Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Sấm Trạng Trình

Sấm Trạng Trình - Biển Đảo





Hồ Gươm mùa Hạ 2013. Bão và Mưa. Bỗng Sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dạt dào sóng dậy, bừng bừng hùng khí non sông đất nước, vang lên, gọi người dân Việt toàn cầu:
Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững trị bình
Với người thực hành trải nghiệm và nghiên cứu Tâm linh Rồng Tiên như tôi, đây là sự lạ.
Nguyễn Bỉnh Khiêm hiển linh
Tâm trí tôi, luôn hướng thượng về Người- Nguyễn Bỉnh Khiêm (Sấm Trạng Trình- Mai Thục newvietart.com). Trong tình thế thực tại của đất nước, tôi cầu nguyện và đinh ninh Ngưyễn Bỉnh Khiêm sẽ trở về dẫn dắt cháu con.
Cách đây hơn ba tháng, tôi nói với Diệu Tâm, người bạn tâm linh rằng “ Mình mong được về làng Trung Anh- xã Lý Học- Vĩnh Bảo- Hải Phòng thắp hương khấn nguyện Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trở về”.
Ngày 11- 6- 2013. Trên ô- tô về Hội thảo khoa học Lăng mộ Công chúa Lý Kiều Oanh tại Đền Đô. Tôi và GS. TS Nguyễn Trường Tiến vui như Tết, nhắc nhớ về các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Anh Tiến đọc hai câu thơ Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Bao giờ Tiên Lãng chia đôi
Sông Hàn lại nối thì tôi lại về
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Tôi ngơ ngác hỏi: - Bao giờ?
Nguyễn Trường Tiến bảo:
- Bây giờ. Cứ ngẫm chuyện xử án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng- Hải Phòng thì biết.
Hà Nội Sáng ngày 1- 8- 2013. Sấm Trạng Trình- Biển Đảo đã vang lên trong cuộc gặp mặt tôn vinh hành động vì chủ quyền Biển Đảo Việt Nam do Trung tâm Minh triết tổ chức tại Hà Nội, trước Khuê Văn Các.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1583) là nhà tiên tri tầm Quốc tế, cùng thời với Trạng Trình phương Tây- Nhà tiên tri Nostradamus (1503- 1566). Tài tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhân dân truyền tụng ngay từ khi cụ còn sống.
Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại hai tập thơ chữ Hán và một tập thơ chữ Nôm (Bạch Vân Thi TậpTrung Tân Quán Phú). Sấm Trạng Trình hiện còn thấy qua bảy bản chữ Nôm lưu tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, trong đó có tập Sấm ký bí truyền chữ Nôm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm nói về chiến tranh:
Chiến tranh thường tự đi tìm nhau. Được thua chưa ai biết về ai. Nhưng trăm tội đổ lên đầu dân.
Nhà ở bẻ làm củi, trâu cày giết làm thịt, cướp đoạt của cải của người khác, hiếp dỗ vợ của người khác. Chỉ trông thấy cảnh tro bùn…
Người dữ thì ta miễn có lành
Làm chi đưa đến nhọc đua tranh”.
Hiện nay có nhiều sách nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng những tiên tri. Đời truyền đời, dân gian Việt luôn truyền tụng Sấm ký tìm lời giải của Nguyễn Bỉnh Khiêm cho thế sự.
Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững trị bình
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai- Giám đốc Trung tâm Minh Triết Hà Nội viết:
Vào những ngày này, Biển Đông đang trở thành một trường tranh chấp quyết liệt, đầy tính bá đạo đại Hán, đầy mưu mô hành động vừa gian ác, vừa xảo quyệt của nước lớn Trung Hoa, đang trong cơn hưng phát, thèm khát không gian sinh tồn, muốn bá chiếm Biển Đông. Hai câu thơ dự báo chiến lược của Nguyễn Bỉnh Khiêm, càng lay động từ đáy sâu của ý chí, của tâm hồn, tâm thức Biển đảo của người Việt ngàn xưa. Dân Việt cổ là cư dân của Văn hóa Biển đảo. Vạn dặm Biển Đông Trời dành cho đất Việt. Người Việt làm chủ được Biển Đông thì muôn đời, cõi Trời Đất nước Nam sẽ vững vàng trong cảnh thanh bình thịnh trị lớn lao.”
Hai câu thơ trên ở bài thơ chữ Hán Cự Ngao Đới Sơn trong Bạch Vân Am Thi Tập của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) được nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai- Giám đốc Trung tâm Minh Triết Hà Nội cho viết Thư pháp tặng những người Dân Việt đang hành động vì chủ quyền Biển đảo Việt Nam.
Cự ngao đới sơn
Bích tầm tiên sơn triệt đế thanh
Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh
Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực
Trước cước trào vô quyển địa thanh
Vạn lý Đông minh quy bá ác
Ức niên Nam cực điện long bình
Ngã kim dục triển phù nguy lực
Vãn khước quan hà cựu đế thành
Nguyễn Khắc Mai dịch nghĩa và dịch thơ:
Dịch nghĩa:
Con Rùa lớn đội núi
Nước biếc ngâm núi tiên trong tận đáy
Con rùa lớn đội được bầu ngọc mà sinh ra
Ngoi đầu lên, đá có sức vá trời
Bấm chân xuống, sóng cuồn cuộn không dội tiếng vào đất
Biển Đông vạn dặm đưa về nắm trong bàn tay
Muôn năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình
Ta nay muốn thi thổ sức phù nguy
Lấy lại quan hà, thành xưa của Tổ tiên.
Dịch thơ:
Con Rùa lớn đội núi
Núi tiên biển biếc nước trong xanh
Rùa lớn đội lên non nước thành
Đầu ngẩng trời dư sức vá đá
Dầm chân đất sóng vỗ an lành
Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững trị bình
Chí những phù nguy xin gắng sức
Cõi bờ xưa cũ Tổ tiên mình.
Bài thơ về Biển đảo Việt Nam có khoảng năm trăm năm tuổi, bây giờ vang lên dự báo chiến lược Thiên tài về nhiệm vụ làm chủ Biển Đông hôm nay, vang toàn cầu. Bài thơ hiển linh hào quang của Tổ Tiên luôn tỏa rạng, dẫn dắt chúng ta:
Ta nay muốn thi thố sức phù nguy
Lấy lại quan hà, thành xưa của Tổ tiên.
Đón nhận lời truyền dạy của Tổ tiên, những tiếng nói vang lên giữ chủ quyền Biển đảo Việt Nam. Mấy thế hệ trẻ già Nam- Bắc, trong, ngoài nước, đồng cảm, đồng tâm nhận Sấm Trạng Trình- Biển Đảo Việt Nam:
Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững trị bình
Hàng trăm tiếng nói vang lên tôn vinh những tác giả. những tác phẩm trong, ngoài nước, những chiến sĩ Nam- Bắc, những ngư dân anh hùng và hai phong trào Góp đá cho Trường Sa, Tấm lưới nghĩa tình…
Giải pháp “Dang Tay giữ Biển Đông”
Nhiều bản tham luận vang lên những kiến nghị. Trong bài viết này, chúng tôi quan tâm kiến nghị của hai học giả Đinh Hoàng Thắng và Hoàng Việt:
Giải pháp nào cho vấn đề Biển Đông trong hoàn cảnh mới”
Hai tác giả kiến nghị một “mô hình giải pháp” bao gồm năm biện pháp gồm năm chữ cái tiếng Anh, gọi là P- DOWN.
Mỗi chữ cái là một biện pháp
PPartnership (Đối tác)
D Democracy (Dân chủ)
OCoC for Ocean (Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông
WWisdom (Minh triết)
NNetwork (Kết nối)
Mô hình giải pháp đặc biệt nhấn mạnh chúng ta cần trở lại các giá trị “Dân tộc và Dân chủ”. Các giá trị thiêng liêng ấy gắn bó máu thịt với con dân Việt từ khắp góc bể chân trời.
Hai tác giả viết:
Vì thế “Lòng tin chiến lược” từng tuyên bố tại diễn đàn Shangri- La cần tiếp tục được xây dựng với chính người dân trong và ngoài dải đất hình chữ S thì mới thực thi được bài học dân chủ trong hoàn cảnh mới. Dân chủ sẽ chọn được nhân tài cho đất nước, tạo ra đồng thuận xã hội. Dân chủ sẽ phát huy thế trận lòng dân được tôi luyện qua lịch sử dựng nước và giữ nước.
Song song với tiến trình P- D- O, chúng ta có thế mạnh mẽ thúc đẩy các dự án W “Minh triết làm chủ Biển Đông”. Chương trình này xuất phát từ một dự báo Thiên tài của Tiền nhân cách đây 500 năm
“Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững trị bình
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Minh triết làm chủ Biển Đông là một tư duy mới về làm chủ dựa trên tâm thức Văn minh của Thời đại, biết bảo vệ chủ quyền của mình và tôn trọng chủ quyền của các Quốc gia khác trên cơ sở Hòa bình- Hợp tác thân thiện, biết chia sẻ trách nhiệm và lợi ích”.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan, Trưởng nhóm tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Thạc sĩ Hoàng Việt Giảng viên Đại học Luật miền Nam.
Tôi nhớ câu kết của bài tham luận “Mô hình giải pháp”:
“Mọi lý thuyết đều là màu xám. Song bạn đừng quên một loại quả lành trên đất Việt. Đó là quả bí đao, phát âm hao hao với P- DOWN. Cái “bí”, cái khó chắc chắn sẽ làm “ló” cái khôn sáng, cái minh triết để bảo vệ và giữ gìn Biển Đông cho đời nay và muôn đời sau”.
Hồ Gươm sau bão. Tôi suy ngẫm Sấm Trạng Trình- Biển Đảo trong hương trầm ngan ngát ngày đầu tháng Vu Lan- 2013 giữa Đài Nghiên- Tháp Bút.
Sách Giai thoại và Sấm ký Trạng Trình- Phạm Đan Quế (NXB Thanh Niên- 2002) trong tay, tự mở bất kỳ, tôi đọc được những lời Sấm ký- nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm hiển hiện.
Nguyễn Bỉnh Khiêm Hiển Linh
Sấm Trạng Trình
Nước Nam thường có Thánh tài
Sơn hà vững đạt ai hay tỏ tường
Bản C- Bạch Vân Ca (Sdd trang 108)
Tôi mở những trang khác, mắt bỗng sáng lên trước Sấm ký Trạng Trình trong bản Sấm ký được đánh số theo số hiệu của khổ thơ.
33.Chưa từng thấy nay đời sự lạ
Chốc lại mòng gá vạ cho dân
Muốn bình sao chẳng lấy nhân
Muốn yên sao lại bắt dân ghê mình”
(Sdd trang 97)
Tôi ngẫm ngợi và buồn bã cùng thế sự, khấn nguyện cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm xin giải pháp. Đối diện trước trang sách mở, trang 96, tôi đọc được lời giải rõ rảng hiển hiện:
30.Cùng nhau khuya sớm chăn nuôi
Chờ cơ mới sẽ ra đời cứu dân
Binh thư mấy quyển kinh luân
Thiên văn địa lý nhân dân phép màu”
(Sdd trang 96)
Niềm hạnh phúc tâm linh dâng dào dạt. Tôi chắp tay kính lạy “Hồn Thiêng Sông Núi/ Thánh Phật Tiên Rồng Mẹ Cha/ Mẫu Liễu Hạnh/ Cha Trần Hưng Đạo/ Thần Siêu Thánh Quát/ Anh linh các vị phúc Thần Đất Nước/ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm/ Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương…” luôn tỏa hào quang dẫn dắt cháu con giữ gìn non sông, Biển Đảo Việt Nam trường tồn, thịnh vượng.

Hồ Gươm Mùa Hoa Sen 2013.


Chủ quyền Biển đông qua "sấm Trạng Trình"

Bí ẩn “sấm Trạng Trình” về chủ quyền Biển Đông

Bài thơ đọng trong đó một dự báo thiên tài của cụ Trạng Trình: "Biển Đông vạn dặm giang tay giữ, Đất Việt muôn năm vững trị bình".
Ngày 7/6/2013, tại Diễn đàn Kinh tế biển ở tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm Minh triết VN trao cho đại diện Bộ TN&MT cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh hai bức trướng, với hai câu "sấm Trạng Trình" về chủ quyền Biển Đông. Diễn đàn Kinh tế biển được Bộ TN&MT phối hợp với Hiệp hội Đầu tư nước ngoài tổ chức tại Hà Tĩnh.

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai thứ hai từ phải sang tặng bức thư pháp có hai câu thơ cho lãnh đạo Bộ TN&MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Phong Cầm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam cho biết, hai câu thơ đó trích từ bài "Cự Ngao Đới Sơn" trong "Bạch Vân Am Thi Tập" của danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyên văn bài thơ:
Bích tẩm tiên sơn triệt để thanh, 
Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh.
Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực,
Trước cước trào vô quyển địa thanh.
Vạn lý Đông minh quy bả ác,
Ức niên Nam cực điện long bình.
Ngã kim dục triển phù nguy lực,
Vãn khước quan hà cựu đế thành.
(Dịch nghĩa: Con rùa lớn đội núi
Nước biếc ngâm núi tiên trong tận đáy,
Con rùa lớn đội được bầu ngọc mà sinh ra.
Ngoi đầu lên, đá có sức vá trời
Bấm chân xuống, sóng cuồn cuộn không dội tiếng vào đất.
Biển Đông vạn dặm đưa về nắm trong bàn tay,
Muôn năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình.
Ta nay muốn thi thố sức phù nguy,
Lấy lại quan hà, thành xưa của nhà vua).
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), hiệu là Bạch Vân cư sĩ, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Đậu Trạng nguyên rồi làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công, dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.
Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam, đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông, và gọi chung là "Sấm Trạng Trình".
Theo ông Mai, bài thơ trên có tuổi đã 5 thế kỷ mà bây giờ càng đọc càng thấy rất… thời sự, tưởng như “cụ Trạng Trình đang nói với chính chúng ta hôm nay”. Bài thơ nguyên là để nói cái chí của cụ Trạng Trình, nhưng lại “đọng trong đó một tư tưởng chiến lược một dự báo thiên tài: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ, Đất Việt muôn năm vững trị bình”.
Ông Mai cho rằng, hai câu thơ đầy tính dự báo chiến lược của Nguyễn Bỉnh Khiêm càng lay động từ đáy sâu của ý chí, của tâm hồn cái tâm thức biển đảo của người Việt.
Tự ngàn xưa, dân Việt đã là cư dân của văn hóa biển - đảo. Vạn dặm biển Đông phải quay về nắm lấy trong bàn tay. Làm được như vậy, mà phải làm được như vậy - làm chủ được biển Đông, thì muôn đời cõi trời, đất nước Nam này sẽ vững vàng trong cảnh thanh bình thịnh trị lớn lao!
“Đó là lời dự báo thiên tài, lời truyền dạy của tổ tiên. Nó phải được cảm nhận để hành động trên quy mô của dân tộc. Nói quay về giữ trong bàn tay có nghĩa là nói sự làm chủ của mình. Tinh thần làm chủ của chúng ta là vừa biết kiên quyết bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng, vừa biết tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các nước lân bang”, ông Mai nói.
Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, tinh thần làm chủ phải thể hiện cả ba mặt. Thứ nhất là làm chủ những vấn đề về lịch sử, pháp lý, cả những gì liên quan đến sức mạnh vật chất, tinh thần, để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thứ hai là phải xây dựng một nền kinh tế biển hoàn chỉnh hữu hiệu. Thứ ba là phát triển khoa học và văn hóa biển.
“Cả ba lĩnh vực trên là ba khâu liên hoàn, làm tiền đề, nhân quả lẫn nhau. Bảo vệ chủ quyền để phát triển kinh tế biển. Muốn phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền hữu hiệu lại phải coi trọng xây dựng các ngành khoa học biển và văn hóa biển. Đó chính là một năng lực của dân tộc để xây dựng và bảo vệ đất nước”, ông nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cũng cho biết, đọc lại bài thơ với hai câu dự báo chiến lược thiên tài, chúng ta càng khâm phục cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bao đời, nhân dân gọi Cụ như vậy vì Cụ sống vào thời Lê-Mạc (1491-1585).
Cụ đỗ Trạng nguyên, được phong tước Trình Tuyền hầu. Cụ đã đễ lại một di sản văn hóa đồ sộ, với cả ngàn bài thơ văn với những giá trị nhân văn, đầy chất triết lý, đầy tình yêu nước, thương dân, là một kho Minh triết của muôn đời. Cụ còn là nhà dự báo, tiên tri. Câu “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” là lời dự báo không chỉ cho Nguyễn Hoàng, cho đàng trong mà là cả cho Việt Nam.
Về hai chữ Việt Nam, chính cụ là người đầu tiên dùng để chỉ tên đất nước, rồi được vua Gia Long dùng làm tên nước chính thức cho đến tận hôm nay.
“Câu thơ cuối bài của cụ ta nay cũng muốn đem sức phò nguy chính là nói về chúng ta trong những nhiệm vụ làm chủ biển Đông hôm nay vậy”, ông Mai nói.
Theo Tiền Phong