Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Lợi ích tuyệt vời của trà đen


Moitruong24h- Nhiều nghiên cứu mới cho thấy trà đen mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Bảo vệ sức khỏe răng miệng. Trà đen làm giảm sự hình thành mảng bám cũng như hạn chế sự tăng trưởng của vi khuẩn gây sâu răng. Những polyphenol được tìm thấy trong trà đen có khả năng tiêu diệt và chế ngự các vi khuẩn gây sâu răng cũng như cản trở sự tăng trưởng của các enzyme vi khuẩn hình thành vật liệu gắn kết mảng bám với răng.
Tốt cho tim. Một cuộc nghiên cứu quy mô lớn được công bố tại Mỹ năm 2009 cho thấy, những người uống 3 tách trà đen mỗi ngày có rủi ro bị đột quỵ thấp hơn 21% so với những người uống chưa đầy 1 tách mỗi ngày.

Chất chống ô xy hóa. Polyphenol cũng là một loại chất chống ô xy hóa giúp ngăn chặn sự tổn thương ADN có liên quan đến thuốc lá và các hóa chất độc hại khác. Chất chống ô xy hóa này khác với chất được hấp thu từ trái cây và rau. Vì thế, với vai trò là một phần thường xuyên của chế độ ăn uống, nó có thể mang lại thêm những lợi ích hướng đến một lối sống lành mạnh.

Trị hen suyễn. Chất caffeine trong trà đen có thể đóng vai trò như một loại thuốc làm giãn phế quản, vốn đặc biệt hữu ích cho người bị hen suyễn. Ngoài caffeine, trà còn chứa chất theophylline giúp mở thông các khí đạo trong phổi, qua đó làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn.

Ngừa ung thư. Dù vẫn cần nhiều nghiên cứu nhằm đưa ra những cách thức ngăn ngừa ung thư hiệu quả, nhưng một số nghiên cứu trong những năm qua cho thấy các chất chống ô xy hóa như polyphenol và catechin trong trà có thể giúp ngăn ngừa một số loại ung thư. Đã có bằng chứng cho thấy phụ nữ uống trà đen thường xuyên có rủi ro bị ung thư vú và ung thư buồng trứng thấp hơn so với những người không uống.

Khỏe xương. Những người uống trà đen như một thói quen có xương chắc khỏe hơn và nguy cơ bị viêm khớp cũng thấp hơn, do sự hiện diện của các hóa chất thực vật được tìm thấy trong trà.

Giảm rủi ro tiểu đường. Kết quả một cuộc nghiên cứu được thực hiện với những người lớn tuổi trên các hòn đảo ở Địa Trung Hải cho thấy những người uống trà đen dài hạn với mức vừa phải (1 - 2 tách mỗi ngày) có rủi ro bị tiểu đường loại 2 giảm đến 70%.

Giảm stress. Các nghiên cứu cho thấy a xít amin L-theanine được tìm thấy trong trà đen có thể giúp bạn thư giãn và tập trung tốt hơn. Trà đen cũng đã được chứng minh có thể giảm mức hormone gây stress khi được uống thường xuyên với lượng vừa phải.

Củng cố hệ miễn dịch. Trà đen chứa các kháng nguyên alkylamine giúp tăng cường phản ứng miễn dịch. Bên cạnh đó, các chất tannin trong trà có khả năng chống vi rút và giúp bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ bị bệnh cúm, viêm dạ dày và những vi rút khác thường thấy trong cuộc sống hằng ngày.

Đường tiêu hóa khỏe mạnh. Ngoài việc tăng cường hệ miễn dịch, các tannin còn có tác dụng chữa bệnh đối với các vấn đề dạ dày và ruột, đồng thời giúp điều hòa hoạt động tiêu hóa.

Tăng cường năng lượng. Không như những loại thức uống khác có chứa nhiều caffeine hơn, hàm lượng caffeine thấp được tìm thấy trong trà có thể giúp tăng cường lưu lượng máu đến não mà không cần kích thích tim quá mức. Nó cũng kích thích quá trình trao đổi chất và hệ hô hấp, đồng thời hỗ trợ tim và thận.

Nhật ký Cao điểm 384



http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=25340.0

Cuốn nhật kí được chuyển tới tay chúng tôi thông qua cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu. Trăn trở lớn nhất của ông Dương Văn Minh ( đã mất ) người ghi lại cuốn nhật kí này cùng gia đình liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu là chưa tìm được hài cốt của các liệt sĩ Đại đội 62 anh dũng đã nằm lại trên đồi 384 về với quê hương, cũng như câu chuyện về những người anh hùng ấy chưa được gia đình các liệt sĩ còn lại biết tới. Vì vậy xin cộng đồng hãy cùng chung tay giúp sức, đưa cuốn nhật ký này tới gia đình những người anh hùng sau nếu có thể tìm được:

Liệt sỹ : Đồng Văn Soạn. Sinh năm : 1948. Quê : Phú Lương – Thái Nguyên. Nhập ngũ : 1967. Thiếu Úy. Đại Đội Trưởng. Đảng Viên. Hy sinh : 18-4-1972 tại cao điểm 384.   

Liệt sỹ : HOẠT. Quê : Kiến An - Hải Phòng. Chuẩn úy, Đại đội trưởng. Đảng viên. Hy sinh : 27-1-1973. Tại cầu Suối Vối. Xã Song An. An Khê. Gia Lai < đường 19>.

Liệt sỹ : Nông Văn Thu. Năm sinh : 1948. Quê : Bản Noọng. Xã ?. Huyện Phú Lương. Thái Nguyên. Trung sỹ. Tiểu đội trưởng. Hy sinh : 15-4-1972. Tại cao điểm 384. Nhập ngũ:1967.

Liệt sỹ : Đào Duy Hiển. Năm sinh: 1953. Quê: xóm Minh Phượng. Nham Sơn. Yên Dũng. Bắc Giang. Chiến sỹ, Nhập ngũ: 5-1971. Hy sinh: 15-4-1972. Tại cao điểm 384.

Liệt sỹ: Hà Văn Bình. Quê: Thị xã Hòa Bình. Dân tộc Mường. Hạ sỹ. Y tá đại đội. Hy sinh 15-4-1972. Tại cao điểm 384.

Liệt sỹ: Nguyễn Văn Du. Quê: Quế Võ - Bắc Ninh. Nhập ngũ: 1970. Trung sỹ. Tiểu đội trưởng. Hy sinh: 15-4-1972. Tại cao điểm 384.

Liệt sỹ: Kiều Minh Toán. Quê : Ba Vì. Hà Tây. Nhập ngũ:1970. Hạ sỹ. Tiểu đội phó. Đảng viên. Năm sinh:1951. Hy sinh 18-4-1972. Tại 384.
Đơn vị : Đại đội 51. Tiểu đoàn 5. Trung đoàn 12. Sư đoàn 3 Sao Vàng

Liệt sỹ: Trần Văn Chính. Năm sinh: 1953. Quê: xóm Sến. Hồng Thái. Việt Yên. Bắc Giang. Nhập ngũ : 15-5-1971. Chiến sỹ liên lạc. Hy sinh : 13-4-1972. Tại 384.  Đơn vị: Đại đội 1 Công binh, tiểu đoàn 6, trung đoàn 12, sư đoàn 3 Sao Vàng.

Tại cuộc họp ngày 15 tháng 8 năm 1971, các thành viên chủ chốt trong Bộ chính trị đã quyết định mở một cuộc tấn công lớn vào năm 1972 trên 3 hướng chiến lược: Trị Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ. Trong đó, hướng Trị Thiên - Huế được chọn làm hướng tấn công chính. Hướng Đông Nam bộ là hướng tấn công quan trọng và Tây Nguyên là hướng tấn công thứ yếu. Đồng bằng Trung Trung Bộ và Đồng Bằng Nam Bộ là những hướng phối hợp. 

   Điện ngày 8 tháng 3 năm 1972 của Quân ủy Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam gửi Trung ương cục miền Nam có đoạn viết: "Năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh... trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Nhiệm vụ cần kíp là đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị, binh vận.. và ngoại giao... tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam và cả trên bán đảo Đông Dương. Buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh... bằng một giải pháp chính trị ... mà Mỹ có thể chấp nhận được".

   Trên mặt trận phối hợp đồng bằng Nam Trung Bộ, Sư đoàn 3 Sao Vàng ( thiếu trung đoàn 12 ) tổ chức tấn công giải phóng 3 huyện ở Bắc Bình Định. Trung đoàn 12 của các chiến sĩ trong cuốn nhật ký sau có nhiệm vụ chốt giữ đường 19 huyết mạch nối từ Quy Nhơn lên Tây Nguyên. Không cho địch tổ chức ứng cứu lẫn nhau giữa duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tạo thế chia cắt, giảm thiểu sức mạnh hỏa lực chi viện, tiếp tế của địch.

   Trên đường 19, đoạn từ Thượng Giang – Bình Định tới đèo An Khê – Gia Lai là vùng rừng núi hiểm trở, đường dốc quanh co, tầm nhìn hạn chế tới mức tối đa. Dễ phục kích, đánh chặn các đoàn cơ giới – tiếp tế chuyển quân nên ta và địch tranh giành kiểm soát khu vực hết sức ác liệt. Trung đoàn 12 tổ chức chốt giữ ở hai điểm cao 638, 384 và khu vực cống Hang Dơi nằm trên mặt đường 19. Ba điểm nói trên tạo thành một bức tường thép chắn ngang đường 19. Đại đội 62, tiểu đoàn 6 trong cuốn Nhật ký này được giao chốt giữ cao điểm 384.

   Các chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng ngày ấy có câu : "ăn xóm 4, ngủ xóm 5, máu xóm 6". Tiểu đoàn 6 là tiểu đoàn chủ lực của Trung đoàn 12, nổi tiếng vì đánh rất nhiều trận cực kì ác liệt với kẻ thù. Nổi tiếng nhất có lẽ là trận đánh vào Đập Đá, cửa ngõ khu vực thị xã Quy Nhơn tháng 1 năm 1968. Hơn năm trăm cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng trong vòng vây đông đảo của kẻ thù cho tới khi súng hỏng, đạn hết. Cuối cùng chỉ còn hơn mươi người trở về. Và truyền thống đó còn được tiếp tục phát huy bởi các thế hệ sau của tiểu đoàn ngay cả trong chiến tranh biên giới chống Trung Quốc bành trướng sau này.

   Đối thủ của các chiến sĩ sư 3 ngày ấy chủ yếu là Sư đoàn Mãnh Hổ - lính Nam Triều Tiên, nổi tiếng với việc huấn luyện kĩ càng, thiện chiến. Tinh thông võ thuật, thủ đoạn chiến trường tinh vi, lại được Hải Lục Không quân Hoa Kỳ hỗ trợ bằng pháo, máy bay suốt ngày đêm. Và trong cuốn nhật ký này cũng vậy. Chỉ 12 chiến sĩ Đại đội 62 tiểu đoàn 6 đã anh dũng chống trả một tiểu đoàn Mãnh Hổ cùng mưa bom, pháo, rốc két của kẻ thù cho tới giọt máu cuối cùng trên cao điểm 384 anh hùng ấy...

Download E-book rồi đây (định dạng PRC):

http://www.mediafire.com/download.php?xx9a3r1vn2cqrb2

Trận chiến khu vực đường 19, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng với sư đoàn Mãnh hổ, Nam Hàn (P.5)

Sau những trận đầu tiên, thua đau, địch như con thiêu thân, tung hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác; có máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ đã mở nhiều đợt tấn công vào cống Hang Dơi. Từ ngày 10 đến 17-4 cuộc chiến đấu tại cống Hang Dơi đã diễn ra vô cùng ác liệt, địch tập trung lực lượng tấn công dồn dập vào cống Hang Dơi. Giữa bốn bề khói lửa mịt mù, chốt Hang Dơi vẫn giữ vững. Từ cán bộ đến chiến sĩ, từ lực lượng chiến đấu đến lực lượng phục vụ đều tiêu diệt được địch, lập công xuất sắc; kiên cường giữ chốt. Chiến sĩ liên lạc Nguyễn Phương Nam với 2 loạt đạn tiểu liên diệt 2 tên lính Nam Triều Tiên ngay trước cửa cống 3 mét; Tiểu đội trưởng Hà Sỹ Hạ, một xạ thủ súng B41, trong nhiều trận đánh phục kích giao thông trước đây, vì trình độ “thiện xạ”, được giao nhiệm vụ “chuyên trách”, đánh chặn đầu, đã bắn cháy nhiều xe vận tải quân sự của địch. Dù mục tiêu ở cự ly xa 500 - 1.000 mét Hạ đều bắn trúng. Lần này, tại cống Hang Dơi, Hạ đã bắn liên tiếp 9 quả đạn B41 diệt nhiều hỏa điểm và xe tăng, xe thiết giáp của địch; Chiến sĩ thông tin Nguyễn Kiên Cường, ngoài nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, Cường đã cùng đồng đội đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch và bắt sống được một tù binh Đại Hàn khi chúng đột nhập vào cống Hang Dơi. Tổ chiến đấu của trung đội trưởng Nhâm Xuân Tải bắn cháy 3 xe thiết giáp, bẻ gẫy hoàn toàn một mũi tấn công của địch... và còn rất nhiều, rất nhiều gương chiến đấu dũng cảm, từ đại đội trưởng Nguyễn Việt Trì, chính trị viên Hoàng Sinh Tùng đến các chiến sĩ; lợi dụng ưu thế về địa hình có lực lượng tiêu diệt địch trước công sự, có lực lượng cơ động đánh tạt sườn... làm cho đội hình địch bị rối loạn. Kể cả những trận đánh giáp lá cà, địch vẫn bị áp đảo bởi tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của cán bộ chiến sĩ ta. 

Cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt, xác giặc chết ngổn ngang dọc đường đèo. Lực lượng chi viện cho chúng cũng đang bị ta kìm giữ ở khắp nới. Các trận địa pháo bị ta chế áp. Tin vui chiến thắng của quân ta từ mặt trận Tây Nguyên, mặt trận Quảng Trị, Đông Nam Bộ và nhiều nơi khác bay về càng động viên khích lệ bộ đội, nâng cao khí thế quyết tâm diệt giặc lập công, đánh bại mọi cuộc phản kích giải tỏa của địch, giữ vững trận địa. Đặc biệt, tin sư đoàn hoạt động ở Bắc tỉnh Bình Định tiêu diệt gọn chiến đoàn đặc nhiệm số 40 ở Hòn Bồ, (19-4) giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân làm nức lòng cán bộ, chiến sỹ trung đoàn 12. 

Huyện ủy Gia Lai, huyện ủy Bình Khê, tỉnh Bình Định, huy động mọi lực lượng, phục vụ trung đoàn 12 chiến đấu. Bất chấp bom, pháo và bộ binh địch phản kích, cản đường, từng đoàn dân công, các đội xung kích phục vụ hoả tuyến,... mang lương thực, thực phẩm đến tận trung đoàn. Những gùi sắn, chuối, rau...của đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai, cũng được gửi đến cho chiến sĩ. Đó là sự cổ vũ, nguồn động viên to lớn của nhân dân đối với cả trung đoàn 12. 

Đêm 20-4-1972, mười ngày sau khi mở chiến dịch, trung đoàn 12 nhận được điện của khu ủy và quân khu ủy khu 5 gửi xuống: “Nhiệt liệt khen ngợi cán bộ, chiến sỹ trung đoàn 12, đã chiến đấu rất dũng cảm. Địch ở Tây Nguyên đang khốn đốn. Chúng sẽ còn cố sức giải toả đường số 19. Cuộc chiến đấu sẽ quyết liệt dữ dội hơn. Các đồng chí hãy nêu cao quyết tâm, công sự phải vững chắc hơn, đánh địch phải linh hoạt hơn, để làm chủ mặt đường triệt để hơn...”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, trực tiếp điện thẳng cho trung đoàn bộ binh 12, khen ngợi: “Các đồng chí đã đứng vững như bàn thạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn đầu cắt đường số 19, phối hợp với chiến trường chung...”. 

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên tư lệnh mặt trận B3 lúc đó cũng gửi điện: “Cảm ơn chiến sỹ trung đoàn bộ binh 12 đã anh dũng cắt đường số 19, phối hợp với chiến trường chung...”. 

Đối với binh lính Nam Triều Tiên, từ khi sang chiến trường Việt Nam “đánh thuê”, đây là lần đầu tiên, lực lượng của Sư đoàn “Mãnh Hổ” - Đại Hàn đóng chốt nơi đây đã bị tổn thất nặng nề. Lực lượng còn lại ở trên các chốt không dám bung ra khỏi công sự, vũ khí, đạn dược, lương thực bị tiêu hao, không được tiếp tế, bổ sung. Lính chết không lấy được xác, lính bị thương không chuyển đi được. Đường bộ bị cắt, đường không bị khống chế. Tình cảnh vô cùng bi đát đối với binh lính Nam Triều Tiên. Ở chính quốc, Tổng thống Pắc Chung Hy bị chỉ trích gay gắt, nhân dân Hàn Quốc phản đối quyết liệt. Bọn địch ở Tây Nguyên rất khốn đốn, vì không được tiếp tế. Tại đèo An Khê, địch tập trung mọi cố gắng giải tỏa; ta kiên quyết cắt đứt tiếp tế của địch. Vì vậy cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt. 

Tại cống Hang Dơi, và chân đèo, thuộc phần đất tỉnh Bình Định nơi có một bộ phận đại đội 63 chốt giữ, một toán lính Đại Hàn 5 - 6 tên, trong đó có một tên mang máy ảnh, từ dưới chân đèo đột nhập vào cống này. Khi chúng vừa vào bên trong, lực lượng ta tiêu diệt được mấy tên và bắt sống 2 tên. Anh em đưa chúng vào trong cống để đưa về tuyến sau, trước mắt khai thác chúng để phục vụ cho chiến đấu ở đây, sau đó mới bàn giao cho sư đoàn. Nhưng một tên cương quyết không chịu đi. Anh em trói, cho lên cáng khiêng, nó lăn xuống đất đập đầu tự tử. Tên còn lại đưa được về phía sau. Cơ quan địch vận đem máy ghi âm và cho phiên dịch tiếng Hàn Quốc xuống, giải thích chính sách của mặt trận, vận động nó kêu gọi lính đầu hàng, phản chiến. Tiểu đoàn đã cho ghi âm, phát trên loa phóng thanh, trên các chốt dọc đường 19. Tên tù binh này, sau đó được ta phóng thích. 

Trung đoàn nhận định, thế nào địch cũng tập trung mọi khả năng, giải toả bằng được đường số 19. Trước hết chúng sẽ đánh chiếm Cây Rui, uy hiếp cống Hang Dơi đang bị đại đội 63 chiếm giữ. 

Trung đoàn trưởng trung đoàn 12 quyết định, rút bớt một số chốt phụ để tăng cường lực lượng bảo vệ Cây Rui. “Còn Cây Rui thì cống Hang Dơi còn đứng được, còn cắt được đường”. Trận địa hỏa lực di chuyển vào gần Cây Rui để chi viện có hiệu quả hơn cho lực lượng giữ chốt. 

Từ ngày 23 đến tối ngày 24-4, tài núi Cây Rui đã diễn ra những trận chiến đấu vô cùng ác liệt giữa lực lượng còn lại của đại đội bộ binh 61 với lính Đại Hàn. 

Trước tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ đại đội 61, trận địa ta vẫn đứng vững. Song, đại đội bộ binh 61, chiều 24-4 chỉ còn lại 5 đồng chí, dưới sự chỉ huy của chính trị viên đại đội Ninh Văn Xá; cũng là lúc lực lượng cơ động của tiểu đoàn lên tiếp sức. Tại cống Hang Dơi, đại đội 63 và công binh, sau những đợt phản kích ác liệt của địch, đại đội trưởng Nguyễn Việt Trì, chính trị viên Hoàng Sinh Tùng lần lượt bị hy sinh; Trung đội trưởng Nhâm Xuân Tải lên thay thế... Trung đội trưởng hy sinh, chiến sĩ lên thay thế… và cuộc chiến đấu tại chốt Hang Dơi vẫn tiếp tục. 

Đêm hôm ấy, sau 14 ngày chiến đấu ác liệt, đường 19 hoàn toàn bị cắt đứt tại đèo An Khê, trung đoàn bộ binh 12 được lệnh chấm dứt đợt 1, chuẩn bị cho đợt 2, với cách đánh sở trường của mình “phục kích vận động”, tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh của địch trên đường 19, tiếp tục biến đoạn đường này thành lò thiêu cháy mọi cơ sở vật chất hậu cần tiếp tế lên Tây Nguyên của chúng. Ngày 25-6 tại phía Tây đèo An Khê dưới sự chỉ huy của trung đoàn trưởng Nguyễn Duy Thương và chính ủy Lê Huẩn đã diễn ra trận đánh phục kích vận động phá hủy đoàn xe vận tải 35 chiếc, có 10 xe tăng, xe bọc thép, diệt và bắt 318 tên, bắn rơi 3 máy bay, ghi thêm chiến công mới trong lịch sử truyền thống của trung đoàn bộ binh 121.

Trong trận này, tiểu đoàn 6 là lực lượng chủ công, cùng với các trận địa hỏa lực của trung đoàn, bố trí phía nam đường 19, từ suối Vối đến chân núi Cây Rui (phía đông thị trấn An Khê). Tiểu đoàn 5 là lực lượng đối diện, bố trí phía bắc đường 19.

Trong một trận phục kích vận động khác cũng trên đường số 19, trung đoàn bộ binh 12 đã tiêu diệt và phá hủy 54 xe quân sự của địch vận chuyển tiếp tế lên Tây Nguyên, trên đoạn đường từ xã Bình Nghi lên Đồn Phó2.

Cuộc chiến đấu diễn ra trong suốt thời gian 18 ngày đêm trên đường 19, đèo An Khê của trung đoàn bộ binh 12, sư đoàn Sao Vàng thật oanh liệt. Trung đoàn bộ binh 12, thiếu tiểu đoàn 4 đã phải chiến đấu với sư đoàn “Mãnh Hổ” thiện chiến, trang bị đầy đủ, trực tiếp là trung đoàn 24 và nhiều tiểu đoàn bảo an, có máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ. Cán bộ chiến sĩ trung đoàn 12 đã thể hiện ý chí sắt đá, lòng dũng cảm vô song, khí phách anh hùng, người trước ngã xuống, người sau tiến lên, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, quyết không rời trận địa.

Thắng lợi của trung đoàn bộ binh 12 trên đường 19, trong chiến dịch Xuân 1972, một lúc đã hoàn thành được hai nhiệm vụ: Cắt đứt hoàn toàn sự tiếp tế của địch từ vùng đồng bằng lên Tây Nguyên, trong một thời gian khá dài; làm cho lực lượng của chúng trên chiến trường cao nguyên vô cùng khốn đốn; đồng thời ta đã kìm chân sư đoàn “Mãnh Hổ” và một bộ phận quân đội Sài Gòn tại đây tạo điều kiện cho sư đoàn 3 giành thắng lợi lớn ở chiến trường bắc Bình Định, giải phóng nhiều vùng quan trọng. Sư đoàn “Mãnh Hổ” bị thiệt hại nặng trên đường 19, đã phải nằm tại chỗ, “án binh, bất động” cho đến ngày cuốn cờ về nước.

Trước khi triệt thoái khỏi chiến trường Việt Nam, tại đỉnh đèo An khê, chúng đã dựng bia để gọi là tưởng niệm những tên lính đã chết tại đây. Trên tấm bia mang dòng chữ “Nơi đây quân đội Nam Hàn đã đánh những trận đẫm máu với trung đoàn 12 Bắc Việt để bảo vệ lãnh thổ chính thể Việt Nam Cộng hòa”.

Gần đây đầu năm 2004, trước khi qua đời, thiếu tướng Lê Huẩn, nguyên chính ủy trung đoàn 12, trong những năm 1971-1972, kể lại rằng: Có một đoàn làm phim viết sử của Hàn Quốc sang Việt Nam tìm hiểu những trận đánh trên đường 19 đầu năm 1972, họ cũng gọi là “các trận đánh ở Cây Rui” và nói rằng: Trong lịch sử quân đội Hàn Quốc có ghi “Đây là trận đánh đẫm máu nhất của lính Nam Hàn ở Việt Nam, trung đoàn 24 của sư đoàn Mãnh Hổ có 1150 binh sĩ chết, bị thương, bị bắt...”. Tấm bia do quân đội Đại Hàn dựng lên ở đỉnh đèo An Khê, sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, đã bị ai đó đập phá. Tuy nhiên, sự tích anh hùng của trung đoàn 12, đánh cắt giao thông trên đường 19 trong chiến dịch xuân năm 1972 đã đi vào lịch sử và mãi mãi là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 3 Sao Vàng, của quân dân tỉnh Bình Định và Quân khu 5.

Trong những ngày cả nước ta tổ chức kỷ niệm lần thứ 30, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, một tổ làm phim của đài truyền hình KBS Hàn Quốc, được sở ngoại vụ TP.HCM giới thiệu đến gặp tôi và một số đồng chí đã trải qua những năm chiến đấu với binh lính Hàn Quốc tại đường số 19 - Quân khu 5, xin được cung cấp một số tình hình về sư đoàn “Mãnh Hổ”. Họ cho biết thời tổng thống Pắc Chung Hy đã lừa dối nhân dân Hàn Quốc, bưng bít sự thật về quân đội của họ tham chiến ở Việt Nam. Họ phải đi tìm sự thật. Song, dù có nói lên điều gì đi chăng nữa, họ cũng không thể hiểu một cách đầy đủ về sự thất bại thảm hại của sư đoàn mang tên “Mãnh Hổ”, một trong những đơn vị được cho là thiện chiến nhất của đội quân đồng minh với Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng đã nói với họ rằng: “Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những đau thương, mất mát do quân đội các nước gây ra cho đất nước này. Cảm ơn nhân dân Hàn Quốc - những người yêu chuộng hoà bình, đã đấu tranh phản đối nhà cầm quyền dưới thời Pak Chung Hy làm tổng thống, đã đem quân sang chiến trường Việt Nam, tiếp tay cho Mỹ. Ngày nay, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tư vào Việt Nam lớn nhất. Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang trên đà phát triển tích cực. Mong rằng lịch sử quân đội Hàn Quốc không lập lại ở Việt Nam một lần nữa!...”.

Đối với thế hệ chúng ta, thiết nghĩ, nên xây dựng tại đỉnh đèo An Khê một công trình lịch sử - văn hóa, chí ít cũng là một tượng đài liệt sĩ, ghi danh những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã chiến đấu, hy sinh tại đây, để các thế hệ mai sau được biết đến những chiến công oanh liệt, góp phần giải phóng Tây Nguyên dẫn đến chiến dịch Hồ Chí Minh, mùa xuân năm 1975.


http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=12011.40;wap2

Trận chiến khu vực đường 19, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng với sư đoàn Mãnh hổ, Nam Hàn (P.4)

Hướng chủ yếu là Nam đường, hướng phối hợp là Bắc đường 19. Lực lượng chủ yếu là tiểu đoàn 6. Dự bị, cơ động là tiểu đoàn 5. Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị: 

- Tiểu đoàn 6: Đại đội 61, trong đêm N, rạng sáng N2, sau khi lực lượng đặc công tập kích, đánh chiếm chốt Cây Rui của một đại đội Nam Triều Tiên, vào chốt giữ, được chi viện hỏa lực của trung đoàn, chặn cắt giao thông tiếp tế của địch tại đỉnh đèo An Khê. 

Tiểu đoàn 6 thiếu đại đội 61, tổ chức hai chốt giao thông gồm: 

Chốt tại cao điểm 384, do đại đội 62 đảm nhiệm; chốt tại Cống Hang Dơi do đại đội 63 đảm nhiệm. Sở chỉ huy (vị trí chỉ huy) của tiểu đoàn 6 triển khai phía Nam núi Cây Rui, sau đó cơ động xuống phía Nam đường 19 đèo An Khê để chỉ huy trong thời gian cắt đường. 

Đại đội đặc công (sư đoàn tăng cường): Đêm N rạng sáng N2, tập kích đại đội Nam Triều Tiên đóng tại núi Cây Rui, sau đó bàn giao trận địa cho đại đội 61 chốt giữ. Công binh trung đoàn và tiểu đoàn 6, rạng sáng N2 đánh sập Cống Hang Dơi, sau đó làm lực lượng cơ động, cùng đại đội 63 đánh địch phản kích, giữ vững chốt Hang Dơi, cắt đứt vận chuyển tiếp tế của địch qua đèo An Khê. 

- Tiểu đoàn 5 làm lực lượng dự bị, cơ động cùng với các trận địa hỏa lực của trung đoàn, chiếm lĩnh khu vực núi Ông Bình, sẵn sàng phối hợp với tiểu đoàn 6, đánh địch phản kích, giải tỏa đường 19 tại đèo An Khê đến cầu Suối Vối, phía Đông thị trấn An Khê (Gia Lai). 

Đối với trung đoàn 12, đây là lần đầu tiên làm nhiệm vụ đánh giao thông, cắt đường 19 với yêu cầu rất cao: Cắt đứt mọi sự vận chuyển tiếp tế của địch từ vùng đồng bằng lên Tây Nguyên, thời gian dài ngày, trong điều kiện xa sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của sư đoàn. 

Về phía địch: Do vị trí hết sức quan trọng của tuyến đường 19 đối với sự sống còn của các lực lượng đồn trú và hệ thống chính quyền của địch ở vùng cao nguyên; đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã bố trí tại đây (chủ yếu tại đèo An Khê xuống xã Bình Nghi trên trục đường 19) cả một sư đoàn thiện chiến “Mãnh Hổ” và nhiều tiểu đoàn bảo an, bảo vệ. Khi cần chúng có thể tung các trung đoàn chủ lực cơ động lên giải toả. Cuộc chiến đấu ở đây sẽ diễn ra ác liệt giữa lực lượng giữ chốt, cắt đường của bộ đội ta với lính Nam Triều Tiên, từ trên các chốt dọc đường đèo tiến công xuống và từ phía Đông tấn công lên phản kích, giải tỏa. 

Thời điểm trước khi mở màn chiến dịch, thế và lực giữa ta và địch trên khu vực này rõ ràng không cân sức. Tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía địch. 

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ, ngay từ những tháng cuối năm 1971, đầu năm 1972, trung đoàn đã có một thời gian chuẩn bị khá chu đáo. Đến tháng 3 năm 1972, với sự nỗ lực của tất cả các đơn vị, được sự giúp đỡ chỉ đạo của bộ tư lệnh, các cơ quan sư đoàn, trung đoàn 12 đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị. Đặc biệt là tiểu đoàn 6 vừa hoạt động thường xuyên, vừa chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đã động viên toàn bộ chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên nỗ lực cao nhất cho nhiệm vụ chiến đấu sắp tới. Tất cả những nhu cầu về lương thực, đạn dược, khí tài và cả những vật liệu để xây dựng trên trận địa... từ căn cứ xa hàng chục km, vượt qua núi cao, rừng rậm, được đưa đến tuyến tập kết. Không thể nào tính hết được bao nhiêu tấn cơ sở vật chất phục vụ cho chiến đấu của một tiểu đoàn tăng cường, trong thời gian hàng tháng trời. Tất cả được vận chuyển bằng đôi vai và đôi chân của bộ đội. Từ cán bộ tiểu đoàn đến người chiến sĩ; từ lực lượng trực tiếp chiến đấu đến đội ngũ nhân viên chuyên môn và cơ quan, tất cả đều là lực lượng vận tải và sau này, tất cả đều là những “Dũng Sỹ” kiên cường trụ bám trên đường 19... 

Đầu năm 1972, sau Tết nguyên đán, Bộ Chính Trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Trị Thiên - Bắc Kontum và Bình Long; đồng thời các mặt trận trên toàn chiến trường miền Nam ra sức hoạt động phối hợp để “chia lửa” với các chiến trường chính. Mặt trận B3 và vùng đồng bằng Khu 5 bắt đầu hưởng ứng, phối hợp. 

Mở đầu chiến dịch Xuân Hè năm 1972, trên đường quốc lộ số 19, là trận tập kích của đại đội đặc công ta vào chốt Cây Rui. 

Chốt Cây Rui nằm trên một ngọn đồi phía Nam đỉnh đèo An Khê, do một đại đội lính Nam Triều Tiên chốt giữ. Đứng ở cao điểm 638, phía nam núi Cây Rui, có thể quan sát hầu như toàn bộ đèo An Khê, cả phía đông và phía tây. Hệ thống vật cản tại chốt là 4 lớp rào kẽm gai, xen kẽ mìn sát thương bộ binh. Bên trong là công sự kiến cố. Chi viện cho chốt Cây Rui là hệ thống hỏa lực được tổ chức chặt chẽ. Ngoài các trận địa hỏa lực bắn thẳng và cầu vồng trên các chốt thuộc dãy núi Ông Bình và các đồn bót dọc đường đèo, còn có các trận địa pháo ở Đồn Phó, Vĩnh Thạnh, An Xuân tỉnh Bình Định và thị trấn An Khê, tỉnh Gia Lai có thể chi viện bất cứ lúc nào. 

Từ khi sang Việt Nam, trên chiến trường khu 5, lính Nam Triều Tiên đã bị quân ta tiến công không những lúc chúng đi càn quét, và cả khi chúng đóng quân trong căn cứ. Tháng 12 năm 1966, trung đoàn bộ binh 1, thuộc sư đoàn 2 quân khu 5, đã tiêu diệt một tiểu đoàn tăng cường lính Nam Triều Tiên trong công sự vững chắc tại đồi Tranh, xã Quảng Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 10-1-1967 một lực lượng của sư đoàn 2 tiêu diệt tiếp một đại đội lính Nam Triều Tiên tại An Điềm bằng chiến thuật phục kích. Bọn chỉ huy thường tuyên truyền xuyên tạc rằng: Nếu Việt Cộng bắt sẽ bị moi gan, mổ bụng, chặt đầu, nên lính Nam Triều Tiên rất ngoan cố, không để bị bắt sống, lại càng không chịu đầu hàng. Nếu bị bắt sống, chúng sẽ tự tử. Đến nay, lịch sử Việt Nam còn ghi đậm nét tội ác của lính Nam Triều Tiên, dưới thời tổng thống Păk Chung Hy đối với nhân dân ta ở tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và nhiều nơi khác. 

Đêm ngày 9-4 tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu tại đèo An Khê của trung đoàn bộ binh 12 đã triển khai xong kế hoạch. Một tình huống bất ngờ xảy ra: đại đội đặc công tiếp cận chốt Cây Rui bị lộ ngay tại lớp hàng rào kẽm gai đầu tiên, không thực hiện được đánh chốt địch bằng “mật tập”.

Cuộc chiến đấu ác liệt trên đường đèo An Khê bắt đầu tại núi Cây Rui, một bộ phận lính Nam Triều Tiên ra khỏi căn cứ, triển khai giữa các lớp hàng rào, làm công sự bằng bao cát, cố thủ. Ngay từ sáng sớm 10-4, những trận mưa bom, bão đạn đã dội xuống xung quanh núi Cây Rui. Điểm cao 638 rung chuyển.

Từ ngày 10-4 trở đi, trên núi Cây Rui có hai đại đội: đại đội 61 của ta và đại đội lính Nam Triều Tiên. Địch trong chốt, có công sự vững chắc, có hàng rào kẽm gai xen kẽ mìn sát thương bộ binh; Các mỏm đồi đối diện, phía Bắc đường 19 có các chốt có thể chi viện trực tiếp cho chúng ở chốt Cây Rui bằng bộ binh và hỏa lực. Các trận địa pháo ở Đồn Phó, Vĩnh Thạnh, An Xuân kết hợp với hỏa lực hai bên đường đèo, tạo thành lưới lửa ken dày xung quanh chốt Cây Rui.

Đại đội 61 của ta trong đêm 9-4, do tình huống đặc công bị lộ, như đã nói ở trên, công sự chưa hoàn chỉnh; ngay từ ngày đầu tiên đã bị tổn thất bởi đạn pháo và máy bay địch oanh tạc.

Lực lượng trực tiếp tiếp xúc với chốt địch đã phải chiến đấu bằng lựu đạn, tiểu liên. Dưới sự chỉ huy của tham mưu trưởng tiểu đoàn Nguyễn Hữu Thông, đại đội trưởng Nguyễn Hữu Tài và chính trị viên Ninh Văn Xá, đại đội 61 đã bẻ gãy nhiều đợt tiến công của quân Nam Triều Tiên, giữ vững trận địa đến ngày thứ 7. Núi Cây Rui - điểm cao 638, nơi đại đội 61 đang chốt giữ, ngày 9- 4 còn là rừng già, cây cối rậm rạp; sau một ngày chiến đấu ác liệt bom, đạn địch cày xới tan hoang, biến quả đồi thành một màu đỏ quạch. Từ đây, chốt Cây Rui đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca bất diệt, là niềm tự hào của quân và dân tỉnh Bình Định, Quân khu 5 và của trung đoàn bộ binh 12, sư đoàn Sao Vàng. Đã có nhạc sĩ sáng tác bài hát về chốt Cây Rui “Như hình ảnh Ngô Mây đã in vào vách núi... Chiến sỹ Cây Rui vẫn lăn mình trong bão đạn...”.

Địch chưa chiếm lại được chốt Cây Rui của ta thì đường 19 chưa thể thông suốt được. Chốt Cây Rui của ta vẫn hiên ngang đứng đó, như cái gai trước mắt đối với binh lính Nam Triều Tiên. Chúng tập trung mọi cố gắng đánh chiếm.

Các lực lượng “tinh nhuệ” của địch được điều đến thay quân. Chúng căng vải đỏ, ném hỏa mù phân tuyến cho máy bay, pháo binh tiếp tục dội bom, đạn xuống, hết đợt này đến đợt khác. Dứt bom, pháo, bộ binh địch ào ạt xung phong lên chốt của ta. Cuộc chiến đấu càng lúc càng quyết liệt. Địch cố đẩy bật lực lượng của ta ra khỏi chốt; ta quyết bám trụ, đẩy lực lượng của chúng xuống sườn đồi. Hai bên đã diễn ra những trận đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê, bằng súng và tay không.

Có nhiều gương chiến đấu của bộ đội ta vô cùng dũng cảm1. Xung quanh chốt Cây Rui, xác giặc ngổn ngang, song đại đội 61 của ta, quân số cũng vơi đi nhiều...

Các đợt tấn công lên chốt bị thất bại, ngày 23-4 địch đã sử dụng đến vũ khí hoá học. Từ các trận địa pháo, đạn hơi cay của địch đã bao trùm lên trận địa của đại đội 61, bọn Nam Triều Tiên đeo mặt nạ phòng độc lại ào ạt tấn công lên chốt. Tham mưu trưởng Thông, đại đội trưởng Tài lần lượt hy sinh. Phó đại đội trưởng Vũ Xuân Quỳnh lên thay thế. Đến ngày 24-4, đại đội 61 chỉ còn lại quân số bằng một tiểu đội. Vũ Xuân Quỳnh, sau khi đã tiêu diệt được nhiều hỏa điểm của địch đã anh dũng hy sinh. Song, những người còn lại vẫn hiên ngang giữ vững trận địa trong khói lửa mịt mù...

Tại cao điểm 384, ngay từ ngày 10-4, địch đã sử dụng hỏa lực bắn phá dồn dập trong điều kiện đại đội 62 của ta chưa xây dựng được công sự hoàn chỉnh. Sau các đợt bom, pháo, bộ binh địch tấn công lên chốt của ta với cường độ và quy mô ngày càng tăng.

Ngày 18-4, địch đã dùng đến 2 tiểu đoàn, từ phía bắc và phía đông ào ạt tấn công lên cao điểm. Đại đội 62 kiên cường trụ bám, đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, tiểu đoàn phó chính trị Đề, đại đội trưởng Đồng Xuân Soạn và 8 chiến sĩ vẫn không rời trận địa, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng trên cao điểm 384...

Ở chốt thứ ba - Cống Hang Dơi: Cống Hang Dơi nằm gần chân đèo An Khê về phía Đông, thuộc phần đất của tỉnh Bình Định. Xung quanh phía Bắc và Nam có các chốt của địch như Chóp Vung, điểm cao 231, Hòn Kiềng Nam đường 19, các cao điểm thuộc sườn phía Nam dãy núi Ông Bình, khống chế. Phía Đông là ấp Vườn Xoài, và cao điểm 105. Cống Hang Dơi lọt thỏm vào giữa, nằm trong tầm bắn có hiệu quả của các loại hỏa lực của địch. Đại đội 63 đã thiết lập điểm chốt ngay tại Cống Hang Dơi. Đêm 9, rạng sáng 10-4 lực lượng công binh đã đánh sập một phần Cống Hang Dơi. Cũng như cụm chốt Cây Rui và cao điểm 384, sáng 10-4 địch đã tiến hành phản kích, giải tỏa, nhằm khôi phục lại cống đã bị ta đánh sập và đang chốt giữ.

Phối hợp với đại đội 61 ở chốt Cây Rui, đại đội 62 ở cao điểm 384, đại đội 63 và đại đội công binh ở Cống Hang Dơi, dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Nguyễn Việt Trì, chính trị viên Hoàng Sinh Tùng, trung đội trưởng Nhâm Xuân Tải và Nguyễn Đình Tấn... đã đánh lui nhiều đợt phản kích giải tỏa của bộ binh và xe tăng địch từ hướng Đông tấn công lên. Ngay trong ngày đầu tiên bộ đội ta đã diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy 4 xe tăng, xe thiết giáp và một máy bay lên thẳng. 


http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=12011.40;wap2

Trận chiến khu vực đường 19, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng với sư đoàn Mãnh hổ, Nam Hàn (P.3)

Hồi còn ở nhà, lúc nhỏ, nghe những người thường hay đi rừng ở quê tôi nói rằng: chó sói bắt được cả trâu, bò để ăn thịt. Khi phát hiện con mồi như con bò hoặc con heo, chúng chạy vòng quanh con mồi, đái lên những cành cây lúp xúp rồi lùa con mồi tới đó. Nước đái của chúng sẽ quệt vào mắt con mồi, làm cho con mồi bị mù. Chó sói liền nhảy lên, cắn vào đít con mồi, moi ruột ra để ăn. Ngày ấy, miền núi vùng Hương Sơn quê tôi có rất nhiều chó sói, và cọp (hổ) thường vào làng bắt heo, bò kéo vào rừng ăn thịt. Ban đêm gia đình tôi thường phải ngủ trên chạn (trên gác) và đánh mõ xua đuổi. 

Bây giờ trước mắt tôi, bên kia bờ suối khoảng 20 mét, hai con chó sói đang quyết định sự sống của một con heo khoảng 50 kg. 

Tôi vẫy tay cho đồng chí Chuẩn ngồi xuống, giương khẩu súng AK lên ngắm vào con heo điểm xạ hai phát đạn. Hai con chó sói chạy biến vào rừng, để lại con heo đang giãy dụa. Tôi và Chuẩn kéo con heo xuống suối khoảng vài trăm mét, định bụng dừng lại xẻ thịt để luộc ăn và nghỉ qua đêm thì nghe có tiếng người và tiếng xoong nồi khua loảng xoảng dưới đó một đoạn. Tôi liền phái đồng chí Chuẩn xuống đó xem sao, thì phát hiện... bếp nuôi quân của Tiểu đoàn đang nấu cơm chiều. Thì ra từ sáng tới giờ, hai anh em tôi chưa ra khỏi khu vực đóng quân của đơn vị, đi loanh quanh thế nào mà cuối cùng lại về nơi xuất phát. Quả là đi theo góc phương vị trên địa hình rừng núi rậm rạp không dễ chút nào. Song, tôi vẫn chưa chịu bó tay, dặn đồng chí Chuẩn về nghỉ, ngày mai đi lại. 

Sáng hôm sau chúng tôi đi tiếp. Lần này có thêm 1 đồng chí liên lạc nữa, đồng chí Nông Văn Mạnh và đồng chí trợ lý tác huấn - Bốn anh em xuyên qua dãy rừng già. Đi được mấy trăm mét lại dừng để lấy góc phương vị chính xác rồi mới đi tiếp. Đến trưa, chúng tôi đang chuẩn bị vượt qua một con suối thì thấy phía bên kia, một con nai đang hốt hoảng từ trên bờ nhảy xuống và lội qua suối sang chỗ chúng tôi. Có thể con nai này cũng đang bị chó sói rượt đuổi. Đồng chí liên lạc quỳ xuống, giương súng lên. Con nai vừa lên bờ thì trúng 1 viên đạn gục xuống...

Bây giờ, mỗi lần nhớ lại, có lúc tôi vẫn còn ân hận và tự hỏi: “Vì sao lúc đó, mình không bắn con chó sói để cứu con heo và con nai tội nghiệp? Trong lúc hai con vật bị chó sói tấn công, mình lại đứng về phía chó sói để hạ sát con heo và con nai, khi chúng đang hốt hoảng trước cái chết gần kề?”. Nhưng rồi tự an ủi: “Hoàn cảnh lúc bấy giờ chưa cho phép mình nghĩ đến việc bảo vệ động vật hoang dã. Điều cần thiết lúc đó là sự sống của người lính. Người lính thiếu thốn đến mức phải mò cua, bắt ốc, thiếu thực phẩm phải hái rau rừng bổ sung vào bữa ăn hàng ngày. Nhiều khi phải hy sinh mạng sống vì những chuyến hàng thực phẩm từ dưới đồng bằng lên căn cứ. Không thể oán trách việc bắn thú rừng lấy thịt!”. 

Kết quả lần đi này là chúng tôi đã xuyên đường xuống được cửa khẩu Bình Nghi. Tuy có kín đáo hơn nhưng con đường này không thể sử dụng được - vì qua nhiều ghềnh thác, núi non hiểm trở. Hôm sau, chúng tôi đi chọn địa điểm đặt kho tàng, để nếu sau này sử dụng thì đưa lực lượng xuống phát đường, làm kho, trạm. 

Chúng tôi, theo một con suối nhỏ vào chân núi thì đi đúng vào ổ phục kích của lính Đại Hàn. Tất cả các loại súng bắn dồn dập theo con suối. Đồng chí Nông Văn Mạnh đi trước bị thương vào bàn tay trái. Tất cả lợi dụng vào bờ suối lùi lại, xuyên đường vòng tránh trận địa phục kích của địch. Đồng chí Mạnh bị thương, được đưa về phía sau sang phía Bắc đường 19. Và cũng từ đó đến nay, từ năm 1971, tôi chưa có lần nào gặp lại đồng chí.

Những năm kháng chiến đấu trên đường 19, mỗi một viên đạn, mỗi hạt gạo ở đây đều nhuốm máu, mồ hôi, nước mắt của biết bao cán bộ, chiến sĩ. Mỗi một trận đánh phải tính toán chi li từng viên đạn, từng kg thuốc nổ. Trong điều kiện khó khăn về vũ khí, đạn dược, chúng tôi tổ chức một bộ phận gọi là “tổ kỹ thuật”. Tuy trong biên chế không có, đây là sự sáng tạo trong công tác tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tổ này có nhiệm vụ tìm kiếm “pháo lép”, “bom câm” đem về tháo ngòi nổ, cưa lấy thuốc để sử dụng trong nhiệm vụ đánh giao thông. Tổ này do đồng chí Mai Văn Minh phụ trách. Trong những năm ấy, “Tổ kỹ thuật” đã “khai thác” được hàng chục tấn thuốc nổ, đáp ứng được một phần quan trọng đối với nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất. Tuy rất nguy hiểm, nhưng mọi việc đều tốt đẹp. 

Nhiệm vụ của trung đoàn bộ binh 12 (thiếu tiểu đoàn 4) 1 trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 là cắt đứt giao thông tiếp tế của địch trên đường 19 từ đồng bằng miền Trung lên cao nguyên kìm giữ sư đoàn “Mãnh Hổ” - Nam Triều Tiên và một bộ phận quân chủ lực Sài Gòn, tạo thuận lợi cho mặt trận B3 ở Tây Nguyên và đồng thời cho sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ tại chiến trường Bắc - Bình Định. 

Ý định tác chiến của trung đoàn bộ binh 12 như sau: 

Tập trung lực lượng, xây dựng cụm chốt cắt giao thông tại đèo An Khê, chủ yếu từ Cống Hang Dơi phía Đông đèo đến núi Cây Rui, đỉnh đèo có chiều dài từ 15 đến 20 km, với quyết tâm là đánh bại mọi cuộc phản kích giải tỏa của địch, cắt đứt mọi sự vận chuyển tiếp tế của chúng từ đồng bằng lên Tây Nguyên, trong thời gian quy định của cấp trên. 
_________________________________________
1. Trong chiến dịch Xuân-Hè 1972, Tiểu đoàn 4 hoạt động cùng với các lực lượng sư đoàn 3 ở vùng Hoài Ân - Phù Mỹ - Phù Cát.

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=12011.35;wap2

Trận chiến khu vực đường 19, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng với sư đoàn Mãnh hổ, Nam Hàn (P.2)

Bước sang năm 1972, trên chiến trường khu 5, ta tiến đánh hàng loạt căn cứ địch hỗ trợ phong trào nổi dậy, diệt ác phá kềm ở các địa phương vùng đồng bằng và giáp ranh 3 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần tỉnh Phú Yên. Ở Tây Nguyên sư đoàn bộ binh 2 tiến công trung đoàn 47 và 42 quân chủ lực Sài Gòn ở Đắc Tô, Tân Cảnh, uy hiếp căn cứ chỉ huy tiền phương của sư đoàn 22, từ đồng bằng vừa chuyển lên1.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định, nơi sư đoàn bộ binh số 3 đảm nhiệm, đối tượng tác chiến là sư đoàn bộ binh số 22 quân lực Việt Nam Cộng hòa và sư đoàn “Mãnh Hổ”- Nam Triều Tiên. Sư đoàn 22 Cộng hòa có các căn cứ ở tỉnh Bình Định, là lực lượng chủ lực cơ động trên chiến trường khu 5, kể cả Tây Nguyên.

Căn cứ Đệ Đức (huyện Hoài Nhơn), là trung đoàn 40; Căn cứ Trà Quang - Bình Dương (huyện Phù Mỹ), trung đoàn 41; Căn cứ Lai Nghi (huyện An Nhơn), trung đoàn 42 và căn cứ An Sơn (huyện Vân Canh) là Sở chỉ huy sư đoàn và các đơn vị trực thuộc khác.

Sư đoàn bộ binh số 3 của ta, sau khi cơ động từ tỉnh Quảng Ngãi vào chỉ còn lại hai trung đoàn là trung đoàn bộ binh số 2 và 12. Sau tết Mậu Thân 1968, địch đã phục hồi lại và phản kích quyết liệt. Quân ta bị tổn thất nặng nề, nhất là lực lượng vũ trang và cơ sở cách mạng ở các địa phương. Theo lệnh của Quân khu, tháng 2 năm 1970, sư đoàn bộ binh 3 giải thể trung đoàn 22, đưa lực lượng xuống các tỉnh để hoạt động: Tiểu đoàn 7 về tỉnh Quảng Ngãi; Tiểu đoàn 8 về Bình Định; Tiểu đoàn 9 về Phú Yên. Trung đoàn bộ binh 21 từ miền Bắc vào, do đồng chí Việt Sơn làm trung đoàn trưởng, được điều về thay cho trung đoàn bộ binh 22 và sau đó, năm 1972, quân khu 5 quyết định giải thể sư đoàn 711 và trung đoàn bộ binh 21. Trung đoàn bộ binh 2 và các đơn vị trực thuộc sư đoàn 3, hoạt động tại các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát. Trung đoàn bộ binh 12 chuyển vào phía Nam tỉnh Bình Định, tập trung chủ yếu đường 19.

Trên chiến trường đã hình thành thế “cài răng lược” giữa ta và địch, đan xen nhau như “vết da báo”. Nhờ những hoạt động tích cực, đều khắp, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, vùng địch tạm chiến, một số thị trấn, thị xã có nguy cơ bị ta đánh chiếm. Có nhiều vùng, ban đêm nằm trong sự quản lý của chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng. Bộ đội, du kích và nhân dân đi lại tự do như sống trong không khí hòa bình thực sự. Có nơi, như có sự “phân chia” ngày địch, đêm ta. Tuy bị địch khống chế trong các vùng chúng kiểm soát, nhưng lòng dân đã thuộc về các mạng.

Mùa xuân năm 1972, mặt trận B3 mở chiến dịch Tây Nguyên nhằm: “Tiêu diệt địch, giải phóng Daktô, Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kontum, và phát triển xuống Plâyku, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ”

Xác định vị trí tầm quan trọng con đường chiến lược số 19 đối với chiến trường Tây Nguyên, trung đoàn bộ binh 12 bắt tay vào công tác chuẩn bị phối hợp với mặt trận B3.

Trung đoàn bộ binh 12 (thiếu tiểu đoàn 6) ở Bắc đường 19 có thuận lợi hơn. Tiểu đoàn 6 ở phía Nam đường 19. Công tác chuẩn bị của tiểu đoàn 6, chủ yếu là cơ sở vật chất. Ở đây công tác bảo đảm về lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc quân y đều phải vận chuyển từ căn cứ hậu cần sư đoàn ở phía Bắc đường 19 và phía Bắc sông Côn. Mỗi chuyến hàng đưa được sang Nam đường 19 phải mất cả tuần lễ. Nhiều khi gặp phải những nguy hiểm trên đường. Trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn, chúng tôi thường thay phiên nhau đi chỉ huy các đoàn vận tải. Khi đi ra theo đường từ căn cứ xuống xã Bình Tường, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, khi quay về thường đi theo đường rừng qua Công Hà Nừng, tỉnh Gia Lai, vượt đường 19 đoạn Suối Vối, phía đông thị trấn An Khê (nay là thị xã An Khê) tỉnh Gia Lai. Đường đi vô cùng gian truân vất vả. Những đồng chí đã lớn tuổi như anh Trần Hữu Biền (chính trị viên), anh Lê Hoài - Tiểu đoàn trưởng (trước đó là anh Chu Đức Liên), anh Đỗ Cung - quân y sĩ, vẫn phải gò lưng, cùng với bộ đội cõng hàng vượt gần trăm km đường rừng, qua những vùng nguy hiểm.

Việc lấy hàng ở Bắc đường 19, chủ yếu là đạn dược (nhất là đạn hỏa lực), thuốc quân y, nguồn pin cho máy thông tin... Vì những trang bị này chúng tôi không làm ra được, không sản xuất được. Còn lương thực, thực phẩm, đơn vị tự túc (chăn nuôi, sản xuất) và xuống các xã: Bình Tường, Bình Nghi thuộc huyện Bình Khê, hoặc xuống huyện Văn Canh thu mua của dân... Nhưng đường đi cũng khá xa. Mỗi một chuyến phải mất 3 ngày 2 đêm. Để rút ngắn thời gian, một hôm anh Biền và anh Hoài gợi ý với tôi nghiên cứu xuyên một con đường khác từ căn cứ xuống cửa khẩu thuộc xã Bình Nghi, cố gắng rút được một ngày thì tốt, thay vì con đường hiện tại phải mất 3 ngày và phải đi qua những đồi tranh, trống trải, dễ bị máy bay phát hiện và dễ bị lính Nam Triều Tiên phục kích.

Tôi trải tấm bản đồ, tỷ lệ 1/100.000 để nghiên cứu xuyên một con đường từ căn cứ của Tiểu đoàn, qua sườn của một loạt cao điểm có in màu xanh lá cây (thể hiện đó là rừng già) tránh các điểm cao có in màu trắng (thể hiện đó là đồi tranh, bãi trống). Lấy điểm đến là suối Ông Già, một con suối rộng chừng 15 - 20m, phía tây xã Bình Nghi - nơi đây gọi là cửa khẩu, có các lực lượng hậu cần của ta túc trực, hàng đêm bám đường xuống đồng bằng thu mua lương thực và các nhu yếu phẩm, cho bộ đội xuống nhận, vận chuyển về đơn vị.

Tưởng đi xuyên con đường mới này là dễ dàng. Trên bản đồ đo được từ 20 - 25 km đường chim bay. Tôi mang theo tấm bản đồ, địa bàn và một cái võng cùng đồng chí Hoàng Chuẩn, chiến sĩ thông tin xách súng, hăng-gô và một ít gạo, lương khô, xuất phát ra đi.

Buổi sáng hôm đó, đường đi thuận lợi, vì địa hình tương đối bằng phẳng, có các con suối lớn, dễ xác định được địa hình trên bản đồ và ngoài thực địa.

Đến chiều gặp toàn núi cao, rừng rậm rất khó đi. Hai anh em luôn luôn bắt gặp heo rừng, nai và hàng đàn Dọc (Voọc) 2 nhảy nhót trên cây. Đây là khu rừng già, nguyên sinh, rất ít dấu vết của con người vào đây. Tôi đang say sưa ngắm cảnh núi rừng mát mẻ, yên tĩnh dưới ánh nắng xế chiều xuyên qua các tán lá cây, thì phát hiện bên kia con suối rộng khoảng 15 mét, nước chảy trong xanh, hai con chó sói đang quần nhau với một con heo rừng. 

Trận chiến khu vực đường 19, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng với sư đoàn Mãnh hổ, Nam Hàn (P.1)

Xin trở lại với nhiệm vụ của trung đoàn 12 tại khu vực đường 19. 

Đối lượng tác chiến của trung đoàn bộ binh 12 1úc này và những năm tiếp theo sau trên đường 19 chủ yếu là sư đoàn “Mãnh Hổ” - Nam Triều Tiên. 

Lực lượng Nam Triều Tiên, đồng minh của Mỹ, trên chiến trường thuộc Liên khu 5, có 3 sư đoàn: Tại tỉnh Quảng Ngãi có sư đoàn “Rồng xanh” (Thanh Long); sư đoàn “Bạch Mã” ở Phú Yên. Sư đoàn “Mãnh Hổ” ở tỉnh Bình Định, chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ đường 19. Tại đèo An Khê, chúng thiết lập hệ thống các điểm chốt hai bên đường. Chỉ chưa đầy 10 km đường chim bay có đến 12 - 15 điểm chốt, được bố trí liên hoàn trên các điểm cao, khống chế mặt đường. Trên đỉnh đèo, mỏm núi Cây Rui, chúng đóng chốt một đại đội. Kế tiếp là các chốt Mâm Xôi, Hòn Kiềng1, Chóp Vung, cao điểm 105 (Nam đường 19), và các mỏm đồi gần mặt đường của dãy núi Ông Bình (Bắc đường 19). Mỗi nơi có từ một trung đội đến một đại đội. Phía Tây đèo An Khê, thuộc tỉnh Gia Lai, cũng có hệ thống chốt bảo vệ đường, như điểm chốt ở núi Bìm Bìm, ở suối Vối, cao điểm 602 và núi Nhọn (cao 674m). Hỏa lực bắn thẳng, hỏa lực cầu vồng trên các chốt, kết hợp với các trận địa pháo ở Đồn Phó (huyện Phú Phong), Lai Nghí (huyện An Nhơn) cao điểm 105, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định và các trận địa pháo ở huyện An Khê, tỉnh Gia Lai, tạo nên lưới lửa trực tiếp chi víện cho đèo An Khê. 

Lực lượng cơ động của sư đoàn “Mãnh Hổ” thường xuyên càn quét, sục sạo trên các địa hình, làng mạc hai bên trục đường 19 từ xã Bình Nghi lên xã Bình Tường và phía Bắc, Đông Bắc sông Côn. 

Để ngăn chặn quân ta tiến ra mặt đường địch rải các loại mìn sát thương hai bên trong phạm vi 200 - 300 mét. Ngoài 300 mét là bom vướng nổ được máy bay thả xuống. Một “bom mẹ” khi rơi xuống bung ra hàng trăm “bom con”, như quả cam, có màu xanh lá cây, rất khó phát hiện. Loại bom này khi chạm đất sẽ bung dây ra bốn góc, như những sợi chỉ dù, cũng màu xanh như lá cây. Một con thú rừng đi qua, thậm chí một luồng gió thổi mạnh bom cũng nổ. Vì vậy, nơi đây nghe tiếng bom nổ suốt ngày đêm. 

Nhưng đối với chúng tôi, đây là khu vực khá an toàn. Bởi vì chỗ nào đã gài mìn, thả bom vướng thì bọn thám báo, biệt kích, không bao giờ bén mảng đến. Địch ở trong chốt không dám thoát ra khỏi công sự, không nắm được tình hình diễn ra xung quanh. Chúng tôi triển khai đội hình tiểu đoàn cách mép đường 200 - 300 mét ban ngày, địch vẫn không hay. 

Ngày cũng như đêm, lính Nam Triều Tiên đều ở dưới hầm, rất ít khi xuất hiện trên mặt đất. Từ trên các điểm cao xung quanh nhìn xuống, các đồn bốt của chúng im phăng phắc như chỗ không người. Tinh thần binh lính địch ở đây rất căng thẳng, luôn phải đề phòng hỏa lực của ta dội xuống đầu bất cứ lúc nào. 

Nguy hiểm nhất đối với ta là các bãi mìn địch rải xuống hai bên vệ đường, chủ yếu là mìn Zíp. Mìn này có độ chống ẩm cao, cỏ mọc phủ lên rất khó phát hiện. Sau năm, mười năm chúng vẫn còn tác dụng. Tôi còn nhớ, một lần, từ suối Dầu (suối Đồng Xoài) phía Nam đường, đoàn cán bộ chúng tôi tiếp cận lên đường để chuẩn bị phương án tác chiến, ba đồng chí đi trước, tôi là người đi thứ tư, không việc gì. Nhưng cũng trên lối mòn đó, đồng chí Trần Nựu, trợ lý tác huấn là người thứ năm đạp phải quả mìn Zíp. Đồng chí chỉ bị mất một bàn chân. Nhưng do đường về căn cứ xa, núi non hiểm trở, vết thương bị hoại tử, khi đến được trạm xá, phải cắt chân lên trên đầu gối. Còn nhiều trường hợp, khi xung phong ra mặt đường, hoặc lúc lui quân, bộ đội ta bị các bãi mìn gây sát thương. 

Tiểu đoàn 6 đánh giao thông liên tục trên đoạn đường đèo này, các đoàn xe địch bị bắn cháy, bị phá hủy, đều lăn xuống con suối phía Nam đường, xăng dầu chảy thành suối. Vì vậy trong bản đồ của khu vực này có con suối lúc thì in suối Dầu lúc gọi là suối Đồng Xoài. Dòng nước tuy trong, nhưng không dùng được. Đất ở đây cũng bị thấm dầu, ô nhiễm cả một vùng. Vận chuyển tiếp tế của địch bằng cơ giới luôn bị chặn đánh, chúng đã thiết lập hệ thống cung cấp bằng đường ống, chôn sâu dưới đất, nhưng cũng bị ta phá liên tục. Địch ở Tây Nguyên không được tiếp tế, có lúc vô cùng khốn đốn.

Khi mặt trận B3 chưa mở chiến dịch, hoặc đã kết thúc, chúng tôi lại liến hành những trận phục kích nhỏ lẻ, diệt từng chiếc xe, tốp xe, luôn luôn gây tâm lý bất an cho địch khi đi qua đoạn đường này. Tất cả các loại xe vận tải khi bắt đầu lên đèo, lính lái xe cứ mở sẵn cửa ca bin, hễ nghe phía trước có tiếng súng, lập tức dừng lại nhảy xuống xe, tìm đường trốn thoát, “bỏ của chạy lấy người”. Địch vẫn gọi nơi đây là “đoạn đường máu lửa”. Lợi dụng ưu thế về địa hình, công tác chuẩn bị chu đáo, hầu hết các trận đánh giao thông trên đường 19 của Tiểu đoàn 6 nói riêng, trung đoàn 12 nói chung đều đạt hiệu suất chiến đấu cao. Bộ đội ở đây đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, chủ động, khắc phục khó khăn trong công tác bảo đảm, sáng tạo trong cách đánh trên một địa bàn xa xôi, cách trở nguồn cung cấp của sư đoàn. Hiện tại và mãi mãi về sau, Tiểu đoàn 6 vẫn là ngọn cờ đầu của Trung đoàn bộ binh 12 và của Sư đoàn 3 Sao Vàng. 

Để chuẩn bị cho đợt hoạt động, phối hợp với mặt trận Quảng Trị, đường 9 - Nam Lào đầu năm 1971, sau tổn thất nặng nề khi vượt đường 19 sang phía Nam, được sự giúp đỡ của trung đoàn, sư đoàn, tiểu đoàn 6 đã nhanh chóng ổn định tình hình, ra quân cùng với trung đoàn bộ binh 95, đánh cắt giao thông trên đường 19. Đây là đợt hoạt động phối hợp đầu tiên từ sau ngày hai tiểu đoàn: tiểu đoàn 6 trung đoàn 12 (đã có ở đây từ trước) sáp nhập với tiểu đoàn 19 công binh, vẫn giữ nguyên phiên hiệu là tiểu đoàn 6 thuộc trung đoàn bộ binh 12.

Thời gian này đại bộ phận lực lượng trung đoàn 12 cùng đội hình của sư đoàn đang hoạt động ở phía Bắc tỉnh Bình Định. Tiểu đoàn 6 tác chiến ở phía Nam đường 19 mang tính độc lập, các trận đánh của tiểu đoàn, chủ yếu cấp đại đội, bằng hình thức phục kích, tiêu diệt các tốp xe vận tải của địch, có khi tiêu diệt cả những đoàn xe trên 10 chiếc tại đèo An Khê. Tuy nhiên, trong các trận đánh, dù quy mô nào, tiểu đoàn đều sử dụng hầu hết các phân đội hỏa lực trong biên chế, bảo đảm cho bộ đội làm chủ mặt đường, thu chiến lợi phẩm, phá hủy các phương tiện vận tải của địch, giải quyết thương binh, tử sĩ và lui quân được an toàn. 

Tổng hợp đợt hoạt động đánh cắt giao thông phối hợp với mặt trận đường 9 - Nam Lào năm 1971, tiểu đoàn 6 đã tiêu diệt và phá hủy 25 xe vận tải quân sự của địch, cùng với trung đoàn bộ binh 95, gây cho địch nhiều khó khăn trong việc tiếp tế hậu cần từ đồng bằng lên Tây Nguyên. 

Kết quả đợt hoạt động này còn nhiều hạn chế. Trước hết, chất lượng chiến đấu của bộ đội có ảnh hưởng sau “biến cố” xảy ra và công tác bảo đảm chiến đấu có nhiều khó khăn. Song, đây là những kinh nghiệm làm cơ sở cho những năm sau này, ta tập trung lực lượng cắt đường dài ngày và triệt để hơn trong những chiến dịch lớn có tính chiến lược được mở ra ở Tây Nguyên. 
_________________________________________
1. Địa danh do bộ đội ta đặt.
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=12011.35;wap2