Bước sang năm 1972, trên chiến trường khu 5, ta tiến đánh hàng loạt căn cứ địch hỗ trợ phong trào nổi dậy, diệt ác phá kềm ở các địa phương vùng đồng bằng và giáp ranh 3 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần tỉnh Phú Yên. Ở Tây Nguyên sư đoàn bộ binh 2 tiến công trung đoàn 47 và 42 quân chủ lực Sài Gòn ở Đắc Tô, Tân Cảnh, uy hiếp căn cứ chỉ huy tiền phương của sư đoàn 22, từ đồng bằng vừa chuyển lên1.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định, nơi sư đoàn bộ binh số 3 đảm nhiệm, đối tượng tác chiến là sư đoàn bộ binh số 22 quân lực Việt Nam Cộng hòa và sư đoàn “Mãnh Hổ”- Nam Triều Tiên. Sư đoàn 22 Cộng hòa có các căn cứ ở tỉnh Bình Định, là lực lượng chủ lực cơ động trên chiến trường khu 5, kể cả Tây Nguyên.
Căn cứ Đệ Đức (huyện Hoài Nhơn), là trung đoàn 40; Căn cứ Trà Quang - Bình Dương (huyện Phù Mỹ), trung đoàn 41; Căn cứ Lai Nghi (huyện An Nhơn), trung đoàn 42 và căn cứ An Sơn (huyện Vân Canh) là Sở chỉ huy sư đoàn và các đơn vị trực thuộc khác.
Sư đoàn bộ binh số 3 của ta, sau khi cơ động từ tỉnh Quảng Ngãi vào chỉ còn lại hai trung đoàn là trung đoàn bộ binh số 2 và 12. Sau tết Mậu Thân 1968, địch đã phục hồi lại và phản kích quyết liệt. Quân ta bị tổn thất nặng nề, nhất là lực lượng vũ trang và cơ sở cách mạng ở các địa phương. Theo lệnh của Quân khu, tháng 2 năm 1970, sư đoàn bộ binh 3 giải thể trung đoàn 22, đưa lực lượng xuống các tỉnh để hoạt động: Tiểu đoàn 7 về tỉnh Quảng Ngãi; Tiểu đoàn 8 về Bình Định; Tiểu đoàn 9 về Phú Yên. Trung đoàn bộ binh 21 từ miền Bắc vào, do đồng chí Việt Sơn làm trung đoàn trưởng, được điều về thay cho trung đoàn bộ binh 22 và sau đó, năm 1972, quân khu 5 quyết định giải thể sư đoàn 711 và trung đoàn bộ binh 21. Trung đoàn bộ binh 2 và các đơn vị trực thuộc sư đoàn 3, hoạt động tại các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát. Trung đoàn bộ binh 12 chuyển vào phía Nam tỉnh Bình Định, tập trung chủ yếu đường 19.
Trên chiến trường đã hình thành thế “cài răng lược” giữa ta và địch, đan xen nhau như “vết da báo”. Nhờ những hoạt động tích cực, đều khắp, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, vùng địch tạm chiến, một số thị trấn, thị xã có nguy cơ bị ta đánh chiếm. Có nhiều vùng, ban đêm nằm trong sự quản lý của chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng. Bộ đội, du kích và nhân dân đi lại tự do như sống trong không khí hòa bình thực sự. Có nơi, như có sự “phân chia” ngày địch, đêm ta. Tuy bị địch khống chế trong các vùng chúng kiểm soát, nhưng lòng dân đã thuộc về các mạng.
Mùa xuân năm 1972, mặt trận B3 mở chiến dịch Tây Nguyên nhằm: “Tiêu diệt địch, giải phóng Daktô, Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kontum, và phát triển xuống Plâyku, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ”
Xác định vị trí tầm quan trọng con đường chiến lược số 19 đối với chiến trường Tây Nguyên, trung đoàn bộ binh 12 bắt tay vào công tác chuẩn bị phối hợp với mặt trận B3.
Trung đoàn bộ binh 12 (thiếu tiểu đoàn 6) ở Bắc đường 19 có thuận lợi hơn. Tiểu đoàn 6 ở phía Nam đường 19. Công tác chuẩn bị của tiểu đoàn 6, chủ yếu là cơ sở vật chất. Ở đây công tác bảo đảm về lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc quân y đều phải vận chuyển từ căn cứ hậu cần sư đoàn ở phía Bắc đường 19 và phía Bắc sông Côn. Mỗi chuyến hàng đưa được sang Nam đường 19 phải mất cả tuần lễ. Nhiều khi gặp phải những nguy hiểm trên đường. Trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn, chúng tôi thường thay phiên nhau đi chỉ huy các đoàn vận tải. Khi đi ra theo đường từ căn cứ xuống xã Bình Tường, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, khi quay về thường đi theo đường rừng qua Công Hà Nừng, tỉnh Gia Lai, vượt đường 19 đoạn Suối Vối, phía đông thị trấn An Khê (nay là thị xã An Khê) tỉnh Gia Lai. Đường đi vô cùng gian truân vất vả. Những đồng chí đã lớn tuổi như anh Trần Hữu Biền (chính trị viên), anh Lê Hoài - Tiểu đoàn trưởng (trước đó là anh Chu Đức Liên), anh Đỗ Cung - quân y sĩ, vẫn phải gò lưng, cùng với bộ đội cõng hàng vượt gần trăm km đường rừng, qua những vùng nguy hiểm.
Việc lấy hàng ở Bắc đường 19, chủ yếu là đạn dược (nhất là đạn hỏa lực), thuốc quân y, nguồn pin cho máy thông tin... Vì những trang bị này chúng tôi không làm ra được, không sản xuất được. Còn lương thực, thực phẩm, đơn vị tự túc (chăn nuôi, sản xuất) và xuống các xã: Bình Tường, Bình Nghi thuộc huyện Bình Khê, hoặc xuống huyện Văn Canh thu mua của dân... Nhưng đường đi cũng khá xa. Mỗi một chuyến phải mất 3 ngày 2 đêm. Để rút ngắn thời gian, một hôm anh Biền và anh Hoài gợi ý với tôi nghiên cứu xuyên một con đường khác từ căn cứ xuống cửa khẩu thuộc xã Bình Nghi, cố gắng rút được một ngày thì tốt, thay vì con đường hiện tại phải mất 3 ngày và phải đi qua những đồi tranh, trống trải, dễ bị máy bay phát hiện và dễ bị lính Nam Triều Tiên phục kích.
Tôi trải tấm bản đồ, tỷ lệ 1/100.000 để nghiên cứu xuyên một con đường từ căn cứ của Tiểu đoàn, qua sườn của một loạt cao điểm có in màu xanh lá cây (thể hiện đó là rừng già) tránh các điểm cao có in màu trắng (thể hiện đó là đồi tranh, bãi trống). Lấy điểm đến là suối Ông Già, một con suối rộng chừng 15 - 20m, phía tây xã Bình Nghi - nơi đây gọi là cửa khẩu, có các lực lượng hậu cần của ta túc trực, hàng đêm bám đường xuống đồng bằng thu mua lương thực và các nhu yếu phẩm, cho bộ đội xuống nhận, vận chuyển về đơn vị.
Tưởng đi xuyên con đường mới này là dễ dàng. Trên bản đồ đo được từ 20 - 25 km đường chim bay. Tôi mang theo tấm bản đồ, địa bàn và một cái võng cùng đồng chí Hoàng Chuẩn, chiến sĩ thông tin xách súng, hăng-gô và một ít gạo, lương khô, xuất phát ra đi.
Buổi sáng hôm đó, đường đi thuận lợi, vì địa hình tương đối bằng phẳng, có các con suối lớn, dễ xác định được địa hình trên bản đồ và ngoài thực địa.
Đến chiều gặp toàn núi cao, rừng rậm rất khó đi. Hai anh em luôn luôn bắt gặp heo rừng, nai và hàng đàn Dọc (Voọc) 2 nhảy nhót trên cây. Đây là khu rừng già, nguyên sinh, rất ít dấu vết của con người vào đây. Tôi đang say sưa ngắm cảnh núi rừng mát mẻ, yên tĩnh dưới ánh nắng xế chiều xuyên qua các tán lá cây, thì phát hiện bên kia con suối rộng khoảng 15 mét, nước chảy trong xanh, hai con chó sói đang quần nhau với một con heo rừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét