Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

Tâm tồn cảm ân, trong mệnh ắt có phúc báo

 Cổ nhân nói rằng: “Biết ơn tìm cách báo đáp, đó là đại thiện không gì bằng”. Trong tâm biết ơn cũng là một loại trí tuệ. Người biết ơn rất dễ hài lòng và hạnh phúc. Trong tâm có bao nhiêu ân thì có bấy nhiêu phúc, tâm có bao nhiêu oán, thì có bấy nhiêu thống khổ.

Trong lòng tri ân, nghĩ điều tốt của người khác, đó gọi là hội tụ ánh sáng, ánh sáng sẽ lên khuôn mặt. Khuôn mặt tươi cười, miệng như hoa sen, nhất định là người có phúc khí.

Nghĩ không tốt về người khác, oán hận người, tật đố người, ghen ghét người, đó gọi là tụ khí âm, biểu hiện trên mặt u ám, mặt nhau nhúm, nhất định là tướng đen đủi.

Sống trên đời có 10 cái ân cần phải ghi nhớ.

  1. Ân đất trời bảo hộ

Thiên địa hóa sinh vạn vật, nuôi dưỡng sự sống, đây là đại đức chí nhân chí thiện của Trời đất.

Trời, đất và người gọi là “tam tài”. Con người biết ơn Trời đất, thuận theo mệnh Trời, con người cần có lòng từ bi bảo vệ sinh linh vạn vật.

  1. Ân dưỡng dục của cha mẹ

Kinh Thi có câu: “Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao.” Nghĩa là cha mẹ ta đã rất vất vả nuôi nấng ta nên người.

Có cha mẹ thì còn nơi đến, không còn cha mẹ thì còn lại đường trở về.

Đừng là những người con bất hiếu!

  1. Ân tình anh em

Anh chị em giống như chân tay, đều là huyết thống của cha mẹ, máu mủ tình thâm, đều là di truyền từ cha mẹ, cùng lớn lên trong một gia đình.

Tình thân là mảnh đất màu mỡ cho sinh mệnh lớn lên. Anh chị em có chung tình cảm gia đình, có chung một gốc.

  1. Ân vợ chồng

Vợ chồng là đôi chim cùng vận mệnh, hỗ trợ nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Đã là vợ chồng, không nghi ngờ lẫn nhau. 

Lúc tử sinh hay khi cách biệt,
Chẳng bỏ nhau lời quyết thệ rồi.
Cầm tay nàng hẹn mấy lời:
"Sống bên nhau mãi đến hồi già nua".

  1. Ân tri kỷ

Tri kỷ dù có ở xa xăm biển khơi, vẫn như hàng xóm láng giềng: 

Nếu còn tri kỷ trên đời
Dẫu nơi góc biển chân trời chẳng xa

 Tri kỷ là gì? Đó là người thực sự hiểu bạn, là người trân trọng nhau.

6. Ân thầy cô

Một ngày làm thầy suốt đời làm cha. Nếu cha mẹ nuôi dạy chúng ta về thể chất, thì thầy cô cho chúng ta kiến ​​thức và trí tuệ.

  1. Ân quý nhân dìu dắt

Quý nhân sẽ biết đánh giá cao bạn, người có thể nhìn thấy giá trị thực sự của bạn và là người tạo cơ hội để bạn thể hiện tài năng.

Thiên lý mã thường tồn tại trên thế giới, nhưng Bá Nhạc không phải lúc nào cũng có, nếu không có Bá Nhạc trên đời thì Thiên lý mã lặng suốt đời đến chết vẫn không ai hay ai biết.

Vì vậy, làm sao có thể không cảm kích trước ân đức của quý nhân dìu dắt!

  1. Ân trí giả chỉ bảo

Cuộc sống không thể tránh khỏi những rắc rối, nhất là khi bạn còn trẻ, nếu bạn bị lạc lối được trí giả chỉ dẫn thì sẽ có lợi cả đời.

Hãy giao tiếp nhiều hơn với các chuyên gia và nhà thông thái, hãy biết ơn họ. Đôi khi những lời nói của họ sẽ làm bạn sáng mắt.

  1. Ân giải cứu trường hợp nguy nan

Sông có lúc trong lúc đục, người có lúc nhục lúc vinh. Giữa lúc nguy cấp, có người sẵn sàng ra tay cứu giúp, ân nghĩa này cả đời không được quên!

Bát cơm khi đói, ngàn vàng báo đáp, ơn cứu mạng sẽ được đền đáp trọn đời.

  1. Ân thêu hoa trên gấm 

Giúp người khi gặp nạn, nhất định là đại ơn đại đức. Thêu hoa trên gấm cũng là lòng tốt giúp người.

Một anh hùng có ba loại giúp, như người nữ cần có người nam giúp đỡ.

Khi một người ờ thời kỳ rực rỡ huy hoàng trên lĩnh vực nào đó, hãy biết ơn những người không đến phá đám mà đến để giúp đỡ, tôn mình lên.

Huy Hải
Theo Secretchina

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Chúc mừng anh Lê Minh Khái, cựu SV ĐH Kinh Tế Kharkov (khoa quản lý công nghiệp Hóa chất 1986-1991) được QH phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ Tướng CP Việt Nam

 

Quốc hội phê chuẩn 2 phó thủ tướng và 12 thành viên Chính phủ mới

08/04/2021 10:00 GMT+7

TTO - Sáng 8-4, trong ngày làm việc cuối của kỳ họp cuối cùng, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội khóa XIV đã phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 2 phó thủ tướng và 12 thành viên Chính phủ mới.

Quốc hội phê chuẩn 2 phó thủ tướng và 12 thành viên Chính phủ mới - Ảnh 1.

Hai tân phó thủ tướng Lê Minh Khái (trái) và Lê Văn Thành - Ảnh: Q.P

Theo đó, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm hai phó thủ tướng với ông Lê Minh Khái - nguyên tổng Thanh tra Chính phủ - và ông Lê Văn Thành - bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP Hải Phòng.

Cùng với đó, Quốc hội cũng phê chuẩn bổ nhiệm 12 bộ trưởng, trưởng ngành mới:

1. Thượng tướng Phan Văn Giang làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Ông Bùi Thanh Sơn làm bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

3. Bà Phạm Thị Thanh Trà làm bộ trưởng Bộ Nội vụ.

4. Ông Lê Minh Hoan làm bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5. Ông Nguyễn Thanh Nghị làm bộ trưởng Bộ Xây dựng.

6. Ông Nguyễn Văn Hùng làm bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.

7. Ông Hầu A Lềnh làm bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

8. Ông Trần Văn Sơn làm bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

9. Ông Hồ Đức Phớc làm bộ trưởng Bộ Tài chính.

10. Ông Nguyễn Kim Sơn làm bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.

11. Ông Nguyễn Hồng Diên làm bộ trưởng Bộ Công thương.

12. Ông Đoàn Hồng Phong làm tổng Thanh tra Chính phủ.

Quốc hội phê chuẩn 2 phó thủ tướng và 12 thành viên Chính phủ mới - Ảnh 2.

Các tân bộ trưởng, trưởng ngành (trên xuống, trái sang): bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn, bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong - Ảnh: Q.P

Với việc Thủ tướng Phạm Minh Chính được bầu ngày 5-4 và Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm các phó thủ tướng, thành viên Chính phủ, bộ máy lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 có 28 người.

Trong đó, ngoài Thủ tướng, có 5 phó thủ tướng: Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, 4 phó thủ tướng còn lại là các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Minh Khái và Lê Văn Thành.

Có 10/22 bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục tại vị: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh - xã hội Đào Ngọc Dung và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Bộ máy lãnh đạo Chính phủ có 2 người là nữ: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Về độ tuổi, chiếm đa số là những người sinh từ năm 1960 đến năm 1968. Có 4 người sinh trước năm 1960 và 2 người sinh sau năm 1970.

Người lớn tuổi nhất trong các thành viên Chính phủ là Phó thủ tướng Trương Hòa Bình (66 tuổi), người ít tuổi nhất là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (45 tuổi). Ông Hầu A Lềnh - bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - là người dân tộc thiểu số (dân tộc Mông) duy nhất trong các thành viên Chính phủ. 

Về trình độ chuyên môn, có 2 người là giáo sư, tiến sĩ là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; 3 người là phó giáo sư, tiến sĩ là Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Ngoài ra, có 9 tiến sĩ, 13 thạc sĩ và 1 cử nhân.


Phần 1: Dấu hiệu trước khủng hoảng: Bong bóng bất động sản và bong bóng giá trên thị trường chứng khoán toàn cầu quá lớn

 Với sự xuất hiện bất thường của dịch bệnh, từ gia súc, gia cầm cho tới nCov, bong bóng tài sản, tín dụng, nợ xấu có nguy cơ phát nổ bắt đầu từ Trung Quốc lan rộng ra các nền kinh tế khác vốn bất ổn trên một đống nợ cao kỷ lục. Rất có thể một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu lớn và khốc liệt đang cận kề…

Khủng hoảng tài chính – kinh tế dù lớn hay nhỏ luôn là ám ảnh của mọi nền kinh tế, mọi chính phủ. Lịch sử kinh tế học hiện đại cho thấy, theo một chu kỳ nhất định, bởi vô vàn các nguyên nhân khác nhau, khủng hoảng luôn xuất hiện đều đặn; cuộc khủng hoảng sau lớn hơn khủng hoảng trước ở quy mô, mức độ tác động và cái giá phải trả.

Trong 50 năm qua, thế giới chứng kiến xấp xỉ 40 sự kiện có tính chất khủng hoảng tài chính, khủng hoảng sau có xu hướng lớn hơn khủng hoảng trước đó ở phạm vi, quy mô ảnh hưởng, tác động và chi phí phải trả. Gần đây nhất, khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ (2007-2008) đã lan rộng toàn cầu, hậu quả và tác động của nó còn tiếp diễn và khó lường. Mười năm sau khủng hoảng, khó khăn và các bất ổn tài chính tại hầu hết các nền kinh tế lớn không những chưa được khắc phục mà đã tích tụ đủ các dấu hiệu xảy ra một cuộc khủng hoảng mới. Với sự xuất hiện bất thường của dịch bệnh, từ gia súc, gia cầm cho tới Coronavirus, bong bóng tài sản, tín dụng, nợ xấu có nguy cơ phát nổ bắt đầu từ Trung Quốc. Rất có thể một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu lớn và khốc liệt đang cận kề…

Các dấu hiệu trước khi xảy ra khủng hoảng đều đã xuất hiện khá lâu và ở mức cảnh báo rủi ro cao

Sau mỗi cuộc khủng hoảng, nguyên nhân của nó sẽ được đưa ra phân tích nhằm đề ra các giải pháp hạn chế tối đa phí tổn và phòng ngừa rủi ro trong tương lai. Dưới các góc nhìn khác nhau, các nguyên nhân khác nhau được thảo luận và nhận định. Song tựu chung lại, nguyên nhân của khủng hoảng (đặc biệt là 2 cuộc khủng hoảng lớn gần đây vào năm 1997 và 2007) đều xuất phát từ việc các chính phủ đã không kiểm soát được đường đi, quy mô và đích đến của dòng tiền. Cơ chế hoạt động của dòng tiền vốn ngày một phức tạp và khó kiểm soát do hội nhập kinh tế, do các công cụ tài chính (để điều khiển dòng tiền) phức tạp và đa dạng, do các định chế tài chính (trung gian phân bổ dòng tiền) ngày một lớn và khó kiểm soát. Kết quả là, dòng tiền thiếu kiểm soát bởi một cơ chế giám sát hiệu quả đã trở thành công cụ đầu cơ nhiều hơn là đầu tư và chảy vào những khu vực có rủi ro cao nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao trong ngắn hạn.

Về cơ bản, mỗi cuộc khủng hoảng trong quá khứ xảy ra ít nhất 1 trong 4 dấu hiệu dưới đây, những cuộc khủng hoảng lớn sẽ xuất hiện đầy đủ cả 4 dấu hiệu này: (i) bong bóng giá tài sản; (ii) quy mô nợ lớn và khả năng trả nợ suy giảm (bất cân đối tài chính); (iii) rủi ro nội tại trong khối tài sản đầu tư của các ngân hàng thương mại (NHTM) toàn cầu; (iv) can thiệp của chính phủ nhằm giải cứu ngân hàng, thanh khoản.

Cả 4 dấu hiệu đã tích tụ và ngày một lớn trong 5 năm qua. Bằng các công cụ cảnh báo sớm, nhiều nền kinh tế lớn đã nỗ lực khoanh vùng và giảm thiểu các rủi ro tài chính này.

Đáng lưu ý là, cả 4 dấu hiệu này tại Trung Quốc tích tụ ngày một lớn trước cuộc tấn công nghiêm trọng bởi Coronavirus nhưng lại bị che dấu, nằm ngoài mọi mô hình cảnh báo sớm của thế giới. Sự cộng hưởng của Coronavirus có thể khiến nền kinh tế này lâm vào khủng hoảng, vỡ nợ và mất khả năng thanh khoản, khả năng thanh toán. Việc này đã và đang tác động tiêu cực tới các nền kinh tế lân cận và tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kế tiếp.

Dấu hiệu thứ nhất – dấu hiệu không thể thiếu trước mọi cuộc khủng hoảng: bong bóng giá tài sản như bất động sản, chứng khoán,…

Đây là dấu hiệu không thể thiếu của mọi cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế khu vực hay toàn cầu. Thông thường giá bất động sản (BĐS) tăng rất cao tạo bong bóng bởi bất động sản là loại tài sản vừa mang tính tích trữ vừa mang tính đầu cơ cao. Khi doanh nghiệp, cá nhân có thể tiếp cận với tín dụng giá rẻ quá mức, khu vực sản xuất thực sẽ không thể hấp thụ hết, dòng tiền - một phần lớn - sẽ bị chảy vào các loại tài sản mang tính đầu cơ cao và rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… Hiện tại, dấu hiệu này rất rõ nét tại Trung Quốc và tại các quỹ ETF toàn cầu.

Bong bóng bất động sản tại Trung Quốc: bong bóng bất động sản rất lớn biểu hiện ở giá bất động sản tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng thu nhập bình quân của dân cư. Việc này tạo ra các dự án bất động sản xây xong không bán được; có tới 50 thành phố ma, và 64,5 triệu căn hộ không một bóng người rải rác khắp Trung Quốc.

Nguyên nhân khiến bong bóng bất động sản ngày một lớn tại Trung Quốc, không thể kìm hãm, có thể gây đổ vỡ ngân hàng hàng loạt là do:

Thứ nhất: Chính quyền trung ương cần kết quả tăng trưởng cao để duy trì ổn định trong nước; Chính quyền địa phương bị giao chỉ tiêu và chạy theo thành tích tăng trưởng GDP bất chấp hậu quả trong dài hạn để làm hài lòng chính quyền trung ương.

Theo Dinny McMahon, tác giả cuốn sách China’s Great Wall of Debt (tạm dịch: Trường thành nợ nần của Trung Quốc), cho rằng: sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính quyền các địa phương cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích thị trường bất động sản. Chính vì điều này mà các công ty tư nhân, công ty nhà nước đua nhau rót tiền vào các dự án xây dựng có mục đích sử dụng thấp, gây lãng phí. Ngoài ra, việc xây dựng ồ ạt các khu đô thị còn đến từ tâm lý quá lạc quan của nhà đầu tư khi họ tin rằng thị trường bất động sản chỉ có tăng trưởng, đi lên.

Nhưng tại sao Trung Quốc không hướng tới một chiến lược tăng trưởng bền vững hơn thay vì bất chấp rủi ro để chạy theo kết quả tăng trưởng cao nhất toàn cầu? Thất bại về môi trường, mâu thuẫn xã hội tăng cao trong lòng xã hội Trung Quốc là mặt trái của chính sách theo đuổi thành tích tăng trưởng này. Nhìn vào lịch sử 70 năm cầm quyền của chính quyền đương nhiệm, các thất bại trong chính sách kinh tế kế hoạch hóa tập trung, "Đại nhảy vọt"... đã khiến chính quyền bị thôi thúc phải sử dụng các con số thuyết phục trong thời đại hội nhập để biện hộ cho tính chính danh của mình. Bởi vậy, trong báo cáo Revising U.S. Grand Strategy Toward China (tạm dịch: Điều chỉnh lại Đại chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc), Blackwill & Tellis (2015) khẳng định: “tăng trưởng cao GDP chính là căn cứ tồn tại hợp pháp của chính quyền Trung Quốc”.

Thứ hai: Quan trọng hơn, cách phân loại nợ xấu "có một không hai" của Trung Quốc khiến các NHTM, chính quyền trung ương và địa phương không thể để thị trường BĐS sụt giá hoặc đổ vỡ.

Theo số liệu thống kê, nợ xấu trong ngân hàng Trung Quốc hiện là 1,8%/ tổng dư nợ. Tuy nhiên, mức nợ xấu của Trung Quốc hiện không được tính theo chuẩn mực quốc tế bởi cách phân loại nợ đặc thù. Theo một công bố của HSBC năm 2016, cách phân loại nợ xấu của Trung Quốc như sau: Một, nợ xấu do chính ngân hàng thương mại tự xếp hạng dựa trên giá của tài sản đảm bảo. Ngay cả khi khách hàng đã hoàn toàn mất khả năng trả nợ cả lãi và gốc, thì NHTM vẫn xếp hạng khoản nợ đó là nợ tốt (nợ loại 1) - nếu NHTM này đánh giá giá trị của tài sản đảm bảo vẫn lớn hơn giá trị khoản vay của khách hàng tại ngân hàng đó. Hai, khi nợ xấu quá lớn, các NHTM nhỏ không thể “chịu đựng”, các khoản nợ xấu nhất được chứng khoán hóa và bán ra thị trường. Tuy nhiên, chỉ các NHTM lớn trong hệ thống mua lại những khoản nợ này (do chính phủ yêu cầu), và họ hạch toán vào khoản “đầu tư chứng khoán”. Về hình thức, nợ xấu biến mất trên sổ sách, nhưng thực tế, khối nợ ngày một lớn và không thể xử lý nằm nguyên trong hệ thống NHTM nước này.

Với cách phân loại này, NHTM cũng như chính quyền địa phương không thể để BĐS rớt giá hoặc đổ vỡ. Khi BĐS sụt giá, NHTM buộc phải chuyển rất nhiều nợ tốt thành nợ xấu, nợ quá hạn, không để nợ xấu phát sinh trong tương lai. Điều này giải thích tại sao ngay cả khi chính quyền trung ương siết chặt chính sách tiền tệ nhằm giảm nhiệt thị trường BĐS giai đoạn trước thương chiến, nhưng cũng dường như không tác động đáng kể tới thị trường này. Nguyên nhân bởi các ngân hàng ngầm, công cụ nợ thông qua hình thức đầu tư công - tư với chính quyền địa phương… đã khiến công cụ chính sách tiền tệ không còn hiệu quả.

Tuy nhiên, về lý thuyết, dòng tiền bơm vào các bong bóng tài sản không thể mãi dồi dào và sức chịu đựng của “bong bóng” tài sản là có giới hạn. Thực tế, kể từ khi thương chiến, Trung Quốc liên tục phải nới lỏng tiền tệ bằng nhiều công cụ khác nhau, trong đó đáng kể nhất là 7 lần giảm dự trữ bắt buộc của hệ thống ngân hàng thương mại từ trung ương đến địa phương. Mặc dù vậy, giá thị trường BĐS bắt đầu có xu hướng giảm trong 3 tháng gần đây, tăng trưởng GDP liên tục suy giảm dưới mức kỳ vọng - 6% trong năm 2019 vừa rồi, mức thấp nhất trong suốt 30 năm qua.

Với cơn bão Coronavirus, dù chống đỡ thị trường bằng hàng loạt mệnh lệnh hành chính thì việc vỡ bong bóng bất động sản tại Trung Quốc là khó tránh.

Không chỉ một mình Trung Quốc có bong bóng tài sản, trên thị trường chứng khoán toàn cầu, bong bóng quỹ ETFs đã trở nên ám ảnh: Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) là các quỹ đầu tư được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán. Hầu hết các quỹ ETF đã được tạo ra để tái tạo hiệu suất của các chỉ số thị trường, chẳng hạn như S&P 500... Tài sản của các quỹ ETF toàn cầu đã tăng từ 417 tỷ đô la Mỹ vào năm 2005 lên 5,02 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2019 (theo statista.com): gấp 12 lần về quy mô dòng tiền.

Theo các chuyên gia về đầu tư tài chính, do theo tăng trưởng nên chính sách tiền tệ bị mở rộng quá mức trong thời gian quá lâu, điều này khiến lãi suất không phản ánh rủi ro của thị trường. Lúc này, đầu tư thụ động khiến giá cổ phiếu bị méo mó. Thêm vào đó, việc đầu tư dựa vào chỉ số, mô hình, và bắt chước chiến lược của các quỹ ETFs, quỹ tương hỗ... đã khiến các nhà đầu tư quên mất việc phải phân tích thực trạng doanh nghiệp để tìm ra giá trị thực của tài sản mà mình muốn đầu tư.

Theo M. Burry, tình trạng này cực kỳ giống với bong bóng chứng khoán hóa các khoản nợ thế chấp có tài sản đảm bảo (CDO) trước Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Khi đó, phân tích cơ bản giá trị thực của tài sản - chất lượng thực của CDO không được thực hiện. Khi đó dòng vốn đầu tư quá lớn vào tài sản này chỉ dựa trên các mô hình phân tích rủi ro đoạt giải Nobel mà đã được chứng minh là không còn đúng nữa.

Thực tế, cách đầu tư kiếm lời của ETFs được hỗ trợ bởi dòng vốn rẻ mạt mà không quan tâm tới chất lượng thực của cổ phiếu đã tạo ra bong bóng giá cổ phiếu và tài sản của các quỹ này, tạo điều kiện phát triển quá mức cho các thị trường chứng khoán trên thế giới trong năm qua.

Với sự xuất hiện của Coronavirus, hàng loạt các hãng toàn cầu lớn nhất bị thiệt hại kinh tế, rút khỏi Trung Quốc và giảm quy mô sản xuất do cầu tiêu dùng giảm. Điều này khiến các quỹ ETFs buộc phải tháo chạy sớm khỏi thị trường và khó lòng đảm bảo cuộc tháo chạy diễn ra từ từ, êm đẹp. Sự xuống dốc của các thị trường chứng khoán toàn cầu trong gần 1 tháng qua là dấu hiệu xấu đối với khối bong bóng tài sản này. Hiển nhiên, khi đổ vỡ, không chỉ các nhà đầu tư tư nhân chịu tác động, các định chế tài chính trung gian như ngân hàng, công ty tài chính, quỹ đầu tư cũng phải đối mặt với khối nợ xấu - hậu quả của dòng tín dụng quá rẻ và dễ dãi…

(Còn nữa)

Đón đọc Phần 2 với nội dung: Ba dấu hiệu còn lại của khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng đã xuất hiện và tích tụ rủi ro rất cao trước đại dịch Coronavirus...

Trà Nguyễn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ramírez, D.; D. Ceballos; K. Cortez and M. Rodríguez , Financial crisis: theory and practice, 2008.
  2. Blackwill & Tellis, Revising U.S. Grand Strategy Toward China (tạm dịch Điều chỉnh lại Đại chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc), 2015

Công cụ đòn bẩy tài chính đã kích hoạt các vụ “nổ” bong bóng kinh tế và khủng hoảng tài chính - Bong bóng giá “Lan đột biến” (Phần 1)

 Từ khi xuất hiện hệ thống tài chính tiền tệ hiện đại trong 4 thế kỷ gần đây, con người bắt đầu chứng kiến các thảm họa "kinh tế - tài chính" do chính mình gây ra mà không cần chờ tới tác động của thảm họa tự nhiên hay chiến tranh, ngôn ngữ kinh tế hiện đại gọi đó là "khủng hoảng kinh tế".

Trước khi xuất hiện hệ thống tài chính hiện đại - hệ thống khuyến khích con người kinh doanh, sản xuất và tích lũy tài sản dựa vào vay mượn (đòn bẩy tài chính), các nền kinh tế chỉ gặp khủng hoảng khi gặp thiên tai, địch họa khiến hàng hóa khan hiếm, thực phẩm thiếu thốn, giá cả tăng vọt bởi cung - cầu bất cân đối.

Đáng ngạc nhiên là sau khi xuất hiện các “đòn bẩy tài chính”, thì các cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế diễn ra với tần suất ngày một tăng, thời gian giữa các cuộc khủng hoảng liên tiếp ngày càng ngắn, quy mô ngày càng lớn, tổn thất do khủng hoảng gây ra ngày càng nhiều… và sau mỗi lần khủng hoảng, chính quyền lại gia tăng sở hữu và kiểm soát tài sản. Điều nguy hiểm là các cuộc khủng hoảng sau trở nên lớn hơn, trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng trước, còn chính quyền lại sở hữu nhiều hơn. Trong khi người dân càng chờ đợi và dựa dẫm vào chính phủ, thì chính phủ lại tiếp tục “bất lực”... 

Đáng buồn là sự tha hóa này là hệ quả tất yếu của một hệ thống tài chính hiện đại đầy lỗ hổng và sai lầm... Phải chăng vòng xoáy trôn ốc của khủng hoảng sẽ đưa con người tiến tới một trạng thái mới, nơi lòng tham và đạo đức kinh doanh biến dị khiến chúng ta mất hết tài sản của mình cho một chính phủ có thể "quản lý" và phân phối nó? Trong khi sự thật là, không một chính phủ nào sở hữu nhiều tài sản lại quản lý hiệu quả và công bằng, và đó chắc hẳn không phải là một chính phủ lành mạnh...

Sau khi xuất hiện các “đòn bẩy tài chính”, thì các cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế diễn ra với tần suất ngày một tăng, chính quyền cũng ngày càng gia tăng sở hữu và kiểm soát tài sản.
Sau khi xuất hiện các “đòn bẩy tài chính”, thì các cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế diễn ra với tần suất ngày một tăng, chính quyền cũng ngày càng gia tăng sở hữu và kiểm soát tài sản. (Getty)

Trong loạt chuyên đề này, NTDVN cố gắng dựa trên bức tranh có chiều sâu về lịch sử và chiều rộng về dữ liệu để tìm ra nguyên nhân của khủng hoảng trong mối gắn kết chặt chẽ với sự tha hóa về lòng tham và đạo đức kinh doanh... 

Nói đơn giản, khủng hoảng kinh tế - tài chính là hậu quả của những hành vi sai trái của con người. Nhưng đáng nói là các hành vi này lại được khuyến khích bởi các dịch vụ tài chính khuyến khích lòng tham... 

Lịch sử ghi lại những vụ nổ “bong bóng” định kỳ. Tạp chí Forbes đã liệt kê các trường hợp của nước Anh đã trải qua bong bóng Biển Nam vào những năm 1720 và Đường sắt vào những năm 1940. Người Nhật đã có một bong bóng bất động sản phát triển vào cuối những năm 1980. Một trong những bong bóng hấp dẫn nhất là Cơn sốt hoa Tulip “khét tiếng” vào những năm 1630 tại Hà Lan. Người Hà Lan phát cuồng vì hoa tulip đến nỗi họ bắt đầu thế chấp nhà để mua chúng. Những gì xuất hiện như một khoản đầu tư quá tốt, quá khôn ngoan, lại có thể trở thành một khoản thế chấp mà bạn không đủ khả năng chi trả.

Bong bóng hoa tulip - một bài học về ‘bóng ma’ của lòng tham

Lịch sử đã chỉ ra rằng khủng hoảng tài chính là một chủ đề lặp đi lặp lại trong lịch sử loài người. Cuộc khủng hoảng tài chính sớm nhất và được ghi chép rõ ràng nhất bắt đầu từ “bong bóng” hoa tulip Hà Lan vào năm 1624. 

Vào đầu thế kỷ 17, Hà Lan là trung tâm thương mại tài chính thông qua các tuyến giao dịch Đông Ấn và thu được lợi nhuận từ việc vận chuyển hàng hóa. Giống như cách mà các tỷ phú và triệu phú dot-com ngày nay đã làm, những người giàu nhất Hà Lan đã xây dựng “giấc mơ giàu có” của họ dựa trên việc mua bán... hoa tulip. 

Giống như cách mà các tỷ phú và triệu phú dot-com ngày nay đã làm, những người giàu nhất Hà Lan đã xây dựng “giấc mơ giàu có” của họ dựa trên việc mua bán... hoa tulip. 
Giống như cách mà các tỷ phú và triệu phú dot-com ngày nay đã làm, những người giàu nhất Hà Lan đã xây dựng “giấc mơ giàu có” của họ dựa trên việc mua bán... hoa tulip. (Getty)

Giá một bông hoa tulip được cho là tương đương với thu nhập hàng năm của một thương nhân giàu có, giá hoa đã tăng đều đặn trong suốt năm 1630, và được thúc đẩy tăng cao hơn thông qua việc hình thành thị trường “giao dịch hàng hóa tương lai” chính thức giữa các nhà đầu cơ và những người mua tìm kiếm sự giàu có ngay lập tức. 

Lưu ý là cơ hội đầu cơ hoa tulip được khuếch đại với mọi nhà đầu tư do sản phẩm tài chính có tên "Giao dịch hàng hoá tương lai" xuất hiện và “nở rộ” khi vào năm 1602. Năm 1602, Sở giao dịch chứng khoán Amsterdam ra đời. Nhưng mọi thứ đã đi quá xa... 

Một học giả thời đó đã viết: “Bạn bè không còn là bạn bè, và mọi người không còn đi tìm thứ gì ngoài chuyện chỉ quan tâm đến lợi nhuận”.

Đến những năm 1630 đã xuất hiện một số nhà môi giới hoa tulip. Việc buôn bán loài hoa này có sức hút đặc biệt không thể cưỡng lại được. Một nhà thơ thời đó viết: “Nếu nhìn vào lợi nhuận từ hoa tulip thì người ta sẽ tin ngay là trên đời chẳng có thuật giả kim nào là hấp dẫn hơn mặt hàng này”.

Tại sao sản phẩm tài chính "giao dịch hàng hóa tương lai" lại góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng đầu tiên? Những hợp đồng này đóng vai trò như một cam kết giữa hai bên để cho phép họ giao dịch bất kỳ tài sản nào đó tại một thời điểm trong tương lai (ngày hết hạn), với mức giá đã được thỏa thuận tại thời điểm hợp đồng được tạo ra. Và đương nhiên, bạn không cần bỏ ra 100% số tiền để giao dịch trong tương lai, bạn chỉ cần bỏ ra 1 tỷ lệ nhỏ trong hợp đồng mua - bán tương lai này để đảm bảo cho việc giao dịch sau này mà thôi. Trong khi đó bạn có thể sử dụng quyền sở hữu tài sản, quyền mua - bán của tương lai với hoa tulip để “đặt cọc” ở ngân hàng, vay tiền và tiếp tục mua các hợp đồng tương lai khác. 

Như vậy, chỉ với một số tiền nhỏ, ví như với 100 đồng bạn có thể sở hữu 1 cây hoa tulip, thì với công cụ tài chính dù còn sơ khai của hệ thống tài chính thời ấy, bạn cũng có thể sở hữu tới 8 đến 10 cây hoa tulip. Công cụ này tạo ra sự dễ dàng và thuận tiện cho việc đầu cơ, và kích thích lòng tham của đại chúng. Và khi “cầu” bị chính hệ thống tài chính thổi phồng lên, thì giá tăng mạnh, đầu cơ tăng, lòng tham tăng và sự khôn ngoan không đáng để bàn đến nữa. 

Bong bóng Tulip Hà Lan năm 1936
(Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Năm 1637, giá hoa tulip lên đến đỉnh điểm. Giá của một loại củ hoa tulip phổ biến đã tăng hơn gấp 10 lần từ mức 125 florin/pound ở thời điểm ngày 31/12/1636 lên đến lên 1.500 florin vào ngày 03/02/1637, theo Business Insider. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 tháng sau đó, giá củ hoa tulip mùa đó lao dốc, khiến người mua, người bán cũng như các nhà môi giới và bảo hiểm mất trắng. 

Theo Corporate Compliance insight, thị trường này đã sụp đổ, tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính Bong bóng hoa tulip, với chủ đề chính liên quan đến việc đầu cơ. Vì tham vọng cá nhân, vì sợ bỏ lỡ cơ hội làm giàu, vì chạy theo xu thế “đám đông”, hay vì cả tin… “người chơi” đã chấp nhận rủi ro “mất tất cả” để theo đuổi một “bong bóng hoa tulip”, vốn dĩ tươi đẹp nhưng cũng vô cùng mong manh, dễ phai tàn như loài hoa tulip vậy.

Cuộc khủng hoảng đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội Hà Lan. Quan trọng hơn là các bong bóng tài sản khác vẫn đang tiếp diễn và hầu như không ai rút ra được bài học gì.

Giáo sư Anne Goldgar tại đại học King's College London cho rằng câu chuyện về bong bóng hoa tulip là một câu chuyện về những kẻ ngốc và tham lam. Nó là một loại “ảo tưởng đại chúng”, một cơn điên cuồng cho hoa tulip, hay đúng hơn đó là một “cơn khát” làm giàu phi đạo đức, không dựa trên sức lao động bỏ ra, mà mong chờ vào việc đầu cơ.

Câu chuyện về bong bóng tulip là một câu chuyện về những kẻ ngốc và tham lam. Đó là một “cơn khát” làm giàu phi đạo đức, không dựa trên sức lao động bỏ ra, mà mong chờ vào việc đầu cơ.
Câu chuyện về bong bóng tulip là một câu chuyện về những kẻ ngốc và tham lam. Đó là một “cơn khát” làm giàu phi đạo đức, không dựa trên sức lao động bỏ ra, mà mong chờ vào việc đầu cơ. (Pixabay)

“Bong bóng” kỳ lạ nhất Beanie Baby – những con thú bông giá 5 USD đã làm cả nước Mỹ “điên đảo”

Những năm 1990 là một trong những thập kỷ phù phiếm nhất thế giới với “Cơn sốt thú bông” của nước Mỹ. Một dòng thú nhồi bông do nhà sản xuất Ty của Mỹ sản xuất, đã được “săn lùng” rộng rãi không chỉ như đồ chơi mà còn là một khoản đầu tư tài chính. Tờ Guardian cho biết gấu bông đã từng chiếm 10% tổng doanh số trên eBay, với giá bán trung bình là 30 USD, gấp 6 lần giá trị bán lẻ của chúng. Một số đồ chơi hiếm hơn đạt đến mức cả trăm ngàn đô-la Mỹ. Chỉ trong ba năm, nhà sáng lập Ty Warner đã trở thành một tỷ phú.

Đầu năm 1996, chiến thuật "khan hiếm ảo" bắt đầu phát huy tác dụng, những mẫu thú nhồi bông đã được dừng bán từ lâu bỗng dưng trở thành "hàng hot". Một nhà sưu tập tên Gallagher còn chủ động liên hệ với nhà cung cấp tại Đức nhằm tìm kiếm các sản phẩm đã cháy hàng tại Mỹ. Gallagher đã chi 2.000 USD mua lại mẫu "Chilly the Polar Bear" và sau đó mẫu này nhanh chóng được rao bán với giá 300.000 USD khi về đến Mỹ.

Cơn sốt này “điên cuồng” đến nỗi các cặp vợ chồng ly dị đã tranh giành tài sản là những con gấu bông. Trong bối cảnh cuồng loạn như vậy, một nền kinh tế ngầm bắt đầu phát triển mạnh mẽ với làn sóng tội phạm. Nó được gọi là huyền thoại đầu cơ kỳ lạ nhất mọi thời đại, với những nạn trộm cắp, lừa đảo, giẫm đạp, buôn lậu, cướp có vũ trang, làm giả các đồ chơi, các vụ ly hôn cay đắng, thậm chí là một vụ giết người. Công ty Ty Inc. sau cùng đã bị cáo buộc là cố gắng thao túng thị trường.

Trong một vài năm sau, những con vật “sang trọng” từng có giá trị hàng ngàn USD trở thành vật vô giá trị, và các bộ sưu tập quý giá đã được chuyển thành các hộp quyên góp cho bệnh viện.

Nhìn lại, rõ ràng cơn sốt gấu bông này là một bong bóng kinh tế, được thúc đẩy bởi sự đầu cơ điên cuồng và sự lạc quan vô căn cứ. Bong bóng kinh tế khá phổ biến, nhưng tại sao lại là “bong bóng” trên đồ chơi, tại sao nước Mỹ mất trí trước thú nhồi bông?

Ty Warner, kẻ chủ mưu, có một tài năng đáng chú ý để thao túng cung và cầu. Theo Kindleberger, mỗi “bong bóng” có bốn giai đoạn cơ bản: sự phát triển mới gây chấn động thị trường; sự kích thích trực tiếp trên sự phát triển đó; một cơn sốt bùng nổ bất ngờ trong bán hàng và đầu cơ; và cuối cùng, sự hoảng loạn khi bong bóng vỡ. 

Nhưng hỗ trợ cho cả 4 giai đoạn tạo ra “bong bóng” trên đó chính là “hệ thống tài chính đòn bẩy” với hàng trăm sản phẩm tài chính đòn bẩy đa dạng, nơi con người chỉ sở hữu 1 đồng thì có thể vay thêm tới 7 - 10 đồng để kinh doanh hoặc đầu cơ. 

Lý thuyết Odlyzko đã mở rộng ý tưởng cho các bong bóng kinh tế. Khi nhiều người phát hiện ra món đồ chơi này, họ khao khát tìm hiểu bí mật này và tham gia vào thành công tài chính... sắp xảy ra. Chẳng mấy chốc, hàng triệu người Mỹ đã bị “kìm kẹp” bởi niềm tin rằng họ đã khám phá ra một con đường dễ dàng đến sự giàu có cá nhân, và đi đến con đường “đánh mất chính mình”, đương nhiên kèm theo một lượng lớn tài sản của họ.

Liệu sai lầm có lập lại với bong bóng ‘lan đột biến’ trên thị trường Việt Nam hiện nay?

Chơi lan từ lâu đã trở thành thú vui của không ít người Việt. Việc bỏ ra vài chục ngàn, vài trăm ngàn cho tới vài chục triệu đồng để sở hữu một giỏ lan là chuyện thường thấy. Tuy nhiên, gần đây trên thị trường xuất hiện một loại lan... đột biến gen có giá “trên trời”, và được ngợi ca vì sự độc đáo của "mặt hoa" và mức độ hiếm có của nó.

Thị trường lan bỗng “dội lên” những tin chấn động về giá của những cây lan đột biến, từ mấy trăm triệu đồng, rồi lên tới vài tỷ đồng… và mới đây lên đến hơn 80 tỷ đồng. Liệu cơn sốt lan đã lên đến đỉnh điểm, và đây là mức giá thực hay ảo?

Nhiều thương vụ mua bán lan đột biến gần đây diễn ra công khai trên mạng xã hội. Theo các đại gia chơi lan đột biến cho biết, giá trị của 1 kie lan đột biến Bảo Duy hay Vô Thường lên đến hàng tỷ đồng là vì đây đều là những loài hoa rất quý, đẹp. Chúng có khả năng tạo ra giá trị cao về kinh tế trong tương lai nhờ nhân giống và bán lại. Ít ai có thể ngờ rằng 2 mầm lan ngắn được một chủ nhân vườn lan mua với giá 1,5 tỷ đồng, sau 4 ngày giá đã “vọt lên” khoảng 2,2 tỷ. 

Sau mấy tiếng mua, đã có người bảo chuyển nhượng sang tay giá 1,1 tỷ nhưng mình không bán mà để ươm. Dự kiến sau 15 ngày nữa, kie Bảo Duy này sẽ có giá 1,5 tỷ đồng”, anh Hoan Boom, một người chơi giống lan đột biến chia sẻ.

cơn sôt chơi lan ở Việt Nam
(Ảnh chụp màn hình)

Trên phương tiện truyền thông cho biết, một chủ vườn lan ở Bình Phước vừa mua 3 cây lan có giá 30 tỷ đồng. Trước đó, những thương vụ bạc tỷ như vậy diễn ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Một chủ nhà vườn cho biết, trước đây các nhà vườn chủ yếu bán lan “thường” giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu, vài chục triệu đồng… Nay nhà nhà đổ xô vào mua bán lan đột biến vì lợi nhuận “khủng” của nó.

Theo dantri, trong cơn sốt lan đột biến, cộng đồng chơi lan liên tục chứng kiến các thương vụ mua bán với giá "khủng" chưa từng có. Cứ vụ mua bán sau lại có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần vụ trước khiến không ít người hoài nghi đây có phải là chiêu thổi giá của giới kinh doanh lan đột biến.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, nguồn tiền chơi lan, đầu cơ lan, môi giới lan đột biến đến từ đâu? Ngoài nguồn tiền mặt tự có, bong bóng giá của “lan đột biến” không thể không bị thúc đẩy, thổi phồng bởi chính sách lãi suất thấp, cung tiền ngập thị trường và dòng vốn vay tiêu dùng, vay đầu tư… có thể chảy vào nơi có lợi nhuận cực cao nhưng rủi ro cực lớn như thương vụ “lan đột biến” này. 

Phần lớn những giao dịch mua bán này được trao đổi khá tự do mà không có ngành chức năng nào quản lý, giám sát về nguồn gen. Liệu bong bóng hoa tulip xưa kia có lặp lại một lần nữa với lan đột biến? Dường như chúng ta vẫn chưa học được bài học của quá khứ?

(Còn nữa)

Mời đọc giả đón đọc tiếp Phần 2: Ngân hàng và việc xóa bỏ bản vị vàng ‘phóng thích’ lòng tham không đáy - hai cánh cửa địa ngục của mọi nền kinh tế.