệt vào dạng “trường học thuộc ngụy quyền hán gian”, sinh viên theo học những trường này cũng trở thành “ngụy sinh viên” và cần bị điều tra thẩm định. Vì thế Giang Trạch Dân cũng nằm trong số những “ngụy sinh viên” bị nghi ngờ và thuộc danh sách bị thẩm định, tuy nhiên Giang đã chạy trốn trước khi bị điều tra.
Giang chạy trốn vì ông ta thấy được kết cục đối với Trần Công Bác. Gần như ngay sau khi quân Nhật đầu hàng vào ngày 9 tháng 9 năm 1945, đại biểu của Trung Quốc là Hà Ứng Khâm đã chất vấn phía đại biểu Okamura Yasuji của Nhật nhằm dẫn độ Trần Công Bác về Trung Quốc để thẩm vấn. Trần Công Bác đã bị áp tải về Trung Quốc vào ngày 3 tháng 10.
Nhận thấy sự trừng trị nghiêm khắc của chính quyền QDĐ đối với Hán gian, Giang Thế Tuấn cũng cảm thấy đại nạn đang ở trước mắt, vì thế ông ta đã rũ bỏ biệt danh Giang Quan Thiên và lấy lại danh tính thực là Giang Thế Tuấn — một thương nhân, kỹ sư và là một người say mê văn học. Ông ta quay về quê nhà mai danh ẩn tính một thời gian.
Trong khi đó, Giang Trạch Dân đã bỏ học và chạy trốn. Cuối cùng ông ta lưu lạc đến một địa phương tên là Miên Hoa Bình, ở Vĩnh Tân, tỉnh Giang Tây. Không có tiếng nhạc từ China Nights, cũng không có điệu nhảy Ngọc thụ hậu đình hoa nơi hai bờ sông Tần Hoài, tiền kinh phí đặc vụ cùng cuộc sống xa hoa cũng không, Giang đã lưu lạc trong đói rét cơ hàn. Sau này nhờ một nông dân chứa chấp, Giang mới được tá túc hơn nửa năm để chờ đợi gia đình đến đón về.
Trước lúc rời xa nơi làng quê thôn dã ấy, Giang Trạch Dân viết lên một cuốn sách cũ về y khoa của gia đình người nông dân rằng một ngày nào đó nếu có được quyền lực, ông ta nhất định sẽ quay lại tạ ơn. Giang còn ký tên mình lên đó. Sau khi trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ, Giang đã từng đến vùng núi Tỉnh Cương và có ở lại Vĩnh Tân một ngày, hơn nữa còn cố ý đến thăm Miên Hoa Bình. Không ai trong số tùy tùng của Giang biết được vì sao ông ta lại quá quen thuộc với địa phương nhỏ bé này và tại sao ông ta lại cứ một mực muốn đến đó. Năm 1997 một hậu duệ của người nông dân kia đã tìm thấy cuốn sách y khoa có chữ ký của Giang, anh ta hết sức kinh ngạc nên đã đi tìm người thân thích của vợ Úy Kiến Hành (cũng là người Vĩnh Tân) để hỏi ý kiến xem nên làm gì với cuốn sách ấy. Cuối cùng người thân thích kia đã khuyên anh ta nên để chuyện này yên.
Trong lúc Giang đang trên đường đào thoát, học ủy Trung Cộng tại Thượng Hải đã ngấm ngầm lợi dụng sự bất mãn của nhiều sinh viên đối với các cuộc điều tra và khích động sinh viên tại 6 trường đại học thành lập một hội liên hiệp sinh viên. Trong vòng nửa năm từ tháng 10 năm 1945 đến tháng 3 năm 1946 (chính là khoảng thời gian mà Giang đang trốn tại Miên Hoa Bình), ĐCSTQ đã tập hợp sinh viên tại 6 trường đại học trên để tổ chức 7 lần diễu hành, 8 đợt thỉnh nguyện cùng nhiều lần hội thảo có mời cả phóng viên của Trung Quốc lẫn nước ngoài (một trong những cuộc diễu hành nổi tiếng nhất diễn ra vào ngày 6 tháng 11, sau này được gọi tắt thành sự kiên “diễu hành 11-6”). Trong khi đó sinh viên tại các đại học và học viện “thuộc ngụy quyền” ở Nam Kinh và Bắc Kinh (lúc đó được gọi là Bắc Bình) cũng được các tổ chức ngầm của ĐCSTQ cổ động và dẫn dắt hành động, đã tràn xuống đường phố diễu hành kháng nghị, tạo nên ảnh hưởng rất lớn đối với dư luận xã hội.
Nếu Giang Trạch Dân quả thật đã từng tham gia những phong trào gây chấn động như thế thì một kẻ miệng lưỡi như ông ta chắc có lẽ đã làm ra tối thiểu cũng 20 đến 30 tập phim truyền hình để ca ngợi bản thân. Nhưng Giang tuyệt nhiên không nhắc tới. Nguyên nhân cơ bản tất nhiên là do ông ta không có gì để khoa môi múa mép. Khi đó ông ta không ở Nam Kinh cũng chẳng ở Thượng Hải, mà đang trốn chui trốn nhủi ở một nơi hẻo lánh không ai biết, phập phồng mong đợi cho cuộc điều tra sớm kết thúc.
Về sau để che giấu cho khoảng thời gian này, Giang Trạch Dân nói rằng ông ta đã tham gia một phong trào sinh viên được tổ chức năm 1943 bởi lực lượng ngầm của Trung Cộng. Quả là một sự dối trá trắng trợn–chỉ có thể lừa gạt những ai không có kiến thức về lịch sử. Sự thực là tại những địa phương bị quân Nhật chiếm đóng, chưa bao giờ có một phong trào sinh viên nào, ở bất kỳ một trường học nào, được dẫn dắt bởi lực lượng Trung Cộng ngầm, mà chỉ có những hoạt động bí mật nhằm phản kháng quân Nhật. Chỉ có ở những địa phương do Quốc Dân Đảng chiếm đóng mới có những phong trào sinh viên kêu gọi chính quyền QDĐ kháng Nhật. Nếu nói một cách minh xác thì chính Trung Cộng đã xúi giục sinh viên trong vùng chiếm đóng của Quốc Dân Đảng thực hiện biểu tình để làm tổn hại thanh danh của Tưởng Giới Thạch, đồng thời hy vọng rằng cả quân Nhật và quân QDĐ đều lưỡng bại câu thương.
Trong những khu vực bi người Nhật chiếm đóng, người dân Trung Quốc bị đối xử tàn ác và đẫm máu. Bất kỳ sinh viên hay thầy giáo Trung Quốc nào nếu tìm cách tổ chức các hoạt động, tụ tập, biểu tình, kiến nghị, diễu hành hay đình công chống Nhật hay Ngụy quyền, hay có ý phản đối đều sẽ lập tức gặp phải đàn áp tàn bạo.
Giang Trạch Dân đã được chuyển đến Đại học Giao thông Thượng Hải và luôn né tránh đề cập đến quãng thời gian năm 1948 khi ông ta ở Thượng Hải sau khi tốt nghiệp đại học. Trong sơ yếu lý lịch của Giang (được trình lên Hội Trung ương Ủy viên), theo sau đề mục tốt nghiệp vào năm 1947 là kinh nghiệm chính trị năm 1949, là năm mà ĐCSTQ đoạt được chính quyền.
Nhưng sự thực là Giang đã làm việc cho cả Mỹ và cả QDĐ trong quãng thời gian đó. Dùng lời của Trung Cộng thì đó là “trục lợi”, là “phản cách mạng”. Trừ một vài học giả không phải người Trung Quốc ra thì không ai nhắc đến giai đoạn này của Giang. Biết rất rõ luật của Trung Cộng nên Giang không bao giờ dám hé răng về khoảng thời gian ngắn hợp tác với kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải vào năm 1947, Giang được nhận vào làm kỹ thuật viên phòng điều hành năng lượng tại một công xưởng thực phẩm thuộc chi nhánh Công ty Hải Ninh Dương, là một công ty của Mỹ. Cũng trong năm 1948 công ty này được Tổng bộ Liên Cần của QDĐ mua lại và đặt lại tên là Xưởng Nhất Lương; lúc đó nó trực thuộc bộ tư lệnh Bắc Kinh-Thượng Hải-Hàng Châu. Giang vẫn tiếp tục làm kỹ thuật viên năng lượng. Vì đây là một xí nghiệp quân công chịu sự kiểm soát chặt chẽ của QDĐ, tất cả các nhân viên, đặc biệt là những người ở các vị trí then chốt, đều bị điều tra cực kỳ nghiêm ngặt. Bất kỳ ai bị tình nghi là người của Trung Cộng hoặc có biểu hiện không đáng tin đều không thể đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Như thế thì tất nhiên không thể có lực lượng ngầm của Trung Cộng tại xí nghiệp này.