Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

 
 
Phật gia giảng 'tướng do tâm sinh'. (Ảnh: Secret China)
Phật gia giảng “tướng do tâm sinh”, chủ yếu là để chúng sinh hiểu rằng “khả kiến chi vật, thực vi phi vật” (vật có thể thấy kia, thực ra là ‘phi vật’), “vật sự giai không, thực vi tâm chướng, tục nhân chi tâm, xứ xứ giai ngục” (vạn sự vạn vật thảy là không, thấy là thực là vì cái chướng ngại trong tâm; cái tâm phàm tục ấy, đâu đâu cũng là giam ngục). Chữ tướng này là giả tướng, hư tướng, huyễn tướng, chứ không phải chân tướng; thế nên mới bảo người ta đừng chấp trước vào cái tướng này, kẻo bị vạn vật thế gian làm phiền luỵ; nếu từ đó mà siêu thoát ra được, thì ấy là đến bờ hạnh phúc bên kia rồi.
Chữ tướng đang nói đến ở đây, thông thường là nói về diện tướng, cũng là nói về tướng mạo của toàn thể cá nhân ấy. “Tướng do tâm sinh” do vậy mà được hiểu là: người ta có tâm cảnh thế nào thì cái tướng mạo là thế ấy, người ta có tâm tư truy cầu gì thì có thể thông qua nét mặt tư thái mà nhận ra được. Trong «Tứ Khổ Toàn Thư» luận thuật rằng: “vị tướng nhân chi tướng, tiên thính nhân chi thanh, vị thính nhân chi thanh, tiên sát nhân chi hành, vị sát nhân chi hành, tiên khán nhân chi tâm” (đừng nhìn tướng mạo người, trước tiên hãy nghe thanh âm của người ta; đừng nghe thanh âm người, trước tiên hãy quan sát hành vi của người ta; đừng quan sát hành vi người, mà trước tiên hãy xét cái tâm của người ta). Âu cũng là nhấn mạnh rằng cái “tâm” quyết định cái “tướng” của con người; rằng biến hoá của diện tướng cũng là biến hoá của tâm biểu hiện ra bên ngoài.
Cố sự Bùi Độ, Bùi Chương là một ví dụ rất tốt để minh hoạ.
Bấy giờ là thời triều đại nhà Đường, Bùi Độ thuở nhỏ sống cảnh nghèo khổ cơ cực. Một hôm, trên đường gặp một vị Thiền Sư Nhất Hạnh. Đại Sư nhìn tướng mạo Bùi Độ, thấy ánh mắt láo liên, đường gân chạy vào chỗ miệng; ấy là tướng ăn xin đầu phố, đói khổ mà chết; vì vậy bèn khuyên Bùi Độ nên nỗ lực tu khổ hạnh. Mấy ngày sau, Bùi Độ nhặt được trên núi Hương Sơn một chiếc đai ngọc của nữ nhân và tìm trả cho người ta, nhờ thế mà cứu được tính mệnh cha mẹ cô gái ấy. Hôm sau lại gặp Thiền Sư Nhất Hạnh. Đại Sư coi mặt Bùi Độ mục quang trong sáng, thần thái đã khác hẳn. Ngạc nhiên quá, Đại Sư bèn hỏi chuyện, và sau khi nghe kể, ông cười lớn và nói: “tấm thân bẩy thước chẳng bằng khuôn mặt bẩy tấc; khuôn mặt bẩy tấc chẳng bằng cái mũi ba tấc; cái mũi ba tấc chẳng bằng một khối tâm”. Thiền Sư bèn khuyến khích Bùi Độ hành Thiện. Quả nhiên Bùi Độ sau làm trọng thần của bốn đời vua Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông, và Đường Văn Tông, là “danh tướng toàn tài”, đương thời đã thành danh “huân cao trung nguyên, vang danh biên ngoại”. Trong sử sách nhìn nhận ông là “đức độ thuỷ chung suốt bốn đời vua”, “uy danh đức độ của ông sánh với Quách Phần Dương”. Bùi Độ có năm người con, đều có danh tiếng rạng rỡ, bản lãnh hơn người.
Cổ nhân Trung Quốc tin rằng tâm cảnh thế nào thì tướng mạo thế ấy. (Ảnh: Sound Of Hope)
Cổ nhân Trung Quốc tin rằng tâm cảnh thế nào thì tướng mạo thế ấy. (Ảnh: Sound Of Hope)
Bùi Chương là người Giang Đông tỉnh Sơn Tây. Cha mẹ của Bùi Chương có quan hệ rất thân với thần tăng Đàm Chiếu Pháp Sư. Pháp Sư giỏi về thuật tướng số, ông coi tướng Bùi Chương, thấy thiên đình bạo mãn, địa các phương viên (đỉnh trán và cằm đầy đặn phúc hậu), là tướng tương lai làm nên sự nghiệp danh giá, nhất định thành tựu. Khi hai mươi tuổi, Bùi Chương cưới Lý Thị làm vợ. Một năm sau đó anh đến Thái Nguyên làm quan, vợ con phải để lại ở nhà. Mấy năm sau Bùi Chương trở về gặp Đàm Chiếu Pháp Sư, thì Pháp Sư rất ngạc nhiên thấy tướng mạo của anh đổi khác hẳn: thiên đình lép kẹp, cằm nhọn, lòng bàn tay có hắc khí xoay chuyển. Pháp Sư bèn bảo rằng anh ta e rằng sẽ gặp hoạ, phải cẩn thận; rồi gạn hỏi xem anh có làm gì thất đức không. Bùi Chương suy xét rồi kể rằng mấy năm ở Thái Nguyên chỉ phạm mỗi việc thông dâm với dân nữ là trái với luân lý mà thôi, chứ không làm gì bất lương cả. Đàm Chiếu Pháp Sư thở dài thườn thượt nói: “Vốn dĩ cậu có tương lai tốt đẹp, sao chẳng biết trân quý? Tư thông với vợ người ta, cậu đã huỷ hết phúc đức của mình rồi. Thật quá là đáng tiếc!” Dần dần về sau Bùi Chương thật sự gặp đại hoạ. Một lần, khi đang tắm thì bị hành thích, một đao trúng bụng, gan ruột phòi ra bỏ mạng.
Thời cổ có câu: “hữu tâm vô tướng, tướng do tâm sinh; hữu tướng vô tâm, tướng tuỳ tâm diệt” (có tâm thì dẫu vô tướng, tướng cũng sẽ do tâm mà sinh; có tướng mà tâm vô, thì tướng ấy cũng tuỳ tâm mà tiêu mất); ấy là ý bảo rằng: hình tướng một cá nhân là tuỳ theo tâm niệm thiện-ác của cá nhân ấy mà biến hoá theo.
Kỳ thực, từ Trung Y cổ đại cũng như sinh lý học và tâm lý học hiện đại là có thể thấy rằng đạo lý “tướng do tâm sinh” cũng giản đơn thôi. Cái tướng mạo của người ta là do ‘hình’ và ‘thần’ hợp lại mà thành. Hình tướng thuần thục sinh lý thuận chính; thần thái cũng là bao quát nhân tố sinh lý; cũng phụ thuộc vào sự tu chỉnh của hậu thiên nữa. Nhất cử nhất động từng ý từng niệm trong sinh hoạt, qua thời gian thì dần dần cũng củng cố ra trên khuôn mặt, nghĩa là “hữu chư nội tất hình chư ngoại” (có gì bên trong ắt xuất hình bên ngoài). Tâm niệm nảy sinh, cũng sẽ tác dụng lên thân thể; nếu như tâm niệm an hoà tĩnh tại, thần thanh khí sảng, cái nhìn rộng mở, lỗi lạc quang minh, thì sẽ khiến khí huyết hài hoà, ngũ tạng an định, công năng chính thường, thân thể khoẻ mạnh, ắt sẽ thể hiện ra mặt mũi sáng sủa, thần thái bay bổng; ai gặp mặt cũng cảm thấy thoải mái, cảm thấy thân thiện an hoà một cách tự nhiên.
Có thể nhìn nhận quan hệ giữa tướng và tâm như thế này: “tướng” là bề mặt, là biểu hiện bên ngoài; “tâm” là bên trong, là hoạt động bên trong; “tướng” là hư cấu bất thực, ở trạng thái bị động, là phản ánh ra ngoài của “tâm”; “tâm” thế nào thì “tướng” thế nấy; “tướng” là tuỳ theo “tâm” biến hoá mà biến hoá theo, cũng gọi là “cảnh tuỳ tâm chuyển”, “tướng tuỳ tâm thiên” (cảnh thay đổi theo tâm, tướng thiên di theo tâm). Cũng có thể coi “tâm” là nhân của “tướng”, “tướng” là quả của “tâm” (theo quan hệ nhân-quả).
Nếu bản thân một cá nhân không làm chủ tể nổi tâm của chính mình, thì bị sẽ bị động theo ảnh hưởng và lôi kéo của hoàn cảnh bên ngoài, chính đã là “tâm tuỳ cảnh thiên” (tâm chạy theo cảnh) rồi. Nếu có thể làm được bất động tâm, thế thì, chính là đã chế ước được ngoại cảnh không cho phát sinh biến hoá; cho nên, Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng: “Thế gian vạn vật giai thị hoá tướng, tâm bất động, vạn vật giai bất động, tâm bất động, vạn vật giai bất biến” (Vạn vật thế gian đều cái tướng được biến hoá ra, tâm bất động, vạn vật sẽ đều bất đông, tâm bất động, vạn vật sẽ đều bất biến).
Vì vậy mới có thể nói, dẫu hoàn cảnh có hiển tướng thế nào đi nữa, thì đều là “tâm” mình quyết định; “tướng” là bóng ảnh bên này của “tâm”. Làm người thì nên có tâm cảnh thế nào? Tuân Tử viết: “tướng hình bất như tướng tâm, luận tâm bất như luận đức”. Cuốn «Thái Thanh Thần Giám» —cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất trong thuật xem tướng thời xưa— có luận về đức thế này: “vi đức chi tiên, vi hành chi biểu” (lấy đức làm đầu, lấy hành vi làm biểu đạt), “đức tại hình tiên, hình cư đức hậu” (đức có trước hình, hình ở sau đức), “khứ nghiệp tùng Thiện, tiêu tai tỵ hung” (trừ nghiệp hành thiện, tiêu tai giải nạn), cũng rất có đạo lý vậy.
Nhược Thủy
(Theo Minhhue.net, vietsoh.com)
 
 
Nhật Bản có núi Phú Sỹ, Ấn Độ có núi Linh Sơn, Trung Quốc có núi Thái Sơn và Việt Nam có núi Tản Viên…Ngọn núi đó là biểu tượng thiêng liêng và muôn đời trong tiềm thức của tộc Việt.
Đức thánh ngự tại núi Tản Viên, Ngài đứng đầu trong “Tứ bất tử” (bốn vị thánh là đức Tản Viên, mẫu Liễu Hạnh, đức Thánh Gióng và đức thánh Chử Đồng Tử), vị linh thiêng độc nhất luôn được Nhân dân tôn thờ hơn hai ngàn năm nay.
nui tan vien
Núi Tản Viên
Theo sách “ Bắc – Thành Địa dư chí” của Lê Đại Cương chép : “ Núi này ở huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai (nay là huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội). Hình núi tròn như cái tán nên gọi là Tản Viên, rộng rãi bao la, đứng cao hùng vĩ, làm trấn sơn cho cả nước, cao 2.310 trượng, chu vi 18.605 trượng, hướng tây có Đà Giang chảy quanh theo, rừng cây rậm rạp, cảnh trí đẹp”. Tại Đền Và ( Đông Cung) thờ Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) có đôi câu đối như sau:
Châu hình đẩu tiễn thiên hoành không
Hạo khí quan mang vạn cổ tồn
Có nghĩa là:
Dáng hình sừng sừng ngang trời rộng
Hạo khí mênh mang vạn thuở còn.
Dưới triều Nguyễn, năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 (1836) đúc “ Cửu Đỉnh” biểu tượng cho uy thế và sự bền vững của nhà Nguyễn. Minh Mạng còn cho chạm hình núi Tản Viên vào Thuần Đỉnh (cao 2,32m, nặng 1.950 kg) cùng với cửa Cần Giờ và sông Thạch Hãn. Đời Tự Đức năm thứ 3, Canh Tuất (1850) liệt Tản Viên vào hàng những núi hùng vĩ, giang sơn của đất nước và được ghi chép vào Tự điển để cúng tế hàng năm. 
Núi Ba Vì còn chiếm một vị trí quan trọng, không những về mặt địa lý mà còn có địa vị độc tôn trong tâm linh người xưa như đỉnh Olympus (cao 2.917m) nơi ngự trị của chúa thần Deus (Dớt) của người Hi Lạp cổ. Trong sách “ Dư địa chí”, Nguyễn Trãi viết: “Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”. 
Trong nhiều thế kỉ qua, nhiều sách vở, công trình nghiên cứu đã có một số kết luận về nền văn hóa dân gian xứ Đoài gắn với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh liên quan đến núi Ba Vì.
Nhất cao là núi Ba Vì
Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn.
Sự thực núi Ba Vì chỉ cao 1.296m, núi Tam Đảo lại cao đến 1.581m, nhưng vì núi này là nơi ngự của Thần núi (thần Tản Viên), nên được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất. Núi cao ở đây là cao trong tâm thức, không phải độ cao thấp đơn thuần về mặt địa lý. Truyền thuyết còn kể lại rằng núi Ba Vì là do Sơn Tinh dùng sách ước nâng núi lên cao, để ngăn nước lũ chống Thủy Tinh.
Nếu lấy núi Nghĩa Lĩnh (cố đô của nước Văn Lang thời tiền sử) làm tâm điểm thì núi Ba Vì và núi Tam Đảo là hai điểm đối xứng tạo thành “Thế tay ngai” trong luật phong thủy do triều đại Vua Hùng tạo lập. 
Xứ Đoài đã ôm cả ba dòng sông lớn: Sông Đà, sông Thao, sông Lô. Ngã ba Bạch Hạc là nơi hợp thành của ba dòng sông ấy để rồi tụ thủy ở đầu sông Cái (sông Hồng) tạo dựng thành vùng châu thổ trù phú của đồng bằng Bắc Bộ ngày nay. 
Núi Ba Vì không chỉ là ngọn núi huyền thoại về Sơn Tinh – Thủy Tinh mà còn là ngọn núi linh của xứ Đoài. Vua nhà Đường (Trung Quốc) đã coi núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tời phương Nam (dãy Trường Sơn ngày nay). Để nước Nam không thể phát Vương, vua Đường đã cử Cao Biền (vị tướng kiêm phù thủy) dùng pháp thuật cho đào một trăm cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì để trấn yểm tà triệt long mạch nước ta. Nhưng cứ đào gần xong giếng nào thì giếng đó lại bị sập, nên chúng đành phải bỏ cuộc bởi dãy núi thiêng – núi Tổ của nước Đại Việt. 
Những truyền thuyết dân gian về cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh chứng tỏ tổ tiên ta đã bắt đầu cuộc trị thủy mở mang bờ cõi từ hạ lưu sông Đà, sông Tích để tạo ra một vùng núi Ba Vì trù phú như ngày nay.
Núi Ba Vì là ngọn núi thần kỳ, là một trong những ngọn núi cổ nhất của nước Đại Việt. Những phát hiện về khảo cổ học vùng văn hóa cổ Ba Vì đã chứng tỏ đây là một vùng truyền thuyết lớn phát triển sớm trong lịch sử hình thành dân tộc.
Hoàng Lạc tổng hợp
 
 
Nếu như bạn có phúc phận, dẫu ở những nơi phong thủy kém, phong thủy cũng sẽ theo bạn mà chuyển biến tốt lên. Nếu như bạn không có phúc phận, thì dù có ở nơi phong thủy tốt, phong thủy tốt cũng sẽ tự mình phá hủy mất. Kinh nghiệm đoán mệnh của một vị cao nhân, khiến cho rất nhiều người phải ngạc nhiên đến ngây cả người.
cao-nhan
Cần phải tôn kính trời đất, nhật nguyệt, sông núi, cỏ cây, chim cá, đá cát, vạn vật, sách vở, bởi vì hết thảy những thứ này đều có linh tính cả. Bạn mà tôn trọng chúng, chúng sẽ thành tựu bạn, giúp đỡ bạn mọi lúc mọi nơi. Tình cảm này giống như tìm được tri kỷ của mình vậy.
Đạo gia nói một chữ duyên, phong thủy cũng là duyên phận.
Thử hỏi cảm giác chúng ta khi gặp được người bạn tri âm trong lòng như thế nào? Trạng thái tinh thần đó quả thật là vô cùng đặc biệt, nói dễ hiểu một chút chính là người già tám mươi cũng sẽ cảm thấy mình như mười tám vậy, những người thô kệch cũng có thể viết nên những áng văn thơ, đây chính là nét bút vẽ rồng thêm mắt, linh hồn sống lại, nó cũng là như vậy.
Vậy làm thế nào để bồi dưỡng phong thủy? Câu trả lời chính là hãy bồi dưỡng phúc đức của mình
Cách thứ nhất để bồi dưỡng phong thủy chính là không sát sinh
Cái gọi là đất quý phong thủy, chính là những nơi có sinh khí hưng thịnh nhất. Sát sinh, sẽ khiến cho hết thảy sinh linh đều sợ hãi, đều chạy trốn không kịp. Hãy thử nghĩ xem, nơi nào không có sinh linh, chẳng phải sa mạc sao. Trên sa mạc, cái gì cũng đều không có, vậy thì còn chở tiền tài, phúc lộc thọ, an khang gì nữa.
Cách thứ hai để bồi dưỡng phong thủy chính là hiếu thuận cha mẹ
Hiếu thuận với cha mẹ, không xích mích chống đối cha. Hiếu kính cha mẹ chính là một phương thuốc có thể thay đổi hết thảy vận mệnh trong cuộc sống. Phật Đà chẳng dạy rằng đã làm người cần phải biết phụng dưỡng cha mẹ.
Cách thứ ba để bồi dưỡng phong thủy chính là không nói xấu người khác
Ở trong nhà nói với người thân cũng không được, bởi vì không phải nhà không người lạ thì chẳng ai nghe thấy. Thực tế Thần đều đang lắng nghe bạn, vạn vật đều đang nghe thấy cả, cho đến cả cái ly, cái đĩa, cái chén, cái đèn, bình phong, bàn ghế, v.v…. ở bên cạnh bạn đều cũng đang nghe.
Bạn nói xấu người khác, những thứ kia đều không phục bạn. Điều này cũng giống một tướng lĩnh, quân sĩ mà không phục tùng, thì bạn không có cách nào ra lệnh cho họ được, như vậy lòng quân sẽ tan rã. Chúng ở cùng với bạn lâu có thể còn sẽ bắt chước theo bạn, đúng với câu nói “vạn vật đều mang hình tượng của người chủ”.
Vậy nên có những người xem tướng một người, họ chỉ cần nhìn vào những vật mà người này từng dùng, liền biết ngay người này là như thế nào rồi, bản thân vật thể này biết nói chuyện. Vạn vật đều có linh tính, vạn vật đều là biết tự mình bộc lộ tâm sự vậy.
Biển cả dùng cái thiện ở nơi thấp của mình mà làm vua trăm sông. Địa thế của biển cả là thấp nhất nên trở thành vua. Chúng ta đặt bản thân mình ở vị trí thấp nhất để phúc đức trí huệ của trăm sông vạn vật cũng có thể hội tụ. Chúng ta nói đức dày chuyên chở vạn vật, muốn chở được vạn vật thì cần phải đặt bản thân mình ở dưới vạn vật, đặt mình ở vào vị trí thấp nhất.
Chúng sinh phúc mỏng, chính là vì sự tôn kính dành cho nhau càng ngày càng ít. “Cung kính trời thì có thể biết được đạo trời (thiên đạo); cung kính đất thì có thể biết được cái lý của đất (địa lý); cung kính các vì sao có thể biết được các tinh hệ; cung kính sông núi thì có thể liễu giải được sông núi; cung kính cỏ cây thì có thể liễu giải được cỏ cây; cung kính chim cá thì có thể hiểu được chim cá; cung kính đá cát thì có thể hiểu được đá cát”.
Bạn cung kính cái gì, thì cái đó liền nguyện ý giúp đỡ bạn, thành tựu bạn. Tỷ như cây cỏ lúc sống thì mềm yếu, chết rồi thì lại cứng khô. Thân thể người khi còn sống thì mềm yếu, chết rồi lại trở nên cứng đờ. Đây chính là nói rằng mềm yếu là một loại biểu hiện của sự sống, theo đây có thể suy luận rằng làm người cần phải mềm dẻo chứ đừng nên cố chấp, đây mới là nền tảng của phú quý phúc hậu.
Bất kể xem chỗ nào cũng đều phản ánh toàn bộ tướng số của người này, có thể thông qua cốt cách, có thể thông qua hình bóng sau lưng, có thể thông qua nét mặt, có thể thông qua nơi ở, có thể thông qua làn da của người ta, có thể thông qua nét chữ của người ta, có thể thông qua hộp đựng đồ dùng văn phòng mà nhìn.
Người xưa tại sao lại có thể bắt mạch, dựa vào mạch tượng của người ta để phán đoán phúc lộc của một người? Cái này là thật sự có thể. Một người và tất cả những sự vật bên cạnh của người ta, đều là tâm tướng được phóng đại phản ánh ra bên ngoài của người ta, chỉ cần cẩn thận quan sát những tín tức này, thì bản thân là có thể nhìn ra được.
Muốn định được phúc lộc của người ta, thì phải xem thử cách nói chuyện và làm việc của người này. Nói chuyện không có bắt bẻ lại người ta, làm việc thường hay giúp đỡ người khác đến khi thuận lợi mới thôi, dòng khí lưu chuyển của bản thân cũng sẽ do gợi ý của tâm lý này mà trở nên thông suốt.
Ví như nổi nóng oán hận thường xuyên sẽ nghẹt khí tắc khí, vậy nên cần phải khống chế oán hờn trong lòng, tựa như các khí bụi lắng xuống sẽ tạo thành mặt đất, từ đó mới có thể chuyên chở vạn vật. Cũng như thế đối với khuyết điểm và thiếu sót của người khác hãy bao dung, làm được vậy thì bản thân chư vị sẽ thấy mình có sức mạnh to lớn.
Của cải chính là đến từ các loại thu hoạch, các loại tài sản. Của cải chỉ có thể dùng đức dày để mà chuyên chở. Nếu không thì trái lại sẽ trở thành tai nạn.
Ví như nói, bây giờ cho bạn mười triệu, bạn cầm được mười triệu mà trong lòng nơm nớp lo sợ, sợ người ta đến giành, đến trộm, đến cướp. Mười triệu này, bạn lấy để làm gì? Bạn không có đức, thì sẽ dùng để phóng túng bản thân, suốt ngày ăn uống chơi bời, không biết phấn đấu, sau cùng tổn hại thân thể, tâm hồn, sức khỏe, đã hủy hoại chính bản thân mình rồi. Đây chính là đạo lý không dùng đức dày mà chuyên chở sự giàu có thì sẽ gặp phải tai ương.
Tiểu Thiện dich từ NTDV
Theo tinhhoa.net
 
 
Ngày nay mối giao lưu giữa nam và nữ đã tự do cởi mở hơn so với trước đây, nhiều người quan niệm rằng hôn nhân là do trai gái quyết định, thích thì yêu, không thích nữa thì lại chia tay. Nhiều người không có tình yêu thì buồn bã, thậm chí có người yêu đơn phương thất vọng mà tự tử.
tam
Thực ra nhân duyên là do trời định, nếu không có duyên mà gắng cưỡng cầu cũng không thể thành được. Điển xưa tích cũ “Lá thắm đưa duyên” thể hiện rất rõ vấn đề nhân duyên này.
Triều vua nào cũng vậy, nhiều giai nhân tuyệt sắc trong nước được tuyển vào cung để làm cung nữ. Họ là những giai nhân bạc phận, đi chẳng có về, suốt đời chịu cảnh lạnh lùng, buồn tủi, sầu đau trong chốn thâm cung.
Nhà vua có cả tam cung, lục viện, hàng ngàn cung nữ phi tần toàn bực diễm kiều, tài sắc cả. Mỗi đêm ngủ ở cung nào, nhà vua phải nhờ xe đưa đến. Xe dừng trước cung nào thì nhà vua vào cung ấy. Có những nàng hằng năm không được đoái hoài, đành chịu cảnh cô phòng giá lạnh.
Đời Đường (618-907), đời vua Hy Tông có nàng cung nữ tuyệt sắc tên Hàn Thúy Tần sống cảnh lẻ loi buồn bực trong thâm cung, nên thường nhặt những chiếc lá đỏ (hồng diệp) rồi đề thơ lên trên lá, thả xuống ngòi nước:
    Nước chảy sao mà vội?
    Cung sâu suốt buổi nhàn.
    Ân cần nhờ lá thắm
    Trôi tuốt đến nhân gian.
Nguyên văn:
    Lưu thủy hà thái cấp
    Cung trung tận nhật nhàn.
    Ân cần tạ hồng diệp.
    Hảo khứ đáo nhân gian.
Chiếc lá chở bài thơ theo dòng nước chảy xuôi ra ngoài vòng cấm lũy. Lúc bấy giờ có người môn khách của quan Tể Tướng Hàn Vinh tên Vưu Hựu vốn là một tài tử, thơ hay, chữ tốt, chỉ hiềm một nỗi vận chưa đạt nên đành chịu sống nhờ nơi quan Tể Tướng họ Hàn. Đương thơ thẩn ngắm dòng nước chảy, Hàn bỗng nhìn thấy chiếc lá có bài thơ, lấy làm lạ mới vớt lên xem. Cảm tình chan chứa với người gởi thơ lạ mặt, chàng cũng bẻ một chiếc lá, viết một bài thơ vào đấy, đợi dòng nước xuôi mới thả lá xuống cho trôi trở vào cung.
    Nghe oanh thấy liễu chạnh lòng thương,
    Thương kẻ trong cung lúc đoạn trường.
    Chiếc lá đề thơ trôi mặt nước,
    Gởi cho ai đó nói không tường.
    (Bản dịch của Phan Như Xuyên)
Người cung nữ họ Hàn thường ngồi nhìn dòng nước chảy, bỗng bắt được chiếc lá trở vào của người không quen biết, mới đem cất vào rương son phấn.
Ba năm sau, nhà vua sa thải một số cung nữ, trong đó có Thúy Tần. Nàng đến ở tạm dinh quan Tể Tướng họ Hàn để chờ thuyền trở về quê cũ, bỗng gặp Vưu Hựu. Hai người trò chuyện, ý hợp tâm đầu. Tể Tướng họ Hàn thấy cả hai đều xứng đôi vừa lứa nên làm mối thành duyên giai ngẫu.
Đêm tân hôn, Hựu tình cờ mở rương của vợ và thấy chiếc lá của mình ngày xưa. Lấy làm lạ lùng, chàng cũng đem chiếc lá của mình vớt được cho vợ xem. Thì ra cả hai lại giữ hai chiếc lá của nhau. Cho là thật duyên trời định.
Ngọn Hải Đăng
Theo daikynguyenvn.com
 
 
Từ trước tới nay, câu chuyện cổ tích giản lược về Chử Đồng Tử và Tiên Dung thường hay làm dấy lên thắc mắc trong lòng người đọc: Tại sao công chúa Tiên Dung lại dám tự ý kết duyên không theo lệnh vua cha, Một câu chuyện gặp nhau trần trong phòng tắm ngoài trời, có gì mà đáng để lưu lại ngàn đời như vậy và có thể khiến trở thành một trong tứ bất tử ở Việt Nam. 
tien dung chu dong tu 3

Đó chính là bởi vì những gì tinh túy nhất, thâm sâu nhất đã bị giản lược đi, chỉ để lại hiện tượng bề mặt đọc qua thấy trần trụi và thô tục. Người đời sau tiếp đó lại gán cho câu chuyện sử những ý nghĩa theo nhu cầu của những con người hiện đại: quyền tự do yêu đương.
Sự thực có phải như vậy không?
Ý nghĩa của bản gốc: Hết thảy đều hành sự thuận theo Thiên ý 
Khi những câu chuyện được truyền lại đời này qua đời khác, người ta đã tự ý sửa lại theo nhận thức và quan niệm của mình. Vì càng ngày con người càng không tin thực sự có tồn tại Thần Phật, nên những chi tiết nguồn gốc “Tiên cốt” của các nhân vật hay các tình tiết thần thoại thường bị lược bớt đi sau này (“tiên cốt”  hay “cốt tiên” nghĩa là nhân vật vốn có nguồn gốc Thần Tiên trên thượng giới đầu thai làm người phàm).
Thay vào đó, các đời sau chỉ chép lại nội dung bề mặt, mô tả nhân vật như những con người gốc gác hoàn toàn phàm tục, và đưa vào những ý nghĩa phù hợp với quan niệm của mình.
Như đề cập tới trong phần 3: Tứ bất tử của Việt Nam, họ là ai, Chử Đồng Tử được tôn Chử Đạo Tổ (Đạo Tiên). Bản thần tích gốc về câu chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung do Nguyễn Bình soạn vào năm 1572 toát lên ý nghĩa:
Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân vốn đều nguồn gốc Tiên trên thượng giới xuống theo Thiên ý để thực hiện sứ mệnh của mình. Hoàn cảnh gặp gỡ kỳ lạ hay hôn nhân tự nguyện rốt cuộc chỉ cái cớ tác thành để họ cùng nhau thực hiện sứ mệnh giúp dân giúp nước và đặt định tín ngưỡng Phật Đạo Thần cho dân tộc Việt
Hết thảy hành động của họ đều thuận theo Thiên Ý (ý trời). Câu chuyện gốc cổ nhất về Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân hoàn toàn không có ý nghĩa quyền tự do yêu đương.
[Qua câu chuyện gốc, các nhân vật đều toát lên sự thanh thoát cao thượng, điềm tĩnh, không chút dung tục phàm trần, không màng danh, lợi, tình ái. Họ chỉ đơn giản là tùy duyên để thực hiện vai diễn dưới hạ giới, đắc đạo, hành đạo, cứu nhân trước khi bay trở về Thiên giới.]
Chúng ta cùng đi vào tình tiết chính của câu chuyện:
Vua Hùng thứ 18, là vua Hùng Duệ Vương, sinh được một người con gái đẹp như tiên vì thế đặt tên là Tiên Dung.
Ngay trước lúc sinh công chúa, nhà vua nằm mộng thấy mình bồng trên tay một bé gái có mây ngũ sắc vờn quanh. Đêm ấy hoàng hậu thụ thai rồi sinh ra công chúa Tiên Dung.
Tiên Dung xinh đẹp, nết na hiếu thảo. Năm Tiên Dung 16 tuổi nhiều Lạc Hầu, Lạc Tướng đều nhắm nhe muốn xin làm con rể vua Hùng; thái tử con vua nước phương Bắc, Hoàng đế nước láng giềng phía Nam cũng gửi lễ vật xin được ra mắt Tiên Dung.
Hết thảy lời cầu xin Tiên Dung đều từ chối. Không phải nàng trịch thượng kiêu kỳ, hay muốn quyền tự do lựa chọn, mà là nàng chờ đợi Thiên Ý.
Công chúa cúi đầu tâu với vua cha: Muôn tâu Phụ vương, con trộm nghĩ truyện trăm năm do Trời Đất sắp đặt, việc lúc nào đến sẽ đến, con đâu dám trái mệnh trời.
Vua Hùng nghe hài lòng, không ép. Lại thể theo ý nguyện của Tiên Dung, nhà vua truyền cấp cho chiếc thuyền lớn để nàng đi du ngoạn khắp nơi.  Công chúa tâu với vua cha: Muôn tâu con mong muốn biết các thần dân của phụ vương sống ra sao, muốn xem bờ cõi phụ vương mở rộng tới đâu, núi sông tươi đẹp như thế nào.
Lần ấy công chúa Tiên Dung cho thuyền xuôi dòng sông Cái đi mãi về xuôi.
Giữa những bãi dâu, lũy tre, đồng lúa xanh rì, con sông uốn khúc đưa thuyền công chúa trôi mãi tựa như có một bàn tay vô hình đưa đẩy. Đứng tựa mạn thuyền, chợt công chúa thấy qua khúc ngoặt hiện ra trước mắt mình một bãi cát vàng chạy dài tít tắp. Sao đây chưa phải là bờ biển, sao đây không gần núi đá cao mà lại có  bãi cát mịn sạch bong như thế này?
Tiên Dung truyền lệnh cắm sào lên bãi cát dạo chơi. Nước sông trong vắt, sóng lăn tăn vỗ quanh mạn thuyền, bãi cát phẳng lỳ chưa hề có dấu chân người. Tiên Dung tung lên bãi quả còn, thế là cả đám thị nữ ùa theo. Tiên Dung truyền vây màn, cho nàng tắm mát.
Nước mát lạnh khi nàng dội mấy chục gáo nước và vì thế không hề hay biết cát khô dưới chân bị nước cuốn trôi để lộ ra cái đầu, tảng ngực trần và toàn bộ thân thể một người con trai, cũng giống nàng, không một mảnh vải che thân. Công chúa suýt kêu lên một tiếng gọi thị nữ. Vừa lúc người kia ngửng lên, Tiên Dung kịp nhận ra gương mặt chàng trai hai mắt mở to, vẻ còn sợ hãi hơn nàng. Tiên Dung hỏi: Người là ai? sao lại ở đây? Chàng trai đáp: Thưa tôi họ Chử, làm nghề đánh cá, nhà ở gần đây thôi. Tôi … Công chúa lại hỏi tiếp: Vậy nhà ngươi mắc tội gì? Vì sao phải đi trốn như thế này? Chàng trai vẫn nằm yên trên cát, trả lời: Tôi không có tội gì cả, chỉ vì tôi nghèo, không có quần áo che thân nên khi thấy người lạ, phải chui vào bãi cát, bụi lau lẩn trốn…
bai cat chu dong tu
Nơi bãi cát Chử Đồng Tử trốn, nay chính là Xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội
Không thể kéo dài cả hai trong cảnh ngộ như thế này. Tiên Dung ném cho chàng trai cái khăn và gọi chàng trai đứng dậy, ngắm nhìn gương mặt thuần hậu của chàng, nàng hỏi tiếp: Chuyện của chàng hẳn là dài lắm? 
Tên chàng là Chử Đồng Tử. Đồng Tử quê ở Chử Xá (nay thuộc xã Văn Đức, Huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Cha chàng là Chử Cù Vân, mẹ tên Bùi Thị Gia. Một này kia, trong lúc ông bà Chử đi vắng, đột nhiên ngọn lửa bốc lên thiêu trụi căn nhà nhỏ, không để lại chút gì dù chỉ là cái bát mẻ để ăn cơm. Rồi sau đó bà Gia ốm nặng, và mất. Từ đấy cha con Chử Đồng Tử lủi thủi bên nhau, cuộc sống vô cùng nghèo khổ. Có lẽ trên thế gian này chưa có ai nghèo như bố con họ Chử, nghèo đến mức cả nhà chỉ có một chiếc khố dùng chung. Suốt ngày, hai người ngâm mình dưới nước đánh bắt cá, mỗi lần có việc phải tiếp xúc với người ngoài hoặc đi chợ bán cá, mua gạo thì cha nhường con, con nhường cha mặc khố lên bờ.
chu dong tu 3
Trước khi ra đi, ông Chử Cù Vân dặn con: Bố chết đã có đất cát vùi kín. Con ở trần gian không thể ở trần đi ra ngoài, nên giữ khố này để mà dùng.
Nhưng Đồng Tử đã ngăn lại và nói: Bố cứ yên lòng. Con sống ở đời chịu khó làm ăn sẽ mua được nhiều quần áo.
Không thể để cha chết trần. Chử Đồng Tử quỳ lạy cha xin tha tội bất hiếu, đóng khố cho cha cẩn thận rồi mới đem chôn.
Cũng từ đấy Chử Đồng Tử thường suốt ngày lặn ngụp đánh cá ở những quãng sông vắng. Mỗi lần gặp thuyền buôn đi qua chàng cứ phải đứng ngâm nửa mình dưới nước.
Sẽ không ai biết trên đời có một chàng Chử Đồng Tử hiếu thảo nhường ấy, nghèo khổ nhường ấy, nếu như…
Thiên duyên kỳ ngộ: cuộc gặp gỡ của hai người có sự dẫn dắt của Trời
… Chử Đồng Tử bạo dần lên, kể tiếp: Tôi đang đánh cá thì nghe tiếng đàn hát, cười nói. Sự tình hoảng hốt còn phân vân chưa biết tính sao thì thuyền đã lướt tới. Cũng vì hôm nay tôi mải đuổi bắt một con cá to. Khi đầu nó nhô lên, hai mắt như hai viên ngọc, vẩy bạc óng ánh. Cứ mỗi lần con cá quẫy đuôi là tôi lao tiếp theo vài sải. Những tưởng mười mươi chộp được, ai ngờ nó lặn mất tăm, ngẩng đầu lên đã thấy buồm gấm như một đám mây phủ sẫm mặt nước. Tôi chỉ còn cách xấp ngửa chạy lên bờ như mọi khi tìm bụi lau chui vào ẩn nấp. Nhưng… quanh mình chỉ thấy bãi cát trống trơn. Thưa, bãi cát… như là con sông theo lệnh Long Vương rút cạn nước mà nên sự tình. Vì quãng sông này tôi thường lui tới. Vừa mới hôm qua tôi còn ở đây mà chưa hề thấy. Tôi càng chạy cát càng lún dưới chân, ngoảnh nhìn lại thấy thuyền đã đậu bên bờ. Thuyền đậu mà vừa to vừa lạ. Tôi chỉ còn cách moi cát vùi mình xuống. Tưởng cố nằm chờ, mọi sự sẽ qua đi. Ai ngờ…
tien dung 2
Chử Đồng Tử vừa ở nơi đó hôm qua còn chưa có bãi cát này, rồi lại được dẫn dắt để đuổi theo con cá mà tới địa điểm gặp gỡ, nào có gì là ngẫu nhiên, đó đều là do Trời sắp đặt, là ý Trời dẫn dắt.  
Đến lượt Tiên Dung tự kể chuyện mình: Thiếp là con gái vua Hùng… Chử Đồng Tử giật mình quỳ xuống: Tôi không được biết, xin tha tội chết. Tiên Dung vội bước lên, nâng chàng dậy.
Nàng Tiên Dung chắp hai tay trước ngực, mặt ngửa nhìn trời: Tôi đã nguyện không lấy chồng nhưng hôm nay  gặp chàng trai trong cảnh ngộ này cũng là do Trời Đất xếp đặt xui khiến.
Nói rồi nàng vén màn truyền thị nữ mang thêm cho một bộ quần áo, bộ nam trang luôn có sẵn trên thuyền đã một lần công chúa mặc cải dạng lên bờ trảy hội.
Tất cả thị nữ đều kinh ngạc mở to mắt khi thấy nữ chủ nhân của mình từ trong màn bước ra bên một chàng trai tuấn tú. Hai người sánh vai nhau bước xuống thuyền.
Công chúa kể lại sự tình cho các thị nữ cùng nghe rồi truyền mở tiệc hoa. Từ lúc bước chân lên thuyền, bước vào một thế giới mới giàu sang quyền quý, lại biết mình sẽ kết vợ chồng cùng công chúa, Chử Đồng Tử có ý từ chối. Nhưng Tiên Dung nói: “Ta làm theo ý Trời, là do duyên Trời tác hợp, chàng việc gì mà lo ngại?”
Hai người bước ra đầu thuyền quỳ trên chiếc chiếu đậu. Trước mặt là hương án bày đĩa hoa, bát nước và ba nén hương. Đôi vợ chồng trẻ khấn lạy cảm ơn sự tác thành của Trời Đất, cầu xin các đấng thần linh chứng giám.
Công chúa Tiên Dung: Mời chàng sang nghỉ phòng bên. Thiếp đã cho người về báo với vua Cha, Mẫu Hậu và Thái Trưởng công chúa, Duyên khánh công chúa, Thái Hiến công chúa. Khi nào được phép chúng ta sẽ thành thân. Bổn phận làm con, phải giữ tròn chữ hiếu, chữ trinh.
Người thị nữ cầm giá nến đi trước dẫn đường, Chử Đồng Tử theo sau.
Nào ngờ… Nghe con gái cử người về báo tin, vua Hùng nổi giận: Tiên Dung không biết trọng danh tiết, đi chơi giữa đường lại hạ giá, lấy người nghèo. Thiếu gì vương tôn công tử mà đi lấy một người không rõ gốc gác. Từ nay mặc kệ nó, không cho trở về nữa.
Nhập thế gian
Thế là chàng Chử Đồng Tử không khoác áo phò mã cưỡi ngựa hồi cung. Còn công chúa Tiên Dung bán hết ngọc ngà châu báu đổi lấy bộ quần áo nâu sồng trở thành một cô gái nơi quê mùa cùng chồng xây dựng tổ ấm.
Đôi vợ chồng trẻ không về Chử Xá, làm nhà mới ở xuôi phía dưới nơi mà sáng sáng chỉ cần chống cửa là nhìn ngay thấy bãi cát trời đất xếp đặt cho hai người gặp nhau.
Thế rồi mưa thuận gió hòa, thóc đầy bồ, tôm cá đầy khoang, nơi Chử Đồng Tử – Tiên Dung ở, người theo về quần cư ngày càng đông vui. Làng thêm xóm mới. Chợ thêm phiên, lều quán kéo dài. Bến sông kè đá. Thuyền to không biết từ phương xa nào tới mang theo nhiều hàng quý hiếm.
Một hôm Tiên Dung bàn với Chử Đồng Tử: Thiếp nghe người khách buôn phương xa mới tới đây nói rằng đất mình nhiều sản vật quý… Nếu biết vượt biển mang bán tận phương xa thì sau mỗi chuyến đi một dật vàng lãi thành mười dật. Chàng thấy thế nào?
Ban đầu Đồng Tử gạt đi: Trước đây ta nghèo đến mức không có cả đến cái khố mà mặc, nay được giàu có sung sướng thế này là mang ơn trời đất lắm rồi. 
Tiên Dung: Nếu mộng giàu sang thì thiếp đã chẳng theo chàng. Ngoài đất nước ta, còn có núi sông nào nữa? Ngoài thế giới ta đang sống, còn có thế giới nào nữa? Chàng hãy nghe em, thử một chuyến đi xa.
[Có lẽ đây chính là thiên ý. Chử Đồng Tử cần phải đi để gặp Thầy gặp Đạo]
Gặp Sư Phụ và đắc đạo
Chử Đồng Tử nghe lời háo hức lên thuyền cùng người khách thương vượt biển. Sau ba ngày ba đêm, thuyền thả leo dưới chân một đảo vắng lấy thêm nước ngọt. Trong khi các thùy thủ sửa sang buồm lái thì Chử Đồng Tử lững thững lên bờ dạo chơi. Chàng thấy hòn đảo xanh tươi, phong cảnh đẹp lạ kỳ, con chim có tiếng hót lạ như dụ chàng vui chân đi tiếp, đi mãi sâu vào bên trong đảo. Chử Đồng Tử ngửng đầu lên nhìn thấy chót vót trên núi cao một cái am cỏ. Từ trong khe núi có một cụ già râu tóc bạc phơ bước ra. Ông cụ đầu đội nón mây, tay lê gậy trúc, chân dậm hài cỏ vừa đi vừa phất tay áo rộng, hát rằng:
Núi cao chót vót nước lại thâm
Trong cõi trần ai kẻ tri âm
Ai kẻ tri âm thời đồng tâm
Đồng tâm xin kết bạn giai âm
Kết bạn giai âm muôn dặm cũng tầm
Vui với núi cao cùng nước thâm.
Chử Đồng Tử đón sẵn bên đường, vái lạy: Tôi trộm nghe câu hát, biết mình có phúc được gặp bậc tiên. Dám xin rủ lòng cho theo học đạo.
Ông cụ nói: [Ta chờ con đã lâu rồi.]
Nói đoạn quay người đi trước bước chân thoăn thoắt. Đồng Tử theo sau thấy mình đạp lên đá mà nhẹ như đi trên mây, một chốc tới am cỏ, nhìn xuống xa vời không thấy bãi đá, cây rừng đâu cả. Ông cụ giữ Chử Đồng Tử ba ngày, truyền dạy phép thuật.
Trước khi chia tay, cụ cho Chử Đồng Tử một chiếc gậy và một cái nón, dặn: Phép biến hóa ở cả trong hai thứ này.
Chử Đồng Tử xuống núi, ngoảnh lại đã không thấy am cỏ đâu. Đang hoảng sợ thì nhìn phía xa chàng thấy trên mặt biển thấp thoáng một cánh buồm vội dơ tay vẫy gọi. Thuyền ghé vào bờ, không ngờ gặp đúng những người đã cùng Chử Đồng Tử đi buôn. Người trên thuyền mừng rỡ kể lại hôm ấy Chử Đồng Tử lên đảo rồi lạc trong khe núi. Mọi người chia nhau tìm kiếm hồi lâu không thấy đành phải nhổ neo đi tiếp. Ai cũng nghĩ Đồng Tử không còn nữa. Chuyến buôn nay mới trọn vẹn, mọi người cho thuyền quay mũi dong buồm về đến đây, tính chuyện lên thắp nén hương. Một người nói: Vừa đúng ba năm… Chử Đồng Tử giật mình nhớ lại:
Chàng ở trên núi chỉ có ba ngày. Thì ra một ngày trên cõi tiên bằng một năm dưới hạ giới.
Tiên Dung thấy chồng đắc đạo trở về thì mừng lắm. Nàng cũng xin được truyền dạy phép thuật, cả hai vợ chồng cùng tu luyện rồi đi hành đạo, cứu nhân độ thế.
Hành đạo cứu người
Tiên Dung nói: Ta đã hằng sản hằng tâm cứu người nghèo, giúp kẻ khó, làm cho nhiều người có nhà ở, cơm ăn, áo mặc. Nhưng cái sự đau ốm, tử biệt sinh ly thì vẫn chưa làm cho trăm họ vợi đau khổ phần nào.
Chử Đồng Tử chỉ vào chiếc gậy, cái nón, nhắc lại lời ông cụ trên am cỏ nói với mình: Phép biến hóa ở cả trong hai vật này.
Phải năm phát dịch người chết rất nhiều. Có nhà chết không còn một ai. Có làng đầu xóm, cuối xóm ngày đêm vang tiếng người khóc thảm thiết.
Trước tai họa của nhân dân, Chử Đồng Tử – Tiên Dung ra tay cứu vớt. Người chết nằm đó, chỉ cần Chử Đồng Tử cầm gậy thần chỉ thẳng vào là mở mắt hồi sinh. Nghe tin làng Ông Đình chết nhiều người lắm. Chử Đồng Tử ngả nón rồi cùng Tiên Dung ngồi lên bơi vun vút qua sông. Khi hai ông bà tới nơi thì hầu như cả làng không còn bóng người, xác chết nằm phơi khắp trong nhà ngoài ngõ. Những người đang hấp hối cũng chỉ biết nằm thoi thóp thở. Chử Đồng Tử phải đến gần cầm gậy đập mấy cái liền vào từng xác chết, gọi: dậy, dậy mau! Những xác người từ từ mở mắt rồi ngồi nhỏm dậy. Khi biết mình vừa được sống lại họ quỳ lạy tạ ơn rối rít. Chử Đồng Tử cười, hỏi: Khỏe hẳn chưa? Đáp: Thưa, khỏe lắm rồi ạ. Chử Đồng Tử: Khỏe thì ra sân vật nhau cho ta xem !
Người nghe, tất thảy reo hò ầm ĩ kéo nhau ra sân ra bãi ôm nhau, vật nhau theo tiếng trống thúc dồn dập của người cầm chịch. Nhưng ngoảnh nhìn thì cứu tinh của họ, ông bà Chử Đồng Tử – Tiên Dung đã đi từ lúc nào. Hẳn là hai người tiếp tục đi đến những thôn khác, đáp ứng lời nguyện cầu của dân làng khác đang có dịch bệnh hoành hành.
Từ ngày đắc đạo, Tiên Dung đã chia hết của cải cho người nghèo trong vùng. Hai người như hai vị khách lữ hành đi khắp mọi nơi cứu nhân độ thế.
Huyền thuật hiển linh 
Một bữa nọ hai người đang bước mải miết trên đường thì trời xập tối. Làng xóm còn xa, chung quanh gò hoang, đầm nước vắng vẻ, sương đêm bốc lên lạnh lẽo. Chử Đồng Tử – Tiên Dung đều cảm thấy mỏi mệt bèn bảo nhau dừng chân tạm nghỉ. Hai người chọn nơi cao ráo, cắm chiếc gậy xuống, úp cái nón lên rồi ngồi bên dưới tựa vào vai nhau nhắm mắt thư giãn.
lau dai
Chẳng ngờ phép thuật hiển linh. Nửa đêm quanh chỗ hai người ánh sáng chói lòa. Rồi trong phút chốc cả một tòa thành quách, lâu đài, cung điện hiện ra. Trời đã sáng, dân đi làm thấy có sự lạ, bảo nhau theo đến rất đông. Người ta thấy cổng thành cờ xý rực rỡ, lính canh uy nghiêm, voi ngựa ra vào rầm rập. Nhìn vào bên trong thấy lâu đài tráng lệ, tỳ tướng, quân hầu, thị nữ đứng giàn hai bên như đang tấu trình công việc. Ngồi trên giữa chính điện là Chử Đồng Tử – Tiên Dung, mặc áo hoàng bào thêu long phượng, nét mặt oai nghiêm mà đầy nhân hậu.
Biết mình có diễm phúc được bậc thiên tiên che chở, dân các miền bảo nhau kéo về quy phục, lập thành phố xá đông vui như một nơi đô hội.
Khách phương xa tới nước mình trước khi đến Phong Châu đều dừng thuyền lên bờ vào làm lễ ra mắt Chử Đồng Tử – Tiên Dung.
Ngày tháng trôi qua, Chử Đồng Tử – Tiên Dung mải miết hành nghề cứu dân. Những lúc rỗi hai người lại ngồi bên nhau trò chuyện. Chử Đồng Tử: Từ ngày làm bạn với nàng cuộc đời ta thay đổi nhưng cũng chưa bao giờ mơ ước được có hôm nay. Tiên Dung đáp: Do có sự xếp đặt của Trời cả thôi. 
Chử Đồng Tử lại nói: Như cái sự mong muốn của ta là con người thoát cảnh nghèo nàn được sống ấm lo hạnh phúc thì đã đạt một phần. Tiên Dung lắc đầu: Con người có thể sống dư thừa ấm no, nhưng hạnh phúc thì còn tùy thuộc… Đồng Tử gật đầu:
Nàng nói chí phải. Ai chẳng biết lúc trăng tròn đầy là đẹp, nhưng không biết trăng non đầu tháng mọc nơi hoàng hôn, trăng khuyết  rụng ngay buổi bình minh nơi mặt trời mọc. Đạo ta còn phải truyền rộng..
Duyên tiếp duyên và cùng nhau thực hiện sứ mệnh
Hai người lại đi khắp bốn phương, có lần vào tới tận cửa biển Quỳnh Nhai, nay thuộc Nghệ An, khi ấy là biên giới nước ta.
Lần ấy Chử Đồng Tử – Tiên Dung vừa rời lâu đài đi tới Đông Kim (thuộc xã Đông Tảo ngày nay) thì gặp một người con gái đang cấy lúa bên đường. Thấy Chử Đồng Tử dừng ngựa nhìn cô gái, Tiên Dung hiểu ý chồng bèn đế gần nói với cô:  Em là người tiên hay người trần? Thiếu nữ trả lời: Em là Tây Sa, tiên nữ ở Tây cung xuống giả là người trần đó thôi. Cũng như hai vị, nay đã đắc đạo.
Cuộc hội ngộ hôm nay hẳn do ý trời. Tiên Dung nói: Mưu sự tại nhân, hành sự tại Thiên (con người mưu sự, nhưng thực hiện là do Trời).
Chử Đồng Tử hỏi: Ta đã học được đạo cứu giúp con người, các nàng có đi theo ta không? Cả hai nàng cùng đáp: Cứu người là việc thiện, sao chúng em lại không theo? Từ đấy Chử Đồng Tử có thêm người vợ thứ, vốn là tiên nữ Tây cung đầu thai vào một nhà họ Nguyễn có nghề thuốc nam gia truyền, dân trong vùng quen gọi là nàng Nguyễn.
Nàng Nguyễn đã về Phong Châu chữa bệnh cho vua Hùng. Khi nhà vua khỏi bệnh truyền đem lụa, gấm ra tiễn. Nàng Nguyễn cúi đầu lạy tạ, thưa chính công chúa Tiên Dung nghe tin vua cha ốm đã cử nàng về thay mặt Chử Đồng Tử – Tiên Dung báo hiếu.
Hoàn thành sứ mệnh trở về thiên quốc
chu dong tu
Ảnh: Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân
Nhưng rồi thanh thế Chử Đồng Tử – Tiên Dung ngày càng rộng lớn. Tiếng đồn về lòng nhân đức, sự cảm phục tài năng phép thuật cứu được người chết sống lại càng ngày càng xa. Thêm vào đó những lời đồn đại về cung điện nguy nga, lâu đài thành quách rộng lớn, phố chợ đông vui, nhiều người về quy phục đến tai vua Hùng, cố tình gây cho nhà vua lòng nghi ngờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung mưu đồ phản nghịch. Nghe lời sàm tấu nhà vua quyết định cử tướng mang quân đi đánh bắt Chử Đồng Tử – Tiên Dung về hỏi tội.
Quân nhà vua sát khí đằng đằng, gươm giáo sáng lóa chỉ một ngày tốc thẳng tới nơi. Nhưng vì trời tối và còn cách con sông rộng nên các tướng truyền hạ trại ngày mai sẽ tấn công bắt trói giải nghịch tử nghịch nữ về triều.
Trong lâu đài, các tướng của Chử Đồng Tử – Tiên Dung xin được ra nghênh chiến. Ai cũng muốn có dịp lập công tạ ơn Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Ai cũng muốn làm sáng tỏ nỗi oan ức vì sự hiểu lầm của vua cha.
Nhưng Chử Đồng Tử gạt đi: Việc binh đạo sát hại dân lành là điều ta trước nay không muốn. Tiên Dung cũng khuyên mọi người: Đạo làm con không được chống lại cha. Hai người truyền đóng cửa thành. Nhấc nón, nhổ gậy.
Quan quân nhà vua còn đang bàn tính. Dân trong vùng còn đang lo lắng chờ đợi. Thì nửa đêm trời nổi sấm chớp, mưa như trút nước, gió mạnh đổ rạp ngọn cây.
Tự nhiên ánh sáng chiếu lòa như giữa ban ngày, những người bạo nhất dám hé mắt nhìn ra thấy trong tiếng ầm ầm cả tòa lâu đài thành quách của Chử Đồng Tử – Tiên Dung đang bốc khỏi mặt đất rồi bay vút về trời.
Sau đó mưa tạnh, gió yên. Cho đến sáng quan quân mới dám cử người đi dò la rồi lần lượt sang sông. Đến nơi, ai nấy kinh hãi nhìn nhau vì trước mặt chỉ là một đầm nước rộng mênh mông. Cả tòa thành lớn cùng tiên chủ, quân hầu không để lại vết tích gì. Đó là đêm 17/11 Âm lịch.
dam mot dem 1
Đền Hóa Dạ Trạch- Đầm một đêm xã Khoái Châu, Hưng Yên, nổi tiếng linh thiêng, nơi Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân cùng thành quách bay về trời
  Vua Hùng hay tin, về tận nơi xem xét. Bấy giờ mới tường mọi việc. Nhà vua cho đặt tên đầm là Nhất Dạ Trạch (đầm một đêm). Lại truyền xây miếu thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung, nhà vua mở đầu lễ dâng hương, dặn nhân dân địa phương ngày đêm thờ phụng, hàng năm triều đình cử quan đại thần về làm lễ tưởng niệm. Tất cả những nơi Chử Đồng Tử – Tiên Dung đã tới truyền đạo, cứu giúp, nhân dân cũng lập đền thờ rất tôn nghiêm.
Tham khảo: Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Huyền Sử Tiên Dung Chử Đồng Tử (Nguyễn Bình 1572)
Hà Phương Linh
Theo daikynguyenvn