Thời gian trên chốt kéo dài đằng đẵng. Sáng thì mong trưa, trưa thì mong chiều, chiều lại mong cho chóng tối. Mỗi ngày trôi qua, chốt chúng tôi lại vắng một, hai người. Lực lượng chi viện của trung đoàn cũng không còn, vì còn phải rải quân tăng cường cho nhiều điểm chốt khác trên chiều dài mười lăm ki-lô-mét.
Ngày thứ tám, đại đội trưởng có lệnh về họp ở tiểu đoàn. Anh Liễu, trung đội trưởng, tổ trưởng tổ đảng trực tiếp chỉ huy. Với danh nghĩa trung đội nhưng thực tế chỉ còn bốn người.
Quân số giảm, sức khỏe giảm, hầm hố bị bom, pháo đánh sập gần hết. Trong khi đó khối lượng công việc trên chốt không hề bớt đi. Trước đây, mỗi hướng có hai, ba người thay nay chỉ còn một người đảm nhiệm. Trước đây đánh lui một đợt tiến công của địch đơn giản bao nhiêu thì lúc này khó khăn, phức tạp bấy nhiêu. Chỉ còn một thứ vũ khí lợi hại khiến chúng tôi giữ vững được trân địa đó là "tinh thần". Chính sự hy sinh của đồng đội trước mắt hoặc ngay trên bàn tay mình đã tăng thêm sức mạnh cho chúng tôi. Mỗi lần vuốt mắt cho một người, tôi lại khóc và tự hứa: Nhất định tôi sẽ chiến đấu xứng đáng để trả thù cho các anh.
Đường 19 vẫn bị trung đoàn chúng tôi khống chế, nhưng một số đoạn địch đã qua lại được. Tuy vậy, nếu địch muốn thông thoát hoàn toàn con đường, nhất thiết phải nhổ bật tất cả các chốt điểm của ta ở phía nam đường, trong đó có trận địa chúng tôi. Vào những lúc yên ắng giữa hai đợt tiến công của địch, chúng tôi nhìn xuống đường 19, nhìn sang chốt cây rui. Bên ấy tiếng súng vẫn còn vang rền không ngớt. Xác xe, xác máy bay lên thẳng cháy trụi vẫn còn nằm chỏng trơ, rải rác trên mặt đường. Chính điều đó đã cổ vũ chúng tôi. Chốt bạn vẫn còn, chúng tôi không đơn đọc.
Đúng như nhận định của cấp trên: Bị cắt đường 19, địch sẽ phản ứng điên cuồng như con ác thú bị siết mạnh vào yết hầu. Chúng quyết tâm khai thông đường càng nhanh càng tốt. Còn chúng tôi thì được lệnh giữ chốt bằng mọi giá.
Điểm cao 384 chỉ còn lại bốn người: Liễu, trung đội trưởng, tổ trưởng tổ Đảng,; Toán xạ thủ B41; Thực, chiến sĩ và tôi. Thời gian biểu của chúng tôi là: Địch lên đánh; bom, pháo oanh tạc, vào hầm ngủ. Một người thức cảnh giới cho 3 người ngủ. Anh Liễu thường nói với chúng tôi: "Chắng may trúng đạn thì thôi, còn sống đứa nào phải đánh đến cùng, đánh cho bọn chó đẻ khiếp vía". Với riêng tôi, anh nhận xét: "Cậu đánh khá, không kém cánh lính cũ". Tôi mừng, vì mới trải qua có một tuần lễ mà bản lĩnh chiến đấu của mình đã được anh đánh giá như vậy. Tôi còn nhớ rất rõ trong buổi họp cuối cùng của bốn anh em, anh Liễu nói giọng chắc nịch: Bốn anh em chúng mình đều có chung một mái nhà, đó là điểm cao 384, bằng bất kỳ giá nào cũng phải giữ nó". Anh hạ thấp giọng hơn, như anh dặn dò các em: "Dù hôm nay hay ngày mai, ngày kia anh em mình phải hy sinh, cũng chẳng có gì phải ân hận. Đây là ranh giới giữa vàng và thau..." Lời anh lúc đó sao mạnh mẽ đến thế. Cho tới tận bây giờ, hơn hai mươi năm trôi qua, mỗi lần nhớ lại, lòng tôi vẫn trào lên niềm cảm phục và nhớ thương anh da diết.
Ngày 18 tháng 4 năm 1972. Sau khi thăm dò, trinh sát bằng cả trên không và trên mặt đất, ba giờ chiều địch tổ chức một đợt tấn công mới, với quy mô lớn hơn và tính chất cũng quyết liệt cũng cao hơn mọi lần. Lúc này Đoàn Văn Thực đã bị thương, trận địa còn bat tay súng. Ba người phải chống chọi với hàng trăm tên địch có đầy đủ hỏa lực chi viện, quả là công việc vô cùng nặng nề với chúng tôi. Địch chia từng tốp xung phong lên chốt theo kiểu sâu đo. Không kịp lắp đạn vào băng, tôi phải khoác trên mình ba khẩu súng. Lúc ấy không hiểu sao lại khỏe như vậy. Nhìn sang bên cạnh, anh Liễu và Toán cũng đang trong tư thế như tôi: Anh nào cũng khệ nệ ba, bốn khẩu súng vừa khoác vai, vừa cầm tay. Ngoài ra còn có những dây lựu đạn treo trên cổ, thắt ngang hông như ngựa thồ. Trận đánh không có thời gian ngừng lại. Bắn hết bằng đạn này, tôi trở đầu bắn sang băng đạn thứ hai. Hết đạn, quẳng súng xuống chân, lấy khẩu súng khác tiếp tục bắn. Tôi học tập các anh cũ, bắn quét mạnh làm cho định nhảy xuống hố bom, rồi chồm lên ném lựu đạn vào đó. Cách này rất hiệu quả nhưng quân địch lại quá đông, lại thay nhau cuốn lên ở cả ba hướng, làm cho chốt có nguy cơ bị mất. Giữa lúc ấy anh Liễu ra hiệu phản xung phong. Tôi hiểu ý anh, tuy chỉ có ba người nhưng nếu biết vận dụng cách đánh, sử dụng vũ khí hiệu quả thì ít cũng thành nhiều, sức mạnh sẽ tăng lên gấp bội, địch không thể biết chính xác được lực lượng của ta.
Chờ cho một toán địch đến gần, anh Liễu bỗng đứng phắt dậy bắn quét mạnh vào chúng. Tôi và Toán ở hai bên cũng đồng loạt làm như anh. Quân địch bị đánh bất ngờ, vội lăn xuống hố pháo, hố bom, miệng kêu rú thảm thiết. Đúng với ý định của mình, Toán dùng B41 chúc nòng bắn xuống nơi địch đang nằm. Tôi và anh Liễu ném từng quả lựu đạn bồi thêm. Bụi đất, khói đạn, mũ sắt, mảnh quần áo từ các hố bom bay lên tơi tả. Nhưng cũng thời điểm ấy, một khẩu đại liên dưới yên ngựa bắn quét trả lại chúng tôi vô cùng dữ dội. Anh Liễu trúng đạn gục xuống. Tôi và Kiều Minh Toán phải lùi lại công sự.
Đợt tấn công của địch bị đẩy lùi. Chốt hụt đi một người nữa. Tôi và Toán nhìn nhau im lặng... nhưng đều có chung một ý nghĩ: Hãy yên tâm người còn, chốt còn.
Trời chưa tối hẳn, tôi bắn súng làm hiệu báo tin chốt vẫn còn, nhưng phải cấp cứu ngay. Nhận được tín hiệu, đại đội trưởng Soạn không kịp đợi trời tối, đang ở tổ thông tin dưới chân đồi, đã vượt qua tầm đạn địch lên chốt ngay. Nhưng chỉ mười lăm phút sau, anh đã hy sinh trong một đợt tấn công của địch lên chốt. Vậy là trên điểm cao 384 vẫn chỉ còn hai người. Tôi và Kiều Minh Toán. Không khí nặng nề, căng thẳng đến tột độ. Toán bặm môi, vằn mắt nhìn tôi và chỉ về phía địch thét: "Phải giết chết bọn chó kia đi". Lúc này không thể nói gì với Toán để anh hiểu lòng tôi. Vì bắn quá nhiều B41, Toán đã bị điếc. Thông thường một xạ thủ B41 chỉ bắn ba quả liên tục đã bị ù tai. Đằng này Toán đã bắn hàng chục quả. Toán vỗ vai tôi: "Bình tĩnh nhá, tao còn, mày còn. Bọn chó đẻ không dễ dàng làm được gì đâu". Tôi chỉ biết gật đầu và mỉm cười, nắm chặt tay anh.
Mặt trời sắp lặn, dải núi hùng vĩ phía nam đường 19 hừng lên một màu vàng dịu. Gió biển từng đợt thổi lên, tạm thời xua đi nối mệt nhọc, căng thẳng trong suốt một ngày nổ súng. Tôi bỗng mơ ước có một đêm hay một ngày trận địa yên tĩnh để cho lá phổi chứa đầy khói đạn được thở không khí trong lành. Nhưng sự mất mát trời cho ấy thật ngắn ngủi. Địch tiếp tục tấn công. Lúc này Thực tuy bị thương khá nặng, nhưng không chịu nằm trong hầm đã bò ra cầm súng và lựu đạn xin chặn địch ở một hướng.
Trời chạng vạng tối, quân địch vẫn tiêp tục bò lên. Hàng chục tên bị chúng tôi bắn tỉa, lăn xuống dốc. Nhưng chúng tôi cũng đã quá mệt mỏi. Nhiều lúc đầu óc chếnh choáng, tay chân rã rời muốn quỵ xuống. Bên cạnh tôi, Toán bắn B41 hết quả này đến quả khác. Máu tươi rỉ ra hai bên lỗ tai, nhỏ xuống vai nhưng Toán không để ý. Có lẽ lúc này anh đã bị điếc hoàn toàn. Anh liên tiếp ra lệnh cho tôi: "Minh, bóc liều phóng cho tao", "Minh, đưa đạn đây! nhanh lên". "Minh...". Bắn xong quả đạn ấy Toán nhận trọn một quả lựu đạn của địch vừa tung lên. Anh hy sinh. Còn mình tôi, sau khi bắn hết băng đạn cuối cùng, người bỗng thấy lâng lâng. Tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Khi tôi tỉnh lại thì trời đã tối hắn. Toàn khu vực cao điểm và khu thung lũng dưới đường 19 trở thành một màu đen thẫm. Quân địch đã tràn lên chốt. Điểm cao 384, mái nhà thân yêu của trung đội đã rơi vào tay địch. Đau đơn, uất ức, nhưng tôi biết làm gì khi chỉ còn một mình, dở thương, dở lành, súng đạn không còn, chung quanh là quân địch? Lợi dụng vào những xác chết, tôi bò xuống tổ thông tin. Xuống đến đây tôi mới biết trước đó trung đoàn đã điện xuống cho chúng tôi rút lui. Vậy là chỉ có một mình tôi rời khỏi trận địa. Tám đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại trên điểm cao 384 bên cạnh đường 19.
Từ đó, tôi đã mang nặng lòng căm thù quân thù và tình yêu thương đồng đội vào các chiến dịch ở Gia Lai, Bình Định và nhều nơi khác trên chiến trường miền Nam. Tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được thưởng nhiều huân chương nhưng vẫn luôn cảm thấy chưa trả được mối thù cho các anh trong trung đội. Tôi như thấy mình còn mang nợ các anh, một món nợ không thể tính bằng vật chất.
Qua bài viết này, tôi có một ước muốn, nếu có điều kiện, sư đoàn với địa phương hãy dựng trên điểm cao 384 một bia kỷ niệm ghi tên tuổi tám liệt sĩ vào đó. Như vậy, thế hệ mai sau vẫn còn thấy sự hy sinh anh dũng của các anh. Các anh không cô đơn, lạnh lẽo. Các anh được sống mãi trong lòng đất nước.
Cho đến hôm nay, được sống hạnh phúc bên vợ, con, bè bạn, tôi vẫn không sao nguôi được kỷ niệm về đồng đội, về chiến tranh, về điểm cao 384. Và có lẽ những kỷ niệm ấy sẽ còn nguyên vẹn trong tôi không phải mười năm, hai chục năm.. mà nó còn theo tôi mãi mãi...
Hà Bắc, tháng 11 năm 1993
DƯƠNG VĂN MINH
http://khucquanhanh.vn/diendan/archive/index.php/t-1.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét