Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Trận chiến khu vực đường 19, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng với sư đoàn Mãnh hổ, Nam Hàn (P.1)

Xin trở lại với nhiệm vụ của trung đoàn 12 tại khu vực đường 19. 

Đối lượng tác chiến của trung đoàn bộ binh 12 1úc này và những năm tiếp theo sau trên đường 19 chủ yếu là sư đoàn “Mãnh Hổ” - Nam Triều Tiên. 

Lực lượng Nam Triều Tiên, đồng minh của Mỹ, trên chiến trường thuộc Liên khu 5, có 3 sư đoàn: Tại tỉnh Quảng Ngãi có sư đoàn “Rồng xanh” (Thanh Long); sư đoàn “Bạch Mã” ở Phú Yên. Sư đoàn “Mãnh Hổ” ở tỉnh Bình Định, chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ đường 19. Tại đèo An Khê, chúng thiết lập hệ thống các điểm chốt hai bên đường. Chỉ chưa đầy 10 km đường chim bay có đến 12 - 15 điểm chốt, được bố trí liên hoàn trên các điểm cao, khống chế mặt đường. Trên đỉnh đèo, mỏm núi Cây Rui, chúng đóng chốt một đại đội. Kế tiếp là các chốt Mâm Xôi, Hòn Kiềng1, Chóp Vung, cao điểm 105 (Nam đường 19), và các mỏm đồi gần mặt đường của dãy núi Ông Bình (Bắc đường 19). Mỗi nơi có từ một trung đội đến một đại đội. Phía Tây đèo An Khê, thuộc tỉnh Gia Lai, cũng có hệ thống chốt bảo vệ đường, như điểm chốt ở núi Bìm Bìm, ở suối Vối, cao điểm 602 và núi Nhọn (cao 674m). Hỏa lực bắn thẳng, hỏa lực cầu vồng trên các chốt, kết hợp với các trận địa pháo ở Đồn Phó (huyện Phú Phong), Lai Nghí (huyện An Nhơn) cao điểm 105, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định và các trận địa pháo ở huyện An Khê, tỉnh Gia Lai, tạo nên lưới lửa trực tiếp chi víện cho đèo An Khê. 

Lực lượng cơ động của sư đoàn “Mãnh Hổ” thường xuyên càn quét, sục sạo trên các địa hình, làng mạc hai bên trục đường 19 từ xã Bình Nghi lên xã Bình Tường và phía Bắc, Đông Bắc sông Côn. 

Để ngăn chặn quân ta tiến ra mặt đường địch rải các loại mìn sát thương hai bên trong phạm vi 200 - 300 mét. Ngoài 300 mét là bom vướng nổ được máy bay thả xuống. Một “bom mẹ” khi rơi xuống bung ra hàng trăm “bom con”, như quả cam, có màu xanh lá cây, rất khó phát hiện. Loại bom này khi chạm đất sẽ bung dây ra bốn góc, như những sợi chỉ dù, cũng màu xanh như lá cây. Một con thú rừng đi qua, thậm chí một luồng gió thổi mạnh bom cũng nổ. Vì vậy, nơi đây nghe tiếng bom nổ suốt ngày đêm. 

Nhưng đối với chúng tôi, đây là khu vực khá an toàn. Bởi vì chỗ nào đã gài mìn, thả bom vướng thì bọn thám báo, biệt kích, không bao giờ bén mảng đến. Địch ở trong chốt không dám thoát ra khỏi công sự, không nắm được tình hình diễn ra xung quanh. Chúng tôi triển khai đội hình tiểu đoàn cách mép đường 200 - 300 mét ban ngày, địch vẫn không hay. 

Ngày cũng như đêm, lính Nam Triều Tiên đều ở dưới hầm, rất ít khi xuất hiện trên mặt đất. Từ trên các điểm cao xung quanh nhìn xuống, các đồn bốt của chúng im phăng phắc như chỗ không người. Tinh thần binh lính địch ở đây rất căng thẳng, luôn phải đề phòng hỏa lực của ta dội xuống đầu bất cứ lúc nào. 

Nguy hiểm nhất đối với ta là các bãi mìn địch rải xuống hai bên vệ đường, chủ yếu là mìn Zíp. Mìn này có độ chống ẩm cao, cỏ mọc phủ lên rất khó phát hiện. Sau năm, mười năm chúng vẫn còn tác dụng. Tôi còn nhớ, một lần, từ suối Dầu (suối Đồng Xoài) phía Nam đường, đoàn cán bộ chúng tôi tiếp cận lên đường để chuẩn bị phương án tác chiến, ba đồng chí đi trước, tôi là người đi thứ tư, không việc gì. Nhưng cũng trên lối mòn đó, đồng chí Trần Nựu, trợ lý tác huấn là người thứ năm đạp phải quả mìn Zíp. Đồng chí chỉ bị mất một bàn chân. Nhưng do đường về căn cứ xa, núi non hiểm trở, vết thương bị hoại tử, khi đến được trạm xá, phải cắt chân lên trên đầu gối. Còn nhiều trường hợp, khi xung phong ra mặt đường, hoặc lúc lui quân, bộ đội ta bị các bãi mìn gây sát thương. 

Tiểu đoàn 6 đánh giao thông liên tục trên đoạn đường đèo này, các đoàn xe địch bị bắn cháy, bị phá hủy, đều lăn xuống con suối phía Nam đường, xăng dầu chảy thành suối. Vì vậy trong bản đồ của khu vực này có con suối lúc thì in suối Dầu lúc gọi là suối Đồng Xoài. Dòng nước tuy trong, nhưng không dùng được. Đất ở đây cũng bị thấm dầu, ô nhiễm cả một vùng. Vận chuyển tiếp tế của địch bằng cơ giới luôn bị chặn đánh, chúng đã thiết lập hệ thống cung cấp bằng đường ống, chôn sâu dưới đất, nhưng cũng bị ta phá liên tục. Địch ở Tây Nguyên không được tiếp tế, có lúc vô cùng khốn đốn.

Khi mặt trận B3 chưa mở chiến dịch, hoặc đã kết thúc, chúng tôi lại liến hành những trận phục kích nhỏ lẻ, diệt từng chiếc xe, tốp xe, luôn luôn gây tâm lý bất an cho địch khi đi qua đoạn đường này. Tất cả các loại xe vận tải khi bắt đầu lên đèo, lính lái xe cứ mở sẵn cửa ca bin, hễ nghe phía trước có tiếng súng, lập tức dừng lại nhảy xuống xe, tìm đường trốn thoát, “bỏ của chạy lấy người”. Địch vẫn gọi nơi đây là “đoạn đường máu lửa”. Lợi dụng ưu thế về địa hình, công tác chuẩn bị chu đáo, hầu hết các trận đánh giao thông trên đường 19 của Tiểu đoàn 6 nói riêng, trung đoàn 12 nói chung đều đạt hiệu suất chiến đấu cao. Bộ đội ở đây đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, chủ động, khắc phục khó khăn trong công tác bảo đảm, sáng tạo trong cách đánh trên một địa bàn xa xôi, cách trở nguồn cung cấp của sư đoàn. Hiện tại và mãi mãi về sau, Tiểu đoàn 6 vẫn là ngọn cờ đầu của Trung đoàn bộ binh 12 và của Sư đoàn 3 Sao Vàng. 

Để chuẩn bị cho đợt hoạt động, phối hợp với mặt trận Quảng Trị, đường 9 - Nam Lào đầu năm 1971, sau tổn thất nặng nề khi vượt đường 19 sang phía Nam, được sự giúp đỡ của trung đoàn, sư đoàn, tiểu đoàn 6 đã nhanh chóng ổn định tình hình, ra quân cùng với trung đoàn bộ binh 95, đánh cắt giao thông trên đường 19. Đây là đợt hoạt động phối hợp đầu tiên từ sau ngày hai tiểu đoàn: tiểu đoàn 6 trung đoàn 12 (đã có ở đây từ trước) sáp nhập với tiểu đoàn 19 công binh, vẫn giữ nguyên phiên hiệu là tiểu đoàn 6 thuộc trung đoàn bộ binh 12.

Thời gian này đại bộ phận lực lượng trung đoàn 12 cùng đội hình của sư đoàn đang hoạt động ở phía Bắc tỉnh Bình Định. Tiểu đoàn 6 tác chiến ở phía Nam đường 19 mang tính độc lập, các trận đánh của tiểu đoàn, chủ yếu cấp đại đội, bằng hình thức phục kích, tiêu diệt các tốp xe vận tải của địch, có khi tiêu diệt cả những đoàn xe trên 10 chiếc tại đèo An Khê. Tuy nhiên, trong các trận đánh, dù quy mô nào, tiểu đoàn đều sử dụng hầu hết các phân đội hỏa lực trong biên chế, bảo đảm cho bộ đội làm chủ mặt đường, thu chiến lợi phẩm, phá hủy các phương tiện vận tải của địch, giải quyết thương binh, tử sĩ và lui quân được an toàn. 

Tổng hợp đợt hoạt động đánh cắt giao thông phối hợp với mặt trận đường 9 - Nam Lào năm 1971, tiểu đoàn 6 đã tiêu diệt và phá hủy 25 xe vận tải quân sự của địch, cùng với trung đoàn bộ binh 95, gây cho địch nhiều khó khăn trong việc tiếp tế hậu cần từ đồng bằng lên Tây Nguyên. 

Kết quả đợt hoạt động này còn nhiều hạn chế. Trước hết, chất lượng chiến đấu của bộ đội có ảnh hưởng sau “biến cố” xảy ra và công tác bảo đảm chiến đấu có nhiều khó khăn. Song, đây là những kinh nghiệm làm cơ sở cho những năm sau này, ta tập trung lực lượng cắt đường dài ngày và triệt để hơn trong những chiến dịch lớn có tính chiến lược được mở ra ở Tây Nguyên. 
_________________________________________
1. Địa danh do bộ đội ta đặt.
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=12011.35;wap2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét