Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

FINANCIAL LEVERAGE RATIOS / CÁC CHỈ SỐ ĐÒN BẨY TÀI CHÍNH

ĐỊNH NGHĨA

Đòn bẩy tài chính đề cập tới việc doanh nghiệp sử dụng nguồn tài trợ từ các khoản vay thay cho vốn cổ phần. Các phép đo đòn bẩy tài chính là công cụ để xác định xác suất doanh nghiệp mất khả năng thanh toán các hợp đồng nợ. Doanh nghiệp càng nợ nhiều thì càng có nguy cơ cao mất khả năng hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Nói cách khác, nợ quá nhiều sẽ dẫn tới xác suất phá sản và kiệt quệ tài chính cao.
Về phía tích cực, nợ là một dạng tài trợ tài chính quan trọng và tạo lợi thế lá chắn thuế cho doanh nghiệp do lãi suất tiền vay được tính như một khoản chi phí hợp lệ và miễn thuế. Khi doanh nghiệp vay nợ, chủ nợ và chủ sở hữu cổ phần của doanh nghiệp có thể gặp phải những xung đột về quyền lợi. Chủ nợ có thể muốn doanh nghiệp thực hiện các khoản đầu tư ít rủi ro hơn so với mong muốn của những người đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp.
Chỉ số nợ. Chỉ số nợ được tính bằng việc chia tổng nợ cho tổng tài sản. Cũng có thể sử dụng một vài cách khác để diễn tả việc sử dụng nợ của doanh nghiệp như chỉ số nợ-vốn cổ phần và số nhân vốn cổ phần (tính bằng tổng tài sản chia cho tổng vốn cổ phần).
 Các chỉ số nợ cung cấp thông tin bảo vệ chủ nợ tình huống mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và thể hiện năng lực tiếp nhận các nguồn tài chính từ bên ngoài đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nợ được thể hiện bảng cân đối kế toán chỉ đơn thuần là một khoản chưa trả. Do vậy, không có bất kỳ sự điều chỉnh nào về mức lãi suất áp dụng (có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với thời điểm phát sinh khoản nợ) hoặc điều chỉnh do biến động rủi ro được thể hiện. Trên thực tế, giá trị kế toán của các khoản nợ có thể khác rất nhiều so với giá trị thị trường. Một số hình thức nợ không được thể hiện trên bảng cân đối kế toán như nghĩa vụ trả tiền hưu trí hay thuê tài sản.
Bao phủ lãi vay. Chỉ số bao phủ lãi vay được tính bằng cách chia thu nhập (trước thuế và lãi vay) cho lãi vay phải trả. Chỉ số này chú trọng khả năng doanh nghiệp tạo ra đủ thu nhập để trang trải lãi vay. 
Lãi vay là khoản chi phí doanh nghiệp buộc phải vượt qua nếu không muốn phá sản. Chỉ số bao phủ lãi vay liên quan trực tiếp tới khả năng trả lãi vay của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính toán sẽ chính xác hơn khi cộng thêm khấu hao vào thu nhập và tính tới các khoản chi phí tài chính khác như trả gốc vay và thanh toán phí thuê tài sản.
Một gánh nặng nợ lớn chỉ trở thành vấn đề nếu dòng tiền của doanh nghiệp không đủ để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. Điều này liên quan tới dòng tiền trong tương lai vốn rất không ổn định. Doanh nghiệp với dòng tiền trong tương lai có khả năng dự báo ổn định được đánh giá có năng lực vay nợ tốt hơn doanh nghiệp có dòng tiền cao nhưng bất ổn. Do vậy, xem xét biến động của dòng tiền là điều cần thiết và quan trọng. Một biện pháp phổ biến là tính toán độ lệch chuẩn của dòng tiền so với dòng tiền bình quân.